Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2360/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 31 tháng 10 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH TÂY NINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 260/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc ban hành Kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính năm 2019 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 160/TTr-SGTVT ngày 28 tháng 10 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh (Có phụ lục đính kèm).

Điều 2. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và đơn vị có liên quan thực hiện các công việc sau:

1. Gửi phương án đơn giản hóa hoặc sáng kiến cải cách thủ tục hành chính không thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh cho các Bộ, ngành Trung ương xem xét, quyết định sau khi được UBND tỉnh thông qua.

2. Trình Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính sau khi được cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực thi phương án đơn giản hóa các thủ tục nêu trên.

Điều 3. Giao Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Sở Giao thông vận tải, các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND, Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Cục kiểm soát TTHC-VPCP;
- Bộ Giao thông vận tải;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP; HCC;
- Lưu: VT, VP.Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.
(VAN)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Ngọc

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2360/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)

1. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh:

1.1. Nội dung đơn giản hóa:

- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu” thành “bản phô tô” (bản sao) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải.

Lý do: Thông thường do tâm lý người dân khi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính đa số đều thực hiện công chứng. Nhưng trên thực tế để giải quyết đối với thủ tục hành chính này chỉ cần bản phô tô là Sở Giao thông vận tải đã hoàn thành việc cấp giấy phép kinh doanh cho tổ chức, cá nhân theo yêu cầu. Nếu cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và thực thi nội dung này sẽ giúp tổ chức, cá nhân giảm được chi phí và thời gian chứng thực hồ sơ.

- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ Phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Lý do: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 86/2014/NĐ-CP khi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cơ quan cấp phép “đồng thời phê duyệt Phương án kinh doanh kèm theo”. Nội dung này áp dụng vào thực tế chưa phù hợp vì việc thay đổi phương án kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải được thực hiện thường xuyên, liên tục tùy thuộc vào điều kiện hoạt động và hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị. Nếu mỗi lần thay đổi phương án kinh doanh đều phải đợi cơ quan cấp phép phê duyệt xong mới được hoạt động sẽ làm chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị. Hơn nữa việc bỏ phương án kinh doanh sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu về quản lý nhà nước đối với đơn vị vận tải.

1.2. Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi điểm b,c,d Khoản 1 Điều 21 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 34.401.780 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 17.939.880 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 16.461.900 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 48%.

2. Thủ tục cấp và cấp lại phù hiệu xe taxi, xe hợp đồng, xe vận tải hàng hoá bằng xe taxi, xe hợp đồng, xe vận tải hàng hóa bằng công - ten- nơ, xe đầu kéo, xe kinh doanh vận tải hàng hóa, xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe kinh doanh vận tải bằng xe buýt:

1.1. Nội dung đơn giản hóa:

- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu” thành “bản phô tô” (bản sao) giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản, hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã nếu xe không thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải.

Lý do: Thông thường do tâm lý người dân khi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính đa số đều thực hiện công chứng. Nhưng trên thực tế để giải quyết đối với thủ tục hành chính này chỉ cần bản phô tô là Sở Giao thông vận tải đã hoàn thành việc cấp giấy phép kinh doanh cho tổ chức, cá nhân theo yêu cầu. Nếu cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và thực thi nội dung này sẽ giúp tổ chức, cá nhân giảm được chi phí và thời gian chứng thực hồ sơ.

- Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ “Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô”.

do: Hiện nay, Cục Đăng Kiểm Việt Nam đã có phần mềm tra cứu thông tin về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô để kiểm tra trong quá trình thẩm định cấp, đổi phù hiệu. Do đó, để giải quyết đối với thủ tục hành chính này tổ chức, cá nhân không cần nộp “Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô” thì Sở Giao thông vận tải vẫn hoàn thành việc cấp phù hiệu cho tổ chức, cá nhân theo yêu cầu.

1.2. Kiến nghị thực thi:

Sửa đổi điểm b Khoản 5 Điều 55 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 569.977.040 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 278.806.020 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 291.171.020 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 51%.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2360/QĐ-UBND năm 2019 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh

  • Số hiệu: 2360/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/10/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Thanh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản