Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 236/1998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 236 /1998/QĐ-TTG NGÀY 03 THÁNG 12 NĂM 1998 VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO, LỤT Ở CÁC TỈNH MIỀN TRUNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Đoàn công tác của Chính phủ và đề nghị của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh bị thiệt hại do các cơn bão số 4, số 5, số 6 gây ra và các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp cấp bách sau đây:
- Tổ chức cứu trợ kịp thời cho các gia đình có người chết và bị thương, nhà cửa bị cuốn trôi, sập đổ; cứu đói, chống đói giáp hạt; sửa chữa nhà ở, trạm xá, trường học ; tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch và bảo đảm điều kiện đi lại của nhân dân và học tập của học sinh.
- Trong tháng 12 năm 1998, khẩn trương khôi phục và phát triển sản xuất, tập trung khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, thuỷ lợi; tạo mọi điều kiện cần thiết về vốn, giống, vật tư nông nghiệp....để khi nước rút nhân dân có thể tiến hành làm vụ Đông xuân được ngay; chăm sóc phục hồi các loại cây trồng, đàn gia súc, gia cầm... phấn đấu để vụ Đông xuân 1998 - 1999 đạt kết quả cao nhất.
Các Bộ, ngành Trung ương có liên quan chịu trách nhiệm rà soát tình hình thiệt hại của ngành mình ở địa phương để có giải pháp khắc phục; chủ động điều chỉnh kế hoạch, sử dụng ngân sách của Bộ, ngành để giúp các tỉnh tập trung giải quyết các nhu cầu cấp bách thuộc lĩnh vực Bộ, ngành mình phụ trách.
Điều 2. Ngân sách Trung ương dành 125 tỷ đồng để giải quyết các việc cấp bách sau:
1. Dành 28 tỷ đồng để cứu trợ xã hội, gồm: mai táng cho người chết, trợ cấp cho người bị thương nặng, trợ cấp cho hộ có nhà bị đổ, trôi, các hộ nghèo có nhà bị hư hại nặng, trợ cấp cứu đói cho các gia đình nghèo không còn lương thực và bị thiệt hại nặng, sửa chữa bệnh viện, trạm y tế, trường học, xử lý nước sạch... và được phân bổ cho các tỉnh như sau:
- Quảng Bình: 1,0 tỷ đồng
- Quảng Trị: 2,0 tỷ đồng
- Thừa Thiên - Huế: 3,0 tỷ đồng
- Thàng phố Đà Nẵng: 3,5 tỷ đồng
- Quảng Nam: 6,5 tỷ đồng
- Quảng Ngãi: 3,0 tỷ đồng
- Bình Định: 3,0 tỷ đồng
- Phú Yên: 1,5 tỷ đồng
- Khánh Hoà: 1,5 tỷ đồng
- Ninh Thuận: 1,0 tỷ đồng
- Bình Thuân: 1,0 tỷ đồng
- Đắc Lắc: 1,0 tỷ đồng
Bộ Tài chính, thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương sử dụng khoản kinh phí trên đây.
2. Dành 50 tỷ đồng để khôi phục các công trình giao thông, trong đó 20 tỷ đồng cấp cho Bộ Giao thông vận tải để sửa chữa, khôi phục các quốc lộ, cầu đường sắt, các cầu đường bộ trên các quốc lộ; 30 tỷ đồng cấp cho uỷ ban nhân dân các tỉnh để sửa chữa các công trình giao thông bị hư hại trên địa bàn.
Căn cứ vào mức độ thiệt hại của các công trình, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải phân bổ cụ thể cho các địa phương và hướng dẫn các tỉnh sử dụng khoản kinh phí này theo đúng các quy định hiện hành.
3. Dành 18 tỷ đồng để khôi phục, sửa chữa hệ thống đê điều (kể cả đê sông, đê biển); 29 tỷ đồng để khôi phục, sửa chữa các công trình thuỷ lợi cấp bách, nhanh chóng khôi phục sản xuất, trước hết là vụ Đông xuân 1998 - 1999.
Trên cơ sở thiệt hại thực tế của từng địa phương và từng công trình, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cụ thể các khoản kinh phí này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương.
Điều 3. Nhà nước dành 400 tỷ đồng để cho nhân dân vay khôi phục và phát triển sản xuất, bao gồm: sửa chữa, đóng mới tàu thuyền đánh cá và mua sắm ngư lưới cụ do bị bão gây thiệt hại; khôi phục các ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản và khôi phục các ruộng muối bị hư hỏng sau cơn bão.
Lãi suất cho vay là 0,5%/ tháng đối với vốn vay ngắn hạn (thời hạn hoàn trả dưới 12 tháng) và 0,6%/ tháng đối với vốn vay trung hạn (thời hạn hoàn trả dưới 5 năm).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản làm việc cụ thể với các tỉnh, căn cứ vào tình hình thiệt hại và nhu cầu thực tế để phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, căn cứ vào ý kiến xét duyệt của uỷ ban nhân dân tỉnh làm thủ tục cho vay nhanh, thuận tiện.
Điều 4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành:
1. Ngoài số vốn dành cho giao thông và thuỷ lợi nêu tại khoản 2 và 3 của Điều 2, Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì bàn với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cụ thể yêu cầu khôi phục các công trình giao thông và các công trình thuỷ lợi của các tỉnh, báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tạm ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản của kế hoạch năm 1999 cho các yêu cầu này.
2. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt việc phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường; bảo đảm đủ cơ số thuốc, dụng cụ y tế, hỗ trợ hoá chất để xử lý nước sạch; huy động lực lượng cán bộ ở Trung ương và các địa phương để phục vụ công tác phòng chữa bệnh và dập tắt dịch bệnh, tổ chức chu đáo việc cấp cứu và chữa bệnh cho nhân dân.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương khẩn trương sửa chữa trường học để ổn định việc học tập của học sinh.
4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục phát huy thành tích trong công tác chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn và giúp dân vừa qua, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội và tổ chức giúp dân khôi phục, sửa chữa nhà ở, các công trình phúc lợi xã hội, vệ sinh môi trường trong vùng.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng các quỹ dự phòng về giống, thuốc thú y cho sản xuất và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp thiết yếu cho vụ Đông xuân.
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các gia đình bị thiệt hại nặng được hoãn trả nợ và tiếp tục được vay mới để khôi phục sản xuất.
Điều 5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
- Động viên nhân dân và các nguồn lực của địa phương khẩn trương ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển sản xuất.
- Xem xét, quyết định việc miễn, giảm thuế nông nghiệp đối với nhân dân vùng bị thiệt hại theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ nâng giá các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, giống, phân bón, vật liệu xây dựng...
- Tổ chức quản lý chặt chẽ công tác tiếp nhận cứu trợ từ các nguồn (trong và ngoài nước), báo cáo với Hội đồng nhân dân và thông báo công khai việc sử dụng để nhân dân biết, kiểm tra, giám sát (cả về đối tượng, mức trợ giúp, tổng số tiền, hàng...). Sử dụng các nguồn kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng, không để thất thoát, tiêu cực.
Điều 6. Đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức cuộc vận động nhân dân, các tổ chức, đoàn thể trong cả nước giúp đỡ các tỉnh bị thiên tai. Phương thức tổ chức tiếp nhận và chuyển giao tiền, hàng cứu trợ cho các địa phương thực hiện như phương thức đã áp dụng trong cơn bão số 5 năm 1997. Để tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng sự trợ giúp của nhân dân, các tổ chức, đoàn thể trong cả nước được hiệu quả, khuyến khích việc giúp đỡ bằng tiền và rất hạn chế việc tổ chức các đoàn trực tiếp đến các địa phương thăm hỏi để tránh tốn kém, lãng phí.
Điều 7. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố miền Trung và các Bộ, ngành có liên qua cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, rút kinh nghiệm đợt bão lụt này để có giải pháp cụ thể trong vấn đề quy hoạch dân cư, xây dựng nhà ở, trường học, trạm xá và các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, thuỷ lợi cho phù hợp với đặc điểm địa hình và bão lụt trong khu vực, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do bão, lụt gây ra.
Điều 8. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành tiến hành bình xét các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả các cơn bão, lụt vừa qua để biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Điều 9. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
- 1Quyết định 736/TTg năm 1995 về việc tiếp tục phòng chống và khắc phục hậu quả bão, lụt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên -Huế, Quảng Nam -Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 720/TTg năm 1996 về việc khắc phục hậu quả bão lụt ở một số tỉnh phía bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 2Quyết định 736/TTg năm 1995 về việc tiếp tục phòng chống và khắc phục hậu quả bão, lụt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên -Huế, Quảng Nam -Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 720/TTg năm 1996 về việc khắc phục hậu quả bão lụt ở một số tỉnh phía bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 236/1998/QĐ-TTg về các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả, bão lụt ở các tỉnh miền Trung do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 236/1998/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/12/1998
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra