Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2347/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 22 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG XUNG KÍCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã;

Căn cứ văn bản số 134/TB-UBND ngày 14/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định thông báo kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại buổi kiểm tra tình hình hoạt động của Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã tại huyện Giao Thủy;

Theo đề nghị tại văn bản số 2082/SNN-CCTL ngày 24/8/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã trên địa bàn tỉnh Nam Định (Có Kế hoạch chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; (để báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh; (để báo cáo)
- Các đ/c PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- CPVP UBND tỉnh;
- Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh;
- Lưu: VP1, VP8, VP3.
KH04

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Phùng Hoan

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG XUNG KÍCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số: 2347/QĐ-UBND ngày 22/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định)

I. Mục tiêu

1. Tổ chức xây dựng, củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai tại địa phương một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tại chỗ trong phòng chống thiên tai.

2. Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

II. Yêu cầu

1. Xây dựng được các Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã có đủ năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao

1.1. Nhiệm vụ chung

- Chủ động kiểm tra việc chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, triển khai các nhiệm vụ theo phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được phê duyệt, triển khai các hoạt động theo chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã và các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trên.

- Triển khai lực lượng phân công cụ thể cho từng tổ, nhóm, các thành viên để thực hiện việc chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố công sở, bệnh viện, trạm xá, trường học, công trình đê điều, giao thông, thủy lợi,.. hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, tài sản đảm bảo an toàn.

- Kiểm tra, rà soát các điểm dự kiến sơ tán người dân đến tránh trú, sẵn sàng phương án tổ chức sơ tán, di dời người dân sống ở khu vực có nguy cơ rủi ro cao đến nơi tránh trú an toàn; xác định cụ thể số hộ, nhân khẩu của từng phương án sơ tán, di dời đối với từng thôn, xóm.

- Triển khai biện pháp cụ thể để bảo đảm hậu cần, an ninh trật tự, chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường phục vụ người dân tới tránh trú.

- Theo dõi, cập nhật liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết, thủy văn và diễn biến thực tế tình hình thiên tai trên địa bàn để thông tin, cảnh báo kịp thời, đầy đủ đến từng hộ gia đình, người dân, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thông qua hệ thống phát thanh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn

thương (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người tàn tật và người nghèo).

- Tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại (chủ động thu hoạch sớm, tiêu nước đệm và các biện pháp phù hợp để bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi,..).

- Phân công lực lượng thường trực, kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

- Tổ chức canh gác, cảnh báo, hướng dẫn người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm.

1.2. Nhiệm vụ cụ thể đối với từng khu vực

a) Khu vực các xã nội đồng

- Theo dõi sát diễn biến về mưa, lũ, lụt, ngập úng để thông báo, cảnh báo kịp thời cho chính quyền, người dân và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để chủ động các biện pháp phòng tránh.

- Triển khai phương án bảo đảm thông tin liên lạc (thông qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, loa tay, điện thoại, tin nhắn, kẻng, trống,..), phân luồng giao thông, chuẩn bị các loại vật tư, thiết bị nhu yếu phẩm dự trữ khi có yêu cầu.

- Thống kê, kiểm soát và xác định lực lượng, phương tiện của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn để sẵn sàng huy động, trưng dụng khi cần thiết.

- Tham gia với các lực lượng chức năng củng cố bờ bao, kiểm tra hệ thống kênh tiêu, tiêu thoát nước đệm ở những vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng để đề phòng mưa lũ sau bão; tổ chức vớt bèo, rác trên các kênh trục, bể hút trạm bơm để việc vận hành tiêu úng được an toàn, hiệu quả.

b) Khu vực các xã có đê sông

- Theo dõi sát diễn biến về mưa, lũ, lụt, ngập úng, thông báo, cảnh báo kịp thời cho chính quyền, người dân và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để chủ động các biện pháp phòng tránh.

- Triển khai phương án bảo đảm thông tin liên lạc (thông qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, loa tay, điện thoại, tin nhắn, kẻng, trống,..), phân luồng giao thông, chuẩn bị các loại vật tư, thiết bị nhu yếu phẩm dự trữ khi có yêu cầu.

- Thống kê, kiểm soát và xác định lực lượng, phương tiện của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn để sẵn sàng huy động, trưng dụng khi cần thiết.

- Tham gia với các lực lượng chức năng củng cố bờ bao, kiểm tra hệ thống kênh tiêu, tiêu thoát nước đệm ở những vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng để đề phòng mưa lũ sau bão; tổ chức vớt bèo, rác trên các kênh trục, bể hút trạm bơm để việc vận hành tiêu úng được an toàn, hiệu quả.

- Phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, lực lượng quản lý đê nhân dân triển khai tuần tra, canh gác đê điều thuộc địa bàn theo cấp báo động, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để kịp xử lý giờ đầu sự cố đê điều đảm bảo an toàn.

c) Khu vực các xã có đê biển

- Hướng dẫn và hỗ trợ chủ các phương tiện, người dân nuôi trồng thuỷ hải sản gia cố hoặc di chuyển lồng bè ra khỏi khu vực nguy hiểm; phối hợp với bộ đội biên phòng, cơ quan quản lý thủy sản địa phương, các ban quản lý khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão thông báo, kêu gọi tầu thuyền, liên lạc các chủ tàu, thuyền trưởng khi có bão, áp thấp nhiệt đới để thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi neo đậu, trú tránh an toàn cho người và phương tiện.

- Tham gia công tác tuyên truyền, vận động các hộ, chủ phương tiện đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo thiên tai và giữ liên lạc với thuyền trưởng, người quản lý lao động (tại các khu nuôi trồng thủy sản); vận động hoặc cưỡng chế tàu, thuyền nhỏ hoạt động gần bờ, người lao động tại khu vực nuôi, trồng thủy sản,.. vào nơi trú tránh để bảo đảm an toàn.

- Lực lượng xung kích tại các tổ đội đánh bắt xa bờ thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo về bão, áp thấp nhiệt đới, sóng to gió lớn trên biển thông tin kịp thời cho các tàu bạn để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Chủ động hỗ trợ các tàu và ngư dân gặp sự cố, kịp thời thông tin cho gia đình, chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.

- Rà soát, xác định các khu vực bị ảnh hưởng; xác định các hộ/nhân khẩu cần phải sơ tán di dời, chú trọng đến các đối tượng dễ bị tổn thương, người già, trẻ em, người khuyết tật,..

- Hỗ trợ công tác hướng dẫn, sơ tán khách du lịch và dân cư trên các khu du lịch.

- Phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, lực lượng quản lý đê nhân dân trong việc kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ an toàn các tuyến đê, kè biển xung yếu thuộc địa bàn, tham gia xử lý giờ đầu các sự cố đê điều.

2. Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã phải có số lượng, cơ cấu và tổ chức phù hợp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao

2.1. Cơ cấu tổ chức Đội xung kích phòng chống thiên tai

Đội xung kích phòng chống thiên tai làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và sự tham gia của các thành viên từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, xã (Công an; Dân phòng; Chữ thập đỏ; Đoàn thanh niên; Hội Cựu chiến binh; Hội Phụ nữ; Hội Nông dân; một số công chức chuyên môn ở xã như: Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, công chức văn phòng - thống kê, công chức văn hóa - xã hội, y tế,..), cụ thể:

a) Đội trưởng

Do Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự - Phó Trưởng Ban chỉ huy xã kiêm nhiệm.

b) Đội phó

Do Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã; Phó Trưởng công an xã và Bí thư Đoàn thanh niên xã kiêm nhiệm.

c) Đội viên

Đội viên Đội xung kích phòng chống thiên tai là những người thuộc thành phần quy định tại Điểm 2.1 - Mục 2 do Ban chỉ huy xã lập danh sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định và được rà soát, kiện toàn hàng năm.

d) Tổ, nhóm xung kích phòng chống thiên tai

Đội xung kích phòng chống thiên tai được cơ cấu gồm các Tổ tại mỗi thôn (tổ dân phố) và các Nhóm chuyên môn.

- Tổ xung kích phòng chống thiên tai: Được lập ở các thôn, xóm; Tổ trưởng do Thôn đội trưởng dân quân tự vệ hoặc Trưởng thôn, xóm kiêm nhiệm.

- Nhóm chuyên môn: Thông tin liên lạc, hậu cần; y tế; an ninh trật tự; thống kê thiệt hại, xác định nhu cầu cứu trợ;.. Trưởng các nhóm do công chức phụ trách lĩnh vực, lãnh đạo công an xã hoặc trưởng các tổ chức, đoàn thể xã kiêm nhiệm.

2.2. Số lượng thành viên Đội xung kích phòng chống thiên tai (Có phụ lục số I kèm theo)

3. Trang thiết bị cho Đội xung kích phòng chống thiên tai phải đảm bảo theo quy định và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao (Có phụ lục số II kèm theo)

III. Giải pháp

1. Giải pháp chung

- Kiện toàn, xây dựng Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở đảm bảo cơ cấu, năng lực, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ khi có thiên tai xảy ra.

+ Giai đoạn 1 (đến hết năm 2020): Xây dựng điểm Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở tại 9 xã, thị trấn thuộc 3 huyện ven biển.

+ Giai đoạn 2 (đến hết năm 2021): Kiện toàn, xây dựng Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở tại tất cả các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai.

- Đầu tư trang bị, thiết bị cho Đội xung kích phòng chống thiên tai cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tại chỗ trong phòng chống thiên tai.

- Bố trí kinh phí đảm bảo các điều kiện hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở.

2. Giải pháp cụ thể

a) Giải pháp huy động nhân lực

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế tại địa phương nắm chắc số lượng người, khả năng huy động nhân lực đảm bảo Đội xung kích phòng chống thiên tai sẵn sàng tham gia hoạt động ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn khi được huy động làm nhiệm vụ.

b) Giải pháp về trang bị, thiết bị

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn huy động nguồn lực tài chính của địa phương, nguồn quỹ phòng, chống thiên tai, nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên và nguồn xã hội hóa để đầu tư mua sắm trang bị, thiết bị, xin cấp vật tư nhằm nâng cao hiệu quả khi tham gia làm nhiệm vụ.

c) Công tác đào tạo, tập huấn

Công tác tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai cho Đội xung kích phòng chống thiên tai phải được diễn ra thường xuyên, liên tục.

Nội dung tập huấn phải sát với thực tế nhằm đạt hiệu quả cao khi làm nhiệm vụ. Một số nội dung tập huấn: Kỹ năng phòng tránh một số loại hình thiên tai, kỹ năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phương án ứng phó một số tình huống thiên tai, một số kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản, thực hành kiểm tra thực tế hiện trường, cảnh báo, sơ tán người dân,..

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định hướng dẫn các địa phương thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai theo hướng dẫn tại Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai.

- Kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức, hoạt động của Đội xung kích phòng chống thiên tai.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai cho Đội xung kích phòng chống thiên tai tại 9 xã điểm thuộc 3 huyện ven biển trong năm 2020.

- Căn cứ tiến độ thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai tại các huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai cho Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định

- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng, củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai; hướng dẫn hoạt động và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này; định kỳ báo cáo kết quả về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

- Chỉ đạo phòng chức năng của huyện bố trí kinh phí, tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và hộ đê cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai.

- Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng, trình duyệt dự toán kinh phí, chi trả phụ cấp và các chế độ chính sách khác đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai.

4. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn

- Ban hành quyết định thành lập, kiện toàn Đội xung kích phòng chống thiên tai.

- Ban hành quy chế phối hợp giữa Đội xung kích phòng chống thiên tai với các cơ quan, tổ chức tại địa phương trong hoạt động phòng, chống thiên tai.

- Xây dựng, trình duyệt dự toán chi, thanh toán kinh phí phụ cấp và thực hiện các chế độ, chính sách đối với các thành viên Đội xung kích phòng chống thiên tai theo Kế hoạch này và các quy định của nhà nước.

- Kiểm tra, giám sát kết quả hoạt động của Đội xung kích phòng chống thiên tai, định kỳ báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố.

V. Chế độ, chính sách và khen thưởng, kỷ luật

1. Chế độ, chính sách cho lực lượng xung kích khi được huy động làm nhiệm vụ

Thực hiện theo mục VII - Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

2. Khen thưởng, kỷ luật

- Cá nhân, tập thể Đội xung kích phòng chống thiên tai có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao thì được xét khen thưởng theo quy định chung về thi đua, khen thưởng.

- Cá nhân thuộc Đội xung kích phòng chống thiên tai có hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp do lỗi vi phạm mà gây ra thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

VI. Kinh phí thực hiện

Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch, bao gồm: Ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác./.

 

PHỤ LỤC I

SỐ LƯỢNG THÀNH VIÊN ĐỘI XUNG KÍCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
(Kèm theo Quyết định số 2347/QĐ-UBND ngày 22/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định)

Đơn vị: Người

TT

Dân quân tự vệ cơ động

Công an xã (phường)

Hội Chữ thập đỏ

Hội Cựu chiến binh

Đoàn thanh niên

Hội Phụ nữ

Công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng

Công chức văn phòng - thống kê

Công chức văn hóa - xã hội

Y tế xã (phường)

Cán bộ thôn (tổ dân phố)

Tổng

1

Khu vực các xã nội đồng

Số lượng

35

7

1

4

6

6

1

1

1

3

5

70

2

Khu vực các xã có đê sông

Số lượng

50

9

1

4

7

6

1

1

1

3

7

90

3

Khu vực các xã có đê biển

Số lượng

61

11

2

5

9

6

1

1

1

4

9

110

 

PHỤ LỤC II

TRANG THIẾT BỊ CHO ĐỘI XUNG KÍCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
(Kèm theo Quyết định số 2347/QĐ-UBND ngày 22/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định)

TT

Trang thiết bị

Đơn vị tính

Các xã nội đồng

Các xã có đê sông

Các xã có đê biển

1

Loa cầm tay

Cái

15

15

15

2

Trống hoặc kẻng báo hiệu

Cái

5

7

7

3

Nhà bạt các loại (16,5m2; 24,75m2)

Chiếc

2

2

3

4

Đèn pin

Cái

70

90

110

5

Ủng đi mưa

Đôi

70

90

110

6

Áo mưa bộ

Cái

70

90

110

7

Áo phao

Cái

70

90

110

8

Phao cứu hộ

Cái

40

40

50

9

Mũ bảo hộ lao động

Cái

70

90

110

10

Máy cưa chạy xăng

Cái

2

2

2

11

Máy phát điện xách tay

Cái

2

2

2

12

Xe cải tiến

Xe

10

10

10

13

Xà beng

Cái

5

5

5

14

Xẻng

Cái

35

35

30

15

Cuốc

Cái

35

35

30

16

Búa tạ

Cái

5

5

5

17

Dao

Cái

20

20

20

18

Vồ

Cái

10

10

10

19

Dây thừng cứu hộ

m

500

500

500

20

Can nước (loại 10l, 20l)

Cái

10

10

10

21

Tre, nứa

Cây

50

50

50

22

Chăn chiên

Cái

10

10

10

23

Thau nhôm, nhựa, xô xách nước

Cái

30

30

30

24

Bình cứu hỏa

Bình

5

5

5

25

Xăng

Lít

20

20

20

26

Túi y tế sơ cấp cứu

Cái

8

8

5

27

Thiết bị y tế

Bộ

5

5

5

28

Sổ sách ghi chép

Quyển

70

90

110

29

Xuồng, ca nô cứu hộ

Cái

-

2

3

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2347/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt kế hoạch xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã trên địa bàn tỉnh Nam Định

  • Số hiệu: 2347/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/09/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Nguyễn Phùng Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản