Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2338/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 03 tháng 08 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH PHÒNG VÀ TRỊ LIỆU RỐI NHIỄU TÂM TRÍ TẠI TRUNG TÂM ĐIỀU DƯỠNG NGƯỜI TÂM THẦN QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 115/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 18/7/2012 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Thông tư số 98/2017/TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ Tài chính Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 116/TTr-LĐTBXH ngày 03/7/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam, cụ thể như sau:

Đề án xây dựng mô hình “Phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí” tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam nhằm thực hiện việc can thiệp và phòng ngừa sớm cho người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác, giúp giảm bớt số người tâm thần mãn tính vào các cơ sở trợ giúp xã hội; mặt khác giúp cho các gia đình phát hiện sớm người thân bị rối nhiễu tâm trí để có biện pháp chăm sóc kịp thời, tránh gây ra các tổn thương bệnh lý tâm thần suốt đời.

1. Mục tiêu của Đề án

Hình thành đưa vào hoạt động phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam trong giai đoạn 2018 - 2020 làm cơ sở cho việc phát triển mô hình phòng chống rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; lồng ghép giữa y tế và công tác xã hội trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020. Mô hình sẽ góp phần đưa công tác phòng chống rối nhiễu tâm trí ngay ở tuyến cơ sở thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện, giúp giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên và đưa ra được giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác xã hội mang tính chuyên nghiệp, cụ thể:

- Thực hiện tốt việc thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi người bị rối nhiễm tâm trí và người bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý 100% số người bị rối nhiễu tâm trí được phát hiện.

- 50% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được phát hiện, can thiệp và phòng ngừa sớm để được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác;

- 50% gia đình có người tâm thần, 50% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị bệnh tâm thần đến sàng lọc đánh giá tại trung tâm được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng;

- Đưa mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam sẽ trở thành cơ sở chính đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tâm trí của người dân Quảng Nam.

2. Nội dung Đề án

- Thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh;

- Thực hiện quản lý trường hợp (quản lý ca) người rối nhiễu tâm trí được phát hiện, người tâm thần tại trung tâm và người tâm thần đã được hòa nhập tại cộng đồng;

- Khám sàng lọc sử dụng các công cụ sàng lọc và các phương pháp đánh giá phù hợp nhằm phát hiện các vấn đề về rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần làm cơ sở thực hiện chẩn đoán xác định rối nhiễu tâm trí/bệnh tâm thần

- Tư vấn trị liệu, điều trị tại gia đình; thực hiện quản lý trường hợp kết hợp với khám chữa bệnh ban đầu cho đối tượng;

- Trị liệu tâm lý; hỗ trợ khám, chữa bệnh điều trị tại gia đình; thực hiện chuyển tuyến lên bệnh viện chuyên khoa các trường hợp nặng hoặc phục hồi chức năng tại trung tâm

- Phối hợp với các cơ quan chức năng, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam để can thiệp khẩn cấp, nuôi dưỡng tạm thời, trợ giúp đối tượng;

- Tư vấn và trợ giúp đối tượng tiếp cận các dịch vụ xã hội; trợ giúp học văn hóa, học nghề, tìm việc làm, nâng cao thu nhập và vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần;

- Phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi trung tâm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.

- Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ cho liên quan ở cộng đồng, thành viên các gia đình về chăm sóc và phục hồi chức năng của người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí;

- Sửa chữa, nâng cấp khu nhà chăm sóc tạm thời, trị liệu và phục hồi chức năng (gọi chung là khu nhà đa năng)

- Thực hiện mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của mô hình.

3. Kinh phí thực hiện Đề án

Kinh phí thực hiện Đề án được hỗ trợ từ nguồn Trung ương (Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội) và kinh phí địa phương, cụ thể:

3.1. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện là: 10.300.000.000đ (Mười tỷ ba trăm triệu đồng), trong đó:

- Nguồn kinh phí TW hỗ trợ: 10.000.000.000đ (Mười tỷ đồng), trong đó:

+ Hỗ trợ năm 2017: 2 tỷ đồng (được bảo lưu)

+ Hỗ trợ năm 2018: 4 tỷ đồng

+ Đề nghị TW tiếp tục hỗ trợ : 4 tỷ đồng (đã ghi trong kế hoạch của TW, năm 2019: 2 tỷ đồng; năm 2020: 2 tỷ đồng).

- Nguồn kinh phí địa phương (ngân sách tỉnh): 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng), gồm:

+ Năm 2018: 100.000.000đ

+ Năm 2019: 100.000.000đ

+ Năm 2020: 100.000.000đ

3.2. Nội dung chi nguồn kinh phí TW hỗ trợ: 10 tỷ đồng

- Sửa chữa, nâng cấp khu nhà chăm sóc tạm thời, trị liệu và phục hồi chức năng (gọi chung là khu nhà đa năng): 9.000.000.000 đồng (Chín tỷ đồng), trong đó:

+ Xây khu nhà đa năng 300m2, dự kiến: 8,5 tỷ đồng

+ Trang thiết bị bên trong: 0,5 tỷ đồng

- Chi mua mua sắm thiết bị phục hồi chức năng; trang thiết bị, thu thập thông tin, quản lý dữ liệu, truyền thông: 1 tỷ đồng.

33. Dự trù chi nguồn kinh phí địa phương: 300.000.000 đồng

- Chi hoạt động trị liệu, phục hồi chức năng 3 năm : 150.000.000đ

- Nuôi dưỡng khẩn cấp 20 ca/năm/1.200.000đ/ca/3 năm: 72.000.000đ

- Giám sát, đánh giá, hội nghị, tổng kết đề án : 78.000.000đ

4. Thời gian thực hiện mô hình

Mô hình được triển khai trong 3 năm: Từ năm 2018 đến năm 2020.

5. Địa điểm và đơn vị thực hiện

Mô hình được triển khai tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam triển khai thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra và thanh, quyết toán theo đúng quy định, báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT HĐND, UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT,VX;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2338/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án xây dựng mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam

  • Số hiệu: 2338/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/08/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Lê Văn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản