Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2337/2005/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 11 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 61/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phát hành Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật;

Căn cứ Quyết định số 355/1999/QĐ-TP ngày 22 tháng 11 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Về việc ban hành Quy chế xây dựng quản lý và khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-UB ngày 13 tháng 7 năm 1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bưu điện văn hoá; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




 Cao Tấn Khổng

 

QUY CHẾ

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2337/2005/QĐ-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2005 của UBND tỉnh Bến Tre)

CHƯƠNG I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tủ sách pháp luật

Tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ và tổ chức sử dụng tài liệu, sách, báo pháp lý để phục vụ công tác của cán bộ chính quyền và đoàn thể; phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân; là biện pháp tăng cường giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ cơ sở.

Điều 2. Phạm vi xây dựng và đối tượng phục vụ:

Phạm vi xây dựng:

a. Tủ sách pháp luật được xây dựng tại xã, phường, thị trấn; khuyến khích xây dựng Tủ sách pháp luật đến ấp, khu phố.

b. Khuyến khích xây dựng Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Những nơi này nếu chưa có điều kiện xây dựng Tủ sách pháp luật thì phải có ngăn sách pháp luật.

2. Đối tượng phục vụ:

a. Đối với Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn:

- Cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ, công chức cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân…);

- Đoàn thể quần chúng (Tổ hoà giải, Ban Thanh tra nhân dân…);

- Nhân dân địa phương.

b. Đối vói Tủ sách, ngăn sách pháp luật ở các cơ quan, tổ chức: cán bộ quản lý, công chức, cán bộ quản lý, công chức, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội và những người làm việc trong các cơ quan tổ chức khác.

c. Đối với Tủ sách, ngăn sách pháp luật ở doanh nghiêp, Đồn biên phòng; cán bộ, công chức, người sử dụng lao động, người lao động, cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đó.

d. Đối với tủ sách, ngăn sách pháp luật trong các trường học: cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên.

đ. Đối với ngăn sách pháp luật tại Bưu điện văn hoá: nhân dân địa phương.

Ngoài các đối tượng phục vụ thường xuyên, tủ sách pháp luật cón có thể phục vụ cho những đối tượng khác có nhu cầu.

Điều 3. Nhiệm vụ của Tủ sách pháp luật:

Tủ sách pháp luật có các nhiệm vụ sau đây:

1. Tập hợp, lưu giữ, phổ biến và quản lý tài liệu, sách, báo pháp lý;

2. Giúp cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân tiếp cận, tìm hiểu pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.

3. Giúp cán bộ chính quyền cơ sở, chủ doanh nghiệp vận dụng đúng pháp luật để giải quyết công việc ở địa phương, doanh nghiệp; giúp nhân dân chấp hành đúng.

4. Cùng với các hình thức sinh hoạt văn hoá khác góp phần năng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật:

1. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua Tủ sách pháp luật phải đảm bảo hoạt động ổn định, lâu dài. Tuỳ theo tình hình thực tế địa phương mà đầu tư cho hình thức của Tủ sách nhưng phải bảo đảm việc khai thác sử dụng có hiệu quả. Tài liệu trong Tủ sách phải được trưng bày có thẩm mỹ và khoa học.

2. Việc đầu tư cho nội dung của Tủ sách pháp luật cần căn cứ vào đối tượng phục vụ của Tủ sách. Địa điểm đặt Tủ sách pháp luật phải đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sử dụng. Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn được đặt tại trụ sở của UBND. Các Tủ sách pháp luật và ngăn sách pháp luật của các đơn vị khác được đặt tại nơi thuận tiện.

3. Tủ sách pháp luật tại địa bàn dân cư chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Tủ sách pháp luật tại cơ quan, doanh nghiệp, trường học thì chịu sự quản lý của các đơn vị này. Cơ quan Tư pháp, Văn hoá thông tin quản lý và hướng dẫn về nghiệp vụ.

4. Phải xây dựng và niêm yết nội quy của Tủ sách pháp luật tại nơi đặt tủ sách. Nội quy của Tủ sách pháp luật có các nội dung chủ yếu: thời gian phục vụ; hình thức phục vụ; quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật; trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và bồi thường thiệt hại của người đọc, người mượn khi làm mất, làm hỏng tài liệu, sách, báo pháp lý.

Điều 5: Kinh phí xây dựng và duy trì Tủ sách pháp luât:

1. Đối với Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn: kinh phí xây dựng và duy trì Tủ sách pháp luật được lấy từ ngân sách xã, phường, thị trấn theo mức chi được hướng dẫn tại Phần II, điểm 2 của Thông tư 05/1999/TTLT-TC-TP ngày 28 tháng 01 năm 1999 của liên Bộ Tư pháp – Tài chính.

Mức chi cho việc đầu tư bổ sung đầu sách hàng năm của mỗi tủ sách là 1.200.000đồng (theo tinh thần Công văn số 105/TCVG ngày 24/02/1999 của Sở Tài chính - Vật giá).

2. Đối với Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật tại doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bưu điện văn hoá, đồn biên phòng; kinh phí cho đầu tư xây dựng và bổ sung đầu sách được trích từ kinh phí hoạt động và căn cứ vào nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tình hình tài chính của các đơn vị.

Điều 6: Nội dung của Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật:

1. Tủ sách pháp luật phải có tài liệu, báo pháp lý theo danh mục hướng dẫn thống nhất của Bộ Tư pháp gồm:

a. Văn bản quy phạm pháp luật: Công báo, các tập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, sách hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân và chính quyền địa phương;

b. Sách pháp luật phổ thông: Sách hỏi – đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, các tài liệu tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

c. Sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành;

d. Báo pháp luật của Trung ương và địa phương;

2. Ngoài các sách, báo pháp luật trên, tuỳ theo điều kiện từng địa phương có thể chọn lọc các loại sách, tài liệu khác có nội dung pháp luật để phục vụ cán bộ, nhân dân.

CHƯƠNG II

QUẢN LÝ, KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT          

Điều 7. Phụ trách Tủ sách pháp luật:

1.Đối với Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn:

Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn giao cho cán bộ chuyên trách công tác Tư pháp phụ trách Tủ sách pháp luật.

2. Đối với Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật tại cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bộ đội biên phòng, bưu điện văn hoá; Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào tiêu chuẩn để giao người phụ trách.

3. Người phụ trách Tủ sách pháp luật cần có những tiêu chuẩn sau:

a. Có trình độ văn hoá tốt nghiệp THPT trở lên.

b. Có hiểu biết về pháp luật.

c. Có lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm.

Điều 8. Nhiệm vụ của người phụ trách Tủ sách pháp luật:

Người phụ trách Tủ sách pháp luật có các nhiệm vụ sau đây:

1. Cho mượn và hướng dẫn việc sử dụng tài liệu, sách, báo pháp lý. Việc cho mượn phải mở sổ theo dõi. Trước khi cho bạn đọc mượn hay trả, phải tiến hành kiểm tra tình trạng của sách và có ghi chú cụ thể, nếu sách bị hư hỏng, mất mát do lỗi của bạn đọc thì yêu cầu bồi thường theo nội quy.

2. Nắm vững pháp luật để hỗ trợ, giúp dỡ, hướng dẫn bạn đọc tìm hiểu, tra cứu theo quy phạm pháp luật; giải đáp kịp thời các thắc mắc khi bạn đọc có yêu cầu.

3. Bảo quản trang thiết bị của tủ sách; tài liệu, sách, báo pháp lý trong tủ sách theo quy định đối với tài sản công;

4. Phối hợp với nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở để thực hiện các phương thức khai thác tủ sách pháp luật. Tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân và học sinh đọc, tìm hiểu các loại tài liệu, sách, báo pháp luật có trong Tủ sách.

5. Thực hiện những nhiệm vụ thuộc nghiệp vụ thư viện, duy trì giờ đọc, phục vụ đọc tại chỗ, cho mượn về nhà, niêm yết nội quy phòng đọc.

6. Thực hiện các hướng dẫn về nghiệp vụ Tủ sách pháp luật của cơ quan tư pháp; Nắm nhu cầu của bạn đọc về lĩnh vực pháp luật cần tìm hiểu và đề xuất bổ sung đầu sách.

7. Phối hợp với điểm bưu điện văn hoá xã, thư viện, bộ đội biên phòng để luân chuyển sách, báo, tài liệu.

Điều 9. Quyền lợi của người phụ trách Tủ sách pháp luật:

1. Được tập huấn về nghiệp vụ xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật, nghiệp vụ pháp lý.

2. Được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước khi có thành tích xuất sắc trong việc quản lý tủ sách và phổ biến giáo dục pháp luật.

Điều 10. Kiểm kê, bảo quản, sách báo và bảo vệ tủ sách:

1. Cuối năm người phụ trách Tủ sách kiểm kê sách có trong tủ bằng việc đối chiếu giữa sổ đăng ký cá biệt với số sách hiện có và sổ mượn sách của bạn đọc. Việc kiểm kê phải có biên bản xác nhận, đề xuất việc thanh lý đối với sách, báo hư hỏng, bổ sung những đầu sách cần thiết.

2. Người phụ trách tủ sách và bạn đọc phải có ý thức giữ gìn sách, báo để sách báo được sử dụng lâu hơn, bền hơn. Riêng Công báo phải được đóng thành quyển theo năm để dễ tra cứu. Đối với tủ sách phải được bố trí xa các vật có thể gây cháy, gây ẩm ướt. Để sử dụng lâu dài thì người phụ trách phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt trừ mối mọt, chuột gián… bằng hoá chất.

Điều 11. Thời gian phục vụ và hình thức phục vụ:

1. Tủ sách pháp luật phục vụ hàng ngày theo giờ làm việc của UBND xã, phường, thị trấn.

2. Có hai hình thức phục vụ:

- Đọc, nghiên cứu tài liệu sách, báo tại chỗ;

- Cho mượn sách, báo, tài liệu pháp luật.

Điều 12: Điều kiện và thủ tục mượn sách, báo, tài liệu pháp luật:

1. Các đối tượng phục vụ của Tủ sách pháp luật khi có nhu cầu tìm hiểu pháp luật thì liên hệ với người phụ trách Tủ sách pháp luật để được hướng dẫn và được nghe giải đáp nếu có yêu cầu.

2. Tất cả các sách, báo, tài liệu pháp luật cho mượn đều được ghi vào sổ mượn sách (có mẫu). Trước khi cho người đọc mượn hay trả, phải tiến hành kiểm tra tình trạng của sách và có ghi chú cụ thể, nếu sách bị rách do lỗi của bạn đọc thì yêu cầu bồi thường theo quy định của nội quy.

Điều 13: Trách nhiệm của người đọc:

1. Thực hiện nghiêm túc nội quy của Tủ sách pháp luật.

2. Bảo quản, giữ gìn tài liệu, sách, báo của Tủ sách.

3. Trả tài liệu, sách, báo đúng thời hạn.

4. Bồi thường theo quy định nếu làm mất mát, hư hỏng.

Điều 14: Luân chuyển sách pháp luật:

1. Để khai thác có hiệu quả và mở rộng đối tượng phục vụ của Tủ sách pháp luật 3 tháng/1lần thực hiện việc luân chuyển sách, báo, tài liệu pháp lý của Tủ sách pháp luật với Bưu điện văn hoá xã.

2. Những loại sách, báo được luân chuyển và không được luân chuyển.

a. Những loại sách, báo cần luân chuyển:

- Sách bình luận, hỏi đáp, giải thích pháp luật;

- Báo, tạp chí của Trung ương và địa phương.

b. Những loại sách, báo không được luân chuyển:

- Sách văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương;

- Sách tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở.

3. Điều kiện luân chuyển:

a. Vốn sách, tài liệu phải tương đối phong phú, đa dạng, nội dung phải thiết thực.

b. Cán bộ quản lý tủ sách có nghiệp vụ quản lý, khai thác tủ sách.

c. Nơi luân chuyển sách đến phải khang trang, có nơi ngồi đọc cho nhân dân, có đủ tủ, giá để chứa sách luân chuyển.

4. Thủ tục luân chuyển:

a. Nhân viên Bưu điện văn hoá trực tiếp đến gặp người được giao quản lý Tủ sách pháp luật tiếp nhận các loại sách. Việc chuyển giao phải tiến hành lập biên bản và các bên cùng ký nhận;

b. Sau khi nhận được tài liệu, bên nhận có trách nhiệm: bảo quản, giới thiệu sách báo được luân chuyển tới bạn đọc; theo dõi số người đọc và thông báo với người phụ trách Tủ sách pháp luật về nhu cầu tìm hiểu các lĩnh vực pháp luật của nhân dân để có kế hoạch phối hợp bổ sung đầu sách;

c. Khi hết thời hạn luân chuyển, cán bộ bên nhận tài liệu lập biên bản trao trả tài liệu; tiếp tục tiếp nhận một đợt sách, báo, tài liệu pháp lý mới.

CHƯƠNG III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn:

1. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập Tủ sách pháp luật.

2. Theo dõi, chỉ đạo người phụ trách tủ sách khai thác sử dụng Tủ sách pháp luật của địa phương có hiệu quả;

3. Hàng năm phải duyệt cấp kinh phí để chi cho đầu tư bổ sung đầu sách đúng mức quy định (1.200.000 đồng).

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan Tư pháp:

1. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp định kỳ hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo xây dựng Tủ sách pháp luật ở địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; Phối hợp với Thư viện tỉnh mở rộng tập huấn về nghiệp vụ thư viện cho người phụ trách Tủ sách pháp luật. Lập danh mục những loại sách pháp luật cần thiết thông báo cho UBND cấp xã theo định kỳ hàng quý để những nơi này bổ sung đầu sách mới.

2. Ban Tư pháp giúp UBND xã, phường, thị trấn phụ trách Tủ sách pháp luật; khai thác sử dụng có hiệu quả Tủ sách pháp luật với điểm Bưu điện văn hoá, tủ sách của Bộ đội biên phòng. Lập danh mục đề nghị UBND cấp kinh phí mua bổ sung cho Tủ sách; Huy động các tài liệu, sách, báo pháp lý sẵn có trong cán bộ, nhân dân để xây dựng Tủ sách pháp luật; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân ủng hộ tài liệu, sách, báo pháp lý cũng như các điều kiện vật chất khác hỗ trợ cho tủ sách.

Điều 17. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, đồn biên phòng:

Chỉ đạo đơn vị đầu tư cho Tủ sách, ngăn sách pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ phụ trách tủ sách được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ thư viện.

Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm:

Trong quá trình thực hiện quy chế này các tổ chức, cá nhân có vai trò tích cực trong việc xây dựng, khai thác và sử dụng có hiệu quả Tủ sách pháp luật thì được khen thưởng; tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2337/2005/QĐ-UBND Ban hành quy chế xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 2337/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/07/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Tấn Khổng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/07/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 19/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản