Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2334/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 24 tháng 7 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 20/TTr-SPCCC-TH ngày 06/6/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

ĐỀ ÁN

CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Đề án cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 được xây dựng dựa trên các căn cứ pháp lý sau:

- Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

- Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC);

- Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020;

- Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC và CNCH;

- Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

- Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

- Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 09/4/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

- Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 29/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, lập lại trật tự, kỷ cương giao thông;

- Kế hoạch số 7940/KH-UBND ngày 11/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

- Kế hoạch số 9352/KH-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai thực hiện Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến công tác CNCH

a) Đặc điểm về địa lý, dân cư, kinh tế, xã hội

Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ với dân số trên 2,8 triệu người, diện tích trên 5,9 nghìn km2. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 171 đơn vị cấp xã. Tỉnh Đồng Nai có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông với nhiều tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51; tuyến đường sắt Bắc - Nam và tuyến đường thủy nội địa. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai có những bước phát triển quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức độ cao, giai đoạn 2006 – 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân là 13,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (năm 2011 công nghiệp, xây dựng 57,3%; dịch vụ 35,2%; nông lâm nghiệp 7,5%). Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

b) Tình hình cháy, nổ và tai nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến năm 2012 liên quan đến công tác CNCH:

- Về tình hình cháy, nổ: Đã xảy ra 237 vụ (cháy 224 vụ, nổ 13 vụ), làm chết 31 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trên 473 tỷ đồng. Các công ty, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp tập trung chủ yếu làm bằng khung sắt, mái tôn nên khi cháy lớn xảy ra thường bị sập đổ, do vậy lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai, ngoài chức năng, nhiệm vụ là triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, ngăn chặn đám cháy phát triển, hạn chế thấp nhất thiệt hại thì phải xác định người, tài sản còn mắc kẹt trong đám cháy để tổ chức CNCH; công tác cứu người được xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC.

- Về tình hình tai nạn giao thông (TNGT): Đã xảy ra 2.029 vụ (đường bộ 1.929 vụ; đường sắt 82 vụ; đường thủy 18 vụ), làm chết 1.952 người, bị thương 1.537 người, thiệt hại về tài sản hàng trăm tỷ đồng. Trong đó số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng là 32 vụ (đường bộ 29 vụ, đường sắt 02 vụ, đường thủy 01 vụ); rất nghiêm trọng là 185 vụ làm chết 332 người, bị thương 183 người. Khi xảy ra TNGT, các lực lượng chức năng như Công an, Quân đội, Y tế, Giao thông vận tải đều phối hợp giải quyết, khẩn trương cứu người, hạn chế thấp nhất thương vong xảy ra.

- Về tình hình tai nạn lao động nghiêm trọng: Đã xảy ra 143 vụ, làm chết 133 người, bị thương nặng 687 người, thiệt hại về tài sản trên 15.760.000.000 đồng. Ngoài ra còn rất nhiều vụ tai nạn lao động khác với mức độ khác nhau cần được CNCH.

2. Công tác cứu nạn, cứu hộ

a) Công tác quản lý nhà nước về CNCH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Trong những năm qua, công tác CNCH luôn được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 06/01/2012 về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và CNCH; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 09/4/2012 về tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và CNCH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 29/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, lập lại trật tự, kỷ cương giao thông; Kế hoạch số 7940/KH-UBND ngày 11/11/2011 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Kế hoạch số 9352/KH-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai về triển khai thực hiện Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

Thời gian qua, các ngành chức năng như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Cảnh sát PCCC, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, các ngành có liên quan và các địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ CNCH trong các vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, các sự cố sập đổ công trình, nhà cửa xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đã duy trì chế độ trực ban, trực chiến để tiếp nhận thông tin và bố trí lực lượng giải quyết kịp thời các sự cố, tai nạn.

Tuy nhiên, việc xây dựng các kế hoạch, quy chế phối hợp giữa các ngành; việc phân công trách nhiệm trong hoạt động tổ chức CNCH đối với các tình huống cụ thể chưa thực hiện được nên hiệu quả còn hạn chế; lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ CNCH của các ngành, địa phương chưa được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu nghiệp vụ CNCH và trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng còn thiếu nên việc CNCH trong hầu hết các vụ tai nạn, sự cố xảy ra còn hạn chế, hiệu quả thấp, có nhiều vụ phải trưng dụng phương tiện chuyên dùng của Trung tâm cứu hộ hoặc các dịch vụ cứu hộ để giải quyết.

b) Thực trạng lực lượng và phương tiện CNCH chuyên nghiệp

- Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai hiện có 06 phòng nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ CNCH (gồm Phòng Hướng dẫn về chữa cháy và CNCH, 05 Phòng Cảnh sát PCCC địa phương); mỗi phòng thành lập 01 Đội CNCH chuyên nghiệp, mỗi đội biên chế từ 12 đến 18 cán bộ, chiến sỹ.

Về biên chế: Tổng số cán bộ chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH là 88 đồng chí, trong đó có 06 đồng chí Phó Trưởng phòng phụ trách, 11 đồng chí là chỉ huy cấp đội (04 đồng chí Đội trưởng, 07 đồng chí Phó Đội trưởng), trong đó có 02 đồng chí Phó Đội trưởng phụ trách đội.

Về trình độ chuyên môn: Đại học 04 đồng chí (chuyên ngành PCCC 04, chuyên ngành khác 02); trung cấp 13 đồng chí (chuyên ngành PCCC 03, chuyên ngành CNCH 02, chuyên ngành khác 08), còn lại là chiến sỹ phục vụ có thời hạn chưa được đào tạo nghiệp vụ.

Trong năm 2012, Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp đào tạo, huấn luyện cho 71 đồng chí là cán bộ chiến sĩ (CBCS) thuộc các Đội CNCH chuyên nghiệp những kiến thức cơ bản về công tác CNCH; các đội hình cứu người cơ bản; các nút dây cơ bản trong công tác thoát nạn và cứu người ở các tòa nhà cao tầng; kỹ thuật bơi và đội hình cơ bản trong công tác bơi lặn CNCH; một số kiến thức về sử dụng và bảo quản các loại phương tiện chuyên dùng. Qua đó, đã giúp cán bộ chiến sĩ nắm vững các động tác, quy trình, phương pháp CNCH và cách thức sử dụng thành thạo các dụng cụ, phương tiện chuyên dùng nhằm xử lý tốt mọi tình huống CNCH xảy ra khi có yêu cầu.

- Về phương tiện: Hiện có 02 xe CNCH, 02 bộ phá dỡ đa năng, 07 nệm hơi và một số thiết bị CNCH khác được trang cấp cho các đơn vị. Ngoài Phòng Hướng dẫn về chữa cháy và CNCH và Phòng Cảnh sát PCCC thành phố Biên Hòa, các Phòng còn lại chưa được trang bị phương tiện, thiết bị CNCH chuyên dùng.

- Hệ thống thông tin liên lạc: Dùng mạng điện thoại di động, cố định và hệ thống vô tuyến; Trung tâm chỉ huy của Sở, các Phòng địa phương đã được trang bị trạm chuyển phát VHF (06 trạm), lắp đặt bộ đàm trên xe chữa cháy và máy cầm tay (95 máy). Hệ thống thông tin liên lạc được các đơn vị sử dụng trong công tác chỉ huy, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CNCH đối với các tình huống tai nạn, sự cố xảy ra.

Với biên chế, trình độ nghiệp vụ và phương tiện, thiết bị hiện có, nhìn chung lực lượng CNCH chuyên nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ CNCH trong tình hình hiện nay và trong những năm tới.

c) Thực trạng lực lượng và phương tiện, thiết bị CNCH của các ngành, các địa phương

- Thời gian qua, các ngành chức năng như Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các ngành liên quan và các địa phương chưa thành lập lực lượng CNCH chuyên trách. Công tác huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH còn hạn chế, chỉ bồi dưỡng những kiến thức cơ bản, chưa tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ CNCH. Do vậy, lực lượng này vừa yếu về năng lực, vừa thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác CNCH trên địa bàn quản lý.

- Về phương tiện, thiết bị CNCH: Hiện các ngành chức năng và các địa phương đã được trang bị một số phương tiện, thiết bị CNCH như xe cẩu, ca nô, xuồng nhựa, xuồng phao, bè hơi tự thổi, thiết bị chuyên dụng cắt, tách thủy lực, áo phao, phao cứu sinh, cưa máy… Tuy nhiên, so với yêu cầu công tác CNCH thì phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng còn thiếu cần phải trang bị bổ sung trong thời gian tới.

3. Dự báo tình hình

a) Dự báo tình hình phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đề ra mục tiêu: Xây dựng Đồng Nai thành tỉnh cơ bản công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào năm 2015. Trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay đến năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều dự án kinh tế trọng điểm, trong đó có dự án sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Đà Lạt, mở rộng Quốc lộ 1A... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, trong đó tập trung đầu tư, xây dựng nhiều trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng.

Tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ chất lượng; tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất các xã còn nhiều hộ nghèo, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp các chính sách xã hội như đào tạo nghề, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để tăng cường đảm bảo an sinh xã hội.

b) Dự báo tình hình cháy, nổ và tai nạn xảy ra cần thiết phải triển khai công tác CNCH

Trong những năm tới, nền kinh tế nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng tiếp tục đà tăng trưởng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ ngày càng đa dạng và có quy mô ngày càng lớn. Theo đó, nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố cháy, nổ trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội cũng tăng lên và tính chất, mức độ thiệt hại ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội luôn tồn tại những mặt trái đặc biệt là sự tác động và hủy hoại môi trường của con người. Ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân đã từng bước được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân vi phạm quy định của nhà nước về công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn cháy nổ và bảo vệ môi trường gây ra những tai nạn, sụp đổ công trình, hỏa hoạn trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đồng Nai đã, đang và sẽ xây dựng thêm các cảng biển, cảng sông và các tổng kho xăng dầu, hóa chất, khí hóa lỏng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đây cũng là nguy cơ có thể dẫn đến sự cố cháy, nổ cao. Mặt khác, tình hình biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, các dự án thủy điện có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường; diễn biến thời tiết không theo chu kỳ nhất định, dự báo bão, lũ, lốc xoáy, hạn hán và các hiện tượng thiên tai khác trên địa bàn Đồng Nai ngày càng phức tạp, khó lường.

Công tác quản lý, tổ chức giao thông sẽ đối mặt với những thách thức, trở ngại rất lớn, đó là sự bất cập về khả năng đáp ứng trước nhu cầu đi lại, nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; tình trạng ùn tắc giao thông tại nội thành, nội thị, các khu công nghiệp và các trục giao thông huyết mạch vẫn tiếp tục trầm trọng hơn, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, do đó nhu cầu công tác CNCH khi xảy ra sự cố, TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy là rất lớn.

c) Dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực và trang bị phương tiện, thiết bị CNCH

Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 và từ thực trạng lực lượng, phương tiện CNCH của các ngành, địa phương cho thấy chưa đáp ứng yêu cầu công tác CNCH trong tình hình hiện nay và những năm tới. Do vậy, việc xây dựng, củng cố lực lượng CNCH chuyên nghiệp và lực lượng CNCH của các ngành, địa phương đảm bảo đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời trang bị phương tiện, thiết bị CNCH đầy đủ là yêu cầu rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và những năm tới.

Phần II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Xây dựng, củng cố lực lượng CNCH chuyên nghiệp và lực lượng CNCH của các ngành, địa phương đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác CNCH và tổ chức CNCH kịp thời, có hiệu quả đối với các sự cố, tai nạn thương tích trên địa bàn tỉnh làm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, của tổ chức và của Nhà nước, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn, phục vụ tích cực công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh, sự phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng của các ngành, địa phương nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác CNCH khi có sự cố, tai nạn thương tích xảy ra.

3. Trang bị bổ sung đủ phương tiện, thiết bị CNCH cho lực lượng CNCH chuyên nghiệp và lực lượng CNCH của các ngành, địa phương theo nhu cầu từng năm và lâu dài, đảm bảo đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu CNCH trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo.

II. NHIỆM VỤ CỨU NẠN, CỨU HỘ

1. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kiến thức về công tác CNCH cho các tầng lớp nhân dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia hỗ trợ công tác CNCH.

2. Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin các sự cố, tai nạn thương tích và yêu cầu CNCH.

3. Bảo đảm sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ CNCH trong thời gian nhanh nhất và khắc phục hậu quả các sự cố cháy, nổ và tai nạn xảy ra; xây dựng và tổ chức thực tập phương án CNCH cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; thực hiện CNCH theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.

4. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH cho các lực lượng CNCH chuyên nghiệp, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành và các lực lượng khác theo yêu cầu.

III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CÔNG TÁC CNCH

1. Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về CNCH

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về công tác CNCH phù hợp theo từng địa bàn, từng cơ sở, tính chất sản xuất kinh doanh, trên cơ sở các tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy theo Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong hoạt động CNCH; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án đầu tư trang thiết bị, phương tiện phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu công tác CNCH trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ CNCH của các ban, ngành và các địa phương.

- Hàng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác CNCH.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về CNCH

- Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về CNCH bằng các hình thức, nội dung phong phú và phù hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia CNCH.

- Phối hợp các cơ quan truyền thông như báo, đài phát thanh truyền hình xây dựng các chuyên mục về công tác CNCH; khuyến cáo những bất cẩn, sai phạm và các hành vi có thể dẫn đến tai nạn, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng; nguyên nhân và các biện pháp phòng tránh. Đặc biệt là nguyên nhân gây ra các vụ TNGT, nguy cơ cháy nổ, sụp đổ công trình.

3. Giải pháp nâng cao năng lực của lực lượng CNCH chuyên nghiệp

a) Từ năm 2013 đến năm 2015 thành lập mới Phòng Cảnh sát PCCC trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú (theo Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 27/5/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án triển khai thành lập Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai), cụ thể:

- Phòng Cảnh sát PCCC trên sông có Đội CNCH chuyên nghiệp. Biên chế ít nhất 15 CBCS đến năm 2015 và 30 CBCS đến năm 2020.

- Phòng Cảnh sát PCCC các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú: Mỗi Phòng có Đội CNCH chuyên nghiệp. Biên chế Đội CNCH của các Phòng có ít nhất 12 CBCS đến năm 2015 và 20 CBCS đến năm 2020.

b) Tiếp tục kiện toàn, củng cố cơ cấu, mô hình tổ chức và tăng biên chế cho 06 Đội CNCH hiện có, đảm bảo đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ CNCH khi có tai nạn, sự cố xảy ra. Mỗi Đội CNCH có từ 20 đến 30 đồng chí, Ban Chỉ huy Đội gồm 01 Đội trưởng và 02 Đội phó; mỗi Đội CNCH có ít nhất 03 tổ gồm: Tổ CNCH dưới nước (lũ lụt, sông, suối, ao, hồ); Tổ CNCH trên cạn (tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, sụp đổ công trình, hầm mỏ, tai nạn thương tích khác) và Tổ CNCH trên cao (nhà cao tầng, lưới điện …).

c) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ CBCS đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ CNCH.

 - Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên và cán bộ có trình độ chuyên môn về công tác CNCH để tập huấn, huấn luyện cho tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ CNCH chuyên nghiệp đảm bảo giỏi về nghiệp vụ, sẵn sàng dũng cảm CNCH trong các sự cố.

- Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho lực lượng CNCH chuyên nghiệp và lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành.

d) Trang bị phương tiện, thiết bị đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CNCH.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CNCH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong năm 2013 và đến năm 2015 cần phải đầu tư kinh phí trang bị mới 04 xe chỉ huy, 02 xe CNCH, 02 xe máy cuốc, 02 canô, 12 xuồng cao su, 12 bè cao su, 04 xe chở quân và một số thiết bị chuyên dùng CNCH khác. Dự kiến tổng kinh phí (Phụ lục I) là 80.560.000.000 đồng (tám mươi tỷ, năm trăm sáu mươi triệu đồng).

đ) Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phù hợp điều kiện thực tế và đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của các Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH.

4. Giải pháp nâng cao năng lực của lực lượng CNCH của các ngành và các địa phương

a) Công an tỉnh

- Củng cố lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH thuộc các đơn vị Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Cơ động; thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập phương án CNCH; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ CNCH và các lớp sơ cứu ban đầu về tai nạn thương tích cho lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Cơ động, Công an xã; củng cố lại tổ lặn cứu hộ của Phòng Cảnh sát Đường thủy.

- Đầu tư trang bị 06 xe cẩu chuyên dùng cứu hộ, 06 cưa máy; 05 bộ đồ lặn, 06 ca nô, 06 bè hơi tự thổi. Dự kiến tổng kinh phí mua trang, thiết bị (Phụ lục II) là 92.640.000.000 đồng (chín mươi hai tỷ, sáu trăm bốn mươi triệu đồng).

b) Sở Giao thông vận tải

- Củng cố lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH thuộc Khu Quản lý đường bộ, đường thủy và Thanh tra Giao thông; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho lực lượng này; tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực tại các địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, TNGT để sẵn sàng tham gia CNCH.

- Đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị CNCH gồm: 02 xe cuốc (một xe bánh lốp và một xe bánh xích). Dự kiến kinh phí mua trang, thiết bị (Phụ lục III) là 6.000.000.000 đồng (sáu tỷ đồng).

c) Sở Y tế

- Tiếp tục kiện toàn, duy trì các đội cấp cứu và chuyển thương thuộc hệ thống bệnh viện; bố trí đội ngũ y, bác sỹ thường trực chuẩn bị trang thiết bị, y dụng cụ, cơ số thuốc để sẵn sàng tham gia CNCH khi được điều động.

- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để cấp cứu kịp thời khi có nạn nhân; hướng dẫn nhân dân xử lý sơ cứu ban đầu tại chỗ trước khi chuyển đến cơ sở y tế.

- Đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị CNCH gồm: 05 xe cứu thương, 20 máy hút đàm, 05 máy shock điện tim, 20 bộ đặt NKQ, 20 bộ tiểu phẫu. Dự kiến tổng kinh phí mua trang, thiết bị (Phụ lục IV) là 10.015.000.000 đồng (mười tỷ, không trăm mười năm triệu đồng).

d) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy CNCH của ngành từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường đào tạo, tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ CNCH. Duy trì lực lượng, phương tiện thường trực, sẵn sàng tham gia CNCH và khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra.

- Đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị CNCH gồm: Cưa máy, thiết bị chống tải, kích thủy lực, máy khoan - cắt bê tông, dụng cụ phá dỡ cầm tay, thiết bị dò tìm chất nổ, máy soi chất nổ, máy siêu âm hình ảnh chất nổ, hộp tiêu độc, thiết bị lặn, quần áo bảo hộ. Dự kiến tổng kinh phí mua trang, thiết bị (Phụ lục V) là 5.840.000.000 đồng (Năm tỷ, tám trăm bốn mươi triệu đồng).

đ) Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, yêu cầu các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thành lập đội PCCC cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách tại các khu công nghiệp theo quy định của Luật PCCC và Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC, đồng thời đầu tư kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở theo tiêu chuẩn TCVN 3890-2009, đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ, đổ sập công trình tại các khu công nghiệp mà đơn vị quản lý.

- Phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nhằm nâng cao nghiệp vụ CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ CNCH ban đầu đối với các tai nạn, sự cố xảy ra thuộc phạm vi quản lý và tham gia ở ngoài phạm vi quản lý khi được huy động.

- Chủ động rà soát nắm chắc các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dễ xảy ra tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp trên xây dựng lực lượng PCCC và CNCH và trang bị phương tiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu công tác CNCH khi xảy ra sự cố.

e) UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

- Thành lập lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH thuộc các ban, ngành và các xã, phường, thị trấn đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác CNCH của địa phương.

- Chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành khảo sát xác định các địa bàn, tuyến trọng điểm có khả năng xảy ra những sự cố, tai nạn thương tích nghiêm trọng cần thiết CNCH để chủ động xây dựng phương án CNCH và khắc phục hậu quả các sự cố, tai nạn thương tích xảy ra trong phạm vi, địa bàn quản lý.

- Đầu tư ngân sách cho hoạt động CNCH; trang bị phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CNCH tại địa phương.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 205.555.000.000 đồng (hai trăm lẻ năm tỷ, năm trăm năm mươi lăm triệu đồng), trong đó:

1. Kinh phí đầu tư trang bị phương tiện CNCH:

- Giai đoạn 2013 – 2015: Tổng kinh phí là 195.055.000.000 đồng (một trăm chín mươi lăm tỷ, không trăm năm mươi lăm triệu đồng).

Trong đó, năm 2014 là 98.099.000.000 đồng (chín mươi tám tỷ, không trăm chín mươi chín triệu đồng); năm 2015 là 96.956.000.000 đồng (chín mươi sáu tỷ, chín trăm năm mươi sáu triệu đồng).

- Giai đoạn 2016 - 2020: Qua sơ kết Giai đoạn 1 của Đề án, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh Đồng Nai báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị CNCH phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

2. Kinh phí tuyên truyền (giai đoạn 2013 – 2015): 1.500.000.000 đồng (một tỷ năm trăm triệu đồng), (Phụ lục VI).

- Chi cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ CNCH cho lực lượng dân phòng; tại các khu dân cư, làng nghề.

- Chi công tác xây dựng các chuyên mục về CNCH, hỗ trợ các cơ quan báo, đài tổ chức đưa tin tuyên truyền.

3. Kinh phí đào tạo, huấn luyện (giai đoạn 2013 – 2015): 9.000.000.000 đồng (chín tỷ đồng), (Phụ lục VI).

- Kinh phí đưa CBCS đi đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ CNCH tại Trường Đại học PCCC và các nước có trình độ, kinh nghiệm trong công tác CNCH như Nhật Bản, Malaysia, Singapore...

- Mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH.

- Xây dựng phương án CNCH theo các tình huống cơ bản quy định tại Điều 12 Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy và tổ chức diễn tập các tình huống CNCH có nhiều lực lượng tham gia.

4. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Hàng năm, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành thẩm định dự toán và cân đối nguồn ngân sách địa phương kinh phí thực hiện Đề án.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

- Tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh Đồng Nai tổ chức triển khai thực hiện Đề án CNCH trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình.

- Bảo đảm sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin các sự cố, tai nạn thương tích và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong hoạt động CNCH; xây dựng và tổ chức thực tập phương án CNCH theo các tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy có nhiều lực lượng tham gia.

- Chủ động phối hợp các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về công tác CNCH; xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng CNCH chuyên nghiệp, lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành và các lực lượng khác theo yêu cầu; xây dựng phong trào quần chúng tham gia CNCH; phối hợp Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai mở chuyên mục về CNCH.

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt các dự án trang bị phương tiện, thiết bị cần thiết, phù hợp, đảm bảo cho lực lượng CNCH chuyên nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ CNCH trên địa bàn tỉnh.

- Kiến nghị, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho thành lập Phòng Cảnh sát PCCC trên sông và 06 Phòng Cảnh sát PCCC tại huyện: Long Thành, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Tân Phú, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CNCH trên địa bàn toàn tỉnh.

- Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh Đồng Nai tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác CNCH.

2. Công an tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; tiến hành khảo sát xác định các địa bàn, tuyến trọng điểm có khả năng xảy ra những sự cố, TNGT nghiêm trọng cần thiết CNCH; phân công bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị luôn chủ động sẵn sàng ứng phó, tham gia CNCH kịp thời, hiệu quả; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác CNCH cho cán bộ, chiến sỹ; tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia CNCH.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và hiệp đồng với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn triển khai thực hiện Đề án; chủ động phương án CNCH, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia CNCH khi có các sự cố, tai nạn xảy ra khi có yêu cầu. Chủ trì phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tập luyện phương án CNCH sự cố hóa chất, độc hại.

4. Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; tiến hành khảo sát xác định các địa bàn, tuyến trọng điểm có khả năng xảy ra những sự cố, TNGT để chủ động phương án CNCH trong phạm vi địa bàn quản lý; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác CNCH cho cán bộ, công nhân viên trong ngành; tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia CNCH.

5. Sở Y tế xây dựng kế hoạch chỉ đạo và hướng dẫn các bệnh viện tổ chức lực lượng, phương tiện kịp thời cấp cứu, điều trị, chuyển thương các nạn nhân do sự cố, tai nạn thương tích trong mọi tình huống; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng và thực tập phương án CNCH theo quy định.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương hàng năm xây dựng và tổ chức triển khai phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

7. Sở Khoa học và Công nghệ: Thường xuyên rà soát kiểm tra các cơ sở có nguy cơ sự cố phóng xạ cao, phối hợp các ngành xây dựng phương án ứng cứu khi có sự cố phóng xạ.

8. Sở Công thương xây dựng kế hoạch thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các hầm mỏ khai thác khoáng sản phải tuân thủ tuyệt đối các quy trình về khoan, nổ mìn, các điều kiện an toàn khác trong môi trường đặc biệt.

9. Hội Chữ thập đỏ tỉnh thường xuyên phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền về công tác CNCH. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tình nguyện viên chữ thập đỏ; tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu cho tình nguyện viên chữ thập đỏ và các chốt sơ cấp cứu; sẵn sàng tham gia sơ cấp cứu nạn nhân trước khi đưa đến các cơ sở y tế, bệnh viện. Tích cực tham gia CNCH, phối hợp huy động lực lượng tham gia CNCH khi có yêu cầu và khắc phục hậu quả các sự cố, tai nạn trên địa bàn.

10. Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chủ trì, phối hợp Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các ngành chức năng hướng dẫn các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thành lập Đội PCCC cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách tại các khu công nghiệp theo quy định của Luật PCCC, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; đồng thời trang bị phương tiện, thiết bị CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở. Tổ chức huy động lực lượng PCCC cơ sở thực hiện nhiệm vụ CNCH ban đầu đối với các tai nạn, sự cố xảy ra thuộc phạm vi quản lý và tham gia ở ngoài phạm vi quản lý khi được huy động.

11. Các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trong công tác CNCH.

Phối hợp Sở Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan khác có liên quan xây dựng các chuyên mục về công tác CNCH để tuyên truyền ngày càng sâu rộng, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phòng ngừa, sẵn sàng tham gia ứng phó với mọi tình huống, sự cố, tai nạn thương tích.

12. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tại địa phương, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo các ban, ngành thành lập lực lượng làm nhiệm vụ CNCH; tổ chức huy động các lực lượng tham gia CNCH và khắc phục hậu quả các sự cố, tai nạn thương tích xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, kiện toàn, củng cố lực lượng dân phòng đảm bảo về số lượng và chất lượng, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ CNCH đối với các tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn quản lý và tham gia CNCH ở địa bàn khác khi có yêu cầu.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ CNCH của các ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn.

- Hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về CNCH cho nhân dân; xây dựng phong trào quần chúng tham gia CNCH.

- Đầu tư ngân sách cho hoạt động CNCH; trang bị phương tiện, thiết bị CNCH cần thiết, phù hợp cho các lực lượng làm nhiệm vụ CNCH của địa phương.

- Hàng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác CNCH tại địa phương.

13. Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ khả năng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn cho các dự án đầu tư phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

14. Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kinh phí thực hiện Đề án, hướng dẫn các sở, ngành thanh quyết toán kinh phí đầu tư trang thiết bị CNCH theo lộ trình. Hàng năm phối hợp với các ngành liên quan thẩm định dự toán và cân đối nguồn ngân sách địa phương kinh phí thực hiện Đề án. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước.

15. Các sở, ban, ngành trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện Đề án; tổ chức huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, đơn vị mình tham gia CNCH khi có yêu cầu.

16. Giao Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh Đồng Nai chỉ đạo triển khai và theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý.

II. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Giai đoạn 1, từ năm 2013 đến năm 2015

Triển khai thực hiện Đề án, cơ bản hoàn thành việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của lực lượng CNCH chuyên nghiệp và lực lượng CNCH của các ngành, địa phương; đầu tư kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác CNCH.

2. Giai đoạn 2, từ năm 2016 đến năm 2020

Tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm việc thực hiện Đề án ở Giai đoạn 1, trên cơ sở đó báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung và chủ trương quy hoạch giai đoạn năm 2016 - 2020, trong đó bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Bổ sung, điều chỉnh tổ chức bộ máy, biên chế của lực lượng CNCH chuyên nghiệp và lực lượng CNCH của các ngành, địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ CNCH trên địa bàn tỉnh.

 - Bổ sung, điều chỉnh việc mua sắm trang thiết bị đã đầu tư Giai đoạn 1, đề xuất hướng đầu tư đến năm 2020 và những năm tiếp theo./.

 

PHỤ LỤC I

KINH PHÍ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN CNCH CỦA SỞ CẢNH SÁT PC&CC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh)

STT

Phương tiện, thiết bị

Phương tiện hiện có

Nhu cầu trang bị

Đơn giá dự kiến (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Đơn vị tính

Số lượng

Chất lượng

Năm 2014

Năm 2015

Tốt

Trung bình

Hỏng

1

Xe cứu nạn, cứu hộ

Chiếc

02

02

 

 

01

01

15.000

30.000

2

Xe chở quân

Chiếc

02

02

 

 

02

02

700

2.800

3

Xe chỉ huy

Chiếc

01

 

01

 

02

02

850

3.400

4

Bộ phá dỡ đa năng: máy bơm thủy lực, thiết bị banh, cắt, kích;

Bộ

02

02

 

 

04

02

950

5.700

5

Bộ dây và đai cứu người

Cái

07

 

07

 

50

50

20

2.000

6

Súng phóng dây cứu nạn

Bộ

 

 

 

 

06

06

120

1.440

7

Quần áo tiêu độc đồng bộ

Bộ

 

 

 

 

60

40

10

1.000

8

Camera dò tìm dưới nước

Cái

 

 

 

 

02

02

500

2.000

9

Camera dò tìm âm thanh

Cái

 

 

 

 

02

02

1.000

4.000

10

Camera (hồng ngoại) dò tìm hình ảnh

Cái

 

 

 

 

01

01

1.000

2.000

11

Máy khoan cắt dưới nước

Cái

 

 

 

 

02

02

500

2.000

12

Quần áo lặn có bình (đồng bộ)

Bộ

 

 

 

 

20

20

90

3.600

13

Súng phóng phao cứu nạn

Bộ

 

 

 

 

06

06

120

1.440

14

Xe máy cuốc

Chiếc

 

 

 

 

01

01

3.000

6.000

15

Tháp (đèn) chiếu sáng

Bộ

01

01

 

 

05

02

450

3.150

16

Ca nô cứu hộ (công suất từ 120-150 CV)

Chiếc

 

 

 

 

01

01

400

800

17

Xuồng cao su

Chiếc

 

 

 

 

06

06

15

180

18

Bè cao su

Chiếc

 

 

 

 

06

06

50

600

19

Thiết bị tời, cẩu di động chuyên dùng cứu người

Bộ

 

 

 

 

06

06

350

4.200

20

Thiết bị tiêu độc các loại

Bộ

 

 

 

 

15

15

15

450

21

Dụng cụ phá dỡ cầm tay

Bộ

 

 

 

 

05

03

150

1.200

22

Thiết bị chống, tải kích thủy lực 20 tấn

Cái

 

 

 

 

05

05

120

1.200

23

Bình thở ô xy dự phòng

Cái

 

 

 

 

10

10

15

300

24

Máy nén khí (nạp ô xy)

Chiếc

05

05

 

 

02

02

150

600

25

Bộ đồ sơ cấp cứu

Bộ

 

 

 

 

06

04

50

500

Tổng cộng (Tám mươi tỷ, năm trăm sáu mươi triệu đồng)

80.560

 

PHỤ LỤC II

KINH PHÍ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN CNCH CỦA CÔNG AN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh)

STT

Vật tư thiết bị

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá dự kiến
(triệu đồng)

Nhu cầu trang bị

Thành tiền
(triệu đồng)

Năm 2014

Năm 2015

1

Xe cẩu chuyên dùng cứu hộ

Chiếc

06

15.000

03

03

90.000

2

Cưa máy

Cái

06

15

06

 

90

3

Bộ đồ lặn

Bộ

05

90

05

 

450

4

Canô

Chiếc

06

300

03

03

1.800

5

Bè hơi tự thổi

Chiếc

06

50

03

03

300

Cộng (Chín mươi hai tỷ, sáu trăm bốn mươi triệu đồng)

92.640

 

PHỤ LỤC III

KINH PHÍ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN CNCH CỦA SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh)

STT

Vật tư thiết bị

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá dự kiến
(triệu đồng)

Nhu cầu trang bị

Thành tiền
(triệu đồng)

Năm 2014

Năm 2015

01

Xe cuốc

Chiếc

02

3.000

01

01

6.000

Cộng (Sáu tỷ đồng)

6.000

 

PHỤ LỤC IV

KINH PHÍ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN CNCH CỦA SỞ Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh)

STT

Vật tư thiết bị

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá dự kiến
(triệu đồng)

Nhu cầu trang bị

Thành tiền
(triệu đồng)

Năm 2014

Năm 2015

1

Xe cứu thương

Chiếc

05

1.500

02

03

7.500

2

Máy hút đàm

Cái

20

37

10

10

740

3

Máy shock điện tim

Cái

05

273

03

02

1.365

4

Bộ đặt NKQ

Bộ

20

13

10

10

260

5

Bộ tiểu phẫu

Bộ

20

7,5

10

10

150

Cộng ( Mười tỷ không trăm mười lăm triệu đồng)

10.015

 

PHỤ LỤC V

KINH PHÍ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN CNCH CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh)

STT

Vật tư thiết bị

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá dự kiến
(triệu đồng)

Nhu cầu trang bị

Thành tiền
(triệu đồng)

Năm 2014

Năm 2015

1

Cưa máy

Cái

06

15

 

03

45

2

Thiết bị chống tải, kích thủy lực

Cái

03

120

02

01

360

3

Máy khoan cắt bê tông

Cái

02

170

01

01

340

4

Dụng cụ phá dỡ cầm tay

Bộ

02

150

01

01

300

5

Thiết bị dò tìm chất nổ

Bộ

02

540

01

01

1.080

6

Máy soi chất nổ

Cái

01

600

 

01

600

7

Máy siêu âm hình ảnh chất nổ

Cái

01

2.000

 

01

2.000

8

Thiết bị tiêu độc

Bộ

45

15

25

20

675

9

Thiết bị lặn

Bộ

01

230

01

 

230

10

Quần áo bảo hộ

Bộ

30

7

15

15

210

Cộng (Năm tỷ, tám trăm bốn mươi triệu đồng)

5.840

 

PHỤ LỤC VI

KINH PHÍ TUYÊN TRUYỀN VÀ ĐÀO ĐẠO, HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ CNCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Mục chi

Năm 2014

Năm 2015

1

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ CNCH cho lực lượng dân phòng; tại các khu dân cư, làng nghề…

300

300

2

Công tác xây dựng các chuyên mục về CNCH, hỗ trợ các cơ quan Báo, Đài tổ chức đưa tin tuyên truyền.

450

450

3

Kinh phí đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ CNCH cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp

3.000

3.000

4

Mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ CNCH.

1.500

1.500

Cộng: 10.500.000.000 (Mười tỷ, năm trăm triệu đồng)

5.250

5.250

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2334/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 2334/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Đinh Quốc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản