Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2327/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 30 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 419-KL/TU ngày 20/3/2015 và Thông báo số 1466-TB/TU ngày 25/6/2015 về chủ trương thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Văn bản số 3649/UBND-TH ngày 01/11/2011 về việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 698/QĐ-CTUBND ngày 17/12/2012 và Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 17/01/2013 của Chủ tịch UBDN tỉnh về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán lập Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Biên bản họp Hội đồng thẩm định Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ngày 12/8/2014;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 181/BC-SKHĐT ngày 02/6/2015 và đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 1417/TTr-SNN ngày 19/5/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu phát triển

1.1. Mục tiêu chung

Đến năm 2020, thủy sản của tỉnh Bình Định thành ngành sản xuất hàng hóa lớn theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, với năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế khu vực và thế giới.

Nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân; gắn phát triển thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a. Đến năm 2020

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt 7 - 7,5%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất: Khai thác thủy sản chiếm 80%, nuôi trồng thủy sản chiếm 15% và dịch vụ thủy sản chiếm 5%.

- Sản lượng khai thác thủy sản đạt 185.000 tấn.

- Giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác hải sản xuống dưới 10%.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD.

- Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 10%/năm.

- Tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng đạt 60% - 70%.

b. Tầm nhìn năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 5 - 5,5%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất: Khai thác thủy sản chiếm 70%, nuôi trồng thủy sản chiếm 20% và dịch vụ thủy sản chiếm 10%.

- Sản lượng khai thác thủy sản đạt 190.000 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác xa bờ 178.000 tấn, khai thác gần bờ 10.000 tấn và khai thác nội địa 2.000 tấn.

- Đội tàu khai thác hải sản có công suất >90 CV chiếm trên 60%.

- 100% diện tích nuôi nước lợ theo hình thức thâm canh, bán thâm canh ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 250 triệu USD.

2. Nội dung quy hoạch

2.1. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

a. Quy hoạch tàu thuyền khai thác thủy sản:

- Đến năm 2020 tổng số tàu thuyền khai thác 7.300 chiếc, trong đó:

+ Tàu có công suất <90CV là 3.950 chiếc;

+ Tàu có công suất từ 90-400 CV là 1.752 chiếc;

+ Tàu có công suất >400CV là 1.598 chiếc;

+ Tiếp tục giảm số tàu thuyền khai thác ven bờ còn 3.950 chiếc.

- Đến năm 2030 tổng số tàu thuyền khai thác 6.400 chiếc, trong đó:

+ Tàu có công suất <90CV là 2.750 chiếc;

+ Tàu có công suất từ 90-400CV ổn định 1.752 chiếc;

+ Tàu có công suất >400CV là 1.898 chiếc;

b. Cơ cấu tàu theo nghề khai thác:

- Phát triển những nghề thân thiện với môi trường như nghề vây khơi, câu khơi kết hợp chụp mực, câu cá ngừ đại dương, chiếm 64% tổng số tàu;

- Giảm mạnh các nghề lưới kéo, nghề cố định, nghề mành và một số nghề lưới rê ven bờ xuống còn 36% tổng số tàu.

c. Sản lượng khai thác thủy sản:

- Đến năm 2020 tổng sản lượng khai thác đạt 185.000 tấn, trong đó:

+ Khai thác xa bờ đạt 167.500 tấn, trong đó: khai thác cá ngừ đại dương đạt 11.000 tấn và ổn định đến năm 2030;

+ Khai thác gần bờ 15.500 tấn;

+ Khai thác nội địa 2.000 tấn.

- Đến năm 2030 tổng sản lượng khai thác đạt 190.000 tấn, trong đó:

+ Khai thác xa bờ 178.000 tấn;

+ Khai thác gần bờ 10.000 tấn;

+ Khai thác nội địa 2.000 tấn.

2.2. Nuôi trồng thủy sản

a. Về diện tích

- Nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 là 4.897 ha, trong đó:

+ Nuôi nước mặn, lợ là 2.390 ha: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 770 ha, diện tích nuôi tôm sú là 1.153 ha, diện tích nuôi nhuyễn thể là 40 ha và diện tích nuôi thủy sản khác là 427 ha.

+ Nuôi nước ngọt là 2.507 ha, nuôi cá rô phi lồng hồ chứa là 32.500 m3.

- Nuôi trồng thủy sản đến 2030 là 5.230 ha, trong đó:

+ Nuôi nước mặn, lợ là 2.541 ha: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 953 ha, diện tích nuôi tôm sú là 1.116 ha, diện tích nuôi nhuyễn thể 105 ha và diện tích nuôi thủy sản khác 367 ha.

+ Nuôi nước ngọt là 2.689 ha, nuôi cá rô phi lồng hồ chứa là 50.000 m3.

- Vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 680 ha, trong đó:

+ Xã Mỹ Thành - huyện Phù Mỹ, khu thủy sản công nghệ cao là 460 ha.

+ Xã Cát Thành, xã Cát Hải - huyện Phù Cát, nuôi tôm kết hợp với trồng rừng là 220 ha, trong đó: Diện tích mặt nước nuôi tôm khoảng 100 ha.

b. Về sản lượng:

- Nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 16.780 tấn, trong đó:

+ Nuôi trồng nước mặn, lợ là 12.740 tấn: Tôm thẻ chân trắng 10.710 tấn, tôm sú 610 tấn, nhuyễn thể 460 tấn và hải sản khác 960 tấn.

+ Nuôi trồng nước ngọt là 4.040 tấn, trong đó cá rô phi lồng hồ chứa 1.300 tấn và cá truyền thống, đặc sản 2.740 tấn.

- Nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 đạt 28.545 tấn, trong đó:

+ Nuôi trồng nước mặn, lợ là 23.475 tấn: Tôm thẻ chân trắng 20.745 tấn, tôm sú 593 tấn, nhuyễn thể 1.190 tấn và hải sản khác 947 tấn.

+ Nuôi trồng nước ngọt là 5.070 tấn, trong đó cá rô phi lồng hồ chứa 2.000 tấn và cá truyền thống, đặc sản 3.070 tấn.

2.3. Giống thủy sản

- Giống thủy sản nước lợ, mặn:

Quy hoạch diện tích 30 ha ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát để xây dựng các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ.

- Giống thủy sản nước ngọt:

Quy hoạch diện tích 40 ha ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn để xây dựng các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt.

2.4. Chế biến thủy sản

a. Quy hoạch các khu chế biến thủy sản tập trung:

- Xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn diện tích 11 ha;

- Xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn diện tích 11,9 ha;

- Xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ diện tích 17,3 ha;

- Xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ diện tích 104 ha;

- Xã Cát Khánh, huyện Phù Cát diện tích 60 ha;

- Xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn diện tích 20 ha;

- Phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn diện tích 2,8 ha;

- Phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn diện tích 1,8 ha.

b. Nhu cầu nguyên liệu chế biến:

- Đến năm 2020 là 59.000 tấn, chiếm 30% tổng sản lượng thủy sản, trong đó: Chế biến xuất khẩu là 34.500 tấn và chế biến nội địa là 25.400 tấn;

- Định hướng đến năm 2030 là 85.700 tấn, chiếm 40% tổng sản lượng thủy sản, trong đó: Chế biến xuất khẩu là 50.000 tấn và chế biến nội địa là 35.700 tấn.

c. Sản phẩm thủy sản qua chế biến:

- Đến năm 2020 đạt 37.000 tấn, trong đó: Sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu đạt 17.000 tấn;

- Đến năm 2030 đạt 48.000 tấn, trong đó: Sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu đạt 25.000 tấn.

2.5. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

a. Dịch vụ hậu cần nghề cá:

- Hình thành hai trung tâm nghề cá của tỉnh:

+ Xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn;

+ Và đầm Đề Gi (Mỹ Thành - Phù Mỹ, Cát Khánh - Phù Cát).

- Nâng cấp các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền hiện có theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước. Quy hoạch mới các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô 150,2 ha: Hoài Nhơn 19,5 ha, gồm: Tam Quan Bắc 4,5 ha, Tam Quan Nam 15,0 ha; xã Cát Khánh - Phù Cát 82 ha, xã Mỹ Thành - Phù Mỹ 48,7 ha.

- Xây dựng mới cảng cá Tam Quan và Vĩnh Lợi; nâng cấp cảng cá Đề Gi.

- Nâng cấp và xây dựng mới các bến cá: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Đống Đa - Thành phố Quy Nhơn; Tân Phụng, Xuân Thạnh - huyện Phù Mỹ; Hoài Hương - huyện Hoài Nhơn.

b. Xây dựng kết cấu hạ tầng nuôi trồng thủy sản:

- Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu thủy sản công nghệ cao ở Mỹ Thành - huyện Phù Mỹ; Cát Hải, Cát Thành - huyện Phù Cát.

- Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Kênh cấp, thoát nước; đường giao thông nội đồng; hệ thống điện… tại các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh.

- Đầu tư nâng cấp 3 hồ chứa nước ngọt: Hồ Đồng Đèo 1, hồ Đồng Đèo 2 và hồ Hóc Lách thuộc Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.

c. Xây dựng kết cấu hạ tầng chế biến thủy sản:

- Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu chế biến thủy sản Cát Khánh - Phù Cát. Khu chế biến hậu cần thủy sản Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn.

- Xây dựng hệ thống các kho lạnh. Trọng tâm tại các huyện, thành phố có nghề cá lớn của tỉnh (Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn).

- Xây dựng, nâng cấp các chợ cá và chợ đầu mối thủy sản.

2.6. Các dự án ưu tiên

a. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

- Đóng mới tàu (tàu khai thác và tàu dịch vụ) bằng vật liệu mới: Sắt, composit, vật liệu tổng hợp.

- Hỗ trợ cung cấp thông tin về ngư trường xa bờ, đặc biệt là các thông tin về nguồn lợi ở vùng khơi miền Trung và ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.

- Chuyển giao công nghệ bảo quản sau thu hoạch trong khai thác hải sản.

- Tổ chức đội tàu hậu cần dịch vụ nghề cá phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

- Xây dựng khu bảo tồn vùng nước nội địa đầm Trà Ô huyện Phù Mỹ.

- Xác định các vùng cấm khai thác, vùng khai thác có hạn mức nhằm bảo vệ các bãi sinh sản và phát triển nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế.

- Đầu tư phương tiện tuần tra, kiểm soát cho lực lượng thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Xây dựng các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản và phân giới cắm mốc giao quyền quản lý khai thác thủy sản vùng ven biển cho cộng đồng.

- Xây dựng khu bảo tồn biển Vịnh Quy Nhơn.

- Xây dựng mới cảng cá 2 đầm Đề Gi tại Vĩnh Lợi - huyện Phù Mỹ.

- Đầu tư xây dựng cảng cá Tam Quan, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn.

- Xây dựng mới và nâng cấp các cơ sở đóng tàu thuyền có khả năng sửa chữa, bảo trì các loại tàu sắt và đóng tàu dài đến 30m và công suất đến 1000CV.

- Nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão khu vực đầm Đề Gi, Tam Quan

b. Nuôi trồng thủy sản:

- Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung ở Hoài Nhơn và ở Tuy Phước.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng các khu thủy sản công nghệ cao ở Mỹ Thành - huyện Phù Mỹ; Cát Thành, Cát Hải - huyện Phù Cát.

- Xây dựng Trạm sản xuất giống thủy sản nước lợ, mặn Cát Thành, huyện Phù Cát với quy mô 10 ha, thuộc Trung tâm giống thủy sản.

- Nâng cấp 3 hồ chứa nước thuộc Trạm thực nghiệm NTTS nước ngọt Mỹ Châu: hồ Đồng Đèo 1, hồ Đồng Đèo 2 và hồ Hóc Lách.

- Nuôi cá lồng hồ chứa nước ngọt tỉnh Bình Định.

c. Chế biến thủy sản:

- Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu chế biến thủy sản Cát Khánh - Phù Cát.

- Khu chế biến hậu cần thủy sản Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn.

- Xây dựng hệ thống các kho lạnh. Trọng tâm tại các huyện, thành phố có nghề cá lớn của tỉnh.

- Xây dựng, nâng cấp các chợ cá và chợ đầu mối thủy sản.

- Nghiên cứu các sản phẩm từ thủy sản để tạo ra các sản phẩm thực phẩm chức năng cao cấp phục vụ sức khỏe con người.

d. Dự án phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, lái tàu…

- Đào tạo cán bộ có trình độ đại học và trên đại học trong ngành thủy sản: khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản.

- Đào tạo công nhân lành nghề trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân.

2.7. Nhu cầu vốn đầu tư

a. Tổng nhu cầu vốn đầu tư : 7.815 tỷ đồng.

Trong đó:

- Vốn ngân sách : 769 tỷ đồng, chiếm 9,8%.

- Vốn ODA : 1.700 tỷ đồng, chiếm 21,8%.

- Vốn tín dụng : 3.212 tỷ đồng, chiếm 41,1%.

- Vốn tự có : 2.134 tỷ đồng, chiếm 27,3%.

b. Nguồn vốn đầu tư

- Vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

- Ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và ngân sách xã.

- Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI.

- Vốn vay tín dụng của người dân để phát triển sản xuất thông qua các Ngân hàng thương mại Việt Nam.

3. Giải pháp

Quy hoạch đã đưa ra các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp cơ sở hạ tầng, giải pháp bảo vệ môi trường, giải pháp khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, khuyến ngư; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và giải pháp về vốn đầu tư. (Kèm theo báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các cơ quan có liên quan, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện Quy hoạch, ban hành chính sách phát triển thủy sản để thực hiện đạt được các mục tiêu quy hoạch đề ra.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu thu hút đầu tư, cân đối và bố trí vốn bảo đảm các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư được thực hiện hiệu quả.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan rà soát lại và nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng, đầu tư, đảm bảo tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện hiệu quả quy hoạch.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng đất, vùng nước, mặt nước trong các hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản, các chính sách nhằm bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản trình UBND tỉnh ban hành thực hiện.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm thủy sản thế mạnh, nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm thủy sản của tỉnh.

6. Sở Công Thương: Phân tích tìm hiểu các thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định.

7. Các Sở, ban ngành khác: Theo chức năng và nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tham gia, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu cho UBND tỉnh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngành của mình quản lý, giải quyết để thực hiện các nội dung của quy hoạch.

8. Các Hội, Hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội: Tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ ngư dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch tại địa phương, đồng thời định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, phát hiện những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, kịp thời báo cáo, đề xuất các sở, ngành và UBND tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quy hoạch được thực hiện năng động, hiệu quả, đúng mục tiêu trên địa bàn quản lý.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thu Hà

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2327/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030

  • Số hiệu: 2327/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/05/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Trần Thị Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản