Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2326/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 23 tháng 12 năm 2013 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 01 năm 2005 về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2013/HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch xây dựng vùng Phia Oắc - Phia Đén huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2013 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 04 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định 03/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 3 năm 2008 của Bộ Xây dựng ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Cao Bằng tại Báo cáo số 1352/BCTĐ-SXD ngày 12 tháng 9 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2013 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2013 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch:
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm diện tích tự nhiên của 1 thị trấn, 3 xã thuộc vùng (Thị trấn Tĩnh Túc, xã Phan Thanh, xã Thành Công, xã Quang Thành), huyện Nguyên Bình, với ranh giới cụ thể như sau:
- Phía Đông giáp: Xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình;
- Phía Tây giáp: Xã Mai Long, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng và xã An Thắng, huyện Pác Nặm, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
- Phía Nam giáp: Xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn;
- Phía Bắc giáp: Thị trấn Nguyên Bình, xã Thể Dục, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình;
3. Mục tiêu của đồ án quy hoạch:
- Triển khai thực hiện quyết định số 2107/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Phía Oắc - Phia Đén đến năm 2020.
- Đưa định hướng phát triển vùng Phia Oắc - Phia Đén trở thành vùng du lịch của tỉnh và hướng tới tầm cỡ của Quốc gia.
- Là cơ sở để thu hút đầu tư xây dựng, các quy hoạch trong vùng du lịch Phia Oắc - Phia Đén .
- Tạo tiền đề để thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch.
- Làm cơ sở quản lý đầu tư, xây dựng và bảo tồn.
- Xác lập cơ sở pháp lý về quản lý xây dựng theo quy hoạch.
- Là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng và hướng tới là khu vực du lịch sinh thái Quốc gia.
- Là trung tâm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế.
- Là hạt nhân phát triển du lịch về phía Tây của tỉnh Cao Bằng.
- Là trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao có điều kiện tốt về đào tạo, nghiên cứu.
a) Dân số:
- Dự báo đến năm 2020 đạt 13.000 người (dân số đô thị 5.500 người, chiếm 42,3 %; dân số nông thôn 7.500 người, chiếm tỷ lệ 57,7%).
- Dự báo đến năm 2030 dân số đạt 16.000 người (dân số đô thị 7.650 người, chiếm tỷ lệ 46,87%; dân số nông thôn 8.450 người, chiếm tỷ lệ 53,12 %).
- Tỷ lệ tăng dân số trung bình đến năm 2020 khoảng 1,56% đến năm 2030 khoảng 1,58%.
b) Lao động:
Tổng dân số trong độ tuổi lao động dự báo năm 2020 là 8.060 người chiếm tỷ lệ 62%; năm 2030 là 10.050 người chiếm tỷ lệ 62,3%. Lao động làm việc trong các ngành kinh tế đến năm 2020 là 4.836 người; đến năm 2030 là 6.851 người.
6. Quy mô đất đai: Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có quy mô khoảng 24.100 ha.
7.1. Vùng phía Bắc:
Gồm thị trấn Tĩnh Túc và xã Quang Thành, với chức năng chính là:
- Vùng phát triển đô thị dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp trên nền tảng thị trấn Tĩnh Túc và khu vực ngã ba Cốc Bó.
- Phát triển các ngành công nghiệp gắn với chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản,... phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp gắn với các loại cây trồng đặc trưng (các sản phẩm tre trúc, miến dong...).
7.2. Vùng phía Nam:
Bao gồm xã Thành Công, với chức năng chính là:
- Vùng phát triển đô thị dịch vụ (trên cơ sở trung tâm Phia Đén) cho du lịch, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, nghiên cứu, nghỉ dưỡng,… và sẽ là trung tâm điều hành chung cho vùng Phia Oắc - Phia Đén.
- Vùng bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên và rừng nguyên sinh để khai thác phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu,….
- Phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, cung cấp nguyên liệu cho ngành tiểu thủ công nghiệp và sản xuất hàng hóa tập trung như chè, mây tre đan, ... các loại cây có giá trị cao trong y dược, phát triển đàn gia súc, gia cầm, chế biến lương thực thực phẩm.
7.3. Vùng phía Tây:
Bao gồm xã Phan Thanh, với chức năng chính là vùng bảo vệ, phát huy giá trị về nông lâm nghiệp, sản xuất các sản phẩm từ nông lâm nghiệp, chăn nuôi tập trung, hỗ trợ chức năng du lịch dịch vụ, khai thác và chế biến khoáng sản nhưng phải gắn kết với bảo vệ môi trường.
8. Các vùng chức năng đặc thù:
8.1. Khu vực bảo tồn:
a) Khu vực rừng đặc dụng:
Tổng diện tích khu rừng nguyên sinh là: 10.361ha, chức năng của vùng là:
- Bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng, các giá trị về khoa học, đa dạng sinh học, nguồn gien động thực vật quý hiếm, các giá trị về cảnh quan thiên nhiên.
- Du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học.
b) Khu vực trồng và cải tạo rừng:
Tổng diện tích rừng trồng và cải tạo rừng trong khu vực nghiên cứu là: 8.128 ha, chức năng của vùng là:
- Vùng trồng và tái tạo lại hệ sinh thái rừng.
- Trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
- Kết hợp, hỗ trợ cho khai thác, phát triển du lịch, dịch vụ.
c) Khu vực có giá trị lịch sử, cảnh quan đặc sắc:
Chức năng của vùng là:
- Bảo tồn và phát huy các khu vực có giá trị lịch sử ( các di tích công trình tôn giáo, tín ngưỡng, các công trình kiến trúc lịch sử có giá trị,...).
- Gìn giữ, cải tạo và phát huy các khu vực có giá trị cảnh quan tự nhiên và nhân tạo đặc sắc, đưa vào khai thác du lịch, dịch vụ (đỉnh Phia Oắc, vùng cảnh quan sinh thái rừng đặc trưng, hệ thống các công trình có giá trị lịch sử kiến trúc cảnh quan, ...).
d) Các điểm du lịch:
Là các điểm có cảnh quan đẹp, có các công trình tôn giáo tín ngưỡng và các công trình có giá trị có thể khai thác phục vụ du lịch như: khu vực miếu Vọng Cung, khu Nhà Đỏ, đỉnh Phia Oắc, khu Tài Soỏng, khu nuôi cá hồi, khu rừng trúc, khu trồng chè, khu trồng cây thuốc, các bản làng và các sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ( lễ hội, sản phẩm thủ công truyền thống, các món ẩm thực đặc trưng,....
e) Các tuor du lịch chính:
- Tuor du lịch liên vùng:
+ Gắn kết tuor du lịch vùng hồ Ba Bể - tỉnh Bắc Kạn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá vùng Phia Oắc - Phia Đén.
+ Gắn kết tuor du lịch Phia Oắc Phia Đén, rừng Trần Hưng Đạo với tuor du lịch của tỉnh Cao Bằng - Bắc Pó, Bản Giốc và du lịch thương mại dịch vụ tới các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng.
- Tuor du lịch nội vùng:
+ Xây dựng tuor du lịch dọc tuyến quốc lộ 34 trong vùng gắn kết du lịch thăm quan khai khoáng, chế biến khoáng sản tại thị trấn Tĩnh Túc ( lịch sử hình thành và phát triển của mỏ thiếc Tĩnh Túc) với trung tâm thương mại dịch vụ Cốc Bó (sản xuất mặt hàng truyền thống, quảng bá du lịch vùng Phia Đén, dừng chân nghỉ dưỡng,...).
+ Tuor du lịch tham quan, học tập, nghỉ dưỡng, khám phá, chữa bệnh và du lịch mạo hiểm tại trung tâm dịch vụ du lịch Phia Đén - tham quan đỉnh núi Phia Oắc (nóc nhà của Vùng) với trung tâm thương mại dịch vụ ngã ba Cốc Bó. Trên tuyến này còn kết nối với một số điểm du lịch khác như khu nhà Đỏ, khu nuôi cá hồi, và các vùng cảnh quan sinh thái tự nhiên đặc sắc (rừng lùn, rừng rêu, rừng nguyên sinh, sinh thái làng bản, sinh thái nông lâm nghiệp,...).
8.2. Vùng phát triển cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:
Dự kiến tổng diện tích xây dựng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong vùng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và khai thác giá trị từ các sản vật địa phương, các sản phẩm giá trị cao từ hệ sinh thái nông lâm nghiệp đa dạng của vùng khoảng 15 - 30ha tại khu vực thị trấn Tĩnh Túc, thị trấn Phia Đén và thị tứ Cốc Bó.
8.3.Vùng phát triển nông lâm nghiệp:
a) Đối với vùng phát triển nông nghiệp:
Dự kiến tổng diện tích phát triển ngành nông nghiệp của vùng khoảng 3.000 - 5.000 ha, trong đó sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp:
- Vùng đồng cỏ phát triển các mô hình chăn nuôi đàn đại gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao.
- Phát triển các mô hình trồng lúa đặc trưng tại các khu vực thung lũng, cạnh nguồn suối, khe tụ thủy,... gắn với các thôn bản như: Thôn Cốc Bó, Dẻ Dừa tại xã Quang Thành; Bình Đồng, Tổng Sinh xã Phan Thanh; Nậm Tòng, Cốc Phường, xã Thành Công.
- Phát triển và đẩy mạnh mô hình trồng, sản xuất rau, hoa quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của vùng.
- Nghiên cứu phát triển các loại cây y dược có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng như (Tam thất, Hà thủ ô,....)
b) Đối với vùng phát triển lâm nghiệp:
Tăng cường diện tích che phủ rừng tăng độ phủ xanh tuy nhiên phải tạo ra các sản phẩm hàng hóa để nâng giá trị ngành lâm nghiệp. Thúc đẩy các mô hình lâm nghiệp cộng đồng phát triển bền vững vừa gia tăng thu nhập cho người dân vừa đạt được mục tiêu quan trọng của ngành lâm nghiệp trong phát triển kinh tế và môi trường của vùng.
9. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn:
9.1. Phát triển đô thị:
a) Định hướng chung:
- Hệ thống đô thị của Vùng không thể tách rời hệ thống đô thị của tỉnh, của huyện và kế thừa quy hoạch phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn đã lập, đồng thời đề xuất các yếu tố mới trên cơ sở xem xét các mối quan hệ nội ngoại vùng, những thuận lợi và khó khăn.
- Sự hình thành và phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phải gắn với vùng sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái. Hệ thống đô thị phải được phân bổ hợp lý để tạo sự cân bằng và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng nói riêng và huyện Nguyên Bình nói chung.
- Đồng thời phải được kết nối liên hoàn với điểm dân cư nông thôn trên cơ sở phát triển đồng bộ hệ thống giao thông Quốc gia gắn liền với hệ thống đường tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông liên xã - thôn bản, hạn chế đường cụt không liên thông để tạo được nhiều hướng giao lưu đến đô thị, thị tứ và các thôn bản.
b) Dự báo dân số đô thị:
Dự kiến đến năm 2020 với việc gia tăng dân số đô thị, nâng cấp và mở rộng một số đô thị,... sẽ tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng từ nông nghiệp sang dịch vụ - du lịch và công nghiệp do đó tỷ lệ dân số đô thị sẽ gia tăng. Tổng dân số đô thị đến năm 2020 là 5.500 người và đến năm 2030 là 7.650 người.
c) Mô hình tổ chức đô thị trong vùng:
- Do địa hình phức tạp, lãnh thổ bị chia cắt thành nhiều tiểu vùng khác nhau nên việc kết nối giữa đô thị với đô thị, giữa đô thị với nông thôn còn khó khăn và khoảng cánh lớn. Ngoài ra, sự hạn chế về quỹ đất xây dựng cũng gây khó khăn đến việc phát triển tập trung và mở rộng của đô thị. Vì vậy lựa chọn mô hình phát triển trong vùng là mô hình dạng phân tán thành các đô thị có quy mô vừa phải với chức năng là trung tâm dịch vụ du lịch - thương mại - nông công nghiệp, động lực phát triển kinh tế - xã hội cho từng tiểu vùng.
- Quy mô, tính chất, cấp đô thị gắn với đặc thù và chức năng của từng vùng:
+ Vùng phía Bắc (gồm thị trấn Tĩnh Túc và xã Quang Thành):
++ Định hướng đến năm 2020 tổng số đô thị là 1 đô thị là thị trấn Tĩnh Túc có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, cơ khí sửa chữa và chế biến nông lâm sản.
++ Định hướng sau năm 2030 phát triển thêm khu vực ngã ba Cốc Bó thành thị tứ có vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ hỗ trợ du lịch và quảng bá du lịch, phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp gắn kết với các sản phẩm hàng hóa truyền thống của địa phương, chế biến nông lâm sản đặc trưng của vùng.
+ Vùng phía Nam (xã Thành Công):
++ Định hướng đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển đô thị tại Phia Đén trở thành đô thị tương đương đô thị loại 5 tuy nhiên một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được đầu tư trên mức tiêu chí đô thị loại 5 để đảm bảo đô thị là một trung tâm dịch vụ du lịch của cả vùng nghiên cứu. Đô thị này có tính chất là Đô thị thương mại dịch vụ du lịch, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghiên cứu, nghỉ dưỡng.
++ Định hướng đến năm 2030 đô thị Phia Đén - Phia Oắc sẽ là đô thị trung tâm của Vùng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng Phia Oắc - Phia Đén.
d) Các đô thị dự kiến xây dựng mới:
- Đến năm 2020, tổng số là 02 đô thị, gồm có: Thị trấn Tĩnh Túc có vai trò là trung tâm của vùng du lịch Phia Oắc - Phia Đén và thị trấn Phia Đén có vai trò là trung tâm dịch vụ du lịch, thương mại, tiểu thủ công nghiệp của vùng Phia Oắc - Phia Đén.
- Đến sau năm 2030 xây dựng thêm thị tứ Cốc Bó, có vai trò là thị tứ hỗ trợ dịch vụ du lịch, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
e) Tính chất và mô hình tổ chức không gian các đô thị:
- Không gian đô thị trong vùng được tổ chức theo mô hình đô thị dịch vụ du lịch - dịch vụ thương mại - tiểu thủ công nghiệp, trong đó trọng tâm là du lịch.
- Các đô thị:
+ Thị trấn Tĩnh Túc:
++ Cấp đô thị: Loại 5.
++ Chức năng: Là đô thị dịch vụ tổng hợp đặc biệt là chức năng công nghiệp khai khoáng.
++ Diện tích xây dựng đô thị khoảng 90ha.
++ Quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 khoảng 4.500 người và năm 2030 khoảng 5.100 người.
+ Thị trấn Phia Đén:
++ Cấp đô thị: Loại 5.
++ Chức năng: Là đô thị dịch vụ tổng hợp đặc biệt là chức năng dịch vụ du lịch; là đô thị trung tâm của vùng, có vai trò thúc đẩy kinh tế xã hội cho vùng.
++ Quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 khoảng 1.000 người đến năm 2030 khoảng 2.050 người.
++ Diện tích xây dựng đô thị khoảng 120ha.
f) Hệ thống các trung tâm:
- Trung tâm dịch vụ du lịch: Xây dựng 02 trung tâm dịch vụ du lịch cho vùng tại ngã ba Cốc Bó và Thị trấn Phia Đén. Khu vực này sẽ đầu tư các khách sạn, nhà nghỉ đa cấp, các công trình dịch vụ, thông tin quảng bá, dịch vụ đưa đón khách du lịch theo tuor nội và ngoại vùng, các công trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ gắn với bản sắc đặc trưng của các dân tộc trong vùng, các khu vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế,....
- Trung tâm dịch vụ thương mại: Xây dựng 03 trung tâm dịch vụ thương mại tại các điểm đô thị: Tĩnh Túc, Phia Đén và Cốc Bó với các công trình thương mại dịch vụ, chợ để đảm bảo cung cấp hàng hóa cho người dân và dần hình thành thị trường với những sản phẩm đặc trưng của vùng.
- Trung tâm đào tạo nghề: Xây dựng 01 trung tâm đào tạo nghề cho vùng tại Phia Đén. Đào tạo các ngành nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong đó chú trọng các ngành dịch vụ du lịch, công nghiệp, giáo dục, y tế,...
- Trung tâm y tế, văn hóa, thể thao:
+ Xây dựng 02 trung tâm y tế lớn cho vùng tại Tĩnh Túc và Phia Đén gồm bệnh viện đa khoa cùng với các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ khám chữa bệnh cho người dân và cho khách du lịch.
+ Xây dựng một trung tâm văn hóa thể thao cho vùng phục vụ nhu cầu văn hóa thể dục thể thao và tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao.
9.2. Phát triển dân cư nông thôn:
a) Quy mô dân số nông thôn:
- Dự kiến dân số nông thôn toàn vùng đến năm 2020 khoảng 7.000 người.
- Đến năm 2030 khoảng 8.350 người.
b) Tổ chức khu dân cư nông thôn:
- Xây dựng hoàn thiện các trung tâm xã hiện hữu tại xã Phan Thanh và Quang Thành, với các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (xây mới, cải tạo trụ sở hành chính xã, trung tâm văn hóa, cây xanh dục thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, chợ, trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, trạm y tế,....).
- Với các thôn bản: xây dựng thôn bản văn hóa, có mô hình phát triển kinh tế kết hợp với sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, làm dịch vụ du lịch,.... nhằm nâng cao thu nhập, tạo nguồn sống ổn định, bền vững cho người dân.
c) Các định hướng phát triển chính:
- Nâng cấp các tuyến đường giao thông trục chính vào các trung tâm xã để tạo sự gắn kết phát triển kinh tế xã hội chung cho cả vùng.
- Xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông thôn, bản, hệ thống cấp thoát nước, nhà văn hóa, khu vui chơi, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở và tập trung tại một khu vực để giải quyết thu gom phân súc vật đi xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Di dời, ổn định các hộ sân sinh sống nhỏ lẻ tại một số khu vực trong vùng rừng tự nhiên đến các thôn bản có quỹ đất, có hạ tầng cơ bản để ổn định đời sống cho nhân dân đồng thời tránh tình trạng khai thác rừng trái phép,...
- Tiến hành điều tra khảo sát để di chuyển các hộ dân cư nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đến vị trí an toàn.
10. Định hướng hạ tầng kỹ thuật vùng:
10.1. Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật:
a) Định hướng trên diện rộng:
- Giảm thiểu các tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường bằng các giải pháp công trình và phi công trình.
- Phát triển kinh tế, ổn định đời sống, cải thiện môi trường.
- Tăng cường công tác quản lý.
b) Giải pháp quy hoạch:
- Giải pháp công trình:
+ Xây dựng hệ thống khí tượng, thủy văn, hệ thống thiết bị cảnh báo sớm thiên tai (công nghệ tiên tiến), hệ thống thông tin liên lạc kết nối với hệ thống phòng chống thiên tai quốc gia.
+ Lập bản đồ dự báo các vùng có nguy cơ cao về thảm họa tự nhiên.
+ Xây dựng hệ thống hồ, đập dâng vừa và nhỏ để điều tiết nước trong mùa khô hạn phục vụ đời sống và sản xuất, tạo cảnh quan cho du lịch sinh thái, hạn chế xói mòn, sạt lở,...
+ Xây dựng và kiên cố hóa hệ thống kênh mương tưới, tiêu nhằm khắc phục điều kiện địa hình nhằm phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
- Giải pháp phi công trình:
+ Quy hoạch sử dụng đất hợp lý: Giảm thiểu suy thoái rừng do hoạt động phát triển nông nghiệp.
+ Quản lý nghiêm ngặt các hoạt động khai thác tài nguyên (đất, nước, rừng, khoáng sản,...).
+ Tăng cường bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn: bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất, phát triển rừng theo quy hoạch.
c) Giải pháp nền xây dựng và thoát nước mặt đối với đô thị và điểm dân cư:
* Nền xây dựng:
- Xây dựng trên nguyên tắc, tôn trọng tối đa địa hình tự nhiên, giữ ổn định nền, tránh phá vỡ cân bằng sinh thái, giữ mặt phủ xanh.
- Tại các khu vực địa hình dốc, cần cải tạo: chia thềm xây dựng giật cấp theo địa hình, đồng thời gia cố nền với các dạng: ta luy cỏ, ta luy cỏ có gia cố rọ đá, khung sắt với các thềm dốc có nguy cơ sạt lở cao.
- Cao độ nền xây dựng khống chế an toàn theo điều kiện thuỷ văn, có dự phòng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
- Các khu vực xây dựng ven suối cần đảm bảo an toàn, không bị ngập do lũ suối: cao độ nền nhỏ nhất phải lớn hơn (0,5-1)m so với mực nước suối cao nhất trong mùa lũ: Hxdmin>H s.max +(0,5-1)m.
- Với các khu vực thường xảy ra lũ quét, cần nâng cấp, xây dựng công trình có khả năng phòng tránh lũ, tránh xây dựng các dạng nhà tre, nứa thô sơ, thiếu an toàn.
- Tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ tai biến về lũ quét, sạt lở: . Khi xây dựng phải gia cố nền, móng công trình (tường chắn, ta luy) hoặc có thể phải di chuyển đến các khu tái định cư để ổn định đời sống.
- Tại trung tâm thị trấn, trung tâm xã cần có những công trình mang tính cộng đồng, kết hợp chức năng chính với chức năng phòng tránh thiên tai: nhà Văn hóa, trường học, nhà thờ, chùa....
* Thoát nước mặt:
- Hệ thống:
+ Tận dụng các trục tiêu chính là các khe và suối tự nhiên.
+ Xây dựng hệ thống tuyến thoát theo mạng giao thông, đảm bảo thoát nước triệt để, không gây ô nhiễm môi trường.
+ Xây dựng hệ thống thoát nước mặt hoạt động theo chế độ tự chảy. Tại thị trấn Tĩnh túc, dự kiến xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng để đảm bảo vệ sinh môi trường (do thị trấn có các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, nhiều nguy cơ ô nhiễm).
+ Khu vực trung tâm các xã: xây dựng hệ thống thoát nước chung cho cụm dân cư , đảm bảo môi trường vệ sinh nông thôn, thông qua các quy hoạch nông thôn mới của các xã.
+ Với các cụm làng nghề nước thải sinh hoạt và sản xuất có nhiều chất hoá học, độc hại cần thiết kế hệ thống cống thoát nước riêng hoặc nửa riêng, nước nước thải được tách ra xử lý đảm bảo tiêu chuẩn cho phép mới được phép thoát chung và xả vào hệ thống chung.
+ Với các dạng mô hình xây dựng phân tán, nhỏ lẻ, hệ thống thoát nước nên xây dựng hệ thống thoát chung, nước thải sinh hoạt sẽ được xử lý qua các bể tự hoại của hộ gia đình sau đó sẽ thoát chung.
- Lưu vực, hướng thoát:
+ Lưu vực 1: có diện tích lưu vực: 2310ha, thuộc phía Đông Bắc Phia Đén, nằm trong ranh giới thị trấn Tĩnh Túc, nước mặt thoát ra suối Nậm Kép theo hướng Tây- Đông.
+ Lưu vực 2: nằm ở phía Đông của vùng lập quy hoạch, thuộc xã Quang Thành và một phần diện tích xã Thành Công, có diện tích lưu vực: 9653ha. Hướng dòng chảy về sông Nhiên, theo hướng Tây- Đông.
+ Lưu vực 3: thuộc phía Tây của vùng, thuộc phạm vi xã Phan Thanh và một phần xã Công Thành, có diện tích lưu vực:13131ha, là thượng nguồn của sông Năng, dòng chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, thoát vào sông Năng.
10.2. Quy hoạch giao thông:
a) Hệ thống giao thông quốc lộ và tỉnh lộ:
- Quốc lộ 34: đoạn qua khu vực vùng được quy hoạch tiêu chuẩn đường cấp III có nền đường Bnền=12 m.
- Đường tỉnh 212: đoạn qua khu vực vùng được đầu tư xây dựng đạt cấp V miền núi, tiến tới đạt cấp IV miền núi. Đoạn qua trung tâm xã, điểm du lịch kiến nghị xây dựng vỉa hè từ 3-5m phục vụ nhu cầu du lịch, tạo cảnh quan cho điểm du lịch trong vùng.
b) Hệ thống giao thông đường huyện, đường liên xã:
Quy hoạch xây dựng mới 7 tuyến đường liên xã trong vùng kết nối các trung tâm xã, các khu chức năng chính. Cấp đường từ cấp IV đến cấp V miền núi.
c) Hệ thống giao thông thôn, xóm trong xã:
Hoàn thiện hệ thống giao thông trong xã, xây dựng cứng hóa các tuyến đường chính trong xã đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất. Quy mô các tuyến đường chính trong xã nền 5m, mặt đường 3-3.5m.
d) Hệ thống bến xe công trình giao thông đầu mối:
Quy hoạch một bến xe quy mô 1ha tại đô thị du lịch Phia Đén. Quy hoạch 3 bãi đỗ xe tại các điểm du lịch quy mô 0,3 - 0,5 ha.
10.3. Quy hoạch cấp nước:
a) Tổng nhu cầu cấp nước:
- Giai đoạn 2020: 2.250 m3/ngđ.
- Giai đoạn 2030: 4.000 m3/ngđ.
b) Phân vùng cấp nước và giải pháp cấp nước sinh hoạt:
* Vùng 1:
- Là vùng núi cao (> 1000 m) bao gồm Xã Thành Công (trung tâm xã Thành Công, xóm Phia Đén, xóm Đồi Thông); xã Phan Thanh (xóm Nà Mừng, Bình Đường).
- Áp dụng các loại hình cấp nước: Hệ thống cấp nước tập trung (hệ tự chảy), hồ chứa nước, giếng đào, bể chứa nước mưa (nên xây bể nửa chìm, nửa nổi). Khu vực thung lũng dọc theo các sông suối thuận lợi về nguồn nước có thể áp dụng hệ thống cấp nước tập trung dùng bơm dẫn.
* Vùng 2:
- Là vùng núi có độ cao từ 500-1000m, gồm thị trấn Tĩnh Túc, xã Thành Công, xã Phan Thanh và xã Quang Thành.
- Áp dụng các loại hình cấp nước: Hệ thống cấp nước tập trung (bơm dẫn sử dụng nước ngầm, nước mặt), giếng đào.
* Vùng 3:
- Là vùng núi thấp (< 500m) gồm các xóm phía Tây Nam của xã Phan Thanh và các xóm phía Đông xã Quang Thành.
- Áp dụng các loại hình cấp nước: Hệ thống cấp nước tập trung (hệ tự chảy, bơm dẫn sử dụng nước mặt), giếng đào, bể chứa nước mưa.
* Cấp nước nông thôn:
Dùng hình thức cấp nước tập trung quy mô vừa và nhỏ, giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa, nguồn nước ngầm mạch lộ thiên, nguồn nước suối, hệ thống nước tự chảy đúng kỹ thuật.
- Cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống cung cấp nước bao gồm: các trạm cấp nước, mạng lưới đường ống cấp nước để sau khi xây dựng phát huy được hiệu quả.
* Các dự án cấp nước:
- Xây dựng mới trạm cấp nước Tĩnh Túc (công suất đợt 1: 1.000m3/ngđ, công suất đợt 2: 1.600m3/ngđ), đặt tại trung tâm thị trấn Tĩnh Túc.
- Xây dựng mới trạm cấp nước Phia Đén (công suất đợt 1: 530 m3/ngđ, công suất đợt 2: 1.100 m3/ngđ), cấp cho các khu dân cư, khu du lịch của Phia Đén, nguồn nước từ các suối, khe.
- Xây dựng mới trạm cấp nước tại trung tâm xã Phan Thanh (công suất đợt 1: 200 m3/ngđ, công suất đợt 2: 350 m3/ngđ) và xã Quang Thành (công suất đợt 1: 150 m3/ngđ, công suất đợt 2: 300 m3/ngđ), chỉ cấp cho trung tâm xã, nguồn nước khai thác từ hệ cấp nước tự chảy, nước suối xử lý qua bể lắng lọc sau đó dẫn đến các điểm phân phối nước hoặc các hộ tiêu thụ.
10.4. Quy hoạch cấp điện:
a) Nhu cầu phụ tải điện toàn vùng: 9664kVA .
b) Phương án cấp điện:
* Nguồn:
Dùng trạm 110kV Nguyên Bình, giai đoạn 2012-2015 cần xây dựng và đưa vào vận hành trạm biến áp 110kV Nguyên Bình công suất 1x25MVA, giai đoạn 2015-2020 nâng cấp lên 2x25MVA.
- Ngoài ra, có thể bổ sung thêm nguồn cấp từ thủy điện theo quy hoạch.
* Lưới cao áp và trung áp:
- Xây dựng đường dây 110kV mạch kép từ trạm 220kV Cao Bằng dài 36km đi dây AC-185, để cấp điện cho trạm 110kV Nguyên Bình.
- Dự kiến trạm 110kV Nguyên Bình sẽ có 4 xuất tuyến gồm 3 lộ 35kV và 1 lộ 22kV.
* Lưới điện và trạm hạ thế:
- Trạm hạ thế trong các cụm công nghiệp tuân thủ theo thiết kế về quy mô và vị trí theo từng nhà máy cụ thể. Trong khu công nghiệp không yêu cầu về hình thức mỹ quan của nhà trạm trừ các vị trí tiếp giáp với trục giao thông lớn, công trình hành chính. Trong các khu dân cư, đô thị xây mới nên sử dụng trạm kín kiểu xây hoặc hợp bộ để đảm bảo mỹ quan đô thị. Quy mô chiếm đất các trạm trong khoảng 20-40m2, đặt tại các vị trí cây xanh và trong các công trình có phụ tải lớn.
- Xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ mạng lưới chiếu sáng đèn đường, chiếu sáng cảnh quan, lễ hội cho khu vực nghiên cứu. Bổ sung các tuyến chiếu sáng cho các trục đường quốc lộ và các khu dân cư.
10.5. Quy hoạch thoát nước thải:
a) Nhu cầu thoát nước thải:
- Đến năm 2020 là: 960 m3/ngđ.
- Đến năm 2030 là: 1570 m3/ngđ.
b) Định hướng quy hoạch thoát nước thải:
* Đối với các đô thị:
- Các đô thị (cấp IV, V) sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng, nước thải được tách riêng tại các giếng tách nước và đưa về trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7222-2002 BTNMT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt”.
- Các cụm công nghiệp tập trung sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng, nước thải được xử lý Quy chuẩn Việt Nam QCVN 40-2011 BTNMT. Công nghiệp phân tán và các làng nghề: xử lý nước thải sơ bộ đạt theo Quy chuẩn Việt Nam 24- 2009 chất lượng nước “Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải”.
- Nước thải y tế phải xử lý đạt QCVN 14-2008 sau đó mới được xả ra hệ thống thoát nước.
* Các xã và điểm dân cư nông thôn:
- Đối với các thị tứ và cụm dân cư nông thôn sẽ được xử bằng phương pháp tự làm sạch. Khuyến khích và hướng dẫn người dân sử dụng xí tự hoại ở các khu vực đô thị và xí thấm ở các vùng nông thôn.
- Bể biogas áp dụng đối với những hộ chăn nuôi gia sức có số lượng nhiều, các trang trại chăn nuôi tập trung.
10.6. Quy hoạch quản lý chất thải rắn:
a) Nhu cầu xử lý chất thải rắn:
- Đến năm 2020 là: 9,6 tấn/ngày.
- Đến năm 2030 là: 13 tấn/ngày.
b) Định hướng thu gom và xử lý chất thải rắn:
- Tổ chức thu gom chất thải rắn hợp lý tại khu vực đô thị. Chất thải rắn sau khi thu gom được đưa đến khu xử lý tập trung
- Các thị trấn sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh quy mô từ 3-5 ha. Khuyến khích sử dụng chung bãi chôn lấp chất thải rắn nếu đảm bảo khoảng cách từ các đô thị đến bãi chôn lấp không quá 10km (thị trấn Tĩnh Túc, sử dụng chung bãi chôn lấp chất thải rắn của huyện tại bãi chôn lấp Roỏng Giè Giá. Lập dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn này đạt tiêu chí là bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh của vùng).
- Các khu vực trung tâm cụm xã bố trí bãi chôn lấp chất thải rắn quy mô khoảng 1 ha. Có thể kết hợp sử dụng khu chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh của các đô thị nếu khoảng cách vận chuyển không quá 5 km.
- Tại các điểm dân cư riêng lẻ bố trí điểm tập trung rác hoặc sử dụng các biện pháp chôn ủ rác để phân hủy yếm khí rác thải, cung cấp phân bón cho nông nghiệp. Các điểm chôn ủ rác thải cần phải được xây dựng và bố trí phù hợp các quy định về vệ sinh môi trường.
c) Chất thải rắn y tế:
Chất thải y tế nguy hại phải được xử lý ngay trong bệnh viện, trạm xá bằng phương pháp đốt ở nhiệt độ cao. Đầu tư xây dựng một trạm đốt rác thải y tế nguy hại riêng tại Bệnh viện đa khoa Tĩnh Túc.
d) Chất thải rắn công nghiệp:
Chất thải rắn công nghiệp cần được phân loại thành các chất thải, phế phẩm có thể tái chế, các chất thải không độc hại sẽ được xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt hoặc dùng chôn lấp tại chỗ, các chất thải độc hại cần phải xử lý sơ bộ trước khi đưa đi chôn lấp.
10.7. Quy hoạch nghĩa trang:
- Nhu cầu đất nghĩa trang:
+ Đến năm 2020 là 0,73 ha.
+ Đến năm 2030 là 0,9 ha.
- Do đặc điểm địa hình và phong tục tập quán khác nhau giữa các dân tộc, nên không quy hoạch thành lập các nghĩa trang liên vùng.
- Mỗi đô thị cần có một nghĩa trang riêng, bố trí xa dân cư, xa nguồn nước.
11. Đánh giá môi trường chiến lược: Như nội dung quy hoạch đã lập.
12. Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư:
12.1. Giai đoạn 2012 - 2020:
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông nối kết vùng trung tâm Phia Đén (TL212) với tuyến QL34 và từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng.
- Tiếp tục dự án bảo tồn, phục hồi rừng để bảo vệ môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và giảm thiểu tai biến thiên nhiên.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cải tạo môi trường tại đô thị, các thôn bản để phát triển hình thức du lịch cộng đồng.
- Lập quy hoạch xây dựng khu vực trung tâm Phia Đén thành Đô thị dịch vụ du lịch.
- Cải tạo môi trường ở tại các thôn bản trở thành các làng văn hóa du lịch cộng đồng.
12.2. Giai đoạn 2020 - 2030:
- Tập trung xây dựng hệ thống công trình thương mại, dịch vụ, văn hóa xã hội, nông nghiệp, công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm cụm xã (Trung tâm Phia Đén, thị trấn Tĩnh Túc, Trung tâm thương mại Cốc Bó) để trở thành các cực phát triển cho vùng.
- Dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp.
- Xây dựng, hình thành cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kỹ thuật cao.
- Phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, đàn gia cầm tạo thành sản phẩm hàng hóa có giá trị.
- Phát triển các vùng trồng cây công nghiệp, vùng trồng cây dược liệu, vùng trồng hoa màu có giá trị.
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công bố, công khai đồ án quy hoạch và cung cấp thông tin về quy hoạch nêu trên theo đúng quy định hiện hành.
2. Ủy ban nhân dân huyện Nguyên Bình và các sở, ban, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quy định, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch nêu trên theo đúng quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Nguyên Bình và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2908/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2Quyết định 2285/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng phía Nam đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 3Quyết định 1183/QĐ-UBND.HC năm 2014 Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật xây dựng 2003
- 3Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 4Thông tư 07/2008/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 5Quyết định 03/2008/QĐ-BXD quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 6Quyết định 2908/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 7Quyết định 2285/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng phía Nam đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 8Quyết định 1183/QĐ-UBND.HC năm 2014 Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 9Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch xây dựng vùng Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2013 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Quyết định 2326/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2013 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 2326/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/12/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Người ký: Nguyễn Hoàng Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra