Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2318/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 05 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án 404);
Xét đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tại Tờ trình số 23/TTr-HPN ngày 20 tháng 11 năm 2014 và của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1401/TTr-GDĐT-VP ngày 13 tháng 5 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thủ trưởng các Sở ngành Thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NHÓM TRẺ ĐỘC LẬP TƯ THỤC Ở KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2318/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)
Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án 404);
Căn cứ thực trạng tình hình nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
Hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.
- Hỗ trợ kiện toàn, phát triển nâng chất lượng các nhóm trẻ độc lập tư thục tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm giúp người lao động có con dưới 36 tháng tuổi yên tâm công tác.
- Tăng tỷ lệ trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi được đi học.
- Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi đối với đội ngũ là chủ nhóm, giáo viên và người giữ trẻ.
- Nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
- Hỗ trợ, kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức tại cộng đồng; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và các ngành liên quan trong quản lý nhóm trẻ.
- Xây dựng và áp dụng cơ chế bảo đảm và nâng cao chất lượng của nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng; tăng cường vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
- Nghiên cứu, rà soát và đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi là công nhân lao động, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá việc triển khai Đề án.
1. Kết quả đạt được:
Ngành Giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua phát triển mạnh mẽ về quy mô, số lượng và chất lượng.
| Năm học 2010-2011 | Năm học 2011-2012 | Năm học 2012-2013 | Năm học 2013-2014 | Năm học 2014 - 2015 |
Số trường | 707 | 777 | 827 | 912 | 939 |
Số nhóm, lớp độc lập | 988 | 1.134 | 1.243 | 1.469 | 1.518 |
Tổng số trẻ - Trong đó | 284.185 | 304.572 | 326.131 | 331.231 | 321.670 |
Nhà trẻ | 51.289 | 55.900 | 53.708 | 65.905 | 60.484 |
Tỷ lệ | 32.9% | 39.8% | 31.1% | 34.6% | 32.4% |
Mẫu giáo | 232.896 | 248.672 | 272.423 | 265.326 | 261.186 |
Tỷ lệ | 90% | 95% | 93.6% | 89.8% | 91.3% |
Số giáo viên | 13.983 | 14.882 | 16.576 | 18.585 | 19.230 |
Ngành học mầm non đã tổ chức nhiều chuyên đề như: đổi mới tổ chức bữa ăn, đổi mới hoạt động làm quen chữ viết, đánh giá giáo viên tổ chức hoạt động vui chơi, đổi mới hoạt động giáo dục âm nhạc, đổi mới hoạt động tạo hình, nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động... nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn.
Giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn hiện nay trên 69%, đa số giáo viên ứng dụng được công nghệ thông tin trong việc lập kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ.
Nhiều trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia. Toàn Thành phố có 94 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 06 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Hiện nay Thành phố đã thực hiện thí điểm nhận trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi tại 8 quận, huyện góp phần tăng tỷ lệ trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường.
Về cơ chế quản lý, căn cứ các quy định pháp luật: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện chỉ quản lý, chỉ đạo về chuyên môn và tham mưu cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở mầm non ngoài công lập. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) cấp phép thành lập cho nhóm, lớp; Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp phép thành lập cho trường Mầm non ngoài công lập.
Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện tạo điều kiện cho các cơ sở mầm non ngoài công lập được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, tham gia phong trào thi đua, khen thưởng như các trường công lập trong quận, huyện và phân công Ban Giám hiệu của các trường công lập theo dõi, hỗ trợ các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn về chuyên môn.
2. Một số hạn chế, khó khăn:
- Sự gia tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến việc xây dựng trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, nhiều quận, huyện phải xây dựng trường Mầm non liên phường vì không còn đất để xây trường Mầm non. Đặc biệt là khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu trường lớp trầm trọng. Số lượng trường lớp công lập cả Thành phố chỉ đáp ứng việc thu nhận 48,7% tổng số trẻ, 51,3% còn lại học ở các trường lớp tư thục.
- Hiện nay số trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi ở các khu công nghiệp, khu chế xuất là 12.721. Số trẻ được đi học ở trường là 2.827 tỷ lệ 22,2%, số trẻ đi học ở nhóm lớp có phép là 2.531 tỷ lệ 19,8% và số trẻ đi học ở nhóm lớp không phép là 1.350 tỷ lệ 10.6%. Như vậy số trẻ đang học tại các nhóm lớp chiếm tỷ lệ cao.
- Còn nhiều nhóm trẻ chưa đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên, đồ chơi trang thiết bị. Người nuôi giữ trẻ ở các cơ sở không phép vừa thiếu vừa chưa được đào tạo đạt chuẩn, vẫn còn tồn tại nhóm lớp không phép và hộ giữ trẻ gia đình gây khó khăn cho công tác quản lý.
- Các trường công lập nhận rất ít trẻ nhóm nhỏ (6-18 tháng) và trong một trường số nhóm nhà trẻ cũng ít so với số lớp mẫu giáo. Vì vậy tỷ lệ trẻ đi học nhà trẻ chưa cao.
- Trường công lập tổ chức nhận trẻ trong giờ hành chính nên chưa tạo điều kiện cho công nhân, người lao động làm theo ca gửi trẻ.
Năm học 2014 - 2015:
- Xây dựng và triển khai kế hoạch tại 10 quận, huyện có các khu công nghiệp, khu chế xuất (Quận 2, Quận 7, Quận 12, quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận Tân Bình, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và Nhà Bè).
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch đến chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể và nhân dân nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng.
- Rà soát các nhóm trẻ tại địa bàn quận, huyện, đề xuất các giải pháp để kiện toàn, nâng chất lượng các nhóm.
Năm học 2015 - 2016:
- Chọn thí điểm tại 4 quận: Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức.
- Mỗi quận kiện toàn nâng chất lượng 30% nhóm trẻ trên địa bàn. Hỗ trợ nâng chất lượng 20 nhóm (5 nhóm/quận. Trong đó hoàn chỉnh 3 nhóm có phép và xây dựng hoàn chỉnh để cấp phép 2 nhóm) 8 nhóm mới và 12 nhóm cũ.
- 80% người nuôi giữ trẻ và 90% chủ nhóm của 4 quận: Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp.
- 50% các bà mẹ ở khu công nghiệp, khu chế xuất của các quận: Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức được tuyên truyền nâng cao nhận thức chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi.
Năm học 2016 - 2017:
- Tiếp tục triển khai ở 6 quận, huyện: Quận 2, Quận 7, Quận 12 và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Kiện toàn 30% nhóm trẻ của 6 quận, huyện. Hỗ trợ nâng chất lượng 30 nhóm (5 nhóm/quận, huyện. Trong đó hoàn chỉnh 3 nhóm có phép và xây dựng hoàn chỉnh để cấp phép 2 nhóm) 12 nhóm mới và 18 nhóm cũ.
- Kiện toàn 50% nhóm trẻ của quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức. Hỗ trợ 20 nhóm (5 nhóm/quận. Trong đó hoàn chỉnh 4 nhóm có phép và xây dựng hoàn chỉnh để cấp phép 1 nhóm) 16 nhóm cũ và 4 nhóm mới.
- Phấn đấu 35% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai Đề án được gửi trong các cơ sở giáo dục mầm non có phép và đảm bảo chất lượng.
- 85% người nuôi giữ trẻ và 95% chủ nhóm của quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp.
- 80% người nuôi giữ trẻ và 90% chủ nhóm của Quận 2, Quận 7, Quận 12 và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp.
- 80% các bà mẹ ở khu công nghiệp, khu chế xuất của các quận: Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và 50% các bà mẹ ở khu công nghiệp, khu chế xuất của các Quận 2, Quận 7, Quận 12 và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè được tuyên truyền nâng cao nhận thức chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi.
Năm học 2017 – 2018:
- Kiện toàn 80% nhóm trẻ và hỗ trợ hoàn chỉnh 20 nhóm cũ có phép của 4 quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức.
- Kiện toàn 50% nhóm trẻ và hỗ trợ nâng chất lượng 30 nhóm (5 nhóm/ quận, huyện; 24 nhóm cũ và 6 nhóm mới. Trong đó hoàn chỉnh 4 nhóm có phép và xây dựng hoàn chỉnh để cấp phép 1 nhóm) của Quận 2, Quận 7, Quận 12, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
- Phấn đấu 45% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai Đề án được gửi trong các cơ sở giáo dục mầm non có phép và đảm bảo chất lượng.
- 90% người nuôi giữ trẻ và 100% chủ nhóm của quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp.
- 85% người nuôi giữ trẻ và 95% chủ nhóm của Quận 2, Quận 7, Quận 12 và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp.
- 90% các bà mẹ ở khu công nghiệp, khu chế xuất của các quận: Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và 80% các bà mẹ ở khu công nghiệp, khu chế xuất của các Quận 2, Quận 7, Quận 12 và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè được tuyên truyền nâng cao nhận thức chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi.
- Riêng các quận, huyện không nằm trong kế hoạch thực hiện của Đề án thì tùy điều kiện thực tế cần xây dựng lộ trình kiện toàn các nhóm, lớp độc lập tư thục trên địa bàn.
Năm học 2018 – 2019:
- Kiện toàn 100% nhóm trẻ và hỗ trợ hoàn chỉnh 20 nhóm cũ có phép của 4 quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức.
- Kiện toàn 80% nhóm trẻ và hỗ trợ nâng chất lượng 30 nhóm cũ có phép của Quận 2, Quận 7, Quận 12, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
- Phấn đấu 55% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai Đề án được gửi trong các cơ sở giáo dục mầm non có phép và đảm bảo chất lượng.
- 95% người nuôi giữ trẻ và 100% chủ nhóm của quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp.
- 90% người nuôi giữ trẻ và 100% chủ nhóm của Quận 2, Quận 7, Quận 12 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp.
- 95% các bà mẹ ở khu công nghiệp, khu chế xuất của các quận: Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và 90% các bà mẹ ở khu công nghiệp, khu chế xuất của các Quận 2, Quận 7, Quận 12 và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè được tuyên truyền nâng cao nhận thức chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi.
Năm học 2019 – 2020:
- 100% nhóm lớp của 10 quận, huyện được kiện toàn, đảm bảo chất lượng.
- 100% chủ nhóm, giáo viên và người giữ trẻ được tập huấn.
- Phấn đấu 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai Đề án được gửi trong các cơ sở giáo dục mầm non có phép và đảm bảo chất lượng.
- Hỗ trợ hoàn chỉnh 30 nhóm có phép của 6 Quận 2, Quận 7, Quận 12, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
- 95% các bà mẹ ở khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa bàn triển khai Đề án được tuyên truyền nâng cao nhận thức chăm sóc giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi.
1. Rà soát thống kê số nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn các quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đó, nắm được số nhóm trẻ cần kiện toàn và hỗ trợ.
Thống kê nhóm có phép, không phép để có biện pháp quản lý tốt.
Kiên quyết đóng cửa đối với các nhóm không đảm bảo điều kiện an toàn cho trẻ.
Yêu cầu thực hiện cam kết với địa phương đối với các hộ giữ trẻ tự phát với số nhóm dưới 7 trẻ.
2. Hỗ trợ nhóm lớp ngoài công lập:
Đối với các nhóm lớp chưa được cấp phép: hướng dẫn các thủ tục về hồ sơ đối với các nhóm trẻ đủ điều kiện để cấp phép hoạt động theo quy định.
Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ và đạo đức lương tâm nghề nghiệp cho chủ nhóm, giáo viên và người giữ trẻ.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức tại cộng đồng; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và các ngành liên quan trong quản lý nhóm trẻ.
4. Phát huy xã hội hóa: kêu gọi các mạnh thường quân, nhà đầu tư hỗ trợ cho các nhóm trẻ được vay vốn để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
5. Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ chủ nhóm, giáo viên và người giữ trẻ. Sử dụng:
- Kinh phí từ nguồn đề án.
- Kinh phí ngân sách thực hiện Đề án của quận, huyện.
- Tổ chức các lớp tập huấn cho chủ nhóm, giáo viên và các chuyên đề cho người giữ trẻ chưa có trình độ văn hóa trung học cơ sở để tham gia các lớp tập huấn.
6. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp:
Ủy ban nhân dân quận, huyện khẩn trương thực hiện các dự án xây dựng trường Mầm non theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt của Ủy ban nhân dân Thành phố, đảm bảo đến năm 2020 tỷ lệ trẻ học Mẫu giáo công lập: 60%; ngoài công lập: 40% (trong đó 35% trường; 5% nhóm lớp). Tỷ lệ trẻ học Nhà trẻ công lập: 40%; ngoài công lập 60% (trong đó 50% trường; 10% nhóm lớp).
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Là cơ quan thường trực, phối hợp với sở ngành liên quan để trình Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các chế độ, chính sách, cấp phát kinh phí theo yêu cầu của đề án.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức chọn điểm triển khai và từng bước nhân rộng trên khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn.
- Lập kế hoạch, tiến độ triển khai đề án chi tiết.
- Chủ trì phối hợp với các sở ngành tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Có kế hoạch kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện của Đề án.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết về thực hiện Đề án, rút kinh nghiệm trình Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo kịp thời những phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát và điều phối các hoạt động của Đề án và tổ chức các hội nghị, hội thảo sơ, tổng kết việc thực hiện Đề án.
- Tổng hợp và thực hiện chế độ báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án theo chỉ đạo.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố:
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đối tượng thụ hưởng của Đề án.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổng hợp số nhóm trẻ được hỗ trợ, phát triển từng năm về Ban Điều hành Đề án Trung ương trên cơ sở chỉ tiêu nhóm trẻ được phân bổ cho từng quận, huyện theo từng giai đoạn.
- Phối hợp tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Đề án theo kế hoạch đã được phê duyệt; tăng cường vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong việc giám sát các nhóm trẻ độc lập.
- Thường xuyên tuyên truyền cho các bà mẹ về việc nuôi dạy trẻ an toàn, kiên quyết không gửi trẻ ở những điểm giữ trẻ không phép; phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh, đặc biệt là các gia đình có con gửi ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ nhóm và người giữ trẻ ở các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình trong việc chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ, áp dụng kiến thức giáo dục mầm non trong nuôi dạy, chăm sóc trẻ em.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp triển khai thực hiện Đề án theo chức năng nhiệm vụ.
- Hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện phối hợp giám sát việc thực hiện Quyền trẻ em, chế độ chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các nhóm trẻ độc lập tư thục.
4. Sở Y tế:
- Phối hợp triển khai thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm trẻ độc lập tư thục thực hiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ theo quy định và phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục.
5. Liên đoàn Lao động Thành phố:
- Phối hợp triển khai thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc con cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chính sách có liên quan, trong đó đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
6. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố:
- Có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện Đề án.
- Sử dụng một phần đất của khu quy hoạch công cộng trong các khu chế xuất, khu công nghiệp để xây dựng trường mầm non, đảm bảo đủ chỗ học cho con của công nhân, người lao động đang làm việc trên địa bàn.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính: Có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị tham gia thực hiện Đề án xây dựng dự toán kinh phí hàng năm và căn cứ trên đó để phân bổ kinh phí thực hiện Đề án.
8. Ủy ban nhân dân 10 quận, huyện thực hiện Đề án:
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 404) gồm: đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận - huyện; Hội Liên hiệp Phụ nữ quận - huyện; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Tài chính; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Y tế; Liên đoàn Lao động quận - huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Công ty Kinh doanh và phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn quận - huyện, trong đó lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận - huyện là Trưởng Ban, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ là Phó Ban.
- Chọn địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất có đông công nhân lao động làm điểm thực hiện Đề án; đồng thời, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Đề án đến các địa bàn được chọn thực hiện điểm. Xác định, đăng ký số nhóm trẻ được hỗ trợ, phát triển từng năm về Ban Chỉ đạo Đề án Thành phố trên cơ sở chỉ tiêu nhóm trẻ được phân bổ cho từng quận, huyện theo từng giai đoạn.
- Kinh phí thực hiện Đề án trên cơ sở kế hoạch tổng thể và định hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án Thành phố.
- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ban, ngành, đoàn thể chức năng thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
- Có kế hoạch kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện của Đề án.
9. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố: Tổ chức giám sát hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dạy trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ gia đình, phát hiện kịp thời những điểm giữ trẻ không phép để kịp thời phối hợp chấn chỉnh, xử lý những sai phạm.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm:
+ Từ nguồn ngân sách Nhà nước: kinh phí thực hiện Đề án thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
+ Từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trên địa bàn dân cư.
Căn cứ vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm, các đơn vị lập dự toán kinh phí thực hiện theo nội dung chi và mức chi hướng dẫn tại Thông tư số 143/2014/TT-BTC ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" từ nguồn ngân sách nhà nước; tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách Nhà nước của cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.
Ủy ban nhân dân quận - huyện căn cứ ngân sách địa phương, xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí cho các phòng ban chuyên môn và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận - huyện thực hiện các nội dung hoạt động của Đề án.
Khuyến khích huy động nguồn lực ngoài ngân sách và xã hội hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đúng nội dung và đảm bảo tiến độ thời gian kế hoạch đã đề ra./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Quyết định 228/QĐ-UB năm 1988 ban hành Quy chế tạm thời về tổ chức nhà trẻ dân lập, nhóm trẻ gia đình và mẫu giáo dân lập do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Chỉ thị 16/2009/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 3Quyết định 95/QĐ-UBND năm 2015 bổ sung cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2025, các dự án chế biến tinh bột sắn
- 4Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 5Kế hoạch 2634/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2015-2020
- 6Quyết định 6290/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020’’ tại thành phố Đà Nẵng
- 7Nghị quyết 101/2017/NQ-HĐND về quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020
- 8Nghị quyết 07/2017/NQ-HĐND về quy định mức chi hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ năm 2018 đến năm 2020
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 228/QĐ-UB năm 1988 ban hành Quy chế tạm thời về tổ chức nhà trẻ dân lập, nhóm trẻ gia đình và mẫu giáo dân lập do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Quyết định 404/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 16/2009/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 6Thông tư 143/2014/TT-BTC về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" từ nguồn ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7Quyết định 95/QĐ-UBND năm 2015 bổ sung cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2025, các dự án chế biến tinh bột sắn
- 8Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 9Kế hoạch 2634/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2015-2020
- 10Quyết định 6290/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020’’ tại thành phố Đà Nẵng
- 11Nghị quyết 101/2017/NQ-HĐND về quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020
- 12Nghị quyết 07/2017/NQ-HĐND về quy định mức chi hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ năm 2018 đến năm 2020
Quyết định 2318/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 2318/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/05/2015
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Hứa Ngọc Thuận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 34
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra