Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 08 tháng 01 năm 2008 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét Tờ trình số 206/TTr-SVHTT, ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Giao Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì và phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án này. Đồng thời, Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 10-CTR/TU CỦA TỈNH UỶ VĨNH LONG VỀ CÔNG TÁC BÁO CHÍ TRƯỚC YÊU CẦU MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/QĐ-UBND, ngày 08 tháng 01 năm 2008 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 29/10/2007 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long xây dựng Đề án thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về công tác báo chí trước yêu cầu mới từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, như sau:
I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ Ở TỈNH VĨNH LONG:
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 03 cơ quan báo chí được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) cấp phép hoạt động gồm: Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Vĩnh Long, Tạp chí Văn nghệ Cửu Long.
Ngoài ra, Bộ đã cấp phép hoạt động cho Truyền hình cáp Đài Truyền hình Vĩnh Long và 10 trang tin điện tử trên Internet cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
1. Đài Phát thanh - Truyền hình:
Hiện có 233 cán bộ, viên chức, trong đó có 60% đã qua đào tạo chuyên ngành cử nhân báo chí, số còn lại đều có trình độ đại học. Nhiều cán bộ chủ chốt đã qua trung cấp, cao cấp chính trị.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thiết bị kỹ thuật số từ khâu sản xuất đến phát sóng chương trình. Về trang thiết bị truyền hình, hiện nay đài phát sóng cùng lúc trên 4 máy: Máy phát hình 10kw x 2 hệ UHF và máy phát hình 2kw hệ VHF; trang thiết bị phát thanh tỉnh có một máy phát sóng trung AM, công suất 10kw; 01 máy phát sóng FM, công suất 10kw x 2; tổ chức quản lý tốt hệ thống truyền thanh cơ sở và đã phủ loa truyền thanh khắp trên địa bàn ấp, khóm tỉnh với 7 đài truyền thanh huyện - thị, 107 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.
Các đài truyền thanh huyện, thị xã được trang bị máy ghi hình, máy phát sóng FM, công suất 500w. Riêng thị xã Vĩnh Long và huyện Bình Minh có máy phát 1.000w.
Thời lượng phát sóng: 18 giờ 30 phút/ngày cho sóng phát thanh và 24/24 giờ trên sóng truyền hình, phủ sóng phục vụ nhân dân nhiều tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, Đài Phát thanh - Truyền hình còn thực hiện mỗi năm khoảng 70 buổi phát hình trực tiếp phục vụ các sự kiện chính trị, các chuyên đề kinh tế, nông nghiệp, y tế và các chương trình văn nghệ giải trí gắn với công tác xã hội, từ thiện; phát sóng đều đặn các chương trình phát thanh trực tiếp phục vụ tốt cho thính giả.
2. Báo Vĩnh Long:
Từ năm 2006 đã tăng trang (từ 8 trang lên 12 trang), tăng kỳ (từ 3 kỳ lên 4 kỳ/tuần) với số lượng xuất bản 80.000 tờ/tháng, với nhiều chuyên trang, chuyên mục sát với yêu cầu cuộc sống, nội dung đúng định hướng, tôn chỉ mục đích. Phát hành đến 100% xã - phường, thị trấn; số lượng độc giả ngày càng tăng.
Báo Vĩnh Long đã xây dựng xong đề án, lộ trình nâng cao chất lượng, phấn đấu đến năm 2008 có báo điện tử và đến 2010 sẽ xuất bản báo ngày. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã và đang được đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn trình độ chính trị. Hiện nay, Báo Vĩnh Long có 32 cán bộ, phóng viên, nhân viên; trong đó ban biên tập có trình độ cử nhân báo chí, cao cấp chính trị; tất cả phóng viên đều tốt nghiệp đại học (72% đại học báo chí) và 2/3 trong số đó có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên. Ngoài ra, báo còn có 30 cộng tác viên thường xuyên.
3. Tạp chí Văn nghệ Cửu Long:
Xuất bản 2 tháng 1 kỳ với số lượng 300 - 400 bản/kỳ; riêng số đặc biệt nhân các ngày lễ 500 bản/kỳ, số xuân 1.500 bản/kỳ. Hiện nay, tạp chí chưa có tư cách pháp nhân (không có con dấu, tài khoản độc lập) và là một đơn vị của Hội Văn học nghệ thuật, chưa phải là cơ quan báo chí trực thuộc hội như Luật Báo chí quy định. Tổ chức bộ máy không đảm bảo hoạt động. Hệ thống phát hành chủ yếu giao lưu với Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, các cơ quan đơn vị địa phương.
Những năm qua, báo chí Vĩnh Long đã không ngừng đổi mới và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, hoạt động đúng định hướng, đúng pháp luật, thực hiện tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ là tiếng nói của Đảng, nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn tin cậy của nhân dân; thực hiện tốt chức năng thông tin nhiều chiều, phong phú trên mọi lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu mới, góp phần tăng cường sự ổn định về chính trị, tạo ra tính dân chủ trong xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước. Nhiều thông tin và kiến nghị của báo chí đã giúp Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể các cấp, bổ sung và hoàn thiện nhiều chủ trương, thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng, không ngừng nâng cao dân trí, chống ảnh hưởng tiêu cực của văn hoá phẩm độc hại, góp phần tích cực giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, được nhân dân quan tâm và đồng tình ủng hộ.
Các tổng biên tập, các ban biên tập, đội ngũ cán bộ, phóng viên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đa số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ phát triển báo chí trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí từng bước được trang bị hiện đại, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ làm báo trong tình hình mới. Đài Phát thanh - Truyền hình tạo nguồn thu đủ cân đối chi cho hoạt động và đóng góp ngân sách. Báo Vĩnh Long tạo nguồn thu tự cân đối được 40% kinh phí hoạt động và tăng dần hàng năm.
Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng hoạt động của báo chí chưa ngang tầm nhiệm vụ; chưa làm tốt chức năng diễn đàn, phản hồi chưa kịp thời những thông tin từ địa phương, từ nhân dân qua thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, chưa sắc bén trong nhiệm vụ chống âm mưu phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch. Công tác biên tập chưa thật sự nhạy bén, thiếu mạnh dạn trước cái mới; một số phóng viên trẻ chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ.
II. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN 2020:
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 đã chỉ rõ: "Phát triển và hiện đại hoá mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản. Đến năm 2010 hoàn thành cơ bản việc phổ cập các phương tiện phát thanh, truyền hình đến mỗi gia đình". Nội dung hoạt động báo chí cần nhấn mạnh báo chí là tiếng nói của Đảng, nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí.
Để thực hiện tốt yêu cầu đó, hoạt động báo chí, một loại hình thông tin chủ yếu trong chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 phải đáp ứng được các mục tiêu chung sau đây:
1. Phát triển báo chí theo cơ cấu, qui mô hợp lý, đáp ứng quyền được thông tin qua báo chí của nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý nhằm đổi mới và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động báo chí phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, từng bước xây dựng hệ thống thông tin báo chí hiện đại, có chất lượng chính trị, chất lượng văn hoá, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ cao.
2. Phát triển đồng bộ và hiện đại các phương tiện thông tin báo chí để phục vụ tích cực, có hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo đảm cho toàn bộ dân cư, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp nhận đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tình hình trong nước và quốc tế qua các phương tiện thông tin, loại hình báo chí phù hợp, với chất lượng tốt, chính xác, hấp dẫn, kịp thời.
3. Từng bước thực hiện xã hội hoá một số khâu và công đoạn thuộc các lĩnh vực hoạt động báo chí, trước mắt là các khâu chế bản, in ấn, phát hành của báo in, quảng cáo thương mại của phát thanh, truyền hình, báo in và sản xuất chương trình nghe - nhìn, văn hoá văn nghệ của phát thanh truyền hình phù hợp Luật Báo chí và pháp luật nhà nước nói chung.
4. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngang tầm trình độ, kỹ năng hoạt động báo chí của phóng viên, biên tập viên của cả nước. Đến năm 2010, đạt tỷ lệ 100% đội ngũ này có trình độ đại học trở lên; 80 - 90% được qua các lớp chính trị trung, cao cấp; 100% phóng viên, biên tập viên trẻ biết ít nhất một ngoại ngữ, trong đó có 70% có trình độ từ B trở lên. Hướng đến 2020, các tỉ lệ này đạt 100%.
Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh quê hương, đất nước con người Vĩnh Long; mời gọi đầu tư trong và ngoài nước; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và các tiêu cực khác; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ làm báo ngang các thành phố lớn.
1. Đối với báo in:
Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, sắp xếp, qui hoạch phát triển mạng lưới báo in trong tỉnh theo chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010, hướng đến 2020, tránh xu hướng thương mại hoá báo chí, tránh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lắp về nội dung, đối tượng, lãng phí trong khâu xuất bản, phát hành, góp phần nâng cao chất lượng về mọi mặt.
Phấn đấu đến năm 2010, phát triển Báo Vĩnh Long trở thành nhật báo với số lượng phát hành tăng hàng năm. Để đáp ứng yêu cầu này, Báo Vĩnh Long cần có đội ngũ biên tập viên, phóng viên, nhân viên tăng gấp đôi thời điểm 2007. Giảm tỉ lệ mất cân đối trong phát hành báo chí giữa thị xã, thị trấn và các vùng nông thôn xuống mức 6/4.
Củng cố, đổi mới, phát triển Tạp chí Văn nghệ Cửu Long, tách thành cơ quan báo chí trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật; tạo cơ sở pháp lý để tạp chí hoạt động chuyên nghiệp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, từng bước hiện đại hoá; tăng kỳ xuất bản 1 số/1 tháng, tăng số lượng và mở rộng phạm vi phát hành, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học nghệ thuật ngày càng cao của người dân.
Nâng cao chất lượng của các ấn phẩm hiện có, thực hiện một số ấn phẩm mới như: Tạp chí về khoa học, công nghệ, tạp chí truyền hình… Nội dung của các ấn phẩm phải đi sâu các lĩnh vực thông tin kinh tế tri thức, khoa học, công nghệ,.. phục vụ nhu cầu thiết thực của các tầng lớp nhân dân.
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho hoạt động báo chí, bảo đảm các sản phẩm báo chí có chất lượng cao về hình thức và nội dung.
2. Đối với phát thanh truyền hình:
Từ nay đến năm 2010, giữ vững thời lượng phát sóng phát thanh truyền hình; nâng cao chất lượng trên 2 lĩnh vực nội dung và kỹ thuật; bảo đảm chương trình tự sản xuất và khai thác trên sóng truyền hình đạt từ 40 - 50% so thời lượng phát sóng; tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Mở rộng diện phủ sóng phục vụ nhu cầu nghe và xem đài của nhân dân. Phấn đấu đến 2020, tự sản xuất 60% chương trình, khai thác các nguồn khác 40%.
Chú trọng đào tạo cán bộ, phóng viên; nâng chất lượng hoạt động của các Đài Truyền thanh huyện - thị và các trạm truyền thanh cơ sở để đảm bảo tiếng nói bốn cấp đến nhân dân. Các đài huyện - thị và cơ sở cần trở thành "văn phòng thường trực" tin cậy, kịp thời cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, báo tỉnh.
Phát triển báo điện tử, tạp chí truyền hình, truyền hình cáp và chương trình truyền hình trả tiền ở thị xã và mở rộng xuống các thị trấn. Khai thác các chương trình truyền hình trong nước và quốc tế nhằm phục vụ nâng cao dân trí, đồng thời tạo nguồn thu để tự cân đối phát triển các hoạt động phát thanh truyền hình.
3. Đối với việc phát triển báo điện tử, trang tin điện tử, quản lý khai thác mạng thông tin toàn cầu:
Trên cơ sở các trang tin điện tử chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) cấp phép, nâng cao chất lượng hoạt động trang tin điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành, trang tin điện tử Tỉnh uỷ; thành lập Báo điện tử Vĩnh Long, Báo điện tử Đài Phát thanh - Truyền hình. Các trang tin điện tử, báo điện tử trong tỉnh phải phong phú về nội dung, có tính định hướng tư tưởng đúng đắn, tính chiến đấu, tính văn hoá, tính nghiệp vụ cao, thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hoá, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các báo điện tử, trang tin điện tử trên địa bàn tỉnh. Chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ truy cập mạng thông tin toàn cầu trái phép, tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, đồi truỵ làm tha hoá đạo đức, lối sống, tổn hại đến thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá, đạo đức của dân tộc và ảnh hưởng đến an ninh, chính trị địa phương.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn.
Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm Đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, Đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí về thi hành điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, nhà nước đối với hoạt động báo chí.
Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xây dựng qui chế cụ thể để thường xuyên thực hiện tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Qui định thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo báo chí của Đảng, cơ quan quản lý báo chí của nhà nước, Hội Nhà báo, đối với cơ quan báo chí và người làm báo; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm. Tổ chức họp giao ban báo chí định kỳ nghiêm túc, hiệu quả.
Thực hiện tốt chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 và định hướng tầm nhìn 2020, phát triển các loại hình báo chí theo hướng đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế trong tỉnh, nâng cao chất lượng về nội dung, đổi mới hình thức, phương thức phát hành, phát sóng đáp ứng với yêu cầu mới và nhu cầu của đời sống xã hội.
Tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ trong cơ quan báo chí. Rà soát, đánh giá lại và kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý, tổng biên tập, biên tập viên, phóng viên và cộng tác viên, kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất, không đủ năng lực ra khỏi cơ quan báo chí. Cụ thể hoá và thực hiện nghiêm Quy định 75-QĐ/TW của Ban Bí thư về ban hành qui chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nghiệp vụ, tổng biên tập, biên tập viên, phóng viên và cộng tác viên có phẩm chất chính trị vững vàng, có nghiệp vụ và kỹ thuật giỏi, có chương trình hoạt động phong phú, ngang tầm trình độ, kỹ năng hoạt động báo chí của cả nước.
Kiện toàn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ quản lý giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản để tăng cường hiệu lực công tác điều hành quản lý báo chí. Kiện toàn, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, coi trọng giáo dục, rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh trước yêu cầu mới.
Các cơ quan báo chí có kế hoạch cụ thể, nêu rõ lộ trình, phương thức đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo. Từng bước phát triển đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngang tầm trình độ, kỹ năng hoạt động báo chí của phóng viên, biên tập viên của cả nước. Đến năm 2010, đạt tỷ lệ 100% đội ngũ này có trình độ đại học trở lên; 80 - 90% được qua các lớp chính trị trung, cao cấp; 100% phóng viên, biên tập viên trẻ biết ít nhất một ngoại ngữ, trong đó có 70% có trình độ từ B trở lên. Hướng đến 2020, các tỉ lệ này đạt 100%.
Đầu tư ngân sách theo kế hoạch để triển khai các dự án đã được phê duyệt về phát thanh, truyền hình; cơ sở vật chất cho Báo Vĩnh Long, trong đó có trang thiết bị phục vụ cho in ấn và phát hành báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí chú trọng việc đa dạng hoá các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng nhiệm vụ để tăng nguồn thu đầu tư cho việc nâng cao chất lượng báo chí.
Các cơ quan báo chí có trách nhiệm báo cáo việc tổ chức thực hiện về Sở Văn hoá - Thông tin tổng hợp hoàn chỉnh để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo từng giai đoạn thực hiện.
Trên đây là nội dung cơ bản của Đề án thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 29/10/2007 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X "về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.
Ngành Văn hoá - Thông tin căn cứ Đề án này, tổ chức phối hợp với các ngành hữu quan triển khai thực hiện./.
- 1Quyết định 2228/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí Hà Nội giai đoạn 2007 - 2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 2450/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 13/2009/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch báo chí in trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2009 - 2020
- 4Quyết định 5514/QĐ.UBND.TH chương trình công tác năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An
- 1Luật Báo chí 1989
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 2228/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí Hà Nội giai đoạn 2007 - 2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 4Nghị quyết 16-NQ/TW năm 2007 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
- 5Quyết định 2450/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 6Quyết định 13/2009/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch báo chí in trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2009 - 2020
- 7Quyết định 5514/QĐ.UBND.TH chương trình công tác năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An
Quyết định 23/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt đề án thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về công tác báo chí trước yêu cầu mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ năm 2008 đến năm 2010 và tầm nhìn 2020
- Số hiệu: 23/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/01/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Lê Thanh Xuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/01/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra