Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2007/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 06 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ VĂN HOÁ XÃ PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ NHÀ VĂN HOÁ THÔN, XÓM, BẢN, TỔ NHÂN DÂN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở đến năm 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tại Tờ trình số 27/TTr-VHTT ngày 02 tháng 5 năm 2007 về việc ban hành Quy định về tổ chức, quản lý, hoạt động của nhà văn hoá xã và nhà văn hoá thôn, xóm, bản, tổ nhân dân,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về tổ chức, quản lý, hoạt động của nhà văn hoá xã, phường, thị trấn và nhà văn hoá thôn, xóm, bản, tổ nhân dân".

Điều 2. Giao Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Sở Thể dục - Thể thao, các cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 450/2002/QĐ-UB ngày 18 tháng 9 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành "Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động của nhà văn hoá thể thao trung tâm cụm xã, nhà văn hoá thôn, xóm, bản, tổ nhân dân" và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ VĂN HOÁ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ NHÀ VĂN HOÁ THÔN, XÓM, BẢN, TỔ NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-UBND ngày 06/8/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nhà văn hoá xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là nhà văn hoá xã); nhà văn hoá thôn, xóm, bản, tổ nhân dân (sau đây gọi chung là nhà văn hoá thôn, bản) là nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể tại địa phương; là nơi tổ chức tập luyện, biểu diễn, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thi đấu thể thao, đọc sách, báo; tổ chức triển lãm, truyền thanh, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động vui chơi giải trí… của nhân dân.

Điều 2. Việc tổ chức các hoạt động của nhà văn hoá xã, nhà văn hoá thôn, bản phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. NHÀ VĂN HOÁ XÃ

Điều 3. Nhà văn hoá xã có Ban chủ nhiệm quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động; Ban chủ nhiệm nhà văn hoá xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã quyết định thành lập. Ban chủ nhiệm nhà văn hoá xã có 3 người, trong đó có Chủ nhiệm và 2 thành viên.

1- Chủ nhiệm: Do Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm (thực hiện theo Quyết định số 05/2006/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

2- Thành viên Ban chủ nhiệm:

Thành viên Ban chủ nhiệm nhà văn hoá xã do đại diện các tổ chức, đoàn thể trong xã kiêm nhiệm; là người nhiệt tình có năng khiếu về văn nghệ, thể thao; có khả năng và điều kiện tổ chức các hoạt động văn hoá, thông tin, thể thao tại cơ sở.

3- Nhiệm vụ của Ban chủ nhiệm nhà văn hoá xã

- Xây dựng nội quy, kế hoạch hoạt động của nhà văn hoá trình Uỷ ban nhân dân xã phê duyệt.

- Tổ chức, duy trì hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin tuyên truyền, thể dục thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh theo đúng quy định của Nhà nước và của tỉnh.

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân xã và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

- Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và các khoản kinh phí đảm bảo đúng mục đích, nguyên tắc, quy định hiện hành của Nhà nước.

- Ban chủ nhiệm nhà văn hoá xã tổ chức họp định kỳ mỗi tháng 1 lần để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động trong tháng và đề ra kế hoạch hoạt động tháng sau.

- Chủ nhiệm nhà văn hoá xã là người chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân xã về toàn bộ hoạt động của nhà văn hoá xã. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong xã và trưởng thôn, bản trên địa bàn hướng dẫn tổ chức hoạt động; quản lý khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà văn hoá thôn, bản trên địa bàn xã.

Điều 4. Các hoạt động tổ chức tại nhà văn hoá xã, gồm:

1- Tổ chức các cuộc họp (đại hội, hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự, nói chuyện chuyên đề, trao đổi, phổ biến về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm sản xuất…) của tổ chức Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.

2- Tập luyện, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, thông tin tuyên truyền, triển lãm, đọc sách, báo, sinh hoạt câu lạc bộ, chiếu phim và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh.

3- Nội dung các hoạt động tại nhà văn hoá xã phải lành mạnh, đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc.

Điều 5. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà văn hoá xã

1- Nhà văn hoá xã có trang thiết bị tối thiểu để hoạt động, bao gồm: Bàn, ghế, phông, cờ (cờ Đảng, cờ Tổ quốc), ảnh hoặc tượng Bác Hồ, Quốc hiệu, tăng âm, loa đài, micro, thiết bị chiếu sáng và một số nhạc cụ, tủ đựng tài liệu…Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động tại nhà văn hoá xã phải được quản lý theo quy định; khai thác, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

2- Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua sắm một số trang thiết bị, phương tiện ban đầu; hàng năm Uỷ ban nhân dân xã dành một phần kinh phí và vận động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí xây dựng sân khấu ngoài trời, sân chơi thể thao, các công trình phụ trợ; mua sắm bổ sung: bàn, ghế, tủ đựng tài liệu, dụng cụ thể thao, nhạc cụ… và các điều kiện cần thiết khác để tổ chức duy trì các hoạt động văn hoá, thể thao tại cơ sở. Có kế hoạch bố trí kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp.

Mục 2. NHÀ VĂN HOÁ THÔN, BẢN

Điều 6. Nhà văn hoá thôn, bản do trưởng thôn, bản hoặc người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể trong thôn, bản (trưởng Ban công tác mặt trận, chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Bí thư chi Đoàn thanh niên, chi hội trưởng Hội Phụ nữ , Hội Nông dân) phụ trách.

Người phụ trách nhà văn hoá thôn, bản có nhiệm vụ:

1- Duy trì hoạt động của nhà văn hoá.

2- Thực hiện thống kê, báo cáo hoạt động của nhà văn hoá với Uỷ ban nhân dân xã và cơ quan quản lý cấp trên về các nội dung có liên quan.

3- Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị và các nguồn kinh phí của nhà văn hoá thôn, bản đảm bảo công khai, dân chủ, đúng mục đích, có hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước.

4- Vận động nhân dân trong thôn, bản tham gia sinh hoạt, bảo quản, đóng góp công sức, kinh phí để mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà văn hoá thôn, bản.

5- Lập hệ thống sổ sách theo dõi tình hình hoạt động và cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà văn hoá.

Điều 7. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà văn hoá thôn, bản

1- Nhà văn hoá thôn, bản phải có vách che kín, có biển ghi rõ tên nhà văn hoá; có trang thiết bị tối thiểu phục vụ hoạt động, gồm: Bàn, ghế, phông, cờ (cờ Đảng, cờ Tổ quốc), ảnh hoặc tượng Bác Hồ, micro, tăng âm, loa đài, thiết bị điện thắp sáng… có sân để biểu diễn văn nghệ, hoạt động thể thao.

2- Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà văn hoá thôn, bản phải được khai thác, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân xã tổ chức kiểm tra, thống kê và đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà văn hoá thôn, bản trên địa bàn, trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.

Điều 8. Các hoạt động tổ chức tại nhà văn hoá thôn, bản, gồm:

1- Tổ chức các cuộc họp của thôn, bản và sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể trong thôn, bản.

2- Tập luyện, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, thông tin tuyên truyền, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp khác.

3- Nội dung các hoạt động tại nhà văn hoá thôn, bản phải lành mạnh, đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Chương III

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 9. Nguồn kinh phí hoạt động của nhà văn hoá xã và nhà văn hoá thôn, bản, gồm:

- Từ nguồn ngân sách cấp xã.

- Kinh phí do nhân dân đóng góp.

- Kinh phí được các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và cá nhân tự nguyện ủng hộ, đóng góp.

- Từ nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 10. Nội dung sử dụng kinh phí

- Chi hỗ trợ phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, tổ chức hội họp, nói chuyện chuyên đề…

- Chi trợ cấp cho Ban chủ nhiệm nhà văn hoá.

- Chi cho việc đầu tư, sửa chữa các trang thiết bị phục vụ tại nhà văn hoá.

Điều 11. Kinh phí hoạt động của nhà văn hoá xã và nhà văn hoá thôn, bản do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý, sử dụng bảo đảm công khai, dân chủ, đúng mục đích và đúng các quy định của Nhà nước hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của các đơn vị

1- Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Thể dục - Thể thao

- Quản lý, hướng dẫn các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của nhà văn hoá xã và nhà văn hoá thôn, bản.

- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, các tổ chức, đoàn thể chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Ban chủ nhiệm nhà văn hoá xã, cán bộ phụ trách nhà văn hoá thôn, bản và các hạt nhân văn nghệ, thể thao ở cơ sở.

- Phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra Uỷ ban nhân dân xã, các nhà văn hoá xã và nhà văn hoá thôn, bản thực hiện Quy định này.

2- Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã:

Chịu trách nhiệm quản lý toàn diện hoạt động của các nhà văn hoá xã, nhà văn hoá thôn, bản trên địa bàn.

3- Uỷ ban nhân dân cấp xã:

Chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động của nhà văn hoá xã và nhà văn hoá thôn, bản bảo đảm đúng quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh; bao gồm việc quản lý về tổ chức, cơ sở vật chất, kế hoạch hoạt động; vận động nhân dân đóng góp kinh phí, công sức, hiện vật để xây dựng nhà văn hoá và tham gia các hoạt động tại nhà văn hoá.

4- Trưởng thôn, bản

Phối hợp với Chủ nhiệm nhà văn hoá xã và các tổ chức đoàn thể tại thôn, bản tổ chức và duy trì các hoạt động tại nhà văn hoá thôn, bản đảm bảo đúng quy định.

Điều 13. Quy định này được phổ biến rộng rãi đến các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ nhân dân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, tổ chức, quản lý, tham gia các hoạt động của nhà văn hoá được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, cản trở việc thực hiện Quy định này, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 23/2007/QĐ-UBND quy định về tổ chức, quản lý, hoạt động của nhà văn hoá xã, phường, thị trấn và nhà văn hoá thôn, xóm, bản, tổ nhân dân do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 23/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/08/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Lê Thị Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản