Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 229/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 32/2007/QĐ-TTG NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TỔNG KẾT THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/2002/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 01 NĂM 2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Chỉ thị số 32/2007/CT-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 32/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường; các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động đo đạc và bản đồ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, ĐĐBĐ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đức

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 32/2007/QĐ-TTG NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TỔNG KẾT THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/2002/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 01 NĂM 2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 229/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phạm vi : tổng kết đánh giá toàn diện kết quả 06 năm thực hiện Nghị định số12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định 12) về hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

2. Đối tượng: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định tại Điều 15, 16 và Điều 17; UBND cấp tỉnh quy định tại Điều 18 Nghị định 12; căn cứ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình quy định tại Chương III, loại hình hoạt động đo đạc và bản đồ quy định tại Chương I Nghị định 12 để thực hiện việc tổng kết đánh giá.

3. Mục đích, yêu cầu: kiểm tra và tổng kết, đánh giá phải đảm bảo tính chính xác, đầy đủ trung thực, khách quan để chấn chỉnh, tăng cường chấp hành Nghị định 12 và làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ. Báo cáo kết quả kiểm tra, tổng kết, đánh giá phải thể hiện được đầy đủ nội dung kiểm tra, tổng kết, đánh giá nêu tại Mục II và thống kê, tổng hợp đầy đủ thông tin, số liệu theo các Phụ lục 1, 2 và 3 của Kế hoạch này.

II. NỘI DUNG TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ

1. Công tác xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, xây dựng cơ chế, chính sách, kết quả thi hành, thanh tra, kiểm tra:

- Số lượng, loại hình, nội dung văn bản đã ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 12 (kèm theo phần thống kê, tổng hợp theo mẫu tại Phụ lục 2 và 3 của Kế hoạch này);

- Việc tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đo đạc bản đồ: hình thức và kết quả đạt được; hoạt động của công tác thanh tra, kiểm tra các cấp về việc thực hiện pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước và việc triển khai các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ của Bộ, ngành và địa phương, kết quả cụ thể;

- Việc phân cấp quản lý và xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương; sự phối hợp giữa đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, các Sở, Ban, ngành ở địa phương để thực hiện thống nhất quản lý toàn bộ hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước và địa bàn tỉnh, những kết quả đã đạt được.

2. Công tác xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu, dự án trọng điểm về đo đạc và bản đồ:

- Những dự án trọng điểm về đo đạc và bản đồ của Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng: số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế và mục tiêu đạt được của dự án;

- Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương trong việc xây dựng quy hoạch phát triển công tác đo đạc và bản đồ của cả nước, của từng địa phương bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ không bị chồng chéo và không gây lãng phí ngân sách nhà nước.

3. Công tác triển khai các nhiệm vụ về hoạt động đo đạc và bản đồ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị định số 12, Nghị định số 30/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ, Quyết định số 83/2000/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Việt Nam VN-2000, Quyết định số 212/2003/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (phần Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ) tại các Bộ, ngành và địa phương:

- Việc sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Việt Nam VN-2000 trong việc triển khai các nhiệm vụ về hoạt động đo đạc và bản đồ; việc chuyển đổi tư liệu trắc địa, bản đồ từ các hệ tọa độ cũ về hệ tọa độ quốc gia VN2000 (kèm theo phần thống kê, tổng hợp theo Phụ lục 2 và 3 của Kế hoạch này);

- Việc thực hiện Nghị định số 30/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ đối với các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương: số tổ chức, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý;

- Công tác quản lý, khai thác sử dụng tài liệu đo đạc và bản đồ thuộc danh mục bí mật Nhà nước ở Bộ ngành, địa phương: kết quả thực hiện;

- Tình hình phát triển và ứng dụng và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; việc xây dựng và ban hành các quy định về chuẩn thông tin địa lý quốc gia bảo đảm việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng và thông tin đo đạc bản đồ của các Bộ, ngành và địa phương trên phạm vi cả nước.

4. Công tác tổ chức triển khai và hiệu quả sử dụng các dự án về đo đạc và bản đồ tại các địa phương:

- Số lượng dự án do các Bộ, ngành và địa phương triển khai phục vụ phát triển kinh tế -xã hội và quản lý nhà nước tại địa phương, hiệu quả của dự án;

- Phân tích, làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân cụ thể và rút ra những kinh nghiệm trong chỉ đạo, Điều hành của các Bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ;

- Kết quả triển khai các công trình dự án đo đạc bản đồ từ ngày 01 tháng 01 năm 2002 đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 kèm theo phần thống kê, tổng hợp (theo mẫu tại Phụ lục số 2 đối với các Bộ và Phụ lục số 3 đối với UBND cấp tỉnh) của Kế hoạch này;

5. Đánh giá ưu điểm, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc và các điểm bất cập làm hạn chế kết quả thi hành các Nghị định và Quyết định nói trên, từ đó kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ:

- Những vấn đề phù hợp, chưa phù hợp, còn thiếu hoặc bất cập trong nội dung Nghị định 12 và hệ thống các văn bản nêu tại Phụ lục 4 của văn bản hướng dẫn này khi triển khai thực hiện ở Bộ, ngành và địa phương; những vấn đề phù hợp, chưa phù hợp hoặc còn chồng chéo, chưa rõ ràng trong cơ chế, trong phân cấp quản lý hoạt động đo đạc bản đồ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan;

 - Tổng hợp đánh giá chung về ưu điểm, nhược điểm qua 6 năm triển khai thực hiện Nghị định 12; những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những điểm bất cập còn tồn tại làm hạn chế kết quả thi hành Nghị định 12 và các văn bản nêu tại Phụ lục 4 của văn bản hướng dẫn này, nêu nguyên nhân và biện pháp khắc phục;

- Kiến nghị, đề xuất của Bộ, ngành và địa phương về các giải pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ; những vấn đề, nội dung cần được Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong cơ chế quản lý, hệ thống văn bản quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá sản phẩm đo đạc và bản đồ và các kiến nghị khác làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Tổng kết đánh giá theo các nội dung của Mục II thuộc các lĩnh vực:

- Đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ phục vụ việc phân định, Điều chỉnh và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính các cấp; thẩm định việc thể hiện đường địa giới hành chính các cấp tỉnh, huyện, xã; đo đạc và bản đồ phục vụ việc đàm phán, hoạch định và phân giới đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển; thẩm định việc thể hiện đường biên giới quốc gia nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lên các thể loại bản đồ theo hệ thống bản đồ phân giới cắm mốc kèm theo các Hiệp ước quốc tế về biên giới, thẩm định việc thể hiện đường biên giới quốc gia theo chủ trương của Nhà nước; việc in ấn phát hành các loại bản đồ, tài liệu có liên quan đến đường biên giới quốc gia trên đất liền, các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa Việt Nam (Cục Đo đạc và Bản đồ);

- Đo đạc và bản đồ chuyên ngành về quản lý đất đai (Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai);

- Đo đạc và bản đồ chuyên ngành địa chất khoáng sản (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam);

- Đo đạc và bản đồ chuyên ngành môi trường (Cục Bảo vệ Môi trường);

- Đo đạc và bản đồ chuyên ngành khí tượng thủy văn (Vụ Khí tượng Thủy văn);

- Đo đạc và bản đồ chuyên ngành tài nguyên nước (Cục Quản lý Tài nguyên nước).

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: thực hiện các nội dung của Mục II theo lĩnh vực của Bộ trong việc triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ Điều tra cơ bản, quản lý, dự báo, quy hoạch, khai thác, phát triển tài nguyên kinh tế - xã hội, nông nghiệp, lâm nghiệp, nông thôn và nguồn lợi thuỷ sản; định vị ngư trường phục vụ đánh bắt cá xa bờ; quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản, hệ thống cảng cá, khu neo đậu và trú bão của tầu thuyền; thành lập hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

3. Bộ Giao thông vận tải: thực hiện các nội dung của điểm 1, 3 và 5 Mục II theo thẩm quyền của Bộ trong việc triển khai công tác đo đạc phục vụ thi công các công trình xây dựng đường giao thông và các công trình kèm theo, thành lập hệ thống thông tin địa lý quản lý đường giao thông, xây dựng hệ thống đo đạc và bản đồ đảm bảo hàng hải; việc cấp phép cho các máy bay dân dụng thực hiện các chuyến bay phục vụ mục đích đo đạc và chụp không ảnh.

4. Bộ Xây dựng: tổng kết đánh giá các nội dung của Mục II thẩm quyền của Bộ trong việc triển khai công tác đo đạc và bản đồ, hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý và quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn, quan trắc biến dạng các công trình, thành lập bản đồ các công trình ngầm dân dụng.

5. Bộ Quốc phòng: thực hiện các nội dung của điểm 1, 2, 3, 5 Mục II thuộc thẩm quyền của Bộ;

- Việc giám sát việc thực hiện các chuyến bay phục vụ mục đích chụp không ảnh; quy định về trình tự, thủ tục, cấp phép và giám sát việc thực hiện công tác đo đạc và bản đồ thuộc khu vực quốc phòng, an ninh; xoá mục tiêu quân sự trên không ảnh trước khi đưa vào sử dụng cho các mục đích dân dụng;

- Việc xét duyệt nội dung dữ liệu đo đạc, bản đồ, không ảnh thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý trước khi truyền phát; kiểm tra, thực hiện các dự án, công trình đo đạc, bản đồ và không ảnh phục vụ quốc phòng, an ninh; kiểm tra, giám sát việc truyền, phát dữ liệu đo đạc, bản đồ, không ảnh thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý;

- Việc phối hợp với Bộ Công an xây dựng hệ quy chiếu, hệ thống điểm toạ độ và độ cao cơ sở, hệ thống không ảnh, hệ thống bản đồ địa hình, bản đồ biển và các loại bản đồ chuyên đề khác phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; triển khai công tác đo đạc và bản đồ phục vụ các hoạt động của lực lượng vũ trang; tổ chức công tác bay chụp ảnh mặt đất từ máy bay và quản lý việc thu, truyền, phát dữ liệu đo đạc, bản đồ, không ảnh phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và các mục đích kết hợp giữa quốc phòng - kinh tế, kinh tế - quốc phòng; lưu trữ, bảo quản các tài liệu đo đạc, bản đồ, không ảnh phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

6. Bộ Công an: thực hiện các nội dung tại điểm 1, 3 và 5 của Mục II theo thẩm quyền của Bộ trong việc phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông trong việc bảo đảm an toàn, an ninh cho việc truyền dẫn dữ liệu đo đạc, bản đồ, không ảnh; quản lý việc bảo mật, giải mật tài liệu đo đạc và bản đồ, xây dựng tài liệu đo đạc và bản đồ phục vụ an ninh, quốc phòng

7. Bộ Ngoại giao:

- Tổng kết đánh giá việc tổ chức triển khai công tác thành lập hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý biên giới, đàm phán và hoạch định biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển;

- Việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ việc đàm phán, hoạch định và phân giới đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển; thẩm định việc thể hiện đường biên giới quốc gia nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lên các thể loại bản đồ theo hệ thống bản đồ phân giới cắm mốc kèm theo các Hiệp ước quốc tế về biên giới, thẩm định việc thể hiện đường biên giới quốc gia theo chủ trương của Nhà nước; việc in ấn phát hành các loại bản đồ, tài liệu có liên quan đến đường biên giới quốc gia trên đất liền, các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa Việt Nam.

8. Bộ Công thương: thực hiện các nội dung của điểm 1, 3, 5 Mục II thuộc thẩm quyền của Bộ trong việc triển khai việc đo đạc, thành lập bản đồ kinh tế công nghiệp; việc quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu các ấn phẩm, tài liệu liên quan đến đo đạc và bản đồ, xây dựng và phát hành các bản đồ thuộc chuyên ngành công thương.

9. Bộ Thông tin và Truyền thông: thực hiện các nội dung của điểm 1, 3 và 5 Mục II thuộc thẩm quyền của Bộ về quản lý việc xuất bản, phát hành và xuất nhập khẩu các ấn phẩm, tài liệu có nội dung liên quan đến sản phẩm, tư liệu đo đạc và bản đồ; viêc quản lý, cấp phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động đo đạc và bản đồ để truyền dẫn dữ liệu đo đạc, bản đồ, không ảnh; việc quản lý, cấp phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động đo đạc và bản đồ để truyền dẫn dữ liệu đo đạc bản đồ, không ảnh; việc kiểm tra, giám sát việc thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, việc sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

10. Bộ Giáo dục và Đào tạo: thực hiện các nội dung của điểm 1, 3 và 5 Mục II thuộc thẩm quyền của Bộ trong việc quản lý hoạt động xây dựng và xuất bản, phát hành các thể loại bản đồ, atlas phục vụ giáo dục đào tạo.

11. Bộ Nội vụ: thực hiện theo nội dung các điểm 1, 3, 4 và 5 Mục II thuộc nhiệm vụ của Bộ trong việc triển khai công tác thành lập hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý địa giới hành chính các cấp; việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ việc phân định, Điều chỉnh và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính các cấp; thẩm định việc thể hiện đường địa giới hành chính các cấp tỉnh, huyện, xã.

12. Bộ Khoa học và Công nghệ: thực hiện các nội dung của điểm 1, 3 và 5 Mục II thuộc nhiệm vụ quản lý của Bộ trong việc quản lý hoạt động xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, dẫn xuất chuẩn đo lường, hệ thống thông tin địa lý trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ và dự báo diễn biến tình trạng môi trường.

13. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Chỉ đạo UBND cấp huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, các đơn vị hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc quyền quản lý của tỉnh tổng kết, đánh giá theo các nội dung của Mục II thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh về các lĩnh vực: đo đạc bản đồ chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; vai trò tham mưu, tư vấn của Sở Tài nguyên và Môi trường giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước hoạt động đo đạc bản đồ ở địa phương; việc quản lý, theo dõi và giám sát hoạt động xuất bản, phát hành và sử dụng sản phẩm bản đồ trên địa bàn tỉnh; lập báo cáo tổng hợp kèm theo các biểu thống kê theo mẫu tại Phụ lục 1 và 3 của Kế hoạch này gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước 31 tháng 3 năm 2008.

Các Bộ nêu tại điểm 1 đến điểm 12 Mục này chỉ đạo cơ quan chức năng và các đơn vị có hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ căn cứ loại hình hoạt động đo đạc và bản đồ hoặc nội dung liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ cụ thể thuộc quản lý của Bộ thực hiện việc tổng kết, đánh giá; lập báo cáo tổng hợp và các biểu thống kê theo mẫu tại Phụ lục 1 và 2 để gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước 31 tháng 3 năm 2008.

14. Trong quá trình tổng hợp xây dựng báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định 12, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể tổ chức kiểm tra tại một số Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hoạt động đo đạc và bản đồ để thẩm tra kết quả, thu thập bổ sung những thông tin cần thiết.

Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ báo cáo kết quả tổng kết đánh giá thực hiện Nghị định 12 của các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập báo cáo tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30 tháng 6 năm 2008.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, UBND các tỉnh phản ánh kịp thời về Cục Đo đạc và Bản đồ - Bộ Tài nguyên và Môi trường theo địa chỉ: Đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Điện thoại: 04-7545774; Fax: 04-7555236, E-mail: dosm@monre.gov.vn để phối hợp giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 229/QĐ-BTNMT năm 2008 ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 32/2007/QĐ-TTg tổng kết thực hiện Nghị định 12/2002/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 229/QĐ-BTNMT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/02/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Nguyễn Văn Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản