Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2260/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 5 năm 2015 |
BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ KHI BÃO, BÃO MẠNH - RẤT MẠNH ĐỔ BỘ TRỰC TIẾP VÀO THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 16 tháng 9 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của luật phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 1857/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 8 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam.
Căn cứ Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Ban hành Quy định về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố;
Căn cứ Quyết định số 81/2010/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tại Công văn số 56/PCTT ngày 23 tháng 4 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1026/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào Thành phố.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ KHI BÃO, BÃO MẠNH - RẤT MẠNH ĐỔ BỘ TRỰC TIẾP VÀO THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2260 /QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)
Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, bão mạnh - rất mạnh gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người, tài sản và các công trình trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm cư kiên cố, chắc chắn, nhất là đối với người già, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.
1. Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
2. Người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, bão mạnh - rất mạnh, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi xảy ra bão, bão mạnh - rất mạnh; đồng thời chủ động, nâng cao ý thức tự giác tham gia cùng chính quyền, ban - ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão, bão mạnh - rất mạnh gây ra.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ BÃO, BÃO MẠNH - RẤT MẠNH
Điều 3. Công tác triển khai thực hiện trước khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ
1. Các sở, ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã, thị trấn tổ chức trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng ứng phó tại chỗ với lực lượng chi viện của cấp trên để khẩn trương bố trí cán bộ trực tiếp đến các địa bàn xung yếu cùng với cấp ủy - chính quyền địa phương chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời và có hiệu quả. Triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống bão, bão mạnh - rất mạnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của địa phương, đơn vị mình.
2. Nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành, đơn vị:
a) Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố xác định các khu vực xung yếu để tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư chi viện đúng mức cho quận - huyện, phường - xã, thị trấn thực hiện việc phòng, tránh và tổ chức sơ tán, di dời dân kịp thời, an toàn.
Tùy theo tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông quyết định việc nhắn tin cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh cho nhân dân Thành phố biết để chủ động phòng, tránh.
b) Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố, Sở Giao thông vận tải, Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố, Thành Đoàn chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị như: tàu, ca nô, xe tải, xe chuyên dụng, thiết bị thông tin liên lạc, nhà bạt, phao cứu hộ, áo phao cứu sinh, nệm hơi cứu hộ và các trang thiết bị chuyên dụng, thông dụng khác để tham gia sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, tiếp nhận mọi thông tin cứu hộ, cứu nạn thông qua tổng đài 114 để triển khai thực hiện nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả. Sẵn sàng phối hợp với các đơn vị, hỗ trợ, tiếp ứng cho các địa phương khi cần thiết. Bộ Tư lệnh Thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố nhu cầu hỗ trợ các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng từ Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giúp Thành phố trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả của bão, bão mạnh - rất mạnh.
c) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố thực hiện việc bắn pháo hiệu báo bão theo đúng quy định; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản thực hiện tốt Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn Thành phố của Ủy ban nhân dân Thành phố; kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển, các điểm xuất bến, các khu neo đậu tàu thuyền tại từng xã, thị trấn, tuyệt đối không để ngư dân ra khơi hoặc ở lại tại các sở đáy, chòi canh trên biển.
d) Công an Thành phố, Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố triển khai các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng khi bão xảy ra để trộm cắp, cướp giật.
đ) Sở Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai kế hoạch chặt tỉa cây xanh dễ đổ ngã, đảm bảo giao thông huyết mạch thông suốt tại các tuyến đường quan trọng, cửa ngõ ra vào Thành phố. Bố trí lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông tại các bến phà, đò ngang, đò dọc để nhân dân chuyển hướng di chuyển, không tập trung đi lại tại các bến tàu vận tải hành khách trong thời gian áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh có khả năng đổ bộ vào Thành phố hoặc theo cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
e) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện và đơn vị có liên quan kiểm tra, hướng dẫn, cảnh báo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải đảm bảo an toàn khi thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo và cần cẩu tại các công trình đang thi công.
g) Tổng công ty Điện lực Thành phố - TNHH bảo đảm nguồn điện liên tục, phục vụ cho cơ quan, đơn vị chỉ đạo, cảnh báo, dự báo, thông tin liên lạc, bơm tiêu ở cấp Thành phố và quận - huyện. Bảo vệ hệ thống điện, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực; đồng thời, xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi Thành phố bị ảnh hưởng của bão, bão mạnh - rất mạnh.
h) Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn Thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố; chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ Viễn thông Thành phố tổ chức huy động, bố trí và sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc của mạng thông tin chuyên dụng phòng, chống thiên tai được Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam giao cho Viễn thông Thành phố trực tiếp quản lý, khai thác.
i) Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố, Hội Chữ thập đỏ Thành phố triển khai kế hoạch huy động lực lượng y, bác sỹ, chuẩn bị đủ cơ số phương tiện, vật tư, thiết bị, thuốc men cần thiết để đáp ứng nhu cầu cứu thương và khắc phục hậu quả, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, cứu tế cho nhân dân, vệ sinh phòng dịch kịp thời.
k) Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án bảo vệ kho tàng, kho hóa chất, các bãi rác đảm bảo an toàn khi mưa, áp thấp nhiệt đới, bão và bão mạnh - rất mạnh gây ngập úng trên diện rộng.
l) Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố (Saigon Co-op) tổ chức trợ giúp, cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm thiết yếu… cho người dân phải sơ tán, di dời tránh bão, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, không để người dân thiếu đói. Sở Công Thương thông báo kịp thời cho các tổ chức kinh tế và hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống đối với các kho bãi, chợ, khu thương mại trọng yếu.
m) Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (Hepza) thông báo cho các khu công nghiệp, khu chế xuất về tình hình áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh; chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các kho tàng, nhà xưởng trọng yếu. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp ven sông phải đề phòng tình huống mưa lớn kết hợp triều cường gây sạt lở đất ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cho người lao động.
n) Sở Văn hóa và Thể thao cùng Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra, thông báo, yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các pa nô, biển quảng cáo… đúng kỹ thuật, đề phòng gió bão, bão mạnh - rất mạnh gây sự cố, tai nạn.
o) Sở Du lịch thông báo cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch không tổ chức các tour du lịch về địa bàn huyện Cần Giờ khi bão, bão mạnh - rất mạnh có hướng di chuyển vào địa bàn Thành phố hoặc theo cảnh báo của cơ quan chức năng.
p) Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra các trường học, cơ sở dạy nghề để ứng cứu kịp thời và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhân viên, yêu cầu các trường không tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch, sinh hoạt ngoại khóa tại địa bàn huyện Cần Giờ khi bão, bão mạnh - rất mạnh có hướng di chuyển vào Thành phố hoặc theo cảnh báo của cơ quan chức năng; tổ chức cho học sinh nghỉ học khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ.
q) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo:
- Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, bắt buộc các chủ trại, cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ (cá sấu, gấu…) thực hiện phương án gia cố chuồng, trại đảm bảo an toàn hoặc di chuyển đến nơi an toàn, không để động vật nuôi sổng chuồng gây nguy hiểm cho cộng đồng.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiểm tra, nắm bắt số lượng tàu cá và thuyền viên đang hoạt động trên biển, kịp thời hướng dẫn các tàu thuyền di chuyển, neo đậu đúng kỹ thuật đảm bảo an toàn khi sóng to, gió lớn.
r) Tổng công ty Cấp nước Thành phố - TNHH Một thành viên đảm bảo an toàn hệ thống, nguồn và lượng nước sạch cung cấp cho Thành phố; dự kiến các phương án tổ chức cung cấp nước sạch kịp thời cho người dân tại các khu vực bị mất nguồn nước và thiệt hại do bão, bão mạnh - rất mạnh gây ra.
s) Các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tổ chức đi kiểm tra trực tiếp tại các quận - huyện, phường - xã, thị trấn; chỉ đạo, đôn đốc, rà soát công tác phòng, chống, ứng phó bão, bão mạnh - rất mạnh tại các địa bàn phụ trách.
t) Đài Thông tin Duyên hải Thành phố kịp thời thông tin cho các thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ, tàu vận tải trên địa bàn Thành phố về tình hình, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh để chủ động tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm an toàn. Cung cấp các thông tin về hoạt động của tàu thuyền cho các cơ quan chức năng.
u) Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin tọa độ, cấp độ, phạm vi ảnh hưởng, diễn biến, hướng di chuyển của bão, bão mạnh - rất mạnh cho các cơ quan chức năng và cơ quan thông tin đại chúng. Đặc biệt phải cụ thể hóa địa bàn bị ảnh hưởng của bão, bão mạnh - rất mạnh để người dân dễ hiểu và phòng tránh. Các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố đảm bảo thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai để các tổ chức, nhân dân biết và chủ động phòng, tránh, ứng phó.
v) Các doanh nghiệp thông tin di động có trách nhiệm tổ chức định vị thuê bao di động phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và nhắn tin cảnh báo thiên tai cho nhân dân Thành phố theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân Thành phố về ban hành Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng, thông tin di động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Nhiệm vụ cụ thể của các quận - huyện, phường - xã, thị trấn:
a) Chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, lực lượng chi viện, hỗ trợ từ cấp trên và huy động lực lượng tại chỗ tổ chức di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi tránh trú an toàn; đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và nơi tạm cư. Bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập và giúp đỡ các gia đình bị nạn. Triển khai ngay kế hoạch chi tiết việc huy động lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa trước bão, bão mạnh và khắc phục hậu quả sau bão, bão mạnh; đồng thời, nắm chắc các phương tiện, trang thiết bị hiện có do các đơn vị trực thuộc quản lý và các phương tiện, trang thiết bị trưng dụng trong nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để kịp thời huy động ứng cứu khi cần thiết.
b) Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng quận - huyện, Trạm Y tế các phường - xã, thị trấn huy động lực lượng y, bác sỹ tại chỗ, phương tiện, thiết bị, thuốc men để sơ cấp cứu, chữa bệnh cho người dân.
c) Huyện Cần Giờ chuẩn bị chu đáo kế hoạch di dời dân từ xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở ven sông, ven biển, trong rừng phòng hộ, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, nhà đơn sơ (nhà lá, mái tôn, tường mỏng…) không đảm bảo an toàn đến các địa điểm tránh trú kiên cố, chắc chắn để khi có lệnh của Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố phải di dời ngay. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các sở đáy, chòi canh thủy sản trên biển, ven biển, trong rừng phòng hộ, các cửa sông, cửa biển; quản lý, bảo vệ tài sản tại các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão. Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Thành phố thường xuyên thông tin cho chủ tàu thuyền, thuyền trưởng, ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên biển nắm chắc diễn biến, hướng di chuyển của bão, bão mạnh - rất mạnh để thực hiện việc phòng, tránh an toàn.
d) Các quận - huyện ven sông (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè và các sông lớn khác), khu vực có nguy cơ sạt lở cao (huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2…): tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các địa điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.
đ) Thông báo cho các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn kiểm tra kho hàng, máy móc, thiết bị để chủ động di dời đến địa điểm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra mưa bão. Khẩn trương huy động, trưng dụng, trưng mua (đã có hiệp đồng) các phương tiện, vật tư, máy móc, thiết bị hiện có do các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân quản lý trên địa bàn, đảm bảo trạng thái sẵn sàng vận hành hiệu quả để bơm tiêu chống úng, hỗ trợ di chuyển dân cư, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu sập, cháy - nổ và khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra.
e) Các phường - xã, thị trấn tổ chức lực lượng xung kích, trực chiến để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các tình huống xấu như: sập nhà, sập công trình, cháy -nổ…; huy động và phân công lực lượng trợ giúp người dân chằng chống nhà cửa trước bão và bão mạnh. Xác định các khu vực trọng điểm có khả năng bị ảnh hưởng nặng khi bão, bão mạnh - rất mạnh đi qua để thường xuyên theo dõi và kịp thời xử lý, ứng phó.
4. Do ảnh hưởng của bão, bão mạnh - rất mạnh có thể xảy ra mưa lớn, xả lũ ở thượng nguồn, các sở, ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã, thị trấn khẩn trương triển khai đồng thời Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
Điều 4. Tổ chức di dời, sơ tán dân khi bão, bão mạnh - rất mạnh sắp đổ bộ trực tiếp vào Thành phố
1. Các quận - huyện, phường - xã, thị trấn và cơ quan chức năng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có khả năng bị đổ, sập và những khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
a) Tình huống 1: khi bão (bão cấp 8-9) sắp đổ bộ trực tiếp vào Thành phố:
- Về di dời dân, sơ tán dân: trên địa bàn thành phố dự kiến có khoảng 60.325 hộ với 241.386 người cần phải di dời, sơ tán.
Riêng huyện Cần Giờ di dời, sơ tán: khoảng 1.952 hộ với 7.995 người, gồm:
+ Xã đảo Thạnh An tổ chức sơ tán cục bộ tại trung tâm xã: 225 hộ với 1.080 người.
* Khu vực cần sơ tán dân: gồm 02 điểm:
Ấp Thạnh Bình: gồm tổ 32, tổ 33, tổ 36 cần sơ tán dân 250 người (người già, trẻ em, phụ nữ).
Ấp Thạnh Hòa: cần sơ tán 830 người (người già, trẻ em, phụ nữ): tổ 2 cần sơ tán dân 160 người; tổ 01 và tổ 03: cần sơ tán 230 người; tổ 4, tổ 5, tổ 6, tổ 7: cần sơ tán 240 người; tổ 8, tổ 19, tổ 20, tổ 21: cần sơ tán 200 người;
* Các địa điểm tránh, trú bão: gồm 04 địa điểm.
Ấp Thạnh Bình: Tại Thánh Thất Cao Đài.
Ấp Thạnh Hòa: Tại Đồn Biên phòng Thạnh An, Miễu Bà, Chùa Hưng Lợi Tự.
* Lực lượng huy động tham gia 200 người, gồm: Công an xã, Bộ Chỉ huy Quân sự xã, Bộ đội Biên phòng, lực lượng xung kích, Hội Chữ thập đỏ, các Đoàn thể và Trạm Y tế xã.
+ Các xã còn lại tổng cộng di dời, sơ tán khoảng 1.727 hộ với 6.915 người, gồm: xã Long Hòa di dời 792 hộ với 3.495 người; xã Lý Nhơn di dời 190 hộ với 542 người; thị trấn Cần Thạnh di dời 222 hộ với 883 người; xã Bình Khánh di dời 208 hộ với 917 người; xã Tam Thôn Hiệp di dời 188 hộ với 627 người; xã An Thới Đông di dời 127 hộ với 451 người.
- Thời gian thực hiện: hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn Thành phố.
b) Tình huống 2: khi bão mạnh - rất mạnh (bão cấp 10-13) sắp đổ bộ trực tiếp vào Thành phố.
- Về di dời, sơ tán dân: trên địa bàn thành phố dự kiến có khoảng 62.385 hộ với 249.072 người cần phải di dời, sơ tán:
+ Tại huyện Cần Giờ tổ chức di dời, sơ tán 3.273 hộ với 12.725 người, trong đó:
* Tổ chức di dời, sơ tán toàn bộ nhân dân trên địa bàn xã đảo Thạnh An (khoảng 1.200 hộ với 4.580 người).
Lộ trình xuất phát: từ trung tâm xã đi hướng sông Thêu vượt sông Lòng Tàu về thị trấn Cần Thạnh.
Các địa điểm tránh, trú bão từ xã Thạnh An về thị trấn Cần Thạnh: gồm 05 điểm: Liên đoàn Lao động huyện, Nhà Thiếu nhi huyện, Trung tâm Văn hóa huyện, Trường Trung học cơ sở Cần Thạnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.
Huy động phương tiện tham gia: 05 đò khách, 01 ghe Ủy ban nhân dân xã.
Địa điểm tập kết phương tiện thủy phục vụ sơ tán dân về thị trấn Cần Thạnh, cụ thể:
Cầu đò trước Ủy ban nhân dân xã: từ tổ 01 đến tổ 23 ấp Thạnh Hòa.
Cầu đá ngầm: Từ tổ 24 đến tổ 36 ấp Thạnh Bình.
Huy động lực lượng tham gia: gồm 134 người, gồm: Ban Chỉ huy Quân sự xã 30 người; Công an xã 08 người; Đồn biên phòng 30 người; Các ban ngành, đoàn thể và cán bộ công chức 30 người; Ban nhân dân ấp và Tổ trưởng Tổ nhân dân ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình 36 người.
* Tổ chức di dời, sơ tán các hộ dân sống ở các khu vực xung yếu và ven biển tính từ bờ biển vào đất liền khoảng 500m đề phòng nước dâng do bão, gồm: xã Long Hòa, xã Lý Nhơn, thị trấn Cần Thạnh, tổng cộng: 1.550 hộ với 6.150 người. Các xã còn lại: xã Bình Khánh, xã Tam Thôn Hiệp, xã An Thới Đông; tổng cộng di dời, sơ tán khoảng 523 hộ với 1.995 người.
+ Tại huyện Nhà Bè: tổ chức di dời, sơ tán các hộ dân sống ven kênh, sông, rạch có khả năng ảnh hưởng nước dâng do bão, gồm các xã Phú Xuân, xã Long Thới, xã Hiệp Phước, tổng cộng 2.239 hộ với 11.356 người. Các xã còn lại: thị trấn Nhà Bè, xã Nhơn Đức, xã Phước Lộc, xã Phước Kiển; tổng cộng di dời, sơ tán khoảng 2.861 hộ với 9.044 người.
+ Các quận - huyện còn lại: tổng cộng di dời, sơ tán khoảng 54.012 hộ với 215.947 người.
- Thời gian thực hiện: hoàn thành trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn Thành phố.
2. Huy động lực lượng gồm: Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong, Đoàn Thanh niên… cùng các phương tiện để giúp dân di chuyển nhanh.
3. Phân công lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận - huyện, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận - huyện trực tiếp xuống địa bàn phường - xã, thị trấn tại khu vực phải di dời dân và các điểm tạm cư để kiểm tra, tổ chức thực hiện kế hoạch chu đáo, an toàn.
4. Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, chăm lo đời sống cho người dân… tại nơi tạm cư và bảo vệ công trình, tài sản, nhà ở của dân tại những nơi đã di dời.
(Đính kèm Phụ lục I - Số người, số hộ dân dự kiến di dời, sơ tán; Phụ lục II - Các khu vực xung yếu và vị trí an toàn trên từng quận - huyện).
1. Tùy tình hình thực tế của áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố quyết định ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ kiểm soát chặt chẽ việc xuất bến của tàu thuyền tại các cửa sông, cửa biển. Khi xảy ra bão mạnh - rất mạnh phải yêu cầu các tàu thuyền hoạt động nghề cá về neo đậu tránh trú tại khu neo đậu khu vực sông Đồng Đình, huyện Cần Giờ
2. Tùy tình hình thực tế của áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố quyết định ban hành lệnh cấm đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu nhà hàng xuất bến, hoạt động, yêu cầu các quận - huyện tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc xuất bến tại các bến tàu khách, đò ngang, đò dọc trên địa bàn quận - huyện nhằm không để xảy ra sự cố đáng tiếc khi mưa, bão, lốc xoáy.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các quận - huyện tổ chức cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão, bão mạnh - rất mạnh sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn Thành phố.
Điều 6. Công tác triển khai thực hiện trong thời gian bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ
1. Các sở, ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã, thị trấn đảm bảo chế độ trực ban, thông tin, báo cáo tình hình và mọi diễn biến, ảnh hưởng, thiệt hại do bão, bão mạnh - rất mạnh gây ra để cấp trên kịp thời chỉ đạo và có phương án xử lý phù hợp.
2. Thực hiện cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận - huyện trực tiếp chỉ huy, điều hành, phân công các lực lượng có mặt trên địa bàn quận - huyện trong quá trình ứng phó với bão, bão mạnh - rất mạnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện quyết định việc triển khai các biện pháp ứng phó trên địa bàn mình quản lý để giải quyết các sự cố do bão, bão mạnh - rất mạnh gây ra.
Điều 7. Công tác triển khai thực hiện sau khi bão, bão mạnh - rất mạnh đi qua
1. Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các công việc sau:
a) Tổ chức đưa người dân sơ tán, di dời trước bão về nơi ở cũ an toàn, trật tự. Giải tỏa lệnh cấm tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, hoạt động vận tải hành khách ra khơi, xuất bến và cho phép học sinh đến trường học tập bình thường.
b) Trợ giúp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống, chăm sóc y tế nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đời sống cho nhân dân.
c) Tổ chức lực lượng xung kích, tình nguyện giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa, xây dựng lại nhà ở, bảo vệ trật tự, trị an và tài sản của nhân dân, doanh nghiệp, nhà nước trong vùng bị ảnh hưởng của bão.
d) Trong thời gian ngắn nhất, huy động nguồn lực tổ chức thu dọn cây xanh, cột điện, công trình, thiết bị ngã đổ; sửa chữa trường học, bệnh viện, các công trình bị hư hỏng; đảm bảo giao thông, nước sạch, điện, viễn thông thông suốt; tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch tại vùng bị ảnh hưởng của bão…
đ) Tổ chức ngay công tác thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” có hiệu quả trong việc khắc phục hậu quả tại các đơn vị cơ sở, phường - xã, thị trấn.
e) Tổ chức kiểm kê, đánh giá xác định thiệt hại theo đúng quy định và báo cáo cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp trên.
2. Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố, Công an Thành phố… phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân khu 7, các đơn vị Thành phố và chính quyền địa phương huy động lực lượng, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để triển khai ngay các phương án, kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu sập.
3. Sở Giao thông vận tải, Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Thành phố, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiến hành thu dọn các cây xanh, trụ đèn chiếu sáng bị ngã đổ đảm bảo giao thông được thông suốt, nhất là các tuyến đường chính vào Thành phố và tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường phố sạch sẽ. Rà soát các cây xanh có nguy cơ bị ngã đổ để có biện pháp chặt tỉa, khôi phục.
4. Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ Thành phố điều động lực lượng y - bác sĩ, các đội cấp cứu, phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho Bệnh viện - Trung tâm Y tế dự phòng các quận - huyện để cứu thương, điều trị bệnh nhân, phòng dịch kịp thời.
5. Thành Đoàn, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện trực tiếp xuống địa bàn giúp nhân dân sửa chữa lại nhà ở bị hư hỏng.
6. Tổng công ty Điện lực Thành phố - TNHH đảm bảo an toàn mạng lưới điện, huy động lực lượng và các phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất.
7. Sở Công Thương, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố (Saigon Co-op) chỉ đạo các công ty thương mại, siêu thị tổ chức các chợ tạm, xe bán hàng lưu động để cung cấp đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, nâng giá, nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước sạch, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, chất đốt.
8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cùng các quận - huyện tổ chức cứu trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, nhất là hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.
9. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố chủ trì và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố chi hỗ trợ cho các địa phương khắc phục thiệt hại do bão, bão mạnh - rất mạnh gây ra.
LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ BÃO
Lực lượng dự kiến huy động từ các sở, ngành, đơn vị Thành phố đến quận - huyện, phường - xã, thị trấn tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thành phố đảm bảo khoảng 29.000 đến 30.000 người. Trong đó, lực lượng chuyên trách cấp Thành phố khoảng 4.000 người; lực lượng của quận - huyện khoảng 9.000 đến 10.000 người và lực lượng của ban - ngành, đoàn thể, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên tại các xã - phường - thị trấn khoảng 16.000 người. Tùy theo tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương theo yêu cầu.
(Đính kèm Phụ lục III - Lực lượng dự kiến huy động).
Điều 9. Phương tiện, trang thiết bị
Phương tiện, trang thiết bị dự kiến huy động để phòng, tránh, ứng phó với bão, bão mạnh - rất mạnh gồm có phương tiện, trang thiết bị cơ động, chi viện của các sở, ngành, đơn vị Thành phố và phương tiện, trang thiết bị tại chỗ của các quận - huyện.
(Đính kèm Phụ lục IV - Phương tiện, trang thiết bị cần huy động).
TỔ CHỨC THỰC HIỆN, ĐIỀU HÀNH, CHỈ HUY PHÒNG,
TRÁNH, ỨNG PHÓ VỚI BÃO, BÃO MẠNH - RẤT MẠNH
Điều 10. Ủy ban nhân dân các quận - huyện căn cứ phương án này rà soát, bổ sung hoàn chỉnh Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp của quận - huyện.
Điều 11. Trong chỉ đạo, điều hành ứng phó bão, bão mạnh - rất mạnh cần tập trung lực lượng, phương tiện ứng cứu hiệu quả các khu vực xung yếu, di dời dân đến nơi an toàn để tránh xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Điều 12. Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, địa phương mình thực hiện nhiệm vụ được phân công khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thành phố. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, quận - huyện, phường - xã, thị trấn thực hiện theo nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách.
Điều 13. Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn Thành phố, quận - huyện, phường - xã, thị trấn phải chịu mọi sự điều động và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương, đảm bảo cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất trong công tác chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại do áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh - rất mạnh gây ra, đảm bảo quá trình xử lý sự cố thiên tai được kịp thời, nhanh chóng và an toàn cho nhân dân.
Điều 14. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Phương án này được phổ biến đến tận phường - xã, thị trấn, thông tin rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp và đăng tải trên trang web của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (địa chỉ: http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn - mục “Phương án Phòng chống thiên tai”)./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Quyết định 3012/QĐ-UBND năm 2013 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 3005/QĐ-UBND năm 2012 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
- 3Quyết định 2439/QĐ-UBND năm 2011 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
- 4Quyết định 1026/QĐ-UBND năm 2014 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào Thành phố Hồ Chí Minh
- 5Công văn 15974/SXD-QLCLXD năm 2015 thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống bão mạnh - rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 6Quyết định 810/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 81/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 59/2011/QĐ-UBND về Quy định công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 5Quyết định 3012/QĐ-UBND năm 2013 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
- 6Quyết định 3005/QĐ-UBND năm 2012 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
- 7Quyết định 2439/QĐ-UBND năm 2011 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
- 8Nghị định 66/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai
- 9Quyết định 23/2014/QĐ-UBND về Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 10Quyết định 46/2014/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 1857/QĐ-BTNMT năm 2014 phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 12Công văn 15974/SXD-QLCLXD năm 2015 thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống bão mạnh - rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 13Quyết định 810/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
Quyết định 2260/QĐ-UBND năm 2015 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 2260/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/05/2015
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Tất Thành Cang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/05/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra