Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2254/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 12/TTr-CNTT ngày 6 tháng 4 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển

Công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng, một phương thức phát triển mới cho sự phát triển bền vững của thành phố Hồ Chí Minh - một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Công nghệ thông tin là một hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng được ưu tiên phát triển và phải đi trước nhằm tạo công cụ tham gia xây dựng, quản lý và phát triển toàn bộ kết cấu hạ tầng đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin cần dựa trên lợi thế so sánh của thành phố với các khu công viên phần mềm, khu công nghệ cao; đội ngũ doanh nhân năng động; nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao.

Ứng dụng công nghệ thông tin là điều kiện và công cụ quan trọng hàng đầu để cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng công vụ, nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống.

Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực cấp bách phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội như: giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giảm ngập, chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới.

Đào tạo nguồn nhân lực gắn với hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ, đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ tham gia thị trường lao động khu vực và quốc tế.

Đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư cho kết cấu hạ tầng thiết yếu, đầu tư cho con người và qua đó góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng. Phải tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tận dụng mọi nguồn lực và lợi thế trong nước, chủ động hợp tác quốc tế và tăng cường thu hút đầu tư, công nghệ tiên tiến, tri thức từ bên ngoài để phát triển công nghệ thông tin hiệu quả.

Phát triển công nghệ thông tin của thành phố cần lan tỏa và gắn với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2020:

- Ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi và hiệu quả trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội làm cơ sở để phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố, thúc đẩy tiến bộ xã hội, tăng cường an ninh mạng, an toàn thông tin.

- Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành ngành kinh tế chủ lực với lợi thế là công nghiệp phần mềm, nội dung số gắn với phát triển các khu công viên phần mềm trọng điểm quốc gia, chuỗi công viên phần mềm; phát triển công nghiệp vi mạch - hình thành một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch, công nghiệp điện tử hướng đến thị trường nội địa và từng bước tham gia thị trường khu vực, góp phần quan trọng phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu của kinh tế thành phố với nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp mạnh và đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đến năm 2025:

Phát triển công nghệ thông tin trở thành nền tảng của thành phố học tập, thành phố thông tin và đô thị thông minh trên cơ sở kết nối hiệu quả giữa chính quyền điện tử với công dân điện tử và tổ chức, doanh nghiệp điện tử, làm cơ sở cho phát triển kinh tế tri thức những năm tiếp theo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Đến năm 2020

- Hạ tầng cáp quang phát triển đồng bộ, bền vững, ngầm hóa toàn bộ, đảm bảo cung cấp đến từng hộ gia đình - đồng thời tín hiệu viễn thông, truyền hình, Internet. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 60 - 70 thuê bao/100 hộ dân, tỷ lệ máy tính cá nhân/máy tính bảng trên 70 máy/100 hộ dân...

- 95% sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ “cơ quan điện tử” (máy tính, mạng, an ninh mạng).

- Hoàn chỉnh các cơ sở dữ liệu: dân cư, đất đai - xây dựng, kết cấu hạ tầng đô thị, doanh nghiệp, khoa học công nghệ.

- Xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng cho thành phố và các tỉnh.

Đến năm 2025

- Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 80 - 90 thuê bao/100 hộ dân; Tỷ lệ máy tính cá nhân/máy tính bảng trên 90 máy/100 hộ dân.

- Duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống Metronet, các Trung tâm dữ liệu của thành phố (cả các Trung tâm dự phòng) đảm bảo hệ thống thông tin của chính quyền điện tử thành phố hoạt động ổn định, an toàn thông tin, an ninh mạng.

b) Ứng dụng công nghệ thông tin

ng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước

- Đến năm 2020:

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước của các cấp chính quyền.

+ 95% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ các văn bản, tài liệu có độ mật) được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử.

+ 95% quận - huyện, 80% ngành có hệ thống thông tin tác nghiệp trong hoạt động quản lý.

+ 80% cán bộ công chức sử dụng thành thạo các phần mềm tác nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn và các ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến khác.

+ 80% phần mềm ứng dụng được triển khai phục vụ công tác tác nghiệp tại các cơ quan nhà nước trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây nguồn mở dưới dạng dịch vụ.

+ 70% cơ sở dữ liệu được tiến hành tích hợp, chuẩn hóa, phân tích, hoạch định nghiệp vụ, mô hình hóa và dự báo kết quả phục vụ hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các cấp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

- Đến năm 2025:

+ 95% quận - huyện, sở ngành có hệ thống thông tin tác nghiệp trong hoạt động quản lý.

+ 95% cán bộ công chức sử dụng thành thạo các phần mềm tác nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn và các ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến khác.

+ 95% phần mềm ứng dụng được triển khai phục vụ công tác tác nghiệp tại các cơ quan nhà nước trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây nguồn mở dưới dạng dịch vụ.

+ 95% cơ sở dữ liệu được tiến hành tích hợp, chuẩn hóa, phân tích, hoạch định nghiệp vụ, mô hình hóa và dự báo kết quả phục vụ hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các cấp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

ng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân

- Đến năm 2020:

+ 95% các cơ quan nhà nước từ cấp quận, huyện, sở ngành hoặc có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin.

+ 70% các dịch vụ hành chính công quan trọng trực tuyến mức độ 3 và 40% các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 4 tại các cơ quan nhà nước từ cấp quận, huyện, sở - ban ngành.

+ 95% các sở ngành, quận, huyện được triển khai phần mềm đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

+ 20% công dân của thành phố được tạo hồ sơ và lưu trữ thông tin lý lịch điện tử phục vụ cho việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến qua mạng

+ 50% bệnh viện tuyến quận, huyện cấp thẻ khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

- Đến năm 2025:

+ 95% các dịch vụ hành chính công quan trọng trực tuyến mức độ 3 và 70% các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 4 tại các các cơ quan nhà nước từ cấp quận, huyện, sở ngành.

+ 95% các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn được triển khai phần mềm đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

+ 50% công dân của thành phố được tạo hồ sơ và lưu trữ thông tin cá nhân điện tử phục vụ cho việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến qua mạng.

+ 95% bệnh viện tuyến quận, huyện cấp thẻ khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

ng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp

- Đến năm 2020:

+ Trên 70% doanh nghiệp có website để cung cấp, tìm kiếm thông tin và giao dịch.

+ Hoàn thiện hạ tầng đảm bảo cho 95% doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử.

+ Tất cả kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu, danh sách nhà thầu tham gia được đăng tải trên mạng đấu thầu quốc gia; khoảng 20% số gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn nhà nước được thực hiện qua mạng,

+ 70% doanh nghiệp nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh được triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách đầy đủ, chuyên nghiệp và hiệu quả.

- Đến năm 2025:

+ 90% doanh nghiệp có website để cung cấp, tìm kiếm thông tin và giao dịch.

+ 95% doanh nghiệp nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh được triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách đầy đủ, chuyên nghiệp và hiệu quả.

ng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực cấp bách

- Y tế:

Đến năm 2020:

+ Xây dựng các quy chế và quy định làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành và khai thác các thông tin cho Hệ thống thông tin y tế thành phố.

+ Xây dựng được một hệ thống dữ liệu y tế thống nhất tích hợp tại trung tâm dữ liệu thành phố làm cơ sở cho việc xây dựng các mạng thông tin quản lý y tế, mạng thông tin y tế điều trị, mạng thông tin y tế công cộng và mạng thông tin BHYT.

+ Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các bệnh viện và Trung tâm y tế dự phòng quận - huyện được trang bị hệ thống mạng LAN, đường truyền Internet và các thiết bị phục vụ cho việc kết nối với Hệ thống thông tin y tế thành phố.

+ Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các bệnh viện, các Trung tâm y dự phòng tế quận - huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc trong quá trình chỉ đạo điều hành và báo cáo kết quả thực hiện công việc cho lãnh đạo các cấp.

+ 95% cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế thành phố được quản lý trên phần mềm quản lý cán bộ công nhân viên chức nhằm quản lý đầy đủ, chi tiết quá trình công tác của từng đối tượng.

+ Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các bệnh viện, các Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện kết nối với Hệ thống thông tin y tế thành phố thông qua các mạng thông tin y tế điều trị và mạng thông tin y tế công cộng.

+ 95% các trạm y tế phường, xã kết nối với Hệ thống thông tin y tế thành phố thông qua mạng thông tin y tế công cộng.

+ 95% các bệnh viện thành phố và quận - huyện có hệ thống thông tin bệnh viện hoàn chỉnh. Trong đó, 95% bệnh viện tuyến thành phố và ít nhất 50% bệnh viện tuyến quận - huyện kết nối với Hệ thống thông tin y tế thành phố thông qua mạng thông tin y tế điều trị.

+ 95% các cơ quan bảo hiểm xã hội của thành phố và quận - huyện kết nối với Hệ thống thông tin y tế thành phố thông qua mạng thông tin BHYT.

Đến năm 2025:

+ 95% các bệnh viện quận - huyện và thành phố có hệ thống thông tin bệnh viện và kết nối với Hệ thống thông tin y tế thành phố thông qua mạng thông tin y tế điều trị.

+ 95% các bệnh viện cấp thành phố và quận - huyện tiến hành tích hợp thông tin về trung tâm dữ liệu của thành phố; tiến hành đồng bộ và liên thông kết nối chia sẻ dữ liệu về thông tin khám và chữa bệnh của bệnh nhân. Bệnh nhân được cấp thẻ điện tử quản lý thông tin bệnh nhân.

+ 95% các bệnh viện thuộc thành phố kết nối với hệ thống hỗ trợ chẩn đoán chữa bệnh từ xa. Hệ thống này có thể kết nối và hỗ trợ cho bất cứ bệnh viện thuộc tỉnh, thành nào có nhu cầu tham gia vào hệ thống; có khả năng mở rộng đế kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện ở nước ngoài.

+ Áp dụng rộng rãi việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa cho bệnh nhân thông qua các thiết bị y tế cá nhân kết hợp với hệ thống hỗ trợ chẩn đoán chữa bệnh từ xa.

- Giáo dục:

Đến năm 2020:

+ Xây dựng các quy chế và quy định làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành và khai thác các thông tin cho Hệ thống thông tin giáo dục thành phố.

+ Xây dựng được một hệ thống dữ liệu giáo dục thống nhất tích hợp tại trung tâm dữ liệu thành phố làm cơ sở cho việc xây dựng các mạng thông tin quản lý ngành giáo dục, mạng thông tin giáo dục học đường, mạng thông tin giáo dục cộng đồng.

+ Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục các quận - huyện và trường học các cấp được trang bị hệ thống mạng LAN, đường truyền Internet và các thiết bị phục vụ cho việc kết nối với Hệ thống thông tin giáo dục thành phố.

+ Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, trường học các cấp sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc trong quá trình chỉ đạo điều hành và báo cáo kết quả thực hiện công việc cho lãnh đạo các cấp.

+ 95% cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục thành phố được quản lý trên phần mềm quản lý cán bộ công nhân viên chức nhằm quản lý đầy đủ, chi tiết quá trình công tác của từng đối tượng.

+ Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, trường học các cấp kết nối với Hệ thống thông tin giáo dục thành phố thông qua các mạng thông tin giáo dục học đường.

+ 95% các trường học và Sở Giáo dục và Đào tạo có hệ thống thông tin giáo dục và kết nối với Hệ thống thông tin giáo dục thành phố thông qua mạng thông tin giáo dục học đường.

+ 70% phụ huynh học sinh tương tác với nhà trường và các cơ sở giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông điện tử như mạng máy tính, các thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng,..).

+ Xây dựng cổng thông tin tích hợp về giáo dục cộng đồng bao gồm hệ thống đào tạo từ xa và học trực tuyến (e-learning), hệ thống thư viện điện tử, hệ thống bài giảng điện tử phục vụ người dân.

Đến năm 2025:

+ 95% trường học các cấp được triển khai tập trung phần mềm quản lý trường học lưu trữ thông tin quản lý học sinh, giáo viên tại trung tâm dữ liệu của thành phố. Hệ thống thông tin giáo viên, học sinh được chia sẻ giữa trường học các cấp phục vụ quá trình quản lý dạy và học của học sinh và giáo viên.

+ 95% phụ huynh học sinh tương tác với nhà trường và các cơ sở giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông điện tử như mạng máy tính, các thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng,..).

+ 95% trường học các cấp được trang bị thiết bị trợ giúp công nghệ thông tin trong việc giảng dạy. Giáo viên giảng dạy thông qua hình thức chủ yếu giáo án điện tử. Việc tổ chức thi và chấm điểm cho học sinh thông qua hệ thống trắc nghiệm trên máy tính.

+ Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống mạng thông tin giáo dục học đường, tất cả các tài liệu dạy và học được cập nhật liên tục phục vụ việc tra cứu thông tin giảng dạy và học của giáo viên, học sinh.

+ Hệ thống đào tạo từ xa qua mạng (e-learning) được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố.

- Xây dựng nông thôn mới:

Đến năm 2020:

+ Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông nông thôn bảo đảm cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của các cơ quan nhà nước tại các xã, thị trấn.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý bộ máy chính quyền nông thôn.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: xây dựng quy hoạch và quản lý các lĩnh vực: đất đai - xây dựng, rừng phòng hộ, kinh tế (nuôi - trồng), thủy lợi và bảo vệ môi trường, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng, ...

+ Ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với ứng dụng công nghệ cao (công nghệ sinh học,...) phục vụ sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh tại các xã nông thôn mới; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông hỗ trợ phát triển kinh tế biển huyện Cần Giờ.

Đến năm 2025:

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông giúp hiện đại hóa nông thôn, nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp, nguồn nhân lực cho nông thôn.

- Quản lý và phát triển đô thị:

Đến năm 2020:

+ 95% các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chính (Cầu, đường giao thông, mạng lưới cấp thoát nước, nhà cao tầng, mạng viễn thông...) được thu thập và số hóa dữ liệu tập trung theo từng ngành (qua hệ thống GIS, BIM...) và được tích hợp về Trung tâm dữ liệu thành phố.

+ Các tuyến đường giao thông chính được triển khai giải pháp giao thông thông minh (camera giám sát, đèn tín hiệu, hệ thống chiếu sáng công cộng, bảng quảng cáo điện tử,... được điều khiển tự động và kết nối về trung tâm điều khiển chung).

+ Dữ liệu về hiện trạng và biến động của các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được cập nhật liên tục vào các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đến năm 2025:

+ Xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống lưu trữ dữ liệu và công cụ tính toán nhằm phục vụ cho các giải pháp về giao thông thông minh.

+ Hình thành Trung tâm quản lý điều hành giao thông làm đầu mối kết nối toàn bộ hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu và trong tương lai như hệ thống đường sắt đô thị, đường cao tốc, hệ thống thu phí, các bãi đậu xe,...

c) Công nghiệp công nghệ thông tin

- Đến năm 2020:

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành phố thành một ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng cao (trung bình 20%/ năm), làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố, xây dựng Thành phố thành trung tâm công nghệ thông tin.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên. Đến năm 2020, tỷ trọng công nghệ thông tin và truyền thông đóng góp vào GDP đạt từ 8 - 10%.

Công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin

+ Tốc độ tăng trưởng trung bình của công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt 25%/năm. Đến năm 2020, doanh thu ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt 4,5 tỷ USD.

+ Năng suất lao động bình quân trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt 50.000 USD/người/năm.

+ Hoàn thành xây dựng công viên phần mềm Quang Trung 2, hình thành chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung - tạo ra Công viên phần mềm trọng điểm quốc gia, một trung tâm dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

+ Hình thành ít nhất 3 khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút đầu tư nhiều tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới.

+ Công nghiệp phần mềm và dịch vụ gia công của thành phố phát triển mạnh mẽ, nằm trong số 10 thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm và nội dung số. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm phần mềm và nội dung số.

Công nghiệp phần cứng (điện tử, vi mạch)

+ Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 15% năm. Đến năm 2020, doanh thu công nghiệp phần cứng đạt 15 tỷ USD.

+ Thu hút ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực vi mạch điện tử đầu tư và hoạt động tại tại thành phố. Ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên của Việt Nam.

+ Đào tạo được khoảng 2000 kỹ sư, kỹ thuật viên... hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử.

+ Sản phẩm điện tử viễn thông có sử dụng vi mạch được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam sẽ có giá trị gia tăng từ 15% đến 30%.

- Đến năm 2025:

Công nghiệp công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, bình quân 25 - 30%/năm.

Công nghiệp phần mềm và nội dung số tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm, công nghiệp phần cứng là 20%/năm.

Phát triển thương hiệu Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung trở thành thương hiệu hàng đầu trong các công viên phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trên thế giới.

Công nghiệp vi mạch đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN. Tiếp tục phát huy năng lực của nhà máy sản xuất vi mạch các sản phẩm chip điện tử cho các thị trường trong nước và nước ngoài.

d) Nhân lực công nghệ thông tin

Đến năm 2020:

- 95% cán bộ lãnh đạo sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện chỉ đạo điều hành công việc qua hệ thống mạng văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống hộp thư điện tử dùng chung của thành phố; 95% sở - ban - ngành, 80% Ủy ban nhân dân quận - huyện có lãnh đạo phụ trách công nghệ thông tin và chuyên trách công nghệ thông tin.

- 95% cán bộ công chức cấp sở - ban - ngành, quận - huyện xử lý hồ sơ công việc, thủ tục hành chính qua ISO điện tử.

Đến năm 2025:

- 95% Ủy ban nhân dân quận - huyện có lãnh đạo phụ trách công nghệ thông tin và chuyên trách công nghệ thông tin.

- 95% cán bộ công chức cấp xã - phường xử lý hồ sơ công việc, thủ tục hành chính qua ISO điện tử.

III. Nội dung quy hoạch

1. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin

- Xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông (viễn thông) đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin của toàn thành phố với công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị - thực hiện cáp quang hóa và ngầm hóa, dùng chung hạ tầng. Kết nối hệ thống hạ tầng thông tin và truyền thông thành phố với xa lộ thông tin quốc gia và liên kết quốc tế.

- Thực hiện rà soát, chuẩn hóa toàn bộ hệ thống hạ tầng máy tính (máy chủ, máy trạm), mạng máy tính, thiết bị kết nối theo hướng ảo hóa và điện toán đám mây, quy hoạch tài nguyên đảm bảo vận hành cho các ứng dụng dùng chung của thành phố.

- Thực hiện chuẩn hóa, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị sở - ban - ngành, quận - huyện theo hướng công nghệ hiện đại.

- Thực hiện rà soát, nâng cấp hệ thống Mạng băng thông rộng của thành phố (Metronet) đảm bảo vận hành ổn định cho hệ thống phần mềm ứng dụng triển khai tập trung trên hệ thống Trung tâm dữ liệu của thành phố, đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp và liên thông kết nối dữ liệu giữa các đơn vị.

- Thực hiện triển khai hệ thống định danh tập trung tại Trung tâm dữ liệu của thành phố đảm bảo nâng cao khả năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, phục vụ cho việc chuẩn hóa, đồng bộ tên người dùng hướng đến việc sử dụng duy nhất một tài khoản để đăng nhập vào tất cả hệ thống, dịch vụ trong tương lai: cổng thông tin, hệ thống thư điện tử, hệ thống chứng thực, quản lý văn bản và hồ sơ công việc, và các ứng dụng dùng chung khác.

- Triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số tại các cơ quan nhà nước trên toàn thành phố nhằm bảo đảm tính pháp lý của văn bản trao đổi và an toàn, an ninh thông tin để thực hiện trao đổi thông tin, giao dịch hành chính điện tử một cách có hiệu quả trong nội bộ từng cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Thực hiện triển khai chữ ký số ở cấp đơn vị và lãnh đạo đơn vị tất cả sở - ban - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Tăng cường khả năng của hạ tầng tính toán hiệu năng cao để có thể được sử dụng rộng rãi, giải quyết các bài toán lớn, cấp bách của thành phố như giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, phục vụ cho các nhu cầu tính toán của một thành phố thông minh.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin

a) Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước

- Nâng cấp hệ thống Một cửa điện tử thành phố tích hợp với cổng dịch vụ công thành phố và cổng thông tin thành phố, công khai minh bạch tình trạng xử lý hồ sơ hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã tham gia hệ thống một cửa điện tử thành phố.

- Phát triển và hoàn thiện hệ thống giao ban trực tuyến của Thành phố và đảm bảo các cuộc họp giao ban giữa Ủy ban nhân dân thành phố với các sở - ban - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn được thực hiện trực tuyến. Đến hết năm 2020, hoàn tất việc triển khai họp trực tuyến đến tất cả các sở - ban - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

- Hoàn thiện hệ thống thư điện tử của thành phố, tăng cường đẩy mạnh công tác sử dụng thư điện tử thành phố tại các cơ quan nhà nước đảm an toàn, an ninh thông tin để thực hiện trao đổi thông tin, giao dịch hành chính điện tử một cách có hiệu quả trong nội bộ cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Đến năm 2020, 95% cán bộ công chức tại các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn sử dụng thư điện tử thành phố giao dịch nội bộ cơ quan và bên ngoài trên hệ thống thư điện tử nguồn mở của thành phố.

- Hoàn thiện các phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành như phần mềm quản lý văn bản - hồ sơ công việc, chỉ đạo điều hành, khiếu nại tố cáo, lịch công tác,... tại tất cả các cơ quan nhà nước theo hướng hiệu quả hơn, có khả năng tích hợp và mở rộng trên nền tảng đám mây nguồn mở. Cụ thể, triển khai liên thông kết nối phần mềm Quản lý văn bản - Hồ sơ công việc và chỉ đạo điều hành cho tất cả các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và triển khai liên thông kết nối với Văn phòng Chính phủ, các tỉnh thành phố trên cả nước, đảm bảo 95% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử, toàn bộ văn bản sẽ được trao đổi hoàn toàn qua mạng không còn sử dụng văn bản giấy (trừ văn bản mật), hệ thống phần mềm khiếu nại tố cáo được triển khai liên thông từ cấp thành phố đến tất cả các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

- Xây dựng và triển khai phần mềm khai thác thông minh thông tin; tiến hành tích hợp và khai thác dữ liệu về văn hóa - xã hội, đô thị, kinh tế, khoa học công nghệ phục vụ quản lý và chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố được thể hiện dưới dạng hình ảnh không gian 3 chiều và hệ thống mô phỏng đối với các lĩnh vực quốc phòng, đô thị và khoa học công nghệ,...

- Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành chung đồng bộ từ sở ngành đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các phần mềm khác theo định hướng chung của thành phố, hình thành các hệ thống thông tin văn hóa - xã hội, kinh tế, quản lý đô thị và khoa học công nghệ. Đến hết năm 2020, tập trung triển khai phần mềm hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đầu kỳ, số hóa tài liệu tại các đơn vị; bước đầu xây dựng hệ thống thông tin logistics. 50% dữ liệu sẽ được tiến hành chia sẻ giữa các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, hình thành hệ thống báo cáo số liệu tự động phục vụ công tác chỉ đạo của lãnh đạo thành phố các cấp.

b) Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân

- Mở rộng và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Thành phố (HCM Cityweb) trên nền tảng công nghệ hiện đại, nội dung thông tin cập nhật kịp thời, phong phú và các dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 phục vụ công dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện việc xây dựng phần mềm hướng dẫn qua mạng cho tất cả các loại hình cấp mới, thay đổi của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Nâng cấp, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin đầy đủ theo Nghị định số 43/NĐ-CP và tích hợp với Cổng thông tin điện tử của thành phố.

- Nâng cấp, hoàn thiện cổng thông tin dịch vụ công thành phố. Thực hiện triển khai dịch vụ công kết hợp với dịch vụ nhận và chuyển phát của bưu điện thành phố.

- Hoàn thiện và triển khai phần mềm đánh giá độ hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước tăng cường chất lượng và hiệu quả công việc tại các cơ quan nhà nước. Đến năm 2020, triển khai phần mềm cho tất cả các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

- Hoàn thiện và triển khai phần mềm một cửa liên thông tại các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn kết nối với phần mềm tác nghiệp chuyên ngành, cổng thông tin điện tử và các thiết bị tra cứu phục vụ việc tra cứu hồ sơ của người dân và doanh nghiệp.

- Triển khai phần mềm ứng dụng tạo hồ sơ và lưu trữ thông tin lý lịch điện tử công dân phục vụ cho việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cấp 3, 4 qua mạng.

- Triển khai cấp thẻ điện tử cho công dân sử dụng các giao dịch điện tử và các dịch vụ liên quan đến y tế, bảo hiểm xã hội.

c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa sản xuất kinh doanh nâng cao năng suất lao động, sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

- Các công ty, tổng công ty nhà nước thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị theo đề án khung đã được thành phố thẩm định, phê duyệt. Đến năm 2020, 50% các doanh nghiệp nhà nước sẽ hoàn thành ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp (ERP) trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.

d) Ứng dụng công nghệ thông tin trong an ninh mạng, an toàn thông tin

- Hoàn chỉnh các quy định, chính sách về an toàn thông tin, an ninh mạng.

- Chuẩn hóa toàn bộ hệ thống theo hướng ảo hóa và điện toán đám mây, quy hoạch tài nguyên đảm bảo vận hành cho các ứng dụng dùng chung của thành phố; bổ sung nhiều giải pháp an toàn thông tin cao cấp để bảo vệ cho hệ thống.

- Xây dựng hệ thống phòng chống thảm họa cho Trung tâm dữ liệu thành phố, đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống ở mức cao khi có các thảm họa xảy ra (thiên tai, tấn công, hư hỏng hệ thống nghiêm trọng...).

- Tập trung chuyển đổi hệ thống máy chủ và các ứng dụng dùng chung của các sở ngành, quận huyện lên Trung tâm dữ liệu của thành phố.

- Triển khai mô hình ảo hóa máy trạm cho lãnh đạo cao cấp của thành phố.

- Xây dựng hệ thống bảo vệ nâng cao cho máy trạm và hộp thư điện tử của lãnh đạo thành phố.

- Đầu tư nâng cấp, xây dựng hạ tầng mạng nội bộ và thay thế trang thiết bị máy trạm không đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cán bộ công chức nhằm đảm bảo cho hệ thống máy tính tại các cơ quan quản lý nhà nước được vận hành liên tục và đáp ứng được nhu cầu sử dụng các ứng dụng chuyên ngành.

- Triển khai và duy trì mạng đô thị băng thông rộng thành phố tại các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố và đường truyền dự phòng cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố.

- Đầu tư các công cụ an ninh mạng và phát triển hệ thống dùng cho việc kiểm tra, rà soát và tăng cường an toàn thông tin cho hệ thống mạng thành phố.

- Xây dựng hệ thống mạng ảo dùng cho mục đích đào tạo nhân lực an toàn thông tin và diễn tập tác chiến điện tử.

- Đầu tư thiết bị tường lửa bảo đảm an toàn thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống mạng thành phố.

- Triển khai phần mềm chống mã độc và hỗ trợ xử lý các sự cố liên quan đến mã độc tại các cơ quan quản lý nhà nước.

- Ứng dụng giải pháp chữ ký số, các thiết bị, công nghệ mã hóa chuyên dụng của Ban cơ yếu chính phủ, để đảm bảo an toàn thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước.

- Cung cấp và duy trì chứng thư số cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước theo hệ thống của Trung tâm chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ nhằm phục vụ ký số cho các văn bản điện tử được ban hành và các ứng dụng khác.

- Hoàn chỉnh hệ thống định danh tập trung của thành phố. Tập trung hóa việc quản trị người dùng, máy tính. Thiết lập chính sách an toàn thông tin tập trung.

- Tạo cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các phần mềm ứng dụng, làm nền tảng cho việc liên thông kết nối.

- Thiết lập hệ thống quản lý nội dung truy cập Internet nhằm hạn chế các thông tin có nội dung vi phạm, tạo môi trường mạng trong sạch cho thành phố.

- Xây dựng cổng Internet tập trung cho các cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống mạng thành phố và thiết lập chính sách an ninh thông tin tập trung tại cổng kết nối Internet, giúp kiểm soát, đảm bảo an ninh thông tin khi kết nối Internet.

- Xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng (SOC) với các trang thiết bị hiện đại, hoạt động liên tục (24/24) giám sát cảnh báo an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống mạng thông tin thành phố. Xây dựng Đội ứng cứu khẩn cấp, chuyên nghiệp về an ninh mạng, các phương pháp ứng cứu, bảo vệ, xử lý đối với các hệ thống thông tin thành phố; đầu tư trang thiết bị dự phòng cần thiết cho công tác ứng cứu sự cố khẩn cấp tại các cơ quan quản lý nhà nước.

e) Ứng dụng công nghệ thông tin trong một số ngành, lĩnh vực cấp bách

ng dụng công nghệ thông tin giảm ùn tắc giao thông

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong Quản lý vận tải hành khách công cộng.

- Ứng dụng các giải pháp công nghệ xây dựng các hệ thống quan trắc giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông và hệ thống thông tin giao thông.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng giao thông; công cụ thu thập, cập nhật, tích hợp, lưu trữ và cung cấp dữ liệu giao thông đô thị theo thời gian thực.

- Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh - Intelligent Transportation System (ITS) và hệ thống đường sắt đô thị.

ng dụng công nghệ thông tin trong giảm ngập, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

- Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảm ngập làm cơ sở định hướng việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác chống ngập tại thành phố.

- Xây dựng các lớp dữ liệu phục vụ công tác chống ngập trên nền Hệ thống thông tin địa lý (GIS) về: hệ thống cống thoát nước; hệ thống kênh rạch, hệ thống thủy lợi, hệ thống đê bao, tình hình lấn chiếm, san lấp kênh rạch, các dự án chống ngập, các nguồn xả nước,...

- Xây dựng Trung tâm tính toán, điều hành chống ngập nước thành phố làm đầu mối tích hợp và cung cấp dữ liệu, triển khai các hệ thống tính toán, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chống ngập nước cho các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho từng lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, kết nối hình thành các hệ thống thống thông tin chuyên ngành: Hệ thống thông tin quản lý tài nguyên đất đai; Hệ thống thông tin nền địa lý toàn thành phố; Hệ thống thông tin về tài nguyên nước; Hệ thống thông tin về tài nguyên khoáng sản; Hệ thống thông tin về môi trường; Hệ thống thông tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; Hệ thống thông tin đo đạc và bản đồ; Hệ thống thông tin về quản lý biển và đảo.

Giáo dục

- Xây dựng kiến trúc tổng thể ngành giáo dục - đào tạo: kiến trúc, các chuẩn, tiêu chí cho việc liên thông kết nối và tích hợp.

- Xây dựng quy chế vận hành và khai thác thông tin trên Hệ thống thông tin Giáo dục thành phố, bao gồm các quy định kết nối và cung cấp thông tin, phân quyền quản lý và tổng hợp thông tin, chia sẻ và chuyển tải thông tin, truy xuất và kết xuất thông tin, ....

- Xây dựng hạ tầng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành giáo dục thành phố bao gồm hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin tại Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục các quận, huyện và trường học các cấp theo mô hình hình thành hệ thống hạ tầng dùng chung trong ngành.

- Thiết kế và xây dựng hệ thống dữ liệu giáo dục thống nhất chứa đựng các thông tin tích hợp từ tất cả các thông tin quản lý giáo dục và các thông tin dạy và học đã được tổng hợp, trích lọc và tích hợp từ các thông tin trên các mạng thông tin quản lý giáo dục, mạng thông tin giáo dục dạy và học.

- Triển khai cho Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục quận, huyện và trường học các cấp hệ thống phần mềm dùng chung (như cho các sở ngành): Hệ thống thư điện tử; Hệ thống quản lý hồ sơ công việc - chỉ đạo điều hành; Hệ thống quản lý cán bộ công chức - viên chức; Hệ thống quản lý tài sản công; Hệ thống quản lý khiếu nại - khiếu tố; Hệ thống quản lý thi đua - khen thưởng.

- Triển khai một mạng thông tin quản lý giáo dục thống nhất với đầu mối tại Sở Giáo dục và Đào tạo, phục vụ cho công tác quản lý thông tin giáo dục và đào tạo ở các phòng ban chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục quận, huyện và các cơ quan trực thuộc, bao gồm các phần mềm quản lý chuyên ngành: phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm tổng hợp số liệu thống kê và báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo tại thành phố;... và các hệ thống phục vụ quản lý: hệ thống họp trực tuyến; thẻ học sinh điện tử;...

- Xây dựng và triển khai các hệ thống phục vụ cho công tác dạy và học sau: Cổng thông tin điện tử tích hợp dành cho các đối tượng giáo viên, học sinh và phụ huynh phục vụ cho công tác dạy và học; Hệ thống bài giảng điện tử, sách giáo khoa điện tử dành cho các đối tượng giáo viên và học sinh; Kênh giao tiếp giữa nhà trường với giáo viên, học sinh và phụ huynh thông qua cổng thông tin, hệ thống thư điện tử và hệ thông tin nhắn trên các thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng).

- Xây dựng các cổng thông tin tích hợp giáo dục cộng đồng của các tổ chức đoàn thể như: Hệ thống đào tạo trực tuyến của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố; Mạng xã hội Mực tím trực tuyến (MTO) của Thành đoàn; Cổng thông tin của Trung tâm khuyến nông...

Y Tế

- Xây dựng quy chế vận hành và khai thác thông tin trên Hệ thống thông tin y tế thành phố, bao gồm các quy định kết nối và cung cấp thông tin, phân quyền quản lý và tổng hợp thông tin, chia sẻ và chuyển tải thông tin, truy xuất và kết xuất thông tin, ....

- Xây dựng hạ tầng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành y tế thành phố bao gồm hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin tại Sở Y tế, các bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế dự phòng quận, huyện theo mô hình hình thành hệ thống hạ tầng dùng chung trong ngành.

- Thiết kế và xây dựng một hệ thống dữ liệu y tế thống nhất chứa đựng các thông tin tích hợp từ tất cả các thông tin quản lý y tế và các thông tin sức khỏe đã được tổng hợp, trích lọc và tích hợp từ các thông tin trên các mạng thông tin quản lý y tế, mạng thông tin y tế điều trị, mạng thông tin y tế công cộng và mạng thông tin BHYT. Triển khai các phần mềm dùng chung.

- Xây dựng và triển khai một mạng thông tin quản lý y tế thống nhất với đầu mối tại Sở Y tế, phục vụ cho công tác quản lý y tế ở các phòng ban chuyên môn của Sở Y tế và các cơ quan trực thuộc, bao gồm các phần mềm quản lý chuyên ngành như: Quản lý người hành nghề và hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố; Quản lý cấp giấy phép và theo dõi hoạt động của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm (Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm); Quản lý, tổng hợp số liệu thống kê và báo cáo về tình hình dân số kế hoạch hóa gia đình tại thành phố (Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình); các phần mềm đặc thù khác.

- Xây dựng hệ thống báo cáo, thống kê y tế qua mạng trong lĩnh vực khám chữa bệnh theo định dạng dữ liệu thống nhất và sử dụng các chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

- Triển khai nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị tại các bệnh viện tuyến quận, huyện và triển khai mạng y tế công cộng trên toàn thành phố.

- Xây dựng hệ thống thu thập, tổng hợp, kết xuất, trao đổi thông tin từ cấp phường, xã đến thành phố phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, các chương trình sức khỏe quốc gia và của thành phố; công tác báo cáo, thống kê; phòng chống dịch bệnh ... Hệ thống có thể tự động tiếp nhận thông tin tại từng cấp và tổng hợp dữ liệu, xuất báo cáo gởi cơ quan nhận báo cáo cấp trên.

- Tiếp tục hoàn chỉnh và triển khai hệ thống hỗ trợ chẩn đoán từ xa trên nền tảng của Hệ thống thông tin y tế thành phố trên phạm vi cả nước

ng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Xây dựng Trung tâm xử lý Hệ thống thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn: cơ sở dữ liệu về nông sản, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm; cơ sở dữ liệu về thị trường, kỹ thuật canh tác, người nông dân,...

- Thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin cho cơ chế tự động hóa hay bán tự động hóa tưới tiêu, đặc biệt là đối với các loại cây cảnh, cây ăn trái và tùy từng địa phương, từng vùng sinh thái.

- Hiện đại hóa sử dụng năng lượng điện, nhất là nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện quang,...) và các cơ chế giám sát thông minh nhằm tiết kiệm điện.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thủy lợi và bảo vệ môi trường tại nông thôn mới: Triển khai các giải pháp phục vụ công tác thủy lợi và môi trường như: Triển khai các trạm quan trắc môi trường; Triển khai hệ thống quản lý các cửa cống và điều tiết mực nước tự động tại các kênh mương.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống nghiên cứu phát triển (viện, trường đại học, khu phát triển nông nghiệp công nghệ cao,...); Công nghệ sinh học: cơ sở dữ liệu về các tiến bộ trong ngành công nghệ sinh học áp dụng vào sản xuất nông nghiệp Việt Nam như công nghệ gen, nuôi cấy mô, các loại giống mới,...; Công nghệ vật liệu mới: cơ sở dữ liệu về các sản phẩm vật liệu mới dùng trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam như tấm lót nền ruộng muối, vật liệu xây nhà ở vùng sống chung với lũ, vật liệu nano,...; Công nghệ giống cây trồng, vật nuôi: cơ sở dữ liệu các sản phẩm của các viện, trường đại học, trung tâm khuyến nông,...; Quy trình sản xuất tiên tiến: cơ sở dữ liệu về các quy trình sản xuất khoa học, hiệu quả kinh tế cao như quy trình nuôi tôm, cá, hàu, ba ba,...Cung cấp thông tin logistics toàn diện cho nhà nông (các loại giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ, nhà cung cấp, phí vận chuyển,...). Hệ thống thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thu thập, thống kê, cung cấp thông tin, dữ liệu từ các nguồn trong và ngoài nước về công nghệ và thị trường tiêu thụ; đưa ra bảng phân tích, đánh giá thị trường hàng tuần, hàng tháng và theo mùa vụ. Từ đó, dự đoán sản lượng, chất lượng nông sản cho từng đối tượng, từng vùng cụ thể, tư vấn sản xuất, kinh doanh nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường.

Xây dựng nông thôn mới

- Đẩy mạnh triển khai các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước thuộc chương trình Chính phủ điện tử của thành phố có liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin cấp xã, thị trấn, đặc biệt là các xã, thị trấn thuộc danh sách xây dựng nông thôn mới.

- Triển khai Kiosk thông tin đến các xã, thị trấn thuộc các huyện nhằm tạo kênh thông tin chính xác, kịp thời và phù hợp với nhu cầu của người dân tại địa phương.

- Đầu tư và nâng cấp hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân huyện, xã, thị trấn bảo đảm đáp ứng các yêu cầu ứng dụng trong quản lý, điều hành.

- Xây dựng Cổng thông tin về nông thôn mới nhằm cung cấp thông tin cho người dân cũng như cơ chế chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước liên quan đến nông dân; Phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới của thành phố; Triển khai các giải pháp cung cấp thông tin trên mạng di động cung cấp cho người dân tại nông thôn.

- Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh: Tất cả các văn bản pháp lý, các ý kiến chỉ đạo,... đều được công bố; Tất các sở ngành, huyện,.. tham gia đều có thể tự cập nhật thông tin triển khai dự án theo nội dung được phân công.

- Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn cho các cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại huyện, xã, thị trấn thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nhận thức về an toàn thông tin cần thiết trong việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại đơn vị.

- Tổ chức các lớp đào tạo công nghệ thông tin cho học sinh, sinh viên và người dân có nhu cầu.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch và quản lý đất đai - xây dựng, quản lý rừng: Ứng dụng GIS trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai - xây dựng, vùng cây trồng và vùng chuyên canh; ứng dụng GIS trong quản lý tài nguyên rừng (nguyên sinh, phòng hộ,...) và quản lý danh mục hệ động thực vật của từng loại rừng.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh tại nông thôn mới: Nghiên cứu, xây dựng, triển khai các giải pháp, phần mềm phục vụ sản xuất và nuôi trồng; Thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử như: sàn giao dịch, xúc tiến thương mại, giao dịch, mua bán qua mạng,...

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, giáo dục phục vụ xây dựng nông thôn mới như: Ứng dụng GIS trong quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi,... Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học tại các trường học thuộc các xã nông thôn mới; các Trung tâm khuyến nông,... Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế tại các xã nông thôn mới: Quản lý y tế công cộng, Chẩn đoán từ xa, Bệnh án điện tử,...

Quản lý hạ tầng và phát triển đô thị

- Xây dựng mô hình, kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin theo định hướng tập trung, thống nhất và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hạ tầng và phát triển đô thị.

- Tạo lập cơ sở dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền Hệ thống thông tin địa lý (GIS), bao gồm dữ liệu địa chính, dữ liệu địa hình, dữ liệu về công trình giao thông, tài nguyên môi trường, mạng viễn thông, cấp thoát nước,...làm cơ sở để khai thác phục vụ công tác quản lý, quy hoạch phát triển đô thị.

- Triển khai các phần mềm ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý đô thị, đặc biệt là công tác quản lý xây dựng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, chống ngập, bưu chính viễn thông nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp tổng hợp để cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường, giảm ngập nước, nâng cao chất lượng giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

3. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

a) Phát triển công nghiệp phần mềm

- Thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các dự án trong Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công viên phần mềm tại Khu chế xuất Tân Thuận; hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển Công viên phần mềm Quang Trung là trung tâm xuất khẩu phần mềm, dịch vụ gia công thuê ngoài (BPO, ITO,...) của thành phố.

- Xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung 2, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung - thành Công viên phần mềm trọng điểm quốc gia với một số nội dung chủ yếu sau đây:

+ Thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh cho khu C30 (cùng các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đang có dự án tại C30).

+ Xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước hướng tới mục tiêu đây là Trung tâm dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á, chiếm lĩnh các thị trường tiềm năng về dịch vụ công nghệ thông tin của khu vực và thế giới.

+ Phát triển một hệ sinh thái sáng tạo giữa các viện - trường với doanh nghiệp, kết hợp đầu tư PPP, biến công viên phần mềm thành một “đô thị sáng tạo” với các thành phần “đô thị thông minh”, “đô thị xanh”, “đô thị giáo dục”, làm nền tảng cho nền kinh tế tri thức với lực lượng sản xuất tri thức.

+ Hỗ trợ và cùng một số tỉnh có điều kiện xây dựng chuỗi công viên phần mềm Quang Trung, tạo ra một mô hình khu Công viên phần mềm trọng điểm quốc gia.

- Hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ươm tạo doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, nội dung số tại các Vườn ươm của Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các Viện, Trường và Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

- Tập trung phát triển phần mềm ứng dụng và dịch vụ trên nền các hệ điều hành phổ biến; ứng dụng công nghệ mã nguồn mở.

b) Phát triển công nghiệp vi mạch

- Đầu tư nghiên cứu, triển khai để nắm vững các công nghệ nền, nghiên cứu các công nghệ mới hướng tới đáp ứng thị trường nội địa đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và từng bước tham gia thị trường quốc tế.

- Tập trung đào tạo, thu hút đội ngũ kỹ sư, cán bộ khoa học kỹ thuật chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực thiết kế, chế tạo vi mạch tích hợp và xây dựng các ứng dụng dựa trên thành quả từ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu.

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp vi mạch nhằm theo kịp sự phát triển chung của thế giới.

- Phối hợp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghiệp vi mạch điện tử vào những lĩnh vực trọng điểm được Chính phủ ưu tiên phát triển như quốc phòng, giao thông, nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục... nhằm tối ưu hóa quy trình quản lý, sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của những ngành này.

- Nghiên cứu, cung cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, giảm dần sự phụ thuộc và tiến đến thay thế hoàn toàn các sản phẩm điện tử của nước ngoài nhằm tăng cường an ninh quốc phòng và an ninh đô thị.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực vi mạch điện tử đầu tư và hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh, gây tiếng vang và khẳng định vị trí của nước ta trên thương trường thế giới.

- Xây dựng thương hiệu sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực vi mạch điện tử, hỗ trợ các ngành khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

c) Phát triển công nghiệp điện tử

- Rà soát, tổng hợp những khó khăn, rào cản và giải pháp khắc phục, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lắp ráp thiết bị điện tử để đáp ứng nhu cầu sản phẩm điện tử trong nước và tham gia xuất khẩu.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử: xây dựng chương trình liên kết, kênh thông tin giữa doanh nghiệp các Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao - nhất là các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước nhằm góp phần đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ, mô hình quản lý, R&D sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử. Ưu tiên thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản trong phát triển công nghiệp hỗ trợ trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đã ký giữa hai nước).

- Tăng cường liên kết với các tập đoàn điện tử, công nghệ thông tin lớn trên thế giới để tiếp nhận công nghệ hiện đại và tăng cường năng lực sản xuất linh kiện.

- Nghiên cứu thiết kế, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử chuyên dụng, linh kiện phụ kiện điện tử, cơ điện tử thông dụng, tập trung vào nhóm các sản phẩm: máy tính và thiết bị văn phòng; thiết bị đo lường, giám sát, cảnh báo điện tử; sản xuất màn hình chuyên dụng; thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán bệnh; thiết bị điện tử dân dụng như thiết bị SetToBox, lắp ráp TV Internet, thiết bị nghe nhìn, Internet of thing (IoT),...

d) Phát triển dịch vụ công nghệ thông tin

- Phát triển ngành dịch vụ dữ liệu, hình thành một số doanh nghiệp chuyên nghiệp về cung cấp dịch vụ dữ liệu, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin chuyên ngành thuộc các lĩnh vực: quản lý hành chính nhà nước, chính phủ điện tử, ngân hàng, tài chính, thuế, hải quan, an toàn an ninh thông tin, giao thông, quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Nghiên cứu, phát triển các dịch vụ gia công xuất khẩu về công nghệ thông tin, gia công xuất khẩu quy trình kinh doanh (BPO), dịch vụ dữ liệu, điện toán đám mây.

- Phát triển các sản phẩm, ứng dụng nội dung cho thiết bị di động, mạng Internet, phát triển dịch vụ truyền hình Internet và các trang mạng xã hội.

- Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, giải pháp phần mềm nguồn mở phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, sản phẩm, thị trường phần mềm nguồn mở của thành phố.

e) Phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin

- Hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp công nghệ thông tin, hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, cung cấp các dịch vụ tư vấn cơ chế, chính sách, pháp lý, môi trường đầu tư nhằm phát triển mạnh doanh nghiệp công nghệ thông tin vừa và nhỏ.

- Lựa chọn từ 10 - 20 doanh nghiệp của thành phố có quy mô trên 500 nhân lực để định hướng phát triển thành doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn cấp toàn cầu, xây dựng năng lực nghiên cứu, phát triển mạnh.

- Lựa chọn top 10 sản phẩm công nghệ thông tin chủ lực của thành phố hỗ trợ phát triển thành sản phẩm đại diện cho thương hiệu của Thành phố về công nghiệp công nghệ thông tin.

- Phát triển các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin trong các khu công nghệ thông tin tập trung để hỗ trợ thương mại hóa các ý tưởng, kết quả nghiên cứu khoa học.

4. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nghiên cứu triển khai

- Phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp cả về số lượng và đảm bảo đáp ứng các chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin quốc tế. Ưu tiên tập trung đào tạo kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức và nghiệp vụ cho cán bộ công chức chuyên trách về công nghệ thông tin của sở ngành, quận, huyện. Ban hành quy định về hệ thống chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ và chế độ lương, thưởng, phụ cấp phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức công nghệ thông tin của thành phố. Đưa nội dung đào tạo về công nghệ thông tin vào chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị của Trường Cán bộ thành phố.

- Đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các trường đại học có uy tín về công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ thông tin của thành phố. Xây dựng và tạo mô hình mẫu sau đó nhân rộng về mô hình liên kết giữa trường đại học, hội ngành nghề, doanh nghiệp công nghệ thông tin kết nối định hướng xu hướng công nghệ, chuyên ngành chuyên sâu cho sinh viên ngành công nghệ thông tin, điện tử. Đưa sinh viên thực tập tại doanh nghiệp để trải nghiệm giữa lý thuyết học ở trường và thực hành theo xu hướng công nghệ của thị trường. Tạo cầu nối để doanh nghiệp và trường học có các đặt hàng đáp ứng nhân lực cho doanh nghiệp công nghệ thông tin đảm bảo khi sinh viên kết thúc khóa học đáp ứng với công việc.

- Xây dựng chương trình thu hút chuyên gia cao cấp ngành công nghiệp vi mạch, điện tử và hỗ trợ khởi nghiệp cho lưu học sinh sau khi về nước, các kỹ sư mới ra trường ngành vi mạch, điện tử.

- Tiếp tục sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ phát triển nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông thành phố Hồ Chí Minh.

- Tập trung xây dựng chương trình hợp tác trong và ngoài nước cho đào tạo nhân lực an toàn thông tin, an ninh mạng đáp ứng tình hình cấp bách về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin nhất là cho khối các cơ quan nhà nước.

- Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc vận hành, phát triển ứng dụng, và nghiên cứu phát triển các hệ thống tính toán hiệu năng cao phục vụ cho việc giải quyết các bài toán cấp bách của thành phố.

5. Hợp tác, hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin trong Vùng kinh tế phía Nam

- Chuyển giao, đào tạo nhân lực, hỗ trợ các tỉnh phía Nam trong xây dựng chính quyền điện tử theo mô hình tập trung, mã nguồn mở và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây.

- Hỗ trợ phòng, xử lý kịp thời các tình huống an toàn thông tin, an ninh mạng.

- Hỗ trợ xây dựng chuỗi công viên phần mềm Quang Trung tại một số tỉnh có đủ điều kiện.

IV. Danh mục các dự án, đề án, chương trình trọng điểm ính kèm Phụ lục)

V. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

1. Nhóm về thể chế, chính sách

- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là nội dung quan trọng và đưa ngay vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm của thành phố. Các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực của các quận, huyện, sở ngành phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

- Kiện toàn Ban chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố và Ban chỉ đạo Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin thành phố theo hướng thống nhất thành một Ban chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính gắn với ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin để đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính thành phố.

- Ban hành các quy định vận hành, sử dụng và khai thác bắt buộc các hệ thống dùng chung của thành phố như hệ thống một cửa điện tử thành phố, Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng, chia sẻ và sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung,...

- Ban hành các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trung hạn và dài hạn trong từng lĩnh vực chuyên ngành như y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông thôn mới,....

- Rà soát các văn bản quy định; chuẩn hóa các quy trình, biểu mẫu liên quan đến các hệ thống các phần mềm ứng dụng dùng chung; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Cụ thể hóa và thể chế hóa chính sách đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thực hiện chính sách ưu đãi về đầu tư đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh.

- Ban hành chính sách thu hút, giữ chân nhân lực công nghệ thông tin giỏi, ưu tiên các vị trí chuyên trách và phụ trách công nghệ thông tin tại các sở ngành, quận, huyện. Xây dựng tổ chức thực hiện Chương trình phát triển nhân lực công nghệ thông tin thành phố.

- Rà soát, đề xuất các biện pháp khắc phục các rào cản nhằm đảm bảo thực hiện đúng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ thông tin nhanh chóng, thuận tiện nhất theo quy định.

- Xây dựng gói chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư vào khu Công viên phần mềm Quang Trung 2, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư hoạt động công nghệ thông tin) và một số dự án từ các tập đoàn công nghệ thông tin lớn.

- Xây dựng chính sách cho công nghiệp vi mạch của thành phố (nghiên cứu, chuyển giao, nắm bắt công nghệ, hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm sử dụng chip sản xuất trong nước, đào tạo nhân lực,...).

- Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ ươm tạo, khởi nghiệp doanh nghiệp công nghệ thông tin hướng tới các sản phẩm tiềm năng.

- Xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển các mô hình xã hội hóa đào tạo theo nhu cầu của thị trường, mô hình đào tạo liên kết doanh nghiệp - viện - trường, mô hình liên danh, liên kết quốc tế... đáp ứng nhu cầu thị trường nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ về số lượng và chất lượng.

- Thực hiện cơ chế đối thoại định kỳ với doanh nghiệp, khi cần mời lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

2. Nhóm về huy động vốn (tài chính)

a) Vốn từ ngân sách nhà nước:

- Đề xuất chính sách hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương đầu tư cho Công viên phần mềm Quang Trung, chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung; một số hạng mục quan trọng trong Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố (thiết kế, R&D Lab, đào tạo nhân lực vi mạch).

- Đảm bảo cấp vốn từ ngân sách thành phố hằng năm (tập trung, sự nghiệp) đầu tư cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các hệ thống ứng dụng dùng chung và đào tạo phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố. Đảm bảo chi cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và khoa học công nghệ hàng năm không ít hơn 2% trong tổng chi ngân sách hàng năm của thành phố.

b) Vốn huy động trong các doanh nghiệp:

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và của người Việt Nam ở nước ngoài vào xây dựng hạng mục trọng tâm liên quan đến công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đào tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

- Đặc biệt kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố đầu tư và cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin nhằm giảm các chi phí triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các đơn vị.

- Bên cạnh đó, cần phải kêu gọi, thu hút các nguồn tài trợ từ tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố đầu tư phát triển về hạ tầng, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin đối với các ngành giáo dục, y tế, giao thông, nông thôn mới của thành phố.

3. Nhóm về hợp tác quốc tế

- Thúc đẩy hợp tác với các tổ chức, tập đoàn đa quốc gia, cá nhân trong nước và nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển công nghệ thông tin - ưu tiên các hoạt động đào tạo, nghiên cứu triển khai (R&D), chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, tri thức và kinh nghiệm ... trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển như công nghiệp vi mạch, công nghiệp phần mềm, mã nguồn mở, dịch vụ công nghệ thông tin,....

- Phát huy vai trò của các Hội nghề nghiệp về công nghệ thông tin và truyền thông trong hợp tác quốc tế phát triển công nghệ thông tin.

- Tham gia vào các diễn đàn, hội thảo quốc tế, hiệp hội nghề nghiệp (phần mềm nguồn mở, vi mạch bán dẫn,...) của khu vực và quốc tế để tăng cường khả năng hợp tác, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phát triển công nghệ thông tin.

4. Nhóm giải pháp về thị trường và sản phẩm

- Xác định rõ các sản phẩm điện tử, vi mạch chủ đạo để làm cơ sở thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Phát triển thị trường trong nước đối với sản phẩm ngành công nghiệp vi mạch, điện tử: nghiên cứu, phân tích định hướng thị trường; đề xuất chính sách mới để hỗ trợ sản phẩm điện tử trong nước (hàng rào an ninh kỹ thuật), chính sách (thuế, quỹ đất, đào tạo nhân lực) cho doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh sản phẩm điện tử sử dụng vi mạch do Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.

- Phát triển thị trường lao động công nghệ thông tin (đặc biệt là lao động sản xuất, dịch vụ phần mềm và nội dung số), hỗ trợ và tạo điều kiện xuất khẩu lao động công nghệ thông tin (sản xuất, dịch vụ phần mềm), có chính sách thu hút và ưu đãi lao động ngành công nghệ thông tin và truyền thông trong nước và quốc tế vào thành phố.

- Ưu tiên sử dụng phần mềm ứng dụng do các công ty công nghệ thông tin trong nước, tại thành phố xây dựng trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành y tế, giáo dục, giao thông, lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới... tại thành phố Hồ Chí Minh. Đào tạo, chuyển giao sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin trong chính quyền điện tử cho các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước.

- Tăng cường lồng ghép phối hợp hoạt động xúc tiến thương mại cho công nghiệp công nghệ thông tin trong chương trình xúc tiến của thành phố, cả nước. Phối hợp hoặc hỗ trợ với doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu tìm kiếm thị trường, dự báo thị trường, thông tin thương mại. Ưu tiên tập trung thúc đẩy phát triển mạnh kiêm ngạch xuất khẩu tại các thị trường truyền thông: Nhật Bản; Châu Âu, Bắc Mỹ...

5. Nhóm về bảo vệ sở hữu trí tuệ

- Thực thi nghiêm chỉnh quy định về sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và tuân thủ đầy đủ các điều ước, cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã cam kết.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ cho xã hội; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ.

6. Nhóm về tuyên truyền, truyền thông

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và người dân về công nghệ thông tin như một nền tảng quan trọng của phương thức phát triển mới, về nội dung đồ án quy hoạch này. Tập trung tuyên truyền vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến phục vụ người dân, tổ chức doanh nghiệp, hỗ trợ quản lý và phát triển đô thị thông minh; trong đó, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, gương mẫu, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại đơn vị mình.

- Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin với các điểm nhấn: chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung 2 và chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

- Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.

- Huy động mọi nguồn lực cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin là đầu tư quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

- Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cộng đồng, là công cụ hữu hiệu để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế thành phố, là nền tảng của kinh tế tri thức.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tổ chức công bố, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi Quy hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn Thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm và hàng năm (kể cả kế hoạch dự án trung hạn ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin) theo đúng định hướng Quy hoạch, gắn liền với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh Quy hoạch khi cần thiết.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách thành phố, ngân sách trung ương (phân bổ cho thành phố) chi đầu tư, chi sự nghiệp phát triển để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án được nêu trong Quy hoạch.

3. Các sở ngành của Thành phố

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch.

- Chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin của đơn vị và ngành theo nội dung Quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

Chủ động xây dựng kế hoạch và ưu tiên bố trí, đảm bảo ngân sách về triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác; Chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin của đơn vị và ngành theo nội dung Quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.

5. Các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Xây dựng, đề xuất kế hoạch hành động cụ thể, chuẩn bị và huy động nguồn lực, các sáng kiến, chính sách nhằm triển khai đạt mục tiêu của Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các sở ngành của Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB, Các PVP;
- Phòng CNN, THKH, VX, PCNC;
- Lưu: VT(CNN/Đ).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Mạnh Hà

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2254/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025

  • Số hiệu: 2254/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/05/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Mạnh Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản