Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2251/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM THÉP HÌNH CHỮ H CÓ XUẤT XỨ TỪ MA-LAY-XI-A

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Quyết định số 3752/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hình chữ H thuộc các mã HS 7216.33.11, 7216.33.19, 7216.33.90, 7228.70.10 và 7228.70.90 có xuất xứ từ Ma-lay-xi-a (mã vụ việc: AD12) với nội dung chi tiết nêu tại Thông báo kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Trình tự, thủ tục điều tra thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, NG, TTTT;
- Các Thứ trưởng;
- Các website: Chính phủ, Bộ Công Thương;
- Tổng cục Hải quan (Cục TXNK, Cục GSQL);
- Các Cục: CN, XNK;
- Các Vụ: AP, KHCN, ĐB, PC;
- Văn phòng BCĐLNHNQT về kinh tế;
- Lưu: VT, PVTM (8).

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

THÔNG BÁO

ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM THÉP HÌNH CHỮ H CÓ XUẤT XỨ TỪ MA-LAY-XI-A
(Kèm theo Quyết định số 2251/QĐ-BCT ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Thông tin cơ bản

Ngày 06 tháng 11 năm 2019, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) (Cơ quan điều tra) nhận được Hồ sơ của Công ty Cổ phần Thép Posco Yamato Vina yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Ma-lay-xi-a (Hồ sơ).

Trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu, Cục PVTM đã tiến hành thẩm định và có các công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ một số thông tin, nội dung về căn cứ xác định hành vi bán phá giá cũng như dấu hiệu thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Ngày 01 tháng 7 năm 2020, Cục PVTM nhận được hồ sơ hoàn thiện của Bên yêu cầu, trong đó bổ sung đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.

Căn cứ Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (Nghị định 10/2018/NĐ-CP), ngày 10 tháng 7 năm 2020, Cơ quan điều tra có công văn số 538/PVTM-P1 xác nhận Hồ sơ yêu cầu đã hợp lệ và đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 28 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

Căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 5.5 Hiệp định chống bán phá giá của WTO, ngày 20 tháng 7 năm 2020, Cơ quan điều tra đã có thư gửi Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam thông báo về việc nhận được hồ sơ đề nghị đầy đủ và hợp lệ.

Theo quy định tại Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra xác định rằng:

- Bên yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước; và

- Có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Căn cứ Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương về trình tự, thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ thương mại và Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với Hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Ma-lay-xi-a (mã vụ việc AD12).

2. Nội dung điều tra

Các nội dung điều tra sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 32 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

2.1. Hàng hóa bị điều tra

a) Mô tả hàng hóa:

Tên sản phẩm: thép hình chữ H

Mô tả hàng hóa: Thép hình chữ H có cấu trúc một thân bụng thẳng ở giữa cùng với hai cánh nằm ngang ở trên và dưới. Thép hình chữ H còn được gọi là “Dầm thép H”, “Dầm thép W” hoặc thép dầm cánh rộng.

Hàng hóa loại trừ khỏi phạm vi yêu cầu điều tra:

- Thép hình chữ H có chiều cao lớn hơn 700 mm (± 4mm) hoặc có chiều rộng lớn hơn 300mm (± 3 mm);

- Dầm thép H có kích thước 100mm x 55mm hoặc 120mm x 64mm (kích thước mô tả là chiều cao x chiều rộng)

Ứng dụng sử dụng của hàng hóa yêu cầu điều tra bao gồm dầm hỗ trợ xây dựng cho các công trình công nghiệp, thương mại và nhà ở, cầu, công-te-nơ và khung gầm xe tải, xây dựng hàng hải, sàn thép, khung máy và các ngành kỹ thuật khác.

Sản phẩm thép hình chữ H được phân loại theo mã HS như sau:

STT

Mã HS

Mô tả hàng hóa

Thuế MFN

Thuế theo ATIGA

1

7126

- Sắt hoặc thép không hợp kim dạng góc, khuôn, hình

 

 

7216.33

-- Hình chữ H:

--- Có hàm lượng carbon dưới 0,6% tính theo trọng lượng

15%

0%

7216.33.11

---- Chiều dày của cạnh (flange) không nhỏ hơn chiều dày của thân (web)

15%

0%

7216.33.19

---- Loại khác

15%

0%

7216.33.90

--- Loại khác

15%

0%

2

7228

Các dạng thanh và que khác bằng thép hợp kim khác; các dạng góc, khuôn và hình, bằng thép hợp kim khác; thanh và que rỗng, bằng thép hợp kim hoặc không hợp kim

 

 

7228.70

- Các dạng góc, khuôn và hình

0%

0%

7228.70.10

-- Chưa được gia công quá mức cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn qua khuôn

0%

0%

7228.70.90

-- Loại khác

0%

0%

Bộ Công Thương có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hóa bị điều tra để phù hợp với mô tả hàng hóa bị điều tra và các thay đổi khác (nếu có).

b) Xuất xứ của hàng hóa bị điều tra: Ma-lay-xi-a.

2.2. Tóm tắt thông tin về cáo buộc hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước

a) Kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu

(i) Về điều kiện nộp hồ sơ:

Hiện tại, theo văn bản xác nhận của Hiệp hội Thép Việt Nam gửi kèm Hồ sơ, Bên yêu cầu là doanh nghiệp sản xuất thép hình chữ H duy nhất tại Việt Nam. Do đó, Bên yêu cầu đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về tính đại diện và điều kiện nộp Hồ sơ.

(ii) Về cáo buộc hành vi bán phá giá: Bên yêu cầu cung cấp các cơ sở hợp lý để tính toán biên độ bán phá giá của hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Ma-lay-xi-a.

(iii) Về cáo buộc thiệt hại: Bên yêu cầu cung cấp được các thông tin hợp lý cho thấy dấu hiệu về thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước, cụ thể như sau:

- Lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra xuất xứ từ Ma-lay-xi-a tăng cả về tuyệt đối và tương đối.

- Có dấu hiệu về hiện tượng chênh lệch giá, kìm giá và ép giá giữa hàng hóa nhập khẩu bị yêu cầu điều tra và hàng hóa tương tự sản xuất trong nước.

- Các chỉ số đánh giá hoạt động của ngành sản xuất trong nước cho thấy sự suy giảm: doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận, sản lượng và hệ số sử dụng công suất, thị phần của ngành sản xuất trong nước; trong khi đó tồn kho tăng.

(iv) Về mối quan hệ nhân quả: Hồ sơ của Bên yêu cầu chứng minh có tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Do đó, Cơ quan điều tra xác định Hồ sơ của Bên yêu cầu đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật chống bán phá giá và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tiến hành khởi xướng điều tra.

b) Thời kỳ điều tra (POI):[1]

- Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá: từ ngày 01 tháng 4 năm 2019 đến ngày 31 tháng 3 năm 2020.

- Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước:

Năm 1: từ ngày 01 tháng 4 năm 2017 đến ngày 31 tháng 3 năm 2018;

Năm 2: từ ngày 01 tháng 4 năm 2018 đến ngày 31 tháng 3 năm 2019;

Năm 3: từ ngày 01 tháng 4 năm 2019 đến ngày 31 tháng 3 năm 2020.

c) Đề xuất về mức thuế của Bên yêu cầu:[2]

Bên yêu cầu đề nghị áp dụng thuế CBPG đối với hàng hóa bị điều tra là 10,2%.

3. Trình tự, thủ tục điều tra

3.1. Đăng ký bên liên quan

a) Căn cứ Điều 6 Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (Thông tư 37/2019/TT-BCT), tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương có thể đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc với Cơ quan điều tra để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình điều tra, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung điều tra được nêu tại Thông báo này.

b) Tổ chức, cá nhân đăng ký bên liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan ban hành tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 37/2019/TT-BCT và gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ nêu tại Thông báo này trong thời hạn sáu mươi (60) ngày làm việc kể từ ngày có hiệu lực của quyết định điều tra bằng cách gửi công văn chính thức kèm theo Đơn đăng ký bên liên quan theo một trong hai phương thức sau: (i) bưu điện hoặc (ii) thư điện tử.

c) Để đảm bảo quyển và lợi ích hợp pháp của mình, Cơ quan điều tra khuyến nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để thực hiện quyền tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin và bày tỏ quan điểm trong quá trình điều tra của vụ việc.

3.2. Bản câu hỏi điều tra

Căn cứ Điều 35 Nghị định 10/2018/NĐ-CP:

Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày có quyết định điều tra, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi điều tra cho các đối tượng sau đây:

- Bên nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG;

- Các nhà sản xuất trong nước khác mà Cơ quan điều tra biết;

- Bên bị đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG mà Cơ quan điều tra biết;

- Các nhà nhập khẩu hàng hóa bị điều tra;

- Cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của quốc gia nơi xuất xứ của hàng hóa bị điều tra;

- Các bên có liên quan khác.

3.3. Chọn mẫu điều tra

Trong trường hợp số lượng các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước quá lớn hoặc chủng loại hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG quá lớn, Cơ quan điều tra có thể giới hạn phạm vi điều tra. Việc giới hạn phạm vi điều tra được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

4. Tiếng nói và chữ viết

Căn cứ Điều 4 Thông thư 37/2019/TT-BCT:

a) Tiếng nói và chữ viết dùng trong quá trình điều tra là tiếng Việt. Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có biên dịch và phiên dịch.

b) Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Bên liên quan phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.

3.5. Bảo mật thông tin

Cơ quan điều tra thực hiện việc bảo mật thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 11 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

3.6. Hợp tác trong quá trình điều tra

Căn cứ Điều 10 Nghị định 10/2018/NĐ-CP:

a) Bất kỳ bên liên quan nào từ chối tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần thiết hoặc gây cản trở đáng kể tới việc hoàn thành việc điều tra thì kết luận điều tra đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên các cơ sở thông tin sẵn có.

b) Bất kỳ bên liên quan nào cung cấp các chứng cứ không chính xác hoặc gây nhầm lẫn thì các chứng cứ đó sẽ không được xem xét và kết luận điều tra đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.

c) Cơ quan điều tra khuyến nghị các bên liên quan tham gia hợp tác đầy đủ trong quá trình vụ việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

4. Các biện pháp tạm thời

4.1. Quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra

Kể từ khi có quyết định điều tra cho đến khi kết thúc quá trình điều tra áp dụng biện pháp CBPG, Cơ quan điều tra có thể thực hiện chế độ yêu cầu khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp CBPG để phục vụ công tác điều tra. Việc khai báo nhập khẩu không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Trình tự thủ tục thực hiện quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra được thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Công Thương sẽ có thông báo chi tiết trong trường hợp áp dụng biện pháp này.

4.2. Áp dụng thuế CBPG tạm thời

Căn cứ kết luận điều tra sơ bộ, Cơ quan điều tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế CBPG tạm thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 37 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Mức thuế CBPG tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận điều tra sơ bộ.

5. Tham vấn

Các bên liên quan có quyền yêu cầu tham vấn riêng với Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 10/2018/NĐ-CP với điều kiện việc tham vấn này không ảnh hưởng tới thời hạn điều tra vụ việc.

Trước khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo về việc tổ chức tham vấn cho các bên liên quan chậm nhất ba mươi (30) ngày trước ngày tổ chức tham vấn. Việc tổ chức phiên tham vấn công khai được thực hiện theo thủ tục quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 13 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

6. Áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước

Căn cứ khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương:

a) Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước;

b) Thuế CBPG được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn chín mươi (90) ngày trước khi áp dụng thuế CBPG tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế CBPG tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

7. Thông tin liên hệ

Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: 84.24.73037898

- Chị Vũ Quỳnh Giao - Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp: giaovq@moit.gov.vn

- Anh Nguyễn Đức Trọng - Phòng Điều tra Thiệt hại và Tự vệ: trongnd@moit.gov.vn

Quyết định và Thông báo về vụ việc có thể truy cập và tải xuống tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương: www.moit.gov.vn: hoặc Cục Phòng vệ thương mại: www.trav.gov.vn hoặc www.pvtm.gov.vn.

 



[1] Đây là thời kỳ Cơ quan điều tra thu thập các thông tin, số liệu để xác định sự tồn tại của hành vi bán phá giá, sự tồn tại của thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại hoặc sự ngăn cản một cách đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại nêu trên.

[2] Mức thuế này là cáo buộc của Bên yêu cầu, không phải là kết luận của Cơ quan điều tra.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2251/QĐ-BCT năm 2020 về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 2251/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/08/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản