Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2250/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 24 tháng 11 năm 2017 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Công văn số 2186/SCT- QLXNK ngày 22/11/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG
1. Quan điểm
a) Phát triển sản xuất để tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với việc nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu, giải quyết việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững.
b) Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng đang và sẽ có lợi thế xuất khẩu, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh hiện có, đồng thời tạo ra lợi thế so sánh mới trên ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
c) Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia.
d) Phù hợp với các cam kết quốc tế, đồng thời tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia để thực hiện nhất quán chủ trương chủ động hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
- Phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh với tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh; đồng thời, tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu mới.
- Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: Sản phẩm cơ khí, lọc hóa dầu, tinh bột sắn, thủy sản, sản phẩm gỗ, hàng dệt may... Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng GDP, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển và mở rộng xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
- Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu sản phẩm chế biến thô nhằm tăng giá trị gia tăng sản phẩm; nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Về kim ngạch:
+ Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 đạt 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 15%/năm.
+ Định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 18% - 20%/năm.
- Thị trường xuất khẩu:
+ Đối với thị trường Đông Nam Á gồm các nước: Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Singapore, Lào, Philippin giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 250 triệu USD vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 25% và dự kiến tăng lên 10% vào năm 2030.
+ Đối với thị trường Đông Bắc Á gồm các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 100 triệu USD vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và dự kiến tăng 10% vào năm 2030.
+ Đối với thị trường nói tiếng Trung Quốc: Trung Quốc, Đài Loan, giá trị xuất khẩu ước đạt 150 triệu USD vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 15% và dự kiến tăng 10% vào năm 2030.
+ Đối với thị trường Châu Âu gồm các nước: Anh, Pháp, Nga, Italia, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Bỉ, Hà Lan, Séc, Hy Lạp, Ucraina giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 50 triệu USD vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và dự kiến tăng lên 7% vào năm 2030.
+ Đối với thị trường Châu Mỹ: Chủ yếu là Mỹ và Canada giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 70 triệu USD vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và dự kiến tăng lên 10% vào năm 2030.
+ Đối với thị trường Tây Á: Chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 20 triệu USD vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và dự kiến tăng lên 2% vào năm 2030.
+ Đối với thị trường Nam Á: Chủ yếu là Ấn Độ giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 60 triệu USD vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và dự kiến tăng lên 4% vào năm 2030.
+ Thị trường khác giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 190 triệu USD vào năm 2020.
3. Định hướng
a) Định hướng chung:
- Phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu.
- Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu nói chung và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực nói riêng.
- Tăng cường công tác xúc tiến và thu hút đầu tư cho khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu, khuyến khích phát triển sản xuất lớn.
- Khai thác và tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường theo lộ trình cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của tỉnh sang các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA); tranh thủ hoạt động đàm phán thương mại song phương và đa phương, tạo thuận lợi cho xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của tỉnh; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước phát triển đã ký FTA, TPP để tiếp nhận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
b) Định hướng các nhóm hàng, mặt hàng chủ lực:
- Chế biến thủy sản: Đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến hiện có và xây dựng mới các nhà máy, đưa tổng công suất chế biến thủy sản đạt 30.000 tấn/năm vào năm 2020; sản lượng sản phẩm thủy sản chế biến khoảng 23.000 tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 25 triệu USD. Đến năm 2030, sản phẩm thủy sản chế biến đạt khoảng 32.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30 triệu USD.
- Tinh bột sắn: Áp dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư giống mới vào các vùng nguyên liệu hiện có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tinh bột sắn; đầu tư chiều sâu đảm bảo các tiêu chuẩn cho các nhà máy chế biến tinh sắn hiện có trên địa bàn tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và đầu tư sản xuất sản phẩm bột biến tính phục vụ trong công nghiệp nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Đối với sản phẩm tinh bột sắn, phấn đấu đến năm 2020 công suất chế biến đạt 40.000 tấn sản phẩm/năm, giá trị xuất khẩu đạt 90 triệu USD.
Đối với sản phẩm bột biến tính, phấn đấu đến năm 2020 công suất chế biến đạt 30.000 tấn sản phẩm/năm, giá trị xuất khẩu đạt 50 triệu USD.
- Dệt may - da giày: Thu hút, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các Tập đoàn dệt may lớn đầu tư một Tổ hợp nhà máy sợi - may mặc tập trung tại Khu Kinh tế Dung Quất hoặc Khu công nghiệp VSIP. Dự báo nhóm ngành dệt, may - da giày của tỉnh sẽ có tốc độ tăng trưởng 25%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và đạt khoảng 12,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và đưa tỷ trọng của ngành có xu hướng tăng dần trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị xuất khẩu đạt 200 triệu USD.
- Cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại: Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại, lắp ráp sản phẩm điện tử, đồ điện gia dụng trên địa bàn, đặc biệt là những dự án lớn trong Khu Kinh tế Dung Quất. Cơ cấu lại sản phẩm, khuyến khích Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam đầu tư sản xuất các sản phẩm mới như tua bin ga, tua bin khí .. .phục vụ cho phát triển Nhà máy điện. Tiếp tục hỗ trợ Tập Đoàn Hòa Phát đầu tư và phát triển Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Khu Kinh tế Dung Quất với công suất 2,0 triệu tấn sản phẩm thép/năm. Trên cơ sở các dự án đã và chuẩn bị đầu tư, dự báo nhóm sản phẩm ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại sẽ có tốc độ tăng trưởng 25,7%/năm trong giai đoạn 2016- 2020 và đạt khoảng 14,4%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị xuất khẩu đạt 530 triệu USD.
c) Định hướng thị trường:
- Thị trường ASEAN: Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và các thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu là Lào, Campuchia, Mianma, Philippin. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, nguyên liệu đầu vào là sản phẩm trong nước; tiếp tục đẩy mạnh và duy trì xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, bánh, kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, dầu FO, máy móc thiết bị, sản phẩm bằng gỗ.
- Thị trường Đông Bắc Á: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản nhóm hàng may mặc, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy hải sản, giày dép, dăm gỗ, sản phẩm bằng gỗ.
- Thị trường nói tiếng Trung Quốc: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhằm giúp giảm dần nhập siêu, giảm xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô, tăng cường xuất khẩu mặt hàng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ trong nước. Về mặt hàng, tăng cường xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản, sắn và các sản phẩm từ sắn, nhóm hàng công nghiệp gồm sản phẩm may mặc, sợi bông, giày dép, linh kiện điện thoại, dăm gỗ,...
- Thị trường Châu Âu: Đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Italia, Ba Lan và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu. Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao (sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử), sản xuất chế tạo và chế biến có giá trị gia tăng cao nhằm khai thác tốt lợi thế về thuế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực; đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm giày dép, may mặc, điện tử; đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước là thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu nhóm hàng dệt may, sản phẩm bằng gỗ, thủy sản, máy móc thiết bị, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc.
- Thị trường Châu Mỹ: Tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, Canada và Mêhicô; thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường Achentina, Braxin, Chile, Peru. Về mặt hàng, đối với thị trường Hoa Kỳ, Canada và Mehicô thúc đẩy xuất khẩu những nhóm hàng có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh, đặc biệt nhóm hàng may mặc, đồ gỗ, giày dép, thủy sản; đối với khu vực Mỹ La -Tinh thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, máy móc, thiết bị, linh kiện điện thoại.
- Tây Á: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các Tiểu vương quốc Ả- rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út, Ixraen, Li-băng. Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ (sản phẩm làm từ cây Quế), máy móc thiết bị.
- Nam Á: Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Pakixtan, Băng-la-đét. Về mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, linh kiện điện thoại.
1. Phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm
a) Về công nghiệp
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025; xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch sản xuất các ngành, sản phẩm công nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.
- Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp hóa dầu.
- Xây dựng một số chính sách đặc thù, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng, giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu.
- Tái cơ cấu các ngành công nghiệp, tăng nhanh các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Rà soát các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn để phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.
b) Về nông nghiệp
- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và phục vụ xuất khẩu.
- Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ xuất khẩu; trên cơ sở thực hiện đồng bộ 4 nhà từ quản lý nhà nước, sự liên kết - liên doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với nông dân và các nhà khoa học nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết về lực lượng, tư liệu sản xuất, tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, giống mới vào sản xuất, tiêu thụ; giảm khâu trung gian trong cung ứng vật tư, thiết bị cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông - lâm - thủy sản; khuyến khích hợp tác, liên doanh, liên kết, hợp đồng dài hạn, giữa doanh nghiệp và người dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến gắn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào với tiêu thụ nông, lâm, thủy hải sản; trên cơ sở gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến tại chỗ.
- Tuyên truyền, phổ biến việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản xuất khẩu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu, bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các quy trình sản xuất tốt thông qua kiểm soát an toàn vệ sinh như: quy trình sản xuất tốt (GAP), Quy trình chế biến tốt (GMP), Quy trình vệ sinh tốt (GHP); xây dựng các chương trình hỗ trợ các cơ sở chế biến thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như HACCP, SSOP, GMP..
c) Nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2016-2020 cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp triển khai và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các hệ thống quản lý tiên tiến, hệ thống các tiêu chuẩn để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của địa phương như hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001...
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các biện pháp bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
- Chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi tại các Hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại nước ngoài thông qua Bộ Công Thương, Thương vụ/ Đại sứ quán Việt Nam... tại nước ngoài.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia, hướng dẫn doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc biệt là hàng xuất khẩu. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm xuất khẩu đạt giải thưởng chất lượng quốc gia và giải thưởng chất lượng quốc tế.
2. Giải pháp về xây dựng và phát triển thương hiệu
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020. Cụ thể: Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 8/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ trong khu vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 28/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
- Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phương pháp xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong nước và quốc tế theo quy định. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ, về đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, logo, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ tên thương mại...
- Tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Cập nhật thông báo và cảnh báo từ các nước thành viên WTO gửi cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất kinh doanh.
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo 03 cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề.
- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành cơ khí chế tạo,, công nghiệp, nông nghiệp ... nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
- Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại về nghiệp vụ xuất nhập khẩu, ngoại ngữ, tin học, luật pháp quốc tế, tập quán của các nước, khai thác thông tin về thị trường quốc tế,... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập. Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật có khả năng nghiên cứu, nắm bắt công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất.
4. Giải pháp về tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại
- Hàng năm, tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi theo Quyết định số 42/2013/QĐ-UBND ngày 5/9/2013, Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 30/6/2016, Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 theo Quyết định số 1428/QĐ-UBND ngày 02/8/2017 của UBND tỉnh.
- Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, hạ tầng thương mại như trung tâm hội chợ triển lãm tại các địa phương trong tỉnh.
- Xây dựng cơ sở thông tin về các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử phù hợp.
- Tổ chức các chương trình tập huấn, khóa đào tạo ngắn hạn bằng hình thức truyền thống, hình thức đào tạo trực tuyến về ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với lĩnh vực kinh doanh.
- Tổ chức Đoàn doanh nghiệp của tỉnh khảo sát các thị trường tiềm năng xuất khẩu nước ngoài
5. Giải pháp về giữ vững và phát triển thị trường
- Tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu trọng điểm và truyền thống; tăng cường công tác công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tại các nước thành viên của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên. Từ đó thâm nhập các thị trường mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường; góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Thực hiện xúc tiến thương mại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để củng cố thị trường và mở đường cho xuất khẩu.
- Thực thi các chương trình khai thác thị trường, xây dựng và áp dụng các quy chuẩn hiện có để nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố và xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm của địa phương. Do đó các doanh nghiệp cần phải cập nhật, nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng trong khâu chế biến để hoàn thiện sản phẩm; đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về quá trình sản xuất và chất lượng của sản phẩm, mẫu mã phù hợp với sức mua, thị hiếu theo đặc thù của từng thị trường để gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.
6. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong đó chú trọng cải cách hành chính lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
- Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh thực hiện mô hình “một cửa điện tử hiện đại”, “một cửa liên thông điện tử hiện đại”; Nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là dịch vụ công nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của doanh nghiệp với chất lượng cao, thủ tục đơn giản.
- Triển khai, nâng cao chất lượng công tác khai thuế qua mạng Internet; mở rộng các dự án quản lý thuế hiện đại như: dự án tập trung thu ngân sách nhà nước liên thông giữa cơ quan, thuế, hải quan, Kho bạc và Tài chính; dự án nộp thuế qua ngân hàng; tham mưu, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương như các biện pháp hoàn, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế....
- Tiếp tục mở rộng việc triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống thông quan tự động Vnaccs/Vcis qua mạng Internet đối với các loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu và chương trình e-payment (thu nộp thuế qua các ngân hàng thương mại).
- Đầu tư xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, kho, bến bãi, đặc biệt là những tuyến giao thông đang xuống cấp, gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa sản xuất, kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
7. Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng công nghiệp của tỉnh
- Tiếp tục cải thiện các cơ chế, chính sách, cải tiến các thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng; có chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu.
- Tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ miền Trung - Tây nguyên tại tỉnh Quảng Ngãi.
- Xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) mà tỉnh có nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh và cả nước, bao gồm CNHT ngành lọc hóa dầu, hóa chất, cơ khí, chế tạo; CNHT ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ; CNHT ngành nông nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày.
- Xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNHT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, cụ thể ưu tiên các sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển (ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT) tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và quốc tế, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường...
- Hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh các chi phí về chuyển giao công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế, mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới công nghệ trong lĩnh vực CNHT từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia.
1. Sở Công Thương
a) Là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp, báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án.
b) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thành phố đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu cho từng giai đoạn, từng năm theo đúng cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết; hỗ trợ các doanh nghiệp theo Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương trong việc đào tạo lao động, đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, xuất khẩu.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng có liên quan xây dựng và triển khai các giải pháp, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu.
d) Thiết lập mối quan hệ với các cơ quan của Trung ương, các Thương vụ, các Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu để nắm tình hình, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện các nhiệm vụ của Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu.
b) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản (đặc biệt là sản phẩm có giá trị gia tăng cao và chế biến phụ phẩm) theo hướng khuyến khích chuyển giao công nghệ, giảm tỷ trọng gia công lắp ráp, tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước.
c) Tiếp nhận, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng chủ lực xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
d) Tăng cường công tác phát triển doanh nghiệp theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
đ) Hoàn thiện quy định của pháp luật về đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ cung cấp thông tin về môi trường đầu tư và cơ hội đầu tư, bảo hộ quyền lợi cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
3. Sở Khoa học và Công nghệ: Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2016- 2020. Cụ thể: Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 8/7/2016 của Chủ tịnh UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ trong khu vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 28/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc tăng cường hoạt động xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nội dung, chương trình của Đề án thuộc chức năng, nhiệm vụ.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chú trọng phát triển hệ thống dạy nghề trình độ cao, có chất lượng, có kỷ luật, có tác phong công nghiệp, văn hóa nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các giải pháp về hỗ trợ lao động, nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi; xây dựng chương trình đào tạo nghề có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
6. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh
a) Tham mưu, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế; tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa xuất khẩu.
b) Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh (chính sách về tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, đào tạo công nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp...).
c) Phối hợp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm xuất khẩu đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; chú trọng phát triển các sản phẩm chế biến sâu có giá trị tăng cao.
7. Cục Hải quan Quảng Ngãi
a) Tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, áp dụng thủ tục khai báo hải quan điện tử theo hướng thuận tiện, đơn giản, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp trong công tác thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
b) Tiếp tục mở rộng việc triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống thông quan tự động Vnaccs/Vcis qua mạng Internet đối với các loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu và chương trình e-payment (thu nộp thuế qua các ngân hàng thương mại).
8. Cục Thuế tỉnh
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, tập trung vào thủ tục đăng ký thuế và thủ tục kê khai thuế: Dự án kê khai thuế qua mạng internet; Dự án tập trung thu ngân sách nhà nước liên thông giữa cơ quan, thuế, hải quan, Kho bạc và Tài chính; dự án nộp thuế qua ngân hàng; nộp thuế qua mạng Internet; tham mưu, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh (như các biện pháp hoàn, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế...).
9. Các sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Công Thương trong việc triển khai thực hiện Đề án này.
10. UBND các huyện, thành phố : Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh triển khai việc thực hiện các quy hoạch, dự án, chương trình mở rộng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, vùng sản xuất nguyên liệu tập trung chuyên canh tại địa phương để cung ứng tốt cho các nhà sản xuất chế biến hàng xuất khẩu.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 3178/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 2Kế hoạch 60/KH-UBND năm 2018 về nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 651/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 4Kế hoạch 4374/KH-UBND năm 2021 về xuất khẩu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025
- 1Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2471/QĐ-TTg năm 2011 Phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 42/2013/QĐ-UBND ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ
- 7Quyết định 1241/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ trong khu vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020; Chương trình khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020
- 8Quyết định 1174/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020
- 9Quyết định 1144/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giai đoạn 2016-2020
- 10Quyết định 1137/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 1428/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020
- 12Quyết định 3178/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 13Kế hoạch 60/KH-UBND năm 2018 về nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 14Quyết định 651/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 15Kế hoạch 4374/KH-UBND năm 2021 về xuất khẩu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025
Quyết định 2250/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 2250/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/11/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Đặng Văn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra