Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2217/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 10 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 2671/KH-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Thừa Thiên Huế (Phụ lục đính kèm).
Điều 2. Giao Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành thông qua.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC TƯ PHÁP CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2217/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
I. LĨNH VỰC TƯ PHÁP
1. Nhóm thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản
1.1. Nội dung đơn giản hóa:
a) Đề nghị bỏ Phiếu yêu cầu chứng thực, quy định tại điểm a khoản 1.1, mục 1 phần II Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Lý do: Các nội dung Phiếu yêu cầu chứng thực đều hoàn toàn trùng lặp với nội dung Phiếu tiếp nhận hồ sơ mà bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thường sử dụng nên không cần phải yêu cầu viết thêm Phiếu yêu cầu chứng thực hợp đồng, văn bản. Vì vậy, việc yêu cầu người dân viết thêm Phiếu yêu cầu chứng thực là không cần thiết, làm tốn thêm thời gian và chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính. Hơn nữa, việc chứng thực các hợp đồng giao dịch tại UBND cấp xã, huyện chủ yếu thực hiện và trả kết quả trong buổi làm việc nên không cần phải yêu cầu viết thêm phiếu yêu cầu chứng thực.
Việc bỏ Phiếu yêu cầu chứng thực nhằm bảo đảm phù hợp quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
b) Về yêu cầu nộp bản sao có chứng thực
Nội dung phương án đơn giản hóa: Ghi rõ hình thức bản sao nhằm đa dạng hóa hình thức của thành phần hồ sơ, cụ thể là trường hợp nộp trực tiếp thì công dân có quyền lựa chọn nộp bản chụp, xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc nộp bản sao có chứng thực.
Lý do: Tạo sự minh bạch, rõ ràng, tăng tính lựa chọn, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục.
1.2. Kiến nghị thực thi: Đề nghị bỏ điểm a khoản 1.1, mục 1 và bổ sung một khoản giải thích về hình thức bản sao tại mục 1 phần II Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất.
1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
Theo số liệu tổng hợp bình quân mỗi năm có khoảng 8.000 trường hợp làm thủ tục chứng thực hợp đồng giao dịch, thì chi phí tiết kiệm được là:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 1.004.000.000 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 712.000.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 292.000.000 đồng/năm; ~ 36.500 đồng/trường hợp.
- Tỉ lệ cắt giảm chi phí: 29,1%.
2. Thủ tục: Chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế
2.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị bỏ Phiếu yêu cầu chứng thực, quy định tại điểm a khoản 1.1, mục 1 phần II Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Đề nghị bãi bỏ Quyết định số 2662/2007/QĐ-UBND ngày 03/12/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành quy chế về thủ tục thừa kế để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Lý do: Các nội dung Phiếu yêu cầu chứng thực đều hoàn toàn trùng lặp với nội dung Phiếu tiếp nhận hồ sơ mà bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thường sử dụng nên không cần phải yêu cầu viết thêm Phiếu yêu cầu chứng thực hợp đồng, văn bản. Vì vậy, việc yêu cầu người dân viết thêm Phiếu yêu cầu chứng thực là không cần thiết, làm tốn thêm thời gian và chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính.
Việc bỏ Phiếu yêu cầu chứng thực nhằm bảo đảm phù hợp quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo quy định của các văn bản cấp trên hiện hành về chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế không có văn bản nào quy định cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính về chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế phải làm thêm thủ tục đề nghị xác nhận tờ khai những người thừa kế theo pháp luật như quy định tại Quyết định 2662/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Hơn nữa, quy định thêm thủ tục tờ khai những người thừa kế theo pháp luật như Quyết định 2662/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh là trái với các văn bản pháp luật cấp trên về chứng thực, trái với nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thừa thủ tục, tốn kém chi phí cho nhà nước và công dân. Đồng thời, các căn cứ pháp lý ban hành Quyết định 2662/2007/QĐ-UBND đã hết hiệu lực.
2.2. Kiến nghị thực thi: đề nghị bỏ điểm a khoản 1.1, mục 1 phần II Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Bãi bỏ Quyết định 2662/2007/QĐ-UBND ngày 03/12/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành quy chế về thủ tục thừa kế để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
2.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
Theo số liệu tổng hợp bình quân mỗi năm có khoảng 1.000 trường hợp làm thủ tục chứng thực văn bản phân chia di sản, thì chi phí tiết kiệm được là:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 152.000.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 110.000.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 42.000.000 đồng/năm; ~ 42.000 đồng/trường hợp.
- Tỉ lệ cắt giảm chi phí: 27,6%.
3. Thủ tục: Đăng ký nhập quốc tịch Việt Nam
3.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ sửa đổi điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam, cụ thể những trường hợp nào thì được Chủ tịch nước cho phép nhập quốc tịch Việt Nam, những trường hợp nào thì phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Lý do: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép. Như vậy trong Luật Quốc tịch không nói rõ cụ thể những trường hợp nào người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài và những trường hợp nào không phải thôi quốc tịch nước ngoài, dẫn đến việc không thống nhất trong giải quyết hồ sơ.
3.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam.
4. Thủ tục: Đăng ký trở lại quốc tịch Việt Nam
4.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ sửa đổi điều kiện để được trở lại quốc tịch Việt Nam, cụ thể những trường hợp đặc biệt nào thì được Chủ tịch nước cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam, những trường hợp nào thì phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Lý do: Theo quy định tại khoản 5, Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép. Như vậy trong Luật Quốc tịch không nói rõ cụ thể những trường hợp nào người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài và những trường hợp nào không phải thôi quốc tịch nước ngoài, dẫn đến việc không thống nhất trong giải quyết hồ sơ.
4.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam.
5. Nhóm thủ tục: Cấp phiếu lý lịch tư pháp
5.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ sửa đổi thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp quy định tại Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
Lý do: Theo quy định tại Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.
Thực tế, về khách quan, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về thời hạn trong tra cứu, xác minh tại cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát Công an tỉnh được quy định tại Điều 25 Nghị định 111/2010/NĐ-CP ngày 23/10/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Tra cứu xác minh về thông tin án tích, điều kiện xóa án tích tại Tòa án theo quy định tại Điều 26 Nghị định 111/2010/NĐ-CP. Dẫn đến khó khăn trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp, khó đảm bảo được thời hạn theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp.
Đề nghị sửa đổi thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 20 ngày.
5.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
6. Thủ tục: Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài
6.1. Nội dung đơn giản hóa
a) Đề nghị bỏ việc tiến hành xác minh lấy ý kiến của Sở Tư pháp nhằm rút ngắn thời gian giải quyết.
Lý do: vì đây mới chỉ là thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, chưa phải là thủ tục đăng ký kết hôn nên trong trường hợp này lấy ý kiến của Sở Tư pháp là không cần thiết, kéo dài thời gian giải quyết TTHC. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng không nắm được tình trạng hôn nhân của công dân mà Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan gần dân nhất, nên biết được rõ nhất tình trạng hôn nhân của công dân. Việc phỏng vấn, xác minh sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn và mức độ hiểu biết về nhau của hai bên nam, nữ trong giai đoạn này là chưa cần thiết.
Như vậy, thời gian giải quyết rút ngắn được tối thiểu 10 ngày làm việc và tiết kiệm được chi phí cho cá nhân.
b) Về yêu cầu nộp bản sao có chứng thực
Nội dung phương án đơn giản hóa: Ghi rõ hình thức bản sao nhằm đa dạng hóa hình thức của thành phần hồ sơ, cụ thể là trường hợp nộp trực tiếp thì công dân có quyền lựa chọn nộp bản chụp, xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc nộp bản sao có chứng thực.
Lý do: Tạo sự minh bạch, rõ ràng, tăng tính lựa chọn, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục.
6.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi khoản 1, 3; bãi bỏ khoản 4, 5, Điều 28 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
6.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
Theo số liệu tổng hợp bình quân mỗi năm trong tỉnh có khoảng 50 trường hợp làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, thì chi phí tiết kiệm được là:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 20.175.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 4.975.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 15.200.000 đồng/năm; ~ 300.000 đồng/trường hợp.
- Tỉ lệ cắt giảm chi phí: 75,3%.
7. Thủ tục: Đăng ký nuôi con nuôi
7.1. Nội dung đơn giản hóa
a) Bổ sung thẩm quyền đăng ký việc nhận nuôi con nuôi tại khoản 1, Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
Nội dung phương án đơn giản hóa: Đề nghị bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân xã phường nơi thường trú của người nhận nuôi con nuôi.
Lý do: Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì đối với việc nuôi con nuôi trong nước, thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Như vậy thẩm quyền chỉ giao cho nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi, nơi thường trú của người nhận con nuôi không có thẩm quyền giải quyết dẫn đến thẩm quyền giải quyết bị hạn chế.
Đề nghị bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân xã phường nơi thường trú của người nhận nuôi con nuôi.
b) Về yêu cầu nộp bản sao có chứng thực
Nội dung phương án đơn giản hóa: Ghi rõ hình thức bản sao nhằm đa dạng hóa hình thức của thành phần hồ sơ, cụ thể là trường hợp nộp trực tiếp thì công dân có quyền lựa chọn nộp bản chụp, xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc nộp bản sao có chứng thực.
Lý do: Tạo sự minh bạch, rõ ràng, tăng tính lựa chọn, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục.
7.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi; Sửa đổi khoản 2 Điều 17, điểm d, khoản 1 Điều 18 của Luật nuôi con nuôi.
7.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
Theo số liệu tổng hợp bình quân mỗi năm trong tỉnh có khoảng 50 trường hợp làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, thì chi phí tiết kiệm được là:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 8.325.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 7.075.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 1.250.000 đồng/năm; ~ 25.000 đồng/trường hợp.
- Tỉ lệ cắt giảm chi phí: 15%.
8. Thủ tục: Đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân
8.1. Nội dung đơn giản hóa
Đa dạng hóa, đơn giản hóa hình thức của thành phần hồ sơ, cụ thể là trường hợp nộp qua đường bưu điện thì phải bản sao có chứng thực, trường hợp nộp trực tiếp thì có quyền lựa chọn nộp bản chụp, xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc nộp bản sao có chứng thực.
Lý do: Tạo sự minh bạch, rõ ràng, tăng tính lựa chọn, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục.
8.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 50 Luật Luật sư; (Bổ sung quy định về thành phần hồ sơ).
8.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
Số liệu tính toán với 1 trường hợp làm thủ tục thì chi phí tiết kiệm được là:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 104.500 đồng/trường hợp
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 76.500 đồng/trường hợp.
- Chi phí tiết kiệm: 28.000 đồng/trường hợp.
- Tỉ lệ cắt giảm chi phí: 26,8%.
9. Nhóm thủ tục công chứng hợp đồng, văn bản về bất động sản
9.1. Nội dung đơn giản hóa:
a) Đề nghị bỏ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, văn bản, quy định tại điểm a khoản 1.1, mục 1 phần II Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Lý do: Các nội dung Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, văn bản đều hoàn toàn trùng lặp với nội dung Phiếu tiếp nhận hồ sơ mà bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thường sử dụng nên không cần phải yêu cầu viết thêm Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, văn bản.
b) Về yêu cầu nộp bản sao có chứng thực
Nội dung phương án đơn giản hóa: Ghi rõ hình thức bản sao nhằm đa dạng hóa hình thức của thành phần hồ sơ, cụ thể là trường hợp nộp trực tiếp thì công dân có quyền lựa chọn nộp bản chụp, xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc nộp bản sao có chứng thực.
Lý do: Tạo sự minh bạch, rõ ràng, tăng tính lựa chọn, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục.
9.2. Kiến nghị thực thi:
Đề nghị bỏ điểm a khoản 1.1, mục 1 và bổ sung một khoản giải thích về hình thức bản sao tại mục 1 phần II Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất.
9.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
Theo số liệu tổng hợp bình quân mỗi năm có khoảng 15.000 trường hợp làm thủ tục công chứng hợp đồng giao dịch, thì chi phí tiết kiệm được là:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 3.535.500.000 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 2.835.000.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 697.500.000 đồng/năm; ~ 46.500 đồng/trường hợp.
- Tỉ lệ cắt giảm chi phí: 19,7%.
II. LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH
10. Thủ tục: Cấp giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang
10.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội bỏ yêu cầu nộp bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thành phần hồ sơ.
Lý do: Việc yêu cầu nộp 01 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có chức năng hoạt động văn hóa nghệ thuật là không phù hợp và không cần thiết, gây tốn kém thời gian và kinh phí cho tổ chức trong quá trình thực hiện chứng thực. Vì theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản và Điều 6, Nghị định 23/2015/NĐ-CP, ngày 16/02/2015 của Chính phủ thì trong trường hợp này chỉ cần yêu cầu tổ chức nộp bản sao (không cần chứng thực) và mang bản chính để đối chiếu là được.
10.2. Kiến nghị thực thi
- Sửa đổi điểm b, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số: 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ
10.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 43.000.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 35.200.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 7.800.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 18%.
11. Thủ tục: Cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm
11.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sửa đổi thời hạn có giá trị của biển hiệu cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch từ 2 năm lên thành 4 năm.
Lý do: Theo quy định hiện nay, thời hạn tái thẩm định sau 2 năm là quá nhanh, các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ khách vẫn chưa đến thời hạn hư hỏng để đầu tư lại, các cửa hàng lưu niệm ít có sự thay đổi nên việc thẩm định lại không mang lại hiệu quả thiết thực và yêu cầu doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ trong thời gian 2 năm là không hợp lý, gây tốn kém thời gian và kinh phí thực hiện.
11.2. Kiến nghị thực thi
- Sửa đổi Mục 5.1, khoản 5, phần VI, Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Sửa đổi Khoản 2, Điều 9, Quyết định 2979/2007/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
11.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 120.019.878 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 60.010.491 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 60.009.387 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 50%.
12. Thủ tục: Cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
12.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sửa đổi thời hạn có giá trị của biển hiệu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch từ 2 năm lên thành 4 năm.
Lý do: Theo quy định hiện nay, thời hạn tái thẩm định sau 2 năm là quá nhanh, các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ khách vẫn chưa đến thời hạn hư hỏng để đầu tư lại, các cửa hàng ít có sự thay đổi nên việc thẩm định lại không mang lại hiệu quả thiết thực và yêu cầu doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ trong thời gian 2 năm là không hợp lý, gây tốn kém thời gian và kinh phí thực hiện.
12.2. Kiến nghị thực thi
- Sửa đổi Mục 5.1, khoản 5, phần VI, Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Sửa đổi Khoản 2, Điều 9, Quyết định 2979/2007/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
12.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 300.033.130 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 150.017.485 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 150.015.645 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 50%.
13. Thủ tục: Xác nhận xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch
13.1. Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông Vận tải bãi bỏ thủ tục Xác nhận xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và thực hiện liên thông trong quá trình giải quyết thủ tục Cấp biển hiệu “Xe vận chuyển khách du lịch”.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ tại một đầu mối là Sở Giao thông và Vận tải và Sở Giao thông Vận tải sẽ chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra, thẩm định phương tiện (thay vì cá nhân, tổ chức phải 2 lần nộp trực tiếp hồ sơ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giao thông Vận tải với 2 bộ hồ sơ như trước đây).
Lý do: Theo quy định, để được Cấp biển hiệu cho ô tô vận chuyển khách du lịch các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục Xác nhận xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch rồi mới làm hồ sơ Cấp biển hiệu cho ô tô vận chuyển khách du lịch nộp tại Sở Giao thông Vận tải. Như vậy rất rườm rà, phức tạp tốn kém thời gian của người dân, doanh nghiệp vì phải nhiều lần đi lại để nộp hồ sơ và phải chuẩn bị 2 bộ hồ sơ gần như giống nhau để nộp cho 2 đơn vị giải quyết thủ tục.
13.2. Kiến nghị thực thi
- Sửa đổi Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông vận tải quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho ô tô vận chuyển khách du lịch.
Phương án này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư liên tịch số 19/2015/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 25/5/2015 (có hiệu lực từ ngày 15/7/2015) hướng dẫn về vận tải khách du lịch bằng xe ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận tải khách du lịch.
13.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 35.475.000 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 0 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 35.475.000 đồng/năm, ~ 236.500 đồng/trường hợp.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 100%.
- 1Kế hoạch 87/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2015-2020 tỉnh Thừa Thiên Huế
- 2Quyết định 1506/QĐ-UBND về Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3Quyết định 2351/QĐ-UBND năm 2015 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp, Đăng ký giao dịch bảo đảm và Lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tiền Giang
- 4Quyết định 2686/QĐ-UBND năm 2015 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Khoáng sản; Thể dục thể thao cho mọi người; Tổ chức hội thảo, giới thiệu mô hình phân bón vô cơ thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh An Giang
- 5Quyết định 64/QĐ-CT năm 2016 thông qua Phương án đơn giản hóa 23 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính
- 3Nghị định 48/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính
- 4Thông tư 07/2014/TT-BTP hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 5Kế hoạch 87/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2015-2020 tỉnh Thừa Thiên Huế
- 6Quyết định 1506/QĐ-UBND về Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 7Quyết định 2351/QĐ-UBND năm 2015 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp, Đăng ký giao dịch bảo đảm và Lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tiền Giang
- 8Quyết định 2686/QĐ-UBND năm 2015 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Khoáng sản; Thể dục thể thao cho mọi người; Tổ chức hội thảo, giới thiệu mô hình phân bón vô cơ thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh An Giang
- 9Quyết định 64/QĐ-CT năm 2016 thông qua Phương án đơn giản hóa 23 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
Quyết định 2217/QĐ-UBND năm 2015 thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Thừa Thiên Huế
- Số hiệu: 2217/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/10/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Văn Cao
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra