BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 221-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BAN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG THAM GIA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI KỶ LUẬT ĐẢNG THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG, BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI và Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI;
- Căn cứ Quyết định số 46-QĐ/TW, ngay 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khoá XI;
- Xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương,
Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc Trung ương (gọi chung là các ban đảng Trung ương) tham gia giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1- Quy định này quy định trách nhiệm của các ban đảng Trung ương trong việc tham gia giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của tổ chức đảng hoặc đảng viên (gọi chung là đoàn kiểm tra) thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
2- Các ban đảng Trung ương có trách nhiệm tham gia kiểm tra gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương.
Điều 2. Mục đích
1- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các ban đảng Trung ương trong việc phối hợp tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên thuộc thẩm quyền.
2- Bảo đảm tính khách quan, thận trọng trong việc giải quyết khiếu nại kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên.
Điều 3. Nguyên tắc
1- Khi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu, các ban đảng Trung ương có trách nhiệm tham gia, cử cán bộ đúng thành phần tham gia đoàn kiểm tra.
2- Các ban đảng, cán bộ các ban đảng Trung ương được cử tham gia đoàn kiểm tra phải chấp hành nghiêm quyết định thành lập đoàn kiểm tra và sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
3- Không cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra trong các trường hợp sau:
a) Là người đã trực tiếp hoặc là người đứng đầu tổ chức đã quyết định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên đang khiếu nại; hoặc người có liên quan trực tiếp đến vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên khiếu nại.
b) Đã chỉ đạo hoặc làm trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn giải quyết khiếu nại trước đó.
c) Có quan hệ họ hàng là bộ, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em, (ruột, dâu, rể), chú, bác, cô, dì, cậu, mợ bên nội, bên ngoại của vợ (chồng) với đảng viên đang khiếu nại.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Thành phần đoàn kiểm tra
1- Đoàn kiểm tra đối với đảng viên
a) Trưởng đoàn
Trường hợp đảng viên khiếu nại là Uỷ viên Trung ương Đảng trở lên thì trưởng đoàn kiểm tra là đồng chí Uỷ viên Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Bộ Chính trị. Các trường hợp khác do đồng chí lãnh đạo các ban đảng Trung ương hoặc thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm trưởng đoàn.
b) Phó trưởng đoàn
- Trường hợp trưởng đoàn là đồng chí Uỷ viên Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Bộ Chính trị thì đồng chí lãnh đạo ban đảng Trung ương hoặc thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm phó trưởng đoàn.
- Trường hợp trưởng đoàn là lãnh đạo ban đảng Trung ương hoặc thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì phó trưởng đoàn là cán bộ lãnh đạo cấp vụ trở lên.
c) Thư ký đoàn: Cán bộ của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảm nhiệm.
d) Thành viên đoàn: Cán bộ lãnh đạo cấp vụ của các ban đảng Trung ương và của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
2- Đoàn kiểm tra đối với tổ chức đảng
Trường hợp tổ chức đảng khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu thành lập đoàn kiểm tra.
Điều 5. Trách nhiệm của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
1- Nhận đơn khiếu nại của các tổ chức đảng, đảng viên chuyển đến, nghiên cứu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng giải quyết theo thẩm quyền.
2- Tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
a) Đề xuất việc lập đoàn kiểm tra đối với các trường hợp giải quyết theo quy trình.
b) Có công văn gửi các ban đảng Trung ương đề nghị cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra (làm trưởng đoàn, phó trưởng đoàn hoặc thành viên đoàn).
3- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư:
a) Dự thảo quyết định thành lập đoàn kiểm tra, trình Thường trực Ban Bí thư duyệt ký ban hành.
b) Đôn đốc các đoàn kiểm tra thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị (nếu có) của đoàn kiểm tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
4- Phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông báo hoặc uỷ quyền cho tổ chức đảng có thẩm quyền thông báo quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đến đối tượng khiếu nại và các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan để thực hiện.
5- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 6- Trách nhiệm của Văn phòng Trung ương Đảng
1- Khi nhận được đơn khiếu nại kỷ luật đảng của tổ chức đảng hoặc đảng viên gửi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng phân loại đơn và chuyển đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để nghiên cứu đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng giải quyết theo thẩm quyền.
Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc giải quyết hoặc không giải quyết đơn khiếu nại theo quy trình.
2- Phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện các nội dung nêu tại khoản 3, Điều 5 Quy định này.
3- Làm thủ tục gửi các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành đến các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan theo quy định.
4- Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc:
a) Xem xét, kết luận việc giải quyết khiếu nại do các đoàn kiểm tra báo cáo; ra quyết định giải quyết, thông báo kết luận giải quyết khiếu nại.
b) Thông báo hoặc uỷ quyền cho tổ chức đảng có thẩm quyền thông báo quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đến đối tượng khiếu nại và các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan để thực hiện.
5- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 7. Trách nhiệm của các ban đảng Trung ương
1- Cử cán bộ của ban mình tham gia đoàn kiểm tra theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
2- Chấp hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khi có cán bộ của ban mình tham gia đoàn kiểm tra.
3- Theo dõi, đôn đốc cán bộ của ban mình thực hiện nhiệm vụ được giao trong quá trình tham gia đoàn kiểm tra.
4- Thực hiện các công việc có liên quan đến vụ việc kiểm tra theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 8. Trách nhiệm của cán bộ được cử tham gia đoàn kiểm tra
1- Chủ động sắp xếp công việc, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
2- Thực hiện đúng quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn kiểm tra thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nội quy hoạt động của đoàn.
3- Chủ động báo cáo khi bản thân có quan hệ họ hàng với đảng viên đang khiếu nại để xem xét, quyết định cử cán bộ khác thay thế.
Điều 9. Cách thức cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra
1- Trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cử cán bộ của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các ban đảng Trung ương có văn bản cử cán bộ ban mình gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để dự thảo quyết định thành lập đoàn kiểm tra.
2- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng trình Thường trực Ban Bí thư duyệt ký, ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra.
3- Trong trường hợp có cán bộ không thể tiếp tục tham gia đoàn kiểm tra, trong vòng 7 ngày làm việc, ban đảng Trung ương phải báo cáo và đề xuất cán bộ thay thế, trình Thường trực Ban Bí thư (qua Uỷ ban Kiểm tra Trung ương) xem xét, quyết định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1- Các ban đảng Trung ương có trách nhiệm bố trí công việc, thời gian, bảo đảm kinh phí và phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ của ban mình tham gia đoàn kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với các ban đảng Trung ương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quy định này; phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quy định.
3- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương căn cứ Quy định này để xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ tham gia giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ cấp mình cho phù hợp.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, các ban đảng Trung ương kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Uỷ ban Kiểm tra Trung ương) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
- 1Quyết định 321-QĐ/TW năm 2010 về Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Bộ Chính trị ban hành
- 2Quy định 181-QĐ/TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Hướng dẫn 09-HD/UBKTTW năm 2013 thực hiện Quy định 181-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ủy ban kiểm tra Trung ương ban hành
- 4Quyết định 35-QĐ/TW năm 2021 về Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 1Quyết định 321-QĐ/TW năm 2010 về Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Bộ Chính trị ban hành
- 2Quyết định 46-QĐ/TW năm 2011 hướng dẫn thực hiện quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và VIII Điều lệ Đảng khóa XI do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011
- 4Quy định 181-QĐ/TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Hướng dẫn 09-HD/UBKTTW năm 2013 thực hiện Quy định 181-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ủy ban kiểm tra Trung ương ban hành
- 6Quyết định 35-QĐ/TW năm 2021 về Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Quyết định 221-QĐ/TW năm 2013 quy định trách nhiệm của các ban đảng Trung ương tham gia giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Bộ Chính trị ban hành
- Số hiệu: 221-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2013
- Nơi ban hành: Bộ Chính trị
- Người ký: Lê Hồng Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết