Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2024/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 12 tháng 7 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “THÔN, TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA”, “XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TIÊU BIỂU” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”;

Căn cứ Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2024.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Vụ pháp chế - Bộ VH,TT&DL;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, KT, KGVX (7).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Triệu Thế Hùng

 

QUY ĐỊNH

CHI TIẾT TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “THÔN, TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA”, “XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TIÊU BIỂU” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 22 /2024/QĐ-UBND ngày 12/7/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Hải Dương (sau đây gọi tắt là Quy định).

2. Đối tượng áp dụng

Các hộ gia đình; thôn, khu dân cư; xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương có liên quan đến hoạt động xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Tổ dân phố: còn được gọi là khu dân cư (theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu dân cư ban hành kèm theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 07/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương).

Chương II

CHI TIẾT TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “THÔN, TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA”, “XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TIÊU BIỂU”

Điều 3. Quy định về xét tặng danh hiệu

1. Việc xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Hải Dương được thực hiện hằng năm và hoàn thành việc bình xét trước ngày 15 tháng 11.

2. Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét tặng được quy định tại Điều 8, Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.

Điều 4. Quy định về tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu

1. Chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” thực hiện theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Quy định này.

2. Chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa” thực hiện theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Quy định này.

3. Chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thực hiện theo quy định tại Phụ lục III kèm theo Quy định này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Là cơ quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh.

2. Hướng dẫn công tác tuyên truyền việc thực hiện xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh.

3. Hướng dẫn các địa phương cách thức đánh giá, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” được quy định tại Quy định này trên địa bàn tỉnh.

4. Chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức Đoàn kiểm tra, đánh giá, thẩm định kết quả đạt được trong thực hiện các tiêu chuẩn “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên toàn tỉnh. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong xét tặng danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Theo dõi, tổng hợp việc tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

6. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh

1. Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Đoàn kiểm tra, đánh giá, thẩm định kết quả đạt được trong thực hiện các tiêu chuẩn “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên toàn tỉnh.

2. Chủ trì hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh.

Điều 7. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí cho công tác khen thưởng được quy định tại quy định này.

Điều 8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan trong thực hiện các tiêu chuẩn chi tiết trong quá trình xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh.

Điều 9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” tại địa phương.

2. Bố trí, bảo đảm kinh phí cho công tác khen thưởng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa” ở địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Kinh phí thực hiện

Kinh phí tổ chức thực hiện xét tặng các danh hiệu thi đua quy định tại Quy định này được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hằng năm của các địa phương theo phân cấp ngân sách Nhà nước và kinh phí xã hội hóa hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật và Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022.

Trong quá trình triển khai và thực hiện Quy định, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

 


PHỤ LỤC I

TIÊU CHUẨN CHI TIẾT GIA ĐÌNH VĂN HÓA
(Kèm theo Quyết định số 22/2024/QĐ-UBND ngày 12 /7/2024 của UBND tỉnh)

Tên tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn

I. Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

1. Các thành viên trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật (tất cả các thành viên trong gia đinh tuân thủ, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và trong công tác, học tập, kinh doanh, lao động, sản xuất. Gia đình thực hiện tốt phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”)

2. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định (tổ chức việc cưới, việc tang cho thành viên trong gia đình đảm bảo tiết kiệm, không phô trương, rườm rà, tốn kém (tổ chức ăn cỗ nhỏ gọn trong ngày, không mở rộng đối tượng tham dự, tham gia hình thức hỏa táng cho người đã khuất;…

3. Bảo đảm thực hiện an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy (tất cả các thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật; không có thành viên đánh bạc; không có thành viên sử dụng chất kích thích như ma túy, thuốc phiện, thuốc lá điện tử… các thành viên trong gia đình tuân thủ, thực hiện tốt Luật PCCC, CHCN tại gia đình cộng đồng dân cư nơi cư trú, nơi tham gia công tác, lao động sản xuất, kinh doanh, học tập…

4. Đảm bảo các quy định về độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định của pháp luật về môi trường (trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong sản xuất, kinh doanh không vi phạm các quy định về độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 26/2010/BTNMT về tiếng ồn ban hành kèm theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường).

II. Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương

1. Tham gia các hoạt động nhằm bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của địa phương (các thành viên trong gia đình tích cực tuyên truyền đến người thân, bạn bè thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử văn minh nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương; tham gia bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, đổ rác đúng nơi quy định, không xâm hại đến di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của địa phương, không mê tín dị đoan, đốt nhiều đồ mã, đặt tiền lẻ không đúng nơi quy định tại các di tích…)

2. Tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo; đền ơn đáp nghĩa; khuyến học khuyến tài và xây dựng gia đình học tập (gia đình tích cực đóng góp kinh phí, ngày công lao động hiện vật (nếu có)…cho phong trào từ thiện nhân đạo; đền ơn đáp nghĩa, “Quỹ Khuyến học”; tích cực tham gia Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” khi thôn, tổ dân phố xã, phường, thị trấn và các cấp chính quyền tổ chức chính trị phát động)

3. Tham gia sinh hoạt cộng đồng ở nơi cư trú (tất cả các thành viên trong gia đình tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng như tham gia câu lạc bộ dân ca, dân vũ, câu lạc bộ yoga, câu lạc bộ hát chèo, hát chầu văn; trẻ em, thanh thiếu niên nhi đồng tham gia sinh hoạt hè, tham gia các câu lạc bộ về thể dục thể thao; người cao tuổi tham gia câu lạc bộ cờ tướng, câu lạc bộ thơ bóng bàn… tối thiểu 03 buổi/tuần)

4. Tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội do địa phương tổ chức (các thành viên trong gia đình tham gia tích cực vào các phong trào của địa phương tổ chức như Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” và gương điển hình tiên tiến; các phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Sáng kiến sáng tạo trong lao động sản xuất, lao động giỏi”, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” với nhiều hình thức giúp nhau bằng ngày công, giống, phân bón, vật tư, kinh nghiệm sản xuất; Phong trào “xung kích, tình nguyện, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xanh, sạch, đẹp, an toàn vệ sinh lao động”; Phong trào xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”…)

5. Người trong độ tuổi lao động tích cực làm việc và có thu nhập chính đáng (Theo khoản 1, Điều 3, Bộ Luật Lao động quy định: Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này). (Các thành viên trong gia đình tham gia lao động, sản xuất đúng độ tuổi theo quy định của pháp luật, đúng các ngành nghề không vi phạm pháp luật).

6. Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường (gia đình thực hiện tốt theo quy định của Luật Giáo dục tại khoản 1, Điều 26: mọi trẻ em trong gia đình từ 03 tháng tuổi đã có quyền được đến trường học (mẫu giáo) và khoản 4. Điều 14: Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc)

III. Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng

1. Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (theo 04 tiêu chí: vợ - chồng: chung thủy nghĩa tình; Cha mẹ - con cái, ông bà - cháu: gương mẫu, yêu, thương; Con - cha mẹ cháu - ông bà: hiếu thảo lễ phép; Anh chị - em: hòa, thuận, chia sẻ)

2. Thực hiện tốt chính sách dân số, hôn nhân và gia đình (không sinh con thứ 3 trở lên, không có thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình (ngoại tình...), tảo hôn (kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật)…

3. Thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới (trong gia đình có phụ nữ làm kinh tế giỏi, nữ chủ doanh nghiệp tiêu biểu; có phụ nữ khởi nghiệp, gương phụ nữ vượt khó trong phát triển kinh tế… Các thành viên trong gia đình không có hành vi cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình; các thành viên trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc nhà, chia sẻ trách nhiệm lo kinh tế của gia đình với nhau…)

4. Hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước/các loại hình tương tự để sinh hoạt hợp vệ sinh (thực hiện theo đúng Thông tư số 27/2011/TT-BYT ngày 24/6/2011 của Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu - điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh). (Hộ gia đình giữ gìn vệ sinh ngay trong gia đình như việc trồng trọt, chăn nuôi phải thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Thực hiện các quy định như chứa rác thải bằng vật dụng bảo đảm vệ sinh; bỏ rác đúng nơi quy định; không xả nước thải, khí thải bừa bãi, không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng và nộp phí vệ sinh, bảo vệ môi trường đầy đủ…)

5. Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn (tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người trưởng thành tích cực đóng góp kinh phí, hiện vật (nếu có) và nhiều các hình thức phù hợp với khả năng của gia đình cho mọi người trong khu dân cư, ngoài xã hội gặp khó khăn, hoạn nạn; tích cực giúp đỡ người yếu thế trong xã hội dũng cảm cứu người đuối nước người bị hỏa hoạn…)

 

PHỤ LỤC II

TIÊU CHUẨN CHI TIẾT THÔN, TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA
(Kèm theo Quyết định số 22 /2024/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2024 của UBND tỉnh)

Tên tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn

I. Đời sống kinh tế ổn định và phát triển

1. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm và thu nhập ổn định (Trên 90% người trong độ tuổi lao động có việc làm và thu nhập ổn định)

2. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp (Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo dưới hoặc bằng mức bình quân chung của cấp huyện)

3. Phát triển ngành nghề truyền thống hoặc có đóng góp về văn hóa, công nghệ, khoa học kĩ thuật cho địa phương (Có nguồn lực, biện pháp, sáng kiến khôi phục, duy trì, thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống hoặc có đóng góp về văn hóa, công nghệ, khoa học kĩ thuật cho địa phương; có sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống có đăng ký nhãn hiệu, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, công bố chất lượng hoặc tham gia Chương trình OCOP...)

 4. Tham gia, hưởng ứng các phong trào phát triển về kinh tế, văn hoá - xã hội do địa phương tổ chức (trên 90% số hộ định và phát gia đình tham gia tích cực vào các phong trào của địa phương tổ chức như Phong trào xây dựng “Người tốt, việc triển tốt” và gương điển hình tiên tiến; các phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Sáng kiến sáng tạo trong lao động sản xuất, lao động giỏi”, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” với nhiều hình thức giúp nhau bằng ngày công, giống, phân bón, vật tư, kinh nghiệm sản xuất; Phong trào “xung kích, tình nguyện, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xanh, sạch, đẹp, an toàn vệ sinh lao động”; Phong trào xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”…)

II. Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú

1. Nhà văn hóa, sân thể thao, điểm đọc sách phục vụ cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của thôn, tổ dân phố (Có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn, có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ghế đá tủ sách, nội quy, quy chế hệ thống âm thanh, ánh sáng, phông sân khấu cờ Đảng Tổ quốc… đảm bảo tổ chức các hoạt động và sinh hoạt cho cộng đồng theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 6 Thông tư số 06/2011/TT- BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ VHTTDL; Điều 2 Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/4/2014 của Bộ VHTTDL).

 

2. Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường (Tỷ lệ 100%)

3. Tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh (Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh trong các dịp lễ, tết và các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước; Có ít nhất 01 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... hoạt động thường xuyên, hiệu quả theo quy định tại khoản 6, Điều 6, Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ VHTTDL)

4. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội (Tỷ lệ 100%)

5. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (Có tổ hoà giải cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở công tác phòng, chống tệ nạn xã hội).

6. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương (Có ít nhất 01 sáng kiến hoặc biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hoặc hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương)

III. Môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp

1. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (100% hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh trên địa bàn đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; không xả thải ra môi trường, không sử dụng hóa chất gây hủy diệt môi trường…)

2. Thực hiện việc mai táng, hỏa táng (nếu có) đúng quy định pháp luật và theo quy hoạch của địa phương (Tỷ lệ trên 90%)

3. Các địa điểm vui chơi công cộng được tôn tạo, bảo vệ và giữ gìn sạch sẽ (được lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, ghế đá, trồng cây, trồng hoa và chăm sóc thường xuyên... Được tôn tạo, bảo vệ và giữ gìn sạch sẽ, phát huy tốt trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh của nhân dân)

4. Tham gia tự quản trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh (các công trình công cộng, đường làng, ngõ xóm được giao cho các tổ, hội… tự dọn vệ sinh, trồng cây, thu gom rác thải theo quy định…; các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, có biện pháp khống chế, không làm lây lan dịch bệnh (nếu có)…

IV. Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương

1. Tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (triển khai nhiều hình thức tuyên truyền nội dung đa dạng phong phú thu hút được đông đảo Nhân dân quan tâm, hưởng ứng thực hiện; các tổ chức đoàn thể sinh hoạt hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; các tổ chức Đảng được xếp loại vững mạnh trở lên).

2. Tổ chức triển khai các phong trào thi đua của địa phương (có tổ chức phát động rộng rãi đến toàn thể Nhân dân trên địa bàn; tổ chức đăng ký, thực hiện bình xét, đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua nghiêm túc, đúng quy định)

3. Các tổ chức tự quản ở cộng đồng hoạt động có hiệu quả (Có từ 02 tổ chức tự quản ở cộng đồng trở lên hoạt động có hiệu quả)

4. Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn đạt danh hiệu gia đình văn hóa (từ 90% hộ gia đình trở lên trên địa bàn)

5. Thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình/ bạo lực trên cơ sở giới (tại năm đề nghị không có địa phương bạo lực gia đình xảy ra)

V. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng

1. Thực hiện các Cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và địa phương phát động (Tỷ lệ 100%)

2. Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, người có công, người khuyết tật, người lang thang, cơ nhỡ và người có hoàn cảnh khó khăn (Tỷ lệ 100% người cao tuổi, trẻ em, người có công, người khuyết tật, người lang thang, cơ nhỡ và người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được quan tâm, chăm sóc)

3. Triển khai hiệu quả các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và các mô hình về văn hóa, gia đình tại cơ sở (Có ít nhất 01 mô hình về “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” hoặc mô hình về văn hóa tại cơ sở như Cùng em đến trường… )

 

PHỤ LỤC III

TIÊU CHUẨN CHI TIẾT XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TIÊU BIỂU
(Kèm theo Quyết định số 22 /2024/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2024 của UBND tỉnh)

Tên tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn

I. Thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giao

1. Đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác (triển khai thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; có mô hình Camera an ninh và mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy... gan với phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”...)

2. Hợp tác và liên kết phát triển xã hội (có cơ chế thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia vào kinh tế tập thể, Hợp tác xã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân trên địa bàn, nâng cao hình ảnh và vị thế của địa phương. Có chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP (nếu có) của địa phương; tăng cường khuyến khích tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm... có ít nhất 01 hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã hiện hành, hoạt động có hiệu quả.

3. Thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng của địa phương (Đảm bảo số lượng công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định; Không có công dân không hoàn thành nghĩa vụ quân sự)

II. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển

1. Thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn năm trước (bằng hoặc cao hơn thu nhập bình quân đầu người của cấp tỉnh năm chấm điểm)

2. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn so với mức trung bình của địa phương (thấp hơn so với mức trung bình tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh năm đề nghị)

3. Hệ thống đường điện đảm bảo an toàn trên địa bàn (100% hộ gia đình được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất an toàn, ổn định)

4. Tổ chức, quản lý, sử dụng đúng mục đích và hoạt động có hiệu quả các công trình công cộng, trường học, trạm y tế (không có xảy ra tranh chấp, khiếu kiện cơ sở vật chất, đất đai, bị phản ánh về lãng phí cơ sở vật chất hạ tầng...)

III. Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú

1. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa trong năm (Tỷ lệ 100%)

2. Thiết chế văn hóa, thể thao có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm; được quản lý, sử dụng đúng mục đích, hoạt động thường xuyên, hiệu quả (nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, sân thể thao, thư viện tư nhân (nếu có), rạp chiếu phim (nếu có)... được quản lý, sử dụng đúng mục đích, hoạt động thường xuyên, hiệu quả; các địa điểm công cộng có lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời; có điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người già; 100% thôn, khu dân cư trên địa bàn có nhà văn hóa, khu thể thao, tủ sách...)

3. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội (Tỷ lệ 100%)

4. Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương (100% di tích trên địa bàn có hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý, được cắm bia, biển; không có hoạt động khiếu kiện, khiếu nại, lấn chiếm đất, xâm hại di tích, không có vi phạm trong hoạt động trùng tu, tôn tạo; thường xuyên tổ chức truyền dạy, liên hoan, hội thi, giải thể thao....các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương (hát chèo, hát văn, ca trù, kéo co, đá cầu, bịt mắt bắt dê....)

IV. Môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp

1. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ (thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân; tổ chức diễn tập PCCC, CHCN (ít nhất 01 lần/năm); kiểm tra, giám sát việc thu gom rác thải, nước thải, tổ chức vệ sinh môi trường thường xuyên, định kỳ...

2. Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng (nếu có) đáp ứng các quy định của pháp luật và theo quy hoạch tại địa phương (nghĩa trang, cơ sở hỏa táng (nếu có) đã được quy hoạch trong quy hoạch chung các cấp; Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng (nếu có) trên địa bàn thực hiện quy trình chôn cất, hỏa táng đúng quy định của pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh trong tình hình mới).

3. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (Tỷ lệ 100%)

4. Cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn; không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung (các tuyến đường giao thông nội bộ, đường xã, liên thôn, liên xã và các khu vực công cộng có trồng cây xanh, cây bóng mát, có đường hoa kiểu mẫu, vệ sinh môi trường thường xuyên, định kỳ; không tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung; dưới kênh mương thoát nước không có rác thải...)

V. Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

1. Tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, nội dung đa dạng, phong phú thu hút được đông đảo Nhân dân quan tâm, hưởng ứng thực hiện hiệu quả; các tổ chức đoàn thể có xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sinh hoạt thường xuyên, đạt chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; các tổ chức Đảng được xếp loại vững mạnh trở lên).

2. Triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định (Tỷ lệ 100%)

3. Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương (có xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tạo lập và bảo đảm vận hành ổn định, thường xuyên hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của Nhân dân, tiếp nhận góp ý, kiến nghị, phản ánh; Xem xét, giải quyết, giải trình và trả lời kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác của Nhân dân ở địa phương được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Tổ chức các buổi trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn với Nhân dân, hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân; hội nghị định kỳ và các cuộc họp khác của cộng đồng dân cư...)

4. Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Có quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2024/QĐ-UBND hướng dẫn tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Hải Dương

  • Số hiệu: 22/2024/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Triệu Thế Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản