Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2006/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 27 tháng 03 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH BỔ SUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRỒNG RỪNG KINH TẾ TẬP TRUNG VÀ TRỒNG CÂY PHÂN TÁN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

Căn cứ công văn số 71/TTg-NN ngày 18/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ V/v bổ sung cơ chế chính sách thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Công văn số 261/BNN-LN ngày 31/01/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT V/v Chỉ đạo thực hiện cơ chế chính sách Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 164/TTr-SNN ngày 08 tháng 3 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bổ sung Chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh tế tập trung và trồng cây phân tán giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên & Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Khoa

 

QUY ĐỊNH

BỔ SUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRỒNG RỪNG KINH TẾ TẬP TRUNG VÀ TRỒNG CÂY PHÂN TÁN GIAI ĐOẠN 2006- 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 22/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 03 năm 2006 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh tế tập trung và trồng cây phân tán nhằm khai thác tiềm năng sức lao động, đất đai, nguồn vốn của nhân dân để đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo ở miền núi.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng là các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức chính trị, chính trị xã hội và các đơn vị hành chính sự nghiệp được Nhà nước giao đất trống để trồng rừng kinh tế tập trung và trồng cây phân tán thuộc quy hoạch rừng sản xuất (sau đây gọi chung là hộ trồng rừng kinh tế) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nguyện vọng tham gia trồng rừng sản xuất.

2. Các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách này bao gồm:

a) Các tổ chức kinh tế trong nước và cá nhân người nước ngoài.

b) Các hộ trồng rừng kinh tế đang tham gia các dự án đầu tư hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Đối tượng về đất: Thuộc đất quy hoạch cho trồng rừng sản xuất.

Điều 3. Giải thích từ ngữ và khái niệm.

Trồng rừng kinh tế tập trung là trồng ở những vùng đất được quy hoạch để trồng rừng kinh tế và có diện tích đủ lớn đảm bảo cho công tác thiết kế trồng rừng theo quy định.

Trồng cây phân tán là trồng ở những đám đất trống nhỏ hẹp, manh mún có diện tích chưa đủ điều kiện để trở thành trồng rừng kinh tế tập trung hoặc trồng ở ven đường, trường học, cơ quan, công sở có thể bố trí trồng cây lâm nghiệp phù hợp.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Điều kiện để được hỗ trợ đầu tư

1. Phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất tham gia trồng rừng kinh tế tập trung và trồng cây phân tán nhận vốn hỗ trợ của Nhà nước.

2. Cây giống đưa vào trồng rừng kinh tế tập trung và trồng cây phân tán phải là những loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai, thổ nhưỡng của từng vùng và được sản xuất từ công nghệ nuôi cấy mô, giâm hom hoặc một số giống cây gỗ quý hiếm do các cơ sở sản xuất giống sản xuất ra (được cấp chứng chỉ) đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quy định.

Sở Nông nghiệp và PTNT hàng năm thông báo công khai giống cây và các cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện, tiêu chuẩn được Nhà nước hỗ trợ đầu tư để các hộ tự đến liên hệ mua.

3. Đối với trồng rừng kinh tế tập trung phải có thiết kế trồng rừng do cơ quan có thẩm quyền lập và Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

4. Phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán theo quy định.

Điều 5. Hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh tế tập trung.

1. Mức hỗ trợ trồng rừng kinh tế tập trung thuộc đối tượng đầu tư của chính sách này đảm bảo đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 của Quy định này thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng tiền mặt trong năm đầu là 2.000.000 (hai triệu đồng) đ/ha; bao gồm cây giống, một phần phân bón và chi phí gián tiếp.

2. Các hộ trồng rừng kinh tế tập trung ngoài việc được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư theo khoản 1 trên đây còn được vay vốn tín dụng trung và dài hạn phù hợp với chu kỳ sản xuất trồng rừng với lãi suất ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển tỉnh (hoặc các ngân hàng thương mại trong tỉnh).

Chủ rừng được sử dụng rừng kinh tế và quyền sử dụng hợp pháp, hợp lệ đất lâm nghiệp được giao làm tài sản thế chấp khi vay vốn tại ngân hàng. Trường hợp không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ chứng nhận quyền sử dụng đất thì được dùng giấy có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn “đất đang sử dụng không có tranh chấp” làm tài sản thế chấp khi vay vốn tại ngân hàng.

Điều 6. Hỗ trợ đầu tư trồng cây phân tán.

Các hộ trồng cây phân tán thuộc đối tượng hỗ trợ đầu tư của chính sách này đảm bảo đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua cây giống bằng 100% giá mua.

Điều 7. Hỗ trợ kinh phí chi cho công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo quản lý nghiệm thu và thanh quyết toán kinh phí từ tỉnh đến cơ sở là 17% trên tổng mức kinh phí NSNN hỗ trợ hàng năm.

Điều 8. Kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư quy định tại điều 5,6 và 7 trên đây được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Sở Nông nghiệp và PTNT được sử dụng các Ban quản lý Dự án 661 hiện có để quản lý và sử dụng nguồn kinh phí NSNN cấp. Đối với địa bàn các huyện, thành phố không có Ban quản lý Dự án 661, Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất với UBND huyện, thành phố giao cho một đơn vị phòng, ban chức năng của huyện, thành phố quản lý.

Điều 9. Quyền lợi và trách nhiệm của các chủ hộ trồng rừng kinh tế.

1. Quyền lợi:

a) Được nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, được hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán phần kinh phí NSNN hỗ trợ; được phát tài liệu và tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn KT trồng và chăm sóc rừng trồng do cơ quan chuyên môn tổ chức.

b) Sản phẩm chính và sản phẩm phụ thu được từ rừng trồng thuộc về các chủ hộ quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm:

a) Hộ trồng rừng phải sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả và làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán theo quy định tại Điều 4 của Quy định này.

b) Thực hiện việc trồng rừng và chăm sóc rừng trồng theo đúng quy trình kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và PTNT quy định.

c) Khi rừng trồng đến tuổi khai thác, chủ hộ trồng rừng được phép khai thác khi đã làm đầy đủ các thủ tục và thực hiện các nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước, của địa phương.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TRONG VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các Ban quản lý Dự án 661 hoặc phòng, ban chức năng của huyện, thành phố được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn kinh phí NSNN hỗ trợ tại địa phương.

1. Trực tiếp triển khai, phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn chính sách hỗ trợ tại Quy định này đến với các hộ trồng rừng kinh tế trên địa bàn.

2. Xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch theo quy định.

3. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng, cây lâm nghiệp cho các hộ.

4. Tổ chức nghiệm thu kết quả trồng rừng kinh tế tập trung và trồng cây phân tán đến từng hộ trên địa bàn và thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ của ngân sách theo kết quả nghiệm thu đó.

5. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước và của Quy định này.

Điều 11. Trách nhiệm của các ngành

1. Sở Nông nghiệp và PTNT.

a) Hàng năm phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ đầu tư theo Quy định này báo cáo UBND tỉnh.

b) Hàng năm thông báo công khai giống cây và các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đủ tiêu chuẩn chất lượng được hỗ trợ để các hộ tự đến liên hệ mua.

c) Ban hành quy trình kỹ thuật trồng rừng, bảo vệ rừng: thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng kịp thời.

d) Phối hợp với UBND các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai rộng rãi chính sách này đến người dân; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra về chuyên môn kỹ thuật, về quản lý và sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với chủ đầu tư và người dân được hưởng chính sách.

e) Chỉ đạo các Công ty, đơn vị trong ngành có chức năng sản xuất giống cây LN sản xuất và cung ứng giống đầy đủ, kịp thời và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quy định, đồng thời ký kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ theo Quyết định 80/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng chính phủ.

f) Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy định này.

2. Sở Tài chính.

a) Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT lập và phân bổ kế hoạch vốn sự nghiệp hỗ trợ đầu tư theo Quy định này, báo cáo UBND tỉnh quyết định.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy định này.

3. Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm và các Sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh tế giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 12. Trách nhiệm của UBND các cấp.

1. UBND các huyện, thành phố phối hợp với chủ đầu tư và Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chính sách này đến UBND các xã, phường, thị trấn; Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các phòng ban chức năng trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn, các hộ trồng rừng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách này.

2. UBND các xã, trưởng thôn, bản có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chính sách này đến người dân ở địa phương và phối hợp với chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách này trên địa bàn.

3. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho người dân có đất được tham gia chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng về hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh tế.

Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn vướng mắc đề nghị các ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2006/QĐ-UBND về Quy định bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh tế tập trung và trồng cây phân tán giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

  • Số hiệu: 22/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Nguyễn Đăng Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản