Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------

Số: 22/2005/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ TRANG PHỤC VÀ SỬ DỤNG TRANG PHỤC CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SỸ DÂN QUÂN TỰ VỆ NÒNG CỐT

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

- Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
- Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12/11/1996; đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 16/12/2002;
- Căn cứ Pháp lệnh Dân quân tự vệ số 19/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004;
- Căn cứ vào Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02/11/2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ;
- Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng.

QUYẾT ĐỊNH

Chương I

TRANG PHỤC CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ NÒNG CỐT

Điều 1. Phù hiệu

1. Phù hiệu Dân quân tự vệ hình vuông, cạnh dài 30 mm, nền đỏ, bốn cạnh viền vàng rộng 1,5mm, giữa có ngôi sao 5 cánh nổi màu vàng, chiều dài hai cánh đối nhau là 10mm. có hình tia ra xung quanh, hai bên bông lúa dài 20mm bao quanh ngôi sao vàng theo chiều chéo của hình vuông, dưới hai bông lúa là 1/2 bánh răng màu vàng, có chữ DQTV (có phụ lục kèm theo).

2. Phù hiệu Dân quân tự vệ được gắn trên các loại mũ trang bị cho Dân quân tự vệ.

Điều 2. Mũ

1. Mũ cứng. Kiểu mũ cứng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Mũ mềm: Kiểu 3 múi, lưỡi trai dài, hai bên cạnh có ô để thoát khí, phía sau có khoá tăng giảm.

Điều 3. Trang phục của cán bộ Dân quân tự vệ

1. Áo cán bộ nam kiểu ký giả công chức, cổ bẻ, có 3 túi nổi, nẹp miệng túi rộng 30mm, không nắp, cài cúc loại 23mm màu nâu sẫm. Quần Âu kiểu K82. Giày vải hoặc giầy da thấp cổ buộc dây, tất chân dệt bằng sợi tổng hợp.

2. Áo cán bộ nữ kiểu ký giả công chức, cổ bẻ, có 2 túi nổi dưới hai vạt áo, nẹp miệng túi rộng 30mm, không nắp, cài cúc loại 23mm màu nâu sẫm, chiết ly hai bên sườn. Quần Âu kiểu K82. Giày vải hoặc giầy da thấp cổ buộc dây, tất chân dệt bằng sợi tổng hợp.

Điều 4. Trang phục của chiến sỹ Dân quân tự vệ

1. Áo chiến sỹ nam kiểu sơ mi chít gấu, cổ bẻ, dài tay, có hai túi ngực ốp nổi, nắp túi hình cánh dơi nổi ngoài, có đai xẻ sườn cài cúc. Quần Âu kiểu K82. Giầy vải thấp cổ buộc dây, tất chân dệt bằng sợi tổng hợp.

2. Áo chiến sỹ nữ kiểu sơ mi dài tay, cổ bẻ, chiết ly hai bên sườn. Quần Âu kiểu K82. Giày vải thấp cổ buộc dây, tất chân dệt bằng sợi tổng hợp.

Điều 5. Màu sắc trang phục

1. Dân quân: Mũ mềm, áo, quần, tất chân của cán bộ, chiến sỹ màu xanh rêu; giày da của cán bộ màu đen; giày vải của chiến sỹ màu xanh rêu.

2. Tự vệ: Mũ mềm, áo, quần, của cán bộ, chiến sỹ màu xanh công nhân; tất chân màu xanh rêu; giày da của cán bộ màu đen; giày vải của chiến sỹ màu xanh công nhân.

Điều 6. Trang phục dùng chung

Trang phục dùng chung của dân quân thường trực chiến đấu; áo bông kiểu K82 của chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 7. Tiêu chuẩn trang phục

1. Xã đội trưởng, Chính trị viên xã đội, Xã đội phó; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, được cấp 02 bộ trang phục sử dụng trong 05 năm, bao gồm: 02 bộ quần áo, 01 đôi giày da đen thấp cổ, 01 đôi giày vải, 02 đôi tất, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 02 phù hiệu dân quân tự vệ.

2. Cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ cơ động, được cấp 02 bộ trang phục sử dụng trong 5 năm, bao gồm: 02 bộ quần áo, 02 đôi giày vải, 02 đôi tất, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 02 phù hiệu dân quân tự vệ.

3. Cán bộ, chiến sỹ dân quân thường trực sẵn sàng chiến đấu được cấp 02 bộ trang phục sử dụng trong 01 năm và được sử dụng quân trang dùng chung, thời gian cụ thể:

3.1. Từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng được cấp 01 bộ quần áo, 01 đôi giày vải, 01 đôi tất, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 01 phù hiệu dân quân tự vệ.

3.2. Từ đủ 9 tháng đến 1 năm được cấp 02 bộ quần áo, 02 đôi giày vải, 02 đôi tất, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 01 phù hiệu dân quân tự vệ, 01 mảnh áo mưa nilon.

3.3. Quân trang dùng chung, bao gồm: Chăn, màn, áo bông, thời hạn sử dụng 5 năm; chiếu, thời hạn sử dụng 1,5 năm.

4. Cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ nòng cốt khác được cấp ít nhất 01 bộ trang phục sử dụng trong 5 năm, bao gồm: 01 bộ quần áo, 01 đôi giầy vải, 01 đôi tất, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 02 phù hiệu dân quân tự vệ.

Chương II

CÁC TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG TRANG PHỤC

Điều 8. Khi hội họp, học tập chính trị, huấn luyện quân sự, tuần tra canh gác, làm công tác dân vận, hội thi, hội thao, diễn tập.

Khi hội họp, học tập chính trị, huấn luyện quân sự, tuần tra canh gác, làm công tác dân vận, hội thi, hội thao, diễn tập, lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt phải đeo phù hiệu dân quân tự vệ và mặc trang phục thống nhất theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Quyết định này.

Điều 9. Khi tham gia diễu duyệt trong các ngày lễ lớn

1. Các khối trưởng:

Mang mặc trang phục như quy định ở Điều 3 Quyết định này, đi giày da đen.

2. Các khối chiến sỹ:

2.1. Lực lượng nữ dân quân nòng cốt ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ mặc trang phục truyền thống; áo cánh dài tay, cổ tròn, màu nâu non; quần lụa đen, đầu chít khăn mỏ quạ màu đen, đi giày ba ta màu xanh rêu;

2.2. Lực lượng nữ dân quân nòng cốt ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ mặc trang phục truyền thống áo, quần bà ba màu đen, cổ quấn khăn rằn hai màu đen trắng; đội mũ tai bèo màu xanh lá cây, đi giày ba ta màu xanh rêu;

2.3. Nam, nữ dân quân các dân tộc ít người mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình;

2.4. Lực lượng tự vệ đội mũ mềm gắn phù hiệu dân quân tự vệ mặc áo sơ mi màu trắng, quần yếm, đi giày vải màu xanh công nhân;

2.5. Các đối tượng dân quân tự vệ nòng cốt khác mặc trang phục thường dùng quy định tại Điều 3, Điều 4 Quyết định này.

Điều 10. Đeo huân, huy chương

1. Đeo cuống huân chương, huy chương bên trái ngực áo, huy hiệu bên phải ngực áo.

2. Các loại khăn, mũ theo bộ trang phục truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ từng vùng quấn, đội trên đầu được gắn phù hiệu dân quân tự vệ.

Điều 11. Trường hợp sử dụng trang phục đối với Dân quân tự vệ rộng rãi

Cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ dân quân tự vệ chuyển sang lực lượng rộng rãi được sử dụng trang phục dân quân tự vệ trong các trường hợp sau:

1- Ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.

2- Khi tham gia hội họp cùng lực lượng dân quân tự vệ.

3- Cùng lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan

Cục Dân quân tự vệ Bộ Tổng tham mưu chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm trang phục mẫu cho cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ nòng cốt.

Điều 13. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Tiêu chuẩn trang phục của lực lượng Dân quân tự vệ nòng cốt được hưởng từ ngày 01/01/2005. Những văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 14. Các đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Tư lệnh các quân khu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG




Phùng Quang Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2005/QĐ-BQP về trang phục và sử dụng trang phục của cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ nòng cốt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 22/2005/QĐ-BQP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/02/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phùng Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản