Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2193/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 06 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “XÂY DỰNG VÙNG, CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 170/TTr-SNN-NN ngày 30 tháng 7 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án “Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật giai đoạn 2010 - 2015 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” gồm các nội dung sau:

I. Tên dự án : “Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật giai đoạn 2010-2015 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

II. Quy mô, địa điểm, đối tượng và thời gian thực hiện dự án:

1. Quy mô và địa điểm:

Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên trâu, bò heo; bệnh dịch tả heo (DTH); bệnh cúm gia cầm (CGC) trên gà và bệnh dại ở chó thuộc các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Đối tượng thực hiện:

Tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; mua bán, giết mổ động vật; sơ chế, kinh doanh động vật; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

3 Thời gian thực hiện

Từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 9 năm 2015.

III. Chủ đầu tư: Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

IV. Mục tiêu dự án:

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Góp phần nâng cao năng lực ngành thú y từ tỉnh đến cơ sở trong việc quản lý chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Giúp người dân, đặc biệt là người chăn nuôi ý thức hơn trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh.

- Kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đối với các bệnh: LMLM, DTH, CGC và bệnh Dại.

2. Mục tiêu cụ thể: trong 5 năm thực hiện dự án

- Đạt 65% trang trại chăn nuôi heo trên toàn tỉnh được Cục Thú y công nhận cơ sở ATDB LMLM và DTH.

- Đạt 50% trang trại chăn nuôi gà trên toàn tỉnh được Cục Thú y công nhận cơ sở ATDB cúm gia cầm.

- Xây dựng 01 vùng (huyện, thị xã, thành phố) được Cục Thú y công nhận vùng ATDB LMLM trâu – bò - heo và DTH.

- Xây dựng 01 cơ sở (phường) và 1 vùng (huyện Côn Đảo) được Cục Thú y công nhận cơ sở ATDB dại trên chó.

V. Lộ trình thực hiện:

1. Năm 2010:

- Tổ chức thông tin tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký xây dựng ATDB.

- Tổ chức thu thập thông tin, quản lý hiệu quả các ổ dịch, xác định vùng nguy cơ đối với từng loại dịch bệnh để có biện pháp phòng, chống dịch thích hợp.

- Thẩm định 38 trại heo đã được Cục Thú y công nhận cơ sở ATDB LMLM, DT năm 2008.

- Chấn chỉnh công tác tiêm phòng đối với bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh;

Mục tiêu: kiểm soát hiệu quả tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

2. Năm 2011:

- Tiếp tục tổ chức hội thảo hướng dẫn đăng ký xây dựng vùng, cơ sở ATDB.

- Thống kê, kiểm tra các ổ dịch cũ, điều tra tình hình dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký an toàn và tình hình chăn nuôi ở các địa phương (cấp xã, phường) đã xảy ra dịch.

- Nâng cao năng lực công tác chẩn đoán xét nghiệm của Chi cục Thú y đối với bệnh LMLM, Cúm gia cầm, dịch tả heo.

- Củng cố, hoàn thiện mạng lưới thông tin từ thú y cơ sở - trạm Thú y - Chi cục Thú y.

- Kiểm tra tỷ lệ lưu hành bệnh dịch tả trên đàn heo nái và nọc.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả tiêm phòng, công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ.

- Hoàn thiện hệ thống khai báo, giám sát dịch bệnh.

- Thực hiện kiểm tra VSTY, kiểm tra huyết thanh học các cơ sở, vùng đã đăng ký xây dựng ATDB.

- Thẩm định các trang trại chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở ATDB.

Mục tiêu: giám sát hiệu quả tình hình dịch tễ trên địa bàn tỉnh, không để dịch bệnh xảy ra (phải công bố dịch) đối với các bệnh xây dựng ATDB ở các địa phương xây dựng vùng ATDB và các trang trại xây dựng cơ sở ATDB.

3. Năm 2012:

- Tiếp tục tổ chức hội thảo hướng dẫn đăng ký xây dựng vùng, cơ sở ATDB.

- Tổ chức thẩm định lại các trại heo đã được Cục Thú y công nhận cơ sở ATDB LMLM, DT.

- Giám sát dịch tễ 100% đàn nái ở các trại chăn nuôi xây dựng cơ sở ATDB.

Mục tiêu: Kiểm soát mầm bệnh trong các trang trại xây dựng cơ sở ATDB, khống chế mầm bệnh nhập vào tỉnh, không để dịch bệnh xảy ra (phải công bố dịch) đối với các bệnh xây dựng ATDB trên địa bàn tỉnh.

4. Năm 2013:

- Tiếp tục thực hiện thông tin tuyên truyền tập huấn hướng dẫn thực hiện xây dựng vùng, cơ sở ATDB.

- Củng cố, nâng cao hiệu quả trong việc kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ.

- Tiếp tục tổ chức thẩm định và trình Cục Thú y công nhận cơ sở ATDB LMLM, DTH và CGC cho các trại chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở ATDB.

- Đảm bảo 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đủ điều kiện vệ sinh thú y; kiểm sóat 100% gia súc, gia cầm đưa vào cơ sở giết mổ tập trung; kiểm soát 100% gia súc, gia cầm xuất nhập trại chăn nuôi.

- Đề nghị Cục Thú y thẩm định vùng ATDB LMLM trâu – bò - heo và DTH; vùng ATDB dại trên đàn chó.

Mục tiêu: không để dịch bệnh xảy ra đối với các bệnh xây dựng ATDB trên địa bàn tỉnh.

5. Năm 2014:

- Tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện xây dựng vùng, cơ sở ATDB;

- Rà soát, kiểm tra, tổ chức đánh giá việc thực hiện các mục tiêu dự án đề ra để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Mục tiêu: không để phát sinh ổ dịch bệnh đối với các bệnh xây dựng ATDB trên địa bàn tỉnh.

6. Năm 2015:

- Tập trung hoàn thành các mục tiêu của dự án.

- Tổng kết, đánh giá kết quả 05 năm thực hiện dự án để rút ra những bài học, kinh nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.

VI. Nội dung và giải pháp thực hiện:

1. Điều tra, khảo sát

- Phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh LMLM, DTH, cúm gia cầm, dại chó trên địa bàn tỉnh (từ năm 2004 – 2009) nhằm xác định nguy cơ xảy ra dịch bệnh đối với từng địa phương để có biện pháp phòng, chống dịch thích hợp.

- Xác định tình hình chăn nuôi ở các địa phương đã xảy ra dịch để đề xuất các biện pháp phòng chống phù hợp.

- Khảo sát thực trạng hoạt động mạng lưới thú y, hệ thống khai báo, giám sát dịch bệnh ở các địa phương.

2. Tổ chức hội thảo, tập huấn

- Phổ biến nội dung, mục đích thực hiện dự án đến các tổ chức, cá nhân biết để chủ động đăng ký xây dựng vùng, cơ sở ATDB.

- Tập huấn hướng dẫn việc xây dựng và quản lý các họat động đối với cơ sở ATDB.

- Xác định vai trò mạng lưới thú y cơ sở - trạm thú y - Chi cục Thú y trong công tác điều hành, giám sát và báo cáo về công tác phòng, chống dịch và quản lý ổ dịch.

- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ về kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm sóat giết mổ, chẩn đóan xét nghiệm bệnh, xử lý động vật mắc bệnh truyền nhiễm và quản lý tiêm phòng.

- Tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các trang trại chăn nuôi trong việc xây dựng cơ sở ATDB và quản lý họat động tại cơ sở, chọn điển hình để nhân rộng.

3. Công tác thông tin tuyên truyền

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện các phóng sự, ký sự về công tác phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB để thực hiện.

- Tổ chức tuyên truyền đến tận tổ dân cư để mọi người biết, tham gia cùng chính quyền vận động các hộ chăn nuôi thực hiện hiệu quả quy định về phòng, chống dịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan thú y ngăn chặn không để dịch bệnh xảy ra tại khu phố, thôn, ấp làm ảnh hưởng đến lợi ích của người chăn nuôi và sinh họat của địa phương.

4. Công tác tiêm phòng

- Thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn về chuyên môn của Cục Thú y. Đặc biệt đối với các bệnh đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh phải đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng và tỷ lệ bảo hộ theo quy định.

- Cấp phát sổ hoặc phiếu tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi để quản lý, theo dõi để kiểm tra đối chiếu khi cần và có biện pháp xử lý thích hợp.

- Thực hiện việc giám sát, lấy mẫu kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau mỗi đợt tiêm phòng đối với các bệnh đăng ký an toàn để đánh giá công tác tiêm phòng hoặc lấy mẫu kiểm tra đột xuất xác định hiệu giá bảo hộ để có biện pháp khắc phục kịp thời.

- Vân động, khuyến khích các hộ chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin phòng dịch và hưởng ứng tích cực các đợt tiêm vắc xin phòng bệnh hàng năm trên địa bàn tỉnh.

5. Công tác kiểm dịch động vật và SPĐV

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch động vật xuất nhập tỉnh, đảm bảo kiểm sóat 100% gia súc, gia cầm đưa vào cơ sở giết mổ tập trung; kiểm soát 100% gia súc, gia cầm xuất nhập trại chăn nuôi.

- Kiểm soát triệt để động vật và sản phẩm động vật nhập vào tỉnh và đảm bảo 100% động vật và sản phẩm động vật nhập tỉnh phải xác định được nguồn gốc, xuất xứ.

6. Công tác kiểm tra vệ sinh thú y và giết mổ động vật

- Đẩy mạnh việc vận động, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung mới phù hợp quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Tất cả các gia súc, gia cầm giết mổ để kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải thực hiện tại các cơ sở giết mổ tập trung đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y.

- Đảm bảo kiểm soát được 100% gia súc, gia cầm giết mổ trong tỉnh.

- Đảm bảo 100% cơ sở giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

- Thường xuyên kiểm tra vệ sinh thú y đối với các trại chăn nuôi, quản lý chặt chẽ các cửa hàng thuốc thú y, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

7. Xử lý động vật mắc bệnh truyền nhiễm

Thực hiện việc tiêu hủy, giết hủy, giết mổ bắt buộc đối với gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y cho từng bệnh theo quy định của Pháp lệnh Thú y.

8. Công tác khai báo, giám sát dịch bệnh

- Thực hiện theo hướng dẫn tại Quy định số 01/QĐ-SNN-NN ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc khai báo, giám sát và báo cáo dịch bệnh.

- Riêng, báo cáo định kỳ về tình hình dịch bệnh, công tác tiêm phòng, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và công tác thú y khác có liên quan... theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

9. Công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh:

- Định kỳ tổ chức khảo sát, đánh giá về huyết thanh học, sự lưu hành của mầm bệnh đối với bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh và các bệnh khác theo hướng dẫn của Cục Thú y.

- Chủ động thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm được các bệnh theo phân cấp của ngành để cho kết quả nhanh, kịp thời và chính xác.

10. Tổ chức mạng lưới thú y cơ sở

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo mạng lưới thú y cơ sở đảm bảo đủ năng lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và nhu cầu phát triển của xã hội.

11. Công tác sơ, tổng kết đánh giá và phối hợp

- Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết đánh giá từng giai đoạn thực hiện dự án.

- Tổ chức học tập, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, thống nhất và phối hợp đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

VII. Kinh phí thực hiện dự án:

Tổng kinh phí thực hiện dự án là 8.782.890.000 đồng.

(Tám tỷ, bảy trăm tám mươi hai triệu, tám trăm chín mươi ngàn đồng). Trong đó:

a) Kinh phí mua sắm trang thiết bị: 580.000.000 đ.

b) Kinh phí xây dựng dự án:

- Báo cáo dự án dự thảo: 2.200.000 đ.

- Xử lý tổng hợp số liệu: 3.940.000 đ.

- Báo cáo dự án chính thức:  1.600.000 đ.

c) Kinh phí thực hiện dự án:

- Khảo sát, điều tra: 435.410.000 đ.

- Hội thảo, đăng xây dựng cơ sở, vùng ATDB: 33.000.000 đ.

- Tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng ATDB: 604.900.000 đ.

- Nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở: 88.950.000 đ.

- Củng cố hệ thống khai báo, giám sát dịch bệnh: 258.000.000 đ.

- Nâng cao hiệu quả TP-KD-KSGM-VSTY: 1.011.560.000 đ.

- Công tác chẩn đoán xét nghiệm: 5.060.630.000 đ.

- Chi phí thẩm định: 99.580.000 đ.

- Chi phí kiểm tra dự án: 348.480.000 đ.

- Công tác sơ, tổng kết, phối hợp: 24.640.000 đ.

- Chi phí phát sinh khác: 230.000.000 đ.

2. Phân kỳ kinh phí thực hiện dự án:

- Năm 2010: 368.400.000 đ.

- Năm 2011: 2.149.300.000 đ.

- Năm 2012: 1.455.590.000 đ.

- Năm 2013: 1.550.420.000 đ.

- Năm 2014: 1.551.680.000 đ.

- Năm 2015: 1.707.500.000 đ.

3. Nguồn kinh phí thực hiện dự án: sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh.

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thú y lập kế hoạch sử dụng kinh phí thực hiện dự án trình Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

VIII. Kinh phí khác hỗ trợ thực hiện dự án:

Kinh phí thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đối với các bệnh đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh và kinh phí thực hiên vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh hàng năm trên địa bàn tỉnh thực hiện theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Ra quyết định thành lập Ban Quản lý dự án.

b) Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn thực hiện dự án

c) Chủ trì phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả cao.

d) Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến trình thực hiện dự án.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

a) Tổ chức chỉ đạo thực hiện xây dựng vùng, cơ sở ATDB trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn chuyên môn của Chi cục Thú y tỉnh.

b) Chỉ đạo lập và phê duyệt kế hoạch phòng chống, dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng năm trên địa bàn quản lý.

c) Chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp cùng cơ quan thú y tổ chức mạng lưới thú y cơ sở phục vụ dự án.

3. Trách nhiệm của Chi cục Thú y:

a) Chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của các thông tin số liệu gửi kèm theo hồ sơ dự án.

b) Trực tiếp tổ chức thực hiện các nội dung của dự án nhằm đạt mục tiêu đề ra.

c) Giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và trại chăn nuôi trong việc lập hồ sơ xây dựng vùng, cơ sở ATDB và thực hiện các nội dung chuyên môn kỹ thuật thuộc thẩm quyền.

d) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc xây dựng và quản lý các hoạt động đối với vùng, cơ sở ATDB.

đ) Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện mỗi năm theo lộ trình của dự án.

e) Hàng năm xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và kế hoạch vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

f) Hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện dự án để có biện pháp khắc phục, bổ sung kịp thời nhằm đạt các mục tiêu đề ra và tổng kết đánh gía khi kết thúc Dự án.

g) Lập hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán kinh phí thực hiện dự án hàng năm theo đúng quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các ngành có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2193/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt dự án “Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật giai đoạn 2010 - 2015 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”

  • Số hiệu: 2193/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/09/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Ngọc Thới
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản