Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2187/2007/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 08 tháng 11 năm 2007.

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục;

Căn cứ Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 84/GD-ĐT ngày 22/10/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 10/CT-UB ngày 16/3/2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Kể

 

QUY ĐỊNH

VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2187/2007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Dạy thêm học thêm được đề cập trong Quy định này là hoạt động dạy học ngoài giờ học thuộc Kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, với nội dung dạy học trong phạm vi chương trình giáo dục phổ thông. Văn bản này quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện dạy thêm, học thêm.

2. Văn bản này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện dạy thêm, học thêm

1. Nội dung và phương pháp dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm sinh lý của người học; không gây nên tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Hoạt động dạy thêm có thu tiền chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm, trừ các trường hợp được miễn giấy phép dạy thêm tại Điều 9 của Quy định này.

3. Không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào.

4. Trong một tuần không được dạy thêm quá 3 buổi cho một học sinh, mỗi buổi không quá 3 tiết, mỗi lớp học không được quá 45 học sinh đối với bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở; không được dạy thêm quá 2 buổi, mỗi buổi không quá 3 tiết, mỗi lớp không quá 35 học sinh và không được dạy thêm vào buổi tối đối với bậc tiểu học. (một tiết theo quy định là 45555).

Điều 3. Các trường hợp không thực hiện dạy thêm, học thêm:

Các trường hợp không thực hiện dạy thêm, học thêm thực hiện theo Điều 3 Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như sau:

1. Đối với các trường dạy học 2 buổi trong một ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh; việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học
tại trường.

2. Không dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh, đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.

3. Cơ sở giáo dục đại học không tổ chức dạy thêm, học thêm chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là học sinh, học viên của cơ sở giáo dục đại học đó.

Chương II

DẠY THÊM HỌC THÊM TRONG NHÀ TRƯỜNG VÀ DẠY THÊM HỌC, THÊM NGOÀI NHÀ TRƯỜNG

Việc dạy thêm học, thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thực hiện theo Chương II Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/01/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như sau:

Điều 4. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

1. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục khác dạy chương trình giáo dục phổ thông thực hiện.

2. Dạy thêm học thêm trong nhà trường bao gồm: phụ đạo học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông cho học sinh lớp 9; ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cho học sinh lớp 12. Khi mở lớp dạy thêm, phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 5. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

1. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm do các tổ chức khác, ngoài các tổ chức nói tại Khoản 1 Điều 4 của Quy định này, hoặc cá nhân thực hiện.

2. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường bao gồm: bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi. Tổ chức, cá nhân đăng ký mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DẠY THÊM, HỌC THÊM

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã

1. Thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm hiệu lực của quy định về dạy thêm, học thêm; phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

2. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận ý kiến phản ánh về dạy thêm học thêm để quản lý.

3. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân thành phố quản lý việc dạy thêm, học thêm, cấp hoặc ký quyết định thu hồi giấy phép dạy thêm.

4. Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo giúp Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý việc dạy thêm, học thêm; kiểm tra các cơ sở dạy thêm; tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dạy thêm đối với trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép dạy thêm.

Điều 7. Trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở
giáo dục khác

Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục khác nói tại Khoản 1 Điều 4 của Quy định này chịu trách nhiệm:

1. Tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường, bảo đảm quyền lợi của người học; kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra các loại hình dạy thêm trong và ngoài nhà trường khi được yêu cầu. Thực hiện đúng tiến độ quy định của phân phối chương trình; không cắt xén chương trình, nội dung dạy học đã được quy định để dành cho dạy thêm, học thêm; việc dạy thêm chỉ nhằm củng cố, khắc sâu, nâng cao những kiến thức đã được học ở trong giờ chính khoá; Hiệu trưởng các trường tiểu học chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc tổ chức trông nom học sinh ngoài giờ học của giáo viên thuộc trường.

2. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm; định kỳ tổng kết và báo cáo tình hình dạy thêm học thêm theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm ngoài nhà trường

1. Thực hiện các quy định tại văn bản này và các quy định khác về hoạt động giáo dục. Chỉ thực hiện dạy thêm khi có giấy phép dạy thêm còn hiệu lực do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp; khi thay đổi quy mô, hình thức, nội dung dạy thêm phải bổ sung hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền xem xét cấp lại giấy phép dạy thêm.

2. Quản lý người học và tôn trọng quyền lợi của người học. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan cấp giấy phép dạy thêm. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm phải thông báo công khai cho người học biết trước ít nhất là 30 ngày tính đến ngày tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm, hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện.

3. Xuất trình giấy phép dạy thêm khi có yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục đào tạo.

Chương IV

THỦ TỤC VÀ TRÌNH TỰ CẤP GIẤY PHÉP DẠY THÊM

Điều 9. Các trường hợp được miễn giấy phép dạy thêm

1. Các lớp dạy thêm, học thêm được mở trong các trường phổ thông do Hiệu trưởng trường phổ thông, người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức, quản lý và chịu trách nhiệm với các cấp quản lý theo phân cấp;

2. Các lớp dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường phổ thông với quy mô dưới 5 học sinh được coi là hình thức kèm cặp, gia sư.

Điều 10. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép dạy thêm

1. Khi tổ chức dạy thêm hoặc có thay đổi về quy mô, hình thức, nội dung dạy thêm, tổ chức, cá nhân dạy thêm phải làm thủ tục cấp phép dạy thêm. Hồ sơ gồm:

a. Đơn đề nghị cấp giấy phép dạy thêm;

b. Danh sách trích ngang các giáo viên tham gia giảng dạy;

(Theo mẫu kèm theo)

c. Bản xác nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ của thủ trưởng nơi đang công tác đối với giáo viên đang công tác, hoặc bản xác nhận đủ tư cách đạo đức của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú đối với giáo viên đã nghỉ công tác.

d. Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn của người tham gia dạy thêm.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dạy thêm được gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện đối với việc dạy thêm chương trình trung học cơ sở, tiểu học; gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo đối với việc dạy thêm chương trình trung học phổ thông.

Điều 11. Thẩm quyền và trình tự cấp giấy phép dạy thêm

1. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã sau khi kiểm tra xem xét, chậm nhất là 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dạy thêm phải lập tờ trình đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép. Chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dạy thêm, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã phải trao giấy phép dạy thêm hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không được cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép dạy thêm.

2. Chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dạy thêm đối với chương trình trung học phổ thông và 5 ngày đối với tờ trình và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét và cấp giấy phép dạy thêm hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không được cấp giấy phép.

Điều 12. Thu hồi giấy phép dạy thêm

1. Các trường hợp thu hồi giấy phép dạy thêm:

a. Tổ chức, cá nhân dạy thêm nhưng không thực hiện đầy đủ quy định về dạy thêm.

b. Dạy thêm không đúng nội dung giấy phép được cấp.

2. Thẩm quyền thu hồi giấy phép dạy thêm: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thu hồi giấy phép dạy thêm.

Chương V

MỨC THU VÀ SỬ DỤNG TIỀN HỌC THÊM DO NGƯỜI HỌC ĐÓNG GÓP.

Điều 13. Mức thu tiền học thêm do người học đóng góp

Tuỳ theo đối tượng người học, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, căn cứ vào sự thoả thuận giữa người học và người dạy nhưng mức thu học phí của người học không quá 2.000 đồng/học sinh/1 tiết học đối với khu vực ngoại thành; không quá 3.000 đồng/học sinh/1 tiết học đối với khu vực nội thành. Ngoài ra không được thu thêm bất kỳ một khoản tiền nào khác.

Điều 14. Sử dụng tiền học thêm do người học đóng góp

1. Đối với dạy thêm trong nhà trường: Thủ trưởng các đơn vị giáo dục, trường học xây dựng phương án chi nguồn thu từ dạy thêm, học thêm theo tỷ lệ 70% kinh phí chi trực tiếp cho người dạy, 30% còn lại chi khấu hao cơ sở vật chất, điện, nước, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, quỹ phúc lợi của đơn vị. Việc thu, chi phải được thống nhất, công khai trong toàn hội đồng giáo dục, cơ sở giáo dục.

2. Đối với dạy thêm ngoài nhà trường: Hàng tháng tổ chức, cá nhân dạy thêm phải lập văn bản báo cáo cơ quan quản lý giáo dục về số lớp, số học sinh, tổng số học phí thu, sử dụng học phí trong tháng và trích nộp 15% tổng học phí thu được về cơ quan nơi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dạy thêm để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng.

Chương VI

THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm

Việc thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với dạy thêm, học thêm thực hiện theo Chương IV Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 01 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.