Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 218-CT

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHO LÀM THỬ VIỆC CHUYỂN HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG SANG KINH DOANH XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Xét đề nghị của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép Ngân hàng Nhà nước được làm thử ở một số tỉnh, thành phố việc chuyển hoạt động của Ngân hàng sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, để rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế kinh doanh Ngân hàng trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét, quyết định chính thức vào đầu năm 1988.

Nội dung đề án làm thử kèm theo Quyết định này.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc chọn nơi làm thử sau khi thoả thuận với chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

Điều 2. Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

ĐỀ ÁN

CHUYỂN HẲN HỆ THỐNG NGÂN HÀNG SANG HẠCH TOÁN KINH TẾ VÀ KINH DOANH XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

I. NỘI DUNG ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG.

Phương hướng đổi mới hoạt động Ngân hàng được xác định trong các Nghị quyết của Đảng:

- "Chuyển mạnh hoạt động của Ngân hàng sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa".

(Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá V).

- "Bên cạnh nhiệm vụ quản lý lưu thông tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cần xây đựng hệ thống Ngân hàng chuyên nghiệp kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế...".

(Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VI).

- "Kiện toàn Ngân hàng Nhà nước làm nhiệm vụ phát hành và quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng. Phát triển các Ngân hàng chuyên nghiệp là tổ chức kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng...".

(Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng,khoá VI)

Nội dung cơ bản về đổi mới cơ chế hoạt động Ngân hàng thể hiện như sau:

1. Hoàn thiện hoạt động của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là Ngân hàng phát hành duy nhất của Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, cơ quan dự trữ ngoại tệ, vàng bạc, kim khí quý, đá quý của Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước thống nhất ban hành và kiểm tra thực hiện các chính sách, chế độ tiền tệ, tín dụng, thanh toán (đối nội cũng như đối ngoại) trong cả nước. Ngân hàng Nhà nước thu hút tiền gửi của các Ngân hàng chuyên nghiệp và cho các Ngân hàng chuyên nghiệp vay trên cơ sở hoàn trả có thời hạn và có lãi.

Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp giao dịch với các đơn vị sản xuất - kinh doanh. Khách hàng của Ngân hàng Nhà nước là các Ngân hàng chuyên nghiệp hạch toán kinh tế độc lập.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước trực tiếp giải quyết các quan hệ vốn bằng tiền với Ngân sách Nhà nước phát sinh trong hoạt động kinh tế đối nội và đối ngoại của các ngành, các địa phương.

2. Thành lập các Ngân hàng chuyên nghiệp hạch toán kinh tế độc lập trên cơ sở các Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu và quận, huyện, thị xã hiện nay.

Các Ngân hàng chuyên nghiệp:

- Trực tiếp huy động vốn bằng tiền tạm thời nhàn rỗi trên địa bàn mình phụ trách để cùng với vốn tự có và vay vốn Ngân hàng Nhà nước cung ứng tín dụng cho các đơn vị sản xuất - kinh doanh trên cơ sở hoàn trả có thời hạn và có lãi.

- Cho vay ngắn hạn là chủ yếu và các nhu cầu vốn để sản xuất - kinh doanh của các đơn vị kinh tế. Tuỳ theo khả năng huy động vốn một cách vững chắc, có thể cho các đơn vị kinh tế vay trung hạn để dùng vào mục đích phát triển theo chiều sâu - để cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu trên cơ sở tận dụng tiềm năng tại chỗ. Trong hoạt động tín dụng phải tuân thủ nguyên tắc có hiệu quả và hoàn trả có thời hạn để bảo đảm hiệu quả kinh doanh của chính Ngân hàng và tác động tích cực đến việc củng cố hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa của các đơn vị kinh tế.

- Trực tiếp giao dịch với khách hàng của mình trong phạm vi số vốn có tại Ngân hàng; theo yêu cầu của khách hàng, Ngân hàng chi trả tiền mặt, hoặc thực hiện các dịch vụ chi trả khác bằng nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cùng địa phương hay khác địa phương.

- Qua việc hoàn thiện và phát triển hệ thống dịch vụ của mình phải thực sự trở thành người thủ quỹ của các xí nghiệp, tổ chức kinh tế, phải bảo đảm tín nhiệm để đơn vị kinh tế thực hiện việc luân chuyển vốn bằng tiền (tiền mặt cũng như chuyển khoản) hoàn toàn qua tài khoản ở Ngân hàng.

- Được góp cổ phần vào các cơ sở sản xuất - kinh doanh (đối với xí nghiệp sản xuất mặt hàng chủ lực của địa phương hoặc hàng xuất khẩu), phát hành cổ phiếu để thu hút thêm vốn, tham gia hùn vốn vào các tổ chức sản xuất - kinh doanh.

Hoạt động này được tiến hành căn cứ theo quy định của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và áp dụng trong toàn hệ thống Ngân hàng.

3. Tách hệ thống quỹ Ngân sách Nhà nước (kho bạc) khỏi hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng chuyên nghiệp. Tài khoản tiền gửi của các xí nghiệp, tổ chức kinh tế.

4. Ngân hàng chuyên nghiệp giao dịch với Ngân hàng Nhà nước chủ yếu và thường xuyên qua quan hệ vay vốn hoặc gửi vốn có hoàn trả và có lãi, căn cứ kế hoạch tín dụng của mình gửi Ngân hàng Nhà nước hàng quý, năm:

- Số vốn huy động vượt nhu cầu cho vay vốn được Ngân hàng chuyên nghiệp gửi vào tài khoản mở tại Ngân hàng Nhà nước.

- Huy động vốn không đủ để áp ứng nhu cầu cho vay vốn, Ngân hàng chuyên nghiệp xin vay Ngân hàng Nhà nước.

Trong kỳ kế hoạch nếu có nhu cầu sử dụng vốn vượt khả năng nguồn vốn đã được Ngân hàng Nhà nước cung ứng theo kế hoạch, Ngân hàng chuyên nghiệp đề nghị Ngân hàng nhà nước cho vay lại (tái chiết khấu) những khoản đã cho khách hàng vay có khế ước và thời hạn cụ thể. Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định mức và lãi suất chiết khấu cho từng Ngân hàng chuyên nghiệp.

Khả năng tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước tuỳ thuộc vào vốn dự trữ của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và mức tăng trưởng tiền gửi thực tế, so với kế hoạch của Ngân hàng chuyên nghiệp gửi tại Ngân hàng Nhà nước theo tỷ lệ cho phép (hệ số an toàn).

5. Vốn bằng tiền của Ngân hàng chuyên nghiệp để tại Ngân hàng Nhà nước (vốn gửi và vốn vay) được sử dụng không phân biệt đối xử tiền mặt hay chuyển khoản, miễn là rút tiền trong phạm vi được quyền sử dụng.

Giao dịch thanh toán (tiền mặt hay chuyển khoản) với các chi nhánh ngân hàng ngoài hệ thống (với các ngân hàng chuyên nghiệp khác) được thực hiện qua trung tâm thanh toán liên hàng của Ngân hàng Nhà nước. Kết quả giao dịch thu, trả hàng ngày với các đơn vị khác sẽ tăng thêm hoặc tiền vay của Ngân hàng chuyên nghiệp tại Ngân hàng Nhà nước.

6. Để đảm bảo khả năng chi trả của Ngân hàng chuyên nghịêp và để tuân thủ sự phù hợp giữa mức độ tăng trưởng tín dụng với mức độ phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá theo kế hoạch kinh tế quốc dân, Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ ký gửi vốn huy động của Ngân hàng chuyên nghiệp tại Ngân hàng Nhà nước. Khi xét thấy cần thiết Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định tỷ lệ ký gửi vốn tự có của Ngân hàng chuyên nghiệp tại Ngân hàng Nhà nước.

Số vốn ký gửi theo các tỷ lệ nêu trên sẽ giảm bớt nguồn vốn của Ngân hàng chuyên nghiệp khi cân đối với nhu cầu cho vay từng kỳ kế hoạch.

7. Khi cho vay vốn lưu động Ngân hàng chuyên nghiệp phải chú ý động viên cao nhất vốn tự có của đơn vị vay vốn. Vốn lưu động thường xuyên cần thiết cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị kinh tế phải được bảo đảm bằng vốn tự có mới thuộc diện vay vốn Ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thống nhất tỷ lệ cho vay vốn lưu động các đơn vị sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Ngân hàng chuyên nghiệp được quyền hướng dẫn những quy định nghiệp vụ cụ thể sát hợp với điều kiện hoạt động của mình.

8. Việc cho vay vốn cố định các đơn vị kinh tế cũng được đặt trên cơ sở động viên cao nhất vốn tự có của đơn vị vay vốn. Khi cho vay, trước mắt các Ngân hàng chuyên nghiệp phải tập trung vốn phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn là sản xuất chế biến lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước Việt nam ban hành thống nhất thể lệ cho vay vốn cố định các đơn vị sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Ngân hàng chuyên nghiệp được quyền hướng dẫn những quy định nghiệp vụ cụ thể sát hợp với điều kiện hoạt động của mình.

9. Ngân hàng chuyên nghiệp áp dụng biểu lãi suất tín dụng do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn trong hoạt động huy động vốn và cho vay các ngành và các thành phần kinh tế quốc dân. Việc thưởng, phạt bằng lãi suất khi cho vay do Ngân hàng chuyên nghiệp quy định trong khuôn khổ khung biểu lãi suất của Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Trong tín dụng vốn lưu động và vốn cố định, tuỳ trường hợp cần thiết Ngân hàng chuyên nghiệp sẽ áp dụng việc thế chấp tài sản.

10. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt chung cho nền kinh tế quốc dân, trong đó chủ yếu quy định các hình thức, phương thức thanh toán và các giấy tờ thanh toán áp dụng chung cho cả nước.

Các Ngân hàng chuyên nghiệp được quyền vận dụng linh hoạt thể lệ thanh toán (các hình thức thanh toán) cho phù hợp với hoạt động thực tế của mình.

11. Ngân hàng chuyên nghiệp có trách nhiệm gửi kế hoạch tín dụng, kế hoạch tiền mặt và kế hoạch tài vụ hàng quý, hàng năm đến Ngân hàng Nhà nước theo thời hạn quy định.

Ngân hàng chuyên nghiệp áp dụng thống nhất chế độ kế toán và tài vụ do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Hàng tháng, quý, năm các Ngân hàng chuyên nghiệp có trách nhiệm gửi bảng cân đối tài khoản kế toán, các báo biểu thống kê nghiệp vụ (bằng thư và điện) theo chế độ quy định đến Ngân hàng Nhà nước. Việc gửi báo cáo đều đặn đến Ngân hàng Nhà nước là luật bắt buộc phải thực hiện đối với các Ngân hàng chuyên nghiệp. Nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ tín dụng.

12. Ngân hàng chuyên nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, tự chịu trách nhiệm và kết quả kinh doanh của mình.

Ngân hàng chuyên nghiệp có nghĩa vụ trích nộp ngân sách (thuế vốn) về dư nợ cho vay các loại trong kỳ kế hoạch, trích lãi nộp ngân sách theo tỷ lệ do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

Chỉ tiêu pháp lệnh đối với các Ngân hàng chuyên nghiệp, cũng như đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng là các khoản nộp ngân sách Nhà nước (thuế, lợi nhuận).

Các chỉ tiêu hướng dẫn là chênh lệch thu chi tiền mặt (tiết kiệm tiền mặt so với kế hoạch), chỉ tiêu chất lượng tín dụng (vòng quay vốn, tỷ lệ - nợ quá hạn, mức độ vi phạm chính sách...).

13. Lợi nhuận ngân hàng (sau khi nộp thuế và trừ các khoản chi phí kinh doanh, quản lý) được phân bổ như sau:

- 25% lãi thực hiện trích lập quỹ dự trữ bù đắp các rủi ro trong hoạt động và bổ sung vốn lưu động ngân hàng (Nhà nước không cấp vốn pháp định cho hệ thống ngân hàng).

- 75% lãi thực hiện còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước một nửa, nửa còn lại được dùng để trích lập các quỹ phát triển nghiệp vụ, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi... Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước điều hoà các quỹ này giữa các Ngân hàng chuyên nghiệp để bổ sung cho những ngân hàng hoạt động trong điều kiện khó khăn ở biên giới, hải đảo, vùng còn chiến sự và bảo đảm trang bị các cơ sở vật chất - kỹ thuật sử dụng trong toàn ngành (vô tuyến viễn thông, thông tin tự động hoá...).

14. Tiền lương của hệ thống ngân hàng sau khi chuyển sang cơ chế hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa được từng bước thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) nhằm bảo đảm mức lương thực tế ngang mức lương tháng 10 năm 1985, sau khi đã tự cân đối, tính đủ đầu vào, đầu ra.

II. NỘI DUNG ĐỔI MỚI TỔ CHỨC NGÂN HÀNG.

1. Tổ chức lại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chức năng của ngân hàng phát hành và cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.

Hạch toán kinh tế và kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước như ngân hàng của các ngân hàng.

Đứng đầu Ngân hàng Nhà nước có Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước. Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước là thành viên của Hội đồng Bộ trưởng, thay mặt Nhà nước quản lý toàn bộ hệ thống ngân hàng trong cả nước.

Bỏ các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu; thành lập một số Ngân hàng Nhà nước khu vực (ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung) để thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác tiền tệ, tín dụng, ngân hàng và xử lý các quan hệ về tiền mặt, tín dụng, thanh toán giữa Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng chuyên nghiệp.

Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước sẽ được quy định trong Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Hoàn thiện và tổ chức các Ngân hàng chuyên nghiệp hiện có, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa:

a) Ngân hàng Ngoại thương Việt nam là ngân hàng cổ phần, hạch toán kinh tế (đầy đủ) toàn hệ thống, phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh về tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối ngoại.

- Ngân hàng Ngoại thương được phát hành cổ phiếu để huy động thêm vốn và được hùn vốn vào các tổ chức kinh doanh dịch vụ ngoại thương trong nước và ngoài nước. Khi có nhu cầu và được Hội đồng Bộ trưởng cho phép - Ngân hàng Ngoại thương được cử đại diện hoặc đặt đại lý giao dịch ở nước ngoài.

- Hệ thống Ngân hàng Ngoại thương gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt nam tại Hà nội, vừa chỉ đạo toàn bộ hệ thống vừa trực tiếp giao dịch với khách hàng ở Trung ương và Hà Nội(sáp nhập Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội vào Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam); Một số chi nhánh đặt tại các thành phố và cảng lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tầu. Đó là những đơn vị hạch toán kế toán đầy đủ nằm trong hệ thống hạch toán kinh tế của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

b) Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (thay tên Ngân hàng Đầu tư và xây dựng) kinh doanh về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và đầu tư phát triển nền kinh tế quốc dân bằng vốn Ngân sách Nhà nước cấp, vốn tự có của các đơn vị và vốn huy động được (kể cả vốn cổ phần và vốn huy động bằng ngoại tệ, vật tư kỹ thuật của kiều bào và tổ chức nước ngoài).

Ngân hàng Đầu tư và phát triển hạch toán kinh tế đầy đủ toàn hệ thống như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ngoài Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, vừa chỉ đạo toàn hệ thống vừa giao dịch trực tiếp với khách hàng ở Trung ương và Hà Nội (nhập chi nhánh Ngân hàng Đầu tư Hà nội vào Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam) còn có các chi nhánh hạch toán kế toán đầy đủ, đặt tại các khu vực kinh tế tập trung có nhiều công trình xây dựng cơ bản, hoặc tại các công trình xây dựng trọng điểm của Nhà nước.

Đứng đầu các Ngân hàng chuyên nghiệp nói trên có Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên nghiệp (ngang Tổng Cục trưởng trực thuộc Bộ), riêng Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương về đối ngoại có chức danh là" Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam".

3. Thành lập các Ngân hàng Nông Công Thương mới:

a) Ở mỗi tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thành lập một Ngân hàng chuyên nghiệp hạch toán kinh tế đầy đủ để kinh doanh về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc khu. Ngân hàng chuyên nghiệp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, có các chi nhánh hạch toán kế toán đầy đủ đặt tại các quận, huyện hoặc liên quận, huyện trong tỉnh, thành phố.

Ngân hàng Công Nông Thương (hoặc Công Nông Thương) tỉnh, thành phố, vừa chỉ đạo các chi nhánh ở các quận, huyện (liên quận, huyện), vừa trực tiếp giao dịch với khách hàng ở thành phố hoặc thị xã (không lập Ngân hàng Công Nông Thương ở Trung ương)

Trước mắt, sau khi bàn giao các hoạt động có tính chất quản lý Nhà nước cho Ngân hàng Nhà nước khu vực (phát hành, quỹ ngân sách.. . ) chuyển toàn bộ các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước quận, huyện hiện nay thành các chi nhánh của Ngân hàng chuyên nghiệp tỉnh, thành phố; ở các huyện gọi là Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp; ở các quận, thị xã gọi là Chi nhánh Ngân hàng Công Thương nghiệp. Dần dần sắp xếp lại các Chi nhánh Ngân hàng ở các quận, huyện thành chi nhánh chuyên ngành liên quận, huyện như Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng công nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng thương nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng cao su,v.v... tạo điều kiện cho các ngân hàng đi sâu phục vào chuyên ngành để phục vụ và kinh doanh tốt hơn.

b) Chuẩn bị điều kiện để sớm thành lập các ngân hàng phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng để cấp phát và đầu tư (dài hạn và ngắn hạn) cho các dự án phát triển ở các vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng này. Ngân hàng phát triển nông nghiệp được huy động vốn ngoại tệ của kiều bào và các tổ chức nước ngoài.

c) Sắp xếp lại tổ chức quỹ tiết kiệm trên nguyên tắc giao việc huy động vốn trong dân cư cho các Ngân hàng chuyên nghiệp; sáp nhập quỹ tiết kiệm tỉnh, thành phố vào Ngân hàng Nông Công Thương (hoặc Công Nông Thương) tỉnh, thành phố, đặc khu.

Các quỹ tiết kiệm ở tỉnh, thành phố và quận, huyện có mạng lưới bàn tiết kiệm và được hạch toán kế toán riêng nằm trong hệ thống hạch toán kinh tế của Ngân hàng chuyên nghiệp tỉnh, thành phố.

Mở rộng dịch vụ đại lý tiết kiệm ở các cơ quan bưu điện (đại lý cho Ngân hàng chuyên nghiệp tỉnh, thành phố).

ở Ngân hàng Trung ương lập Vụ nghiệp vụ tiết kiệm để giúp Tổng Giám đốc ngân hàng Nhà nước dự thảo các chính sách, chế độ quản lý Nhà nước về công tác quỹ tiết kiệm.

d) Củng cố và phát triển các hợp tác xã tín dụng. Là tổ chức tín dụng tập thể làm công tác tín dụng ở nông thôn, các hợp tác xã tín dụng tự trang trải chi phí và chịu sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về chính sách, thể lệ, chế độ nghiệp vụ Ngân hàng, được quan hệ gửi vốn và vay vốn với các Ngân hàng chuyên nghiệp.

đ) Thành lập các công ty kinh doanh vàng bạc tỉnh, thành phố, đặc khu hạch toán kinh tế, trực thuộc Giám đốc Ngân hàng chuyên nghiệp tỉnh, thành phố, đặc khu. Công ty kinh doanh vàng bạc tỉnh, thành phố mở các cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở các khu phố, thị xã, thị trấn, các cửa hàng này chỉ hạch toán kế toán.

Công ty kinh doanh vàng bạc Trung ương trực thuộc Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước hoạt động như một công ty cấp I, đồng thời giúp Tổng Giám đốc hướng dẫn nghiệp vụ kinh doanh vàng bạc cho các Công ty kinh doanh vàng bạc tỉnh, thành phố, đặc khu.

4. Cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ cụ thể của các Ngân hàng chuyên nghiệp do Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

5. Đổi mới công tác tổ chức và cán bộ:

- Sắp xếp, bố trí lại bộ máy tổ chức và cán bộ của Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng chuyên nghiệp theo hướng tinh, gọn ở cấp trên, tăng cường cán bộ có năng lực cho cơ sở, trước hết cho các đơn vị mới thành lập.

- Đổi mới công tác đào tạo trên cơ sở quy hoạch cán bộ dài hạn, bồi dưỡng tư duy và chế độ nghiệp vụ, theo hướng đổi mới công tác ngân hàng cho cán bộ ngân hàng, trước hết là cán bộ chủ chốt.

- Tổ chức viết lại các giáo trình, giáo án, tài liệu giảng dạy và sách giáo khoa về công tác ngân hàng theo quan điểm, tư duy mới. Trước mắt tổ chức học tập Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) cho các cán bộ chủ chốt trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 218-CT năm 1987 về cho làm thử việc chuyển hoạt động của Ngân hàng sang kinh doanh Xã hội chủ nghĩa do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 218-CT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/07/1987
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản