Hệ thống pháp luật
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 214/2006/QĐ-TTg
Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2006
 
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM “TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ”TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác trực thuộc Trung ương;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý'' tại thành phố Hà Nội (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án; hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án của thành phố Hà Nội.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
 
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
 cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;  
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng

 

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 214/2006/QĐ-TTg ngày 27  tháng 9  năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT PHẢI TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ VÀ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

1. Khái quát tình hình người nghiện ma tuý tại thành phố Hà Nội

Theo số liệu điều tra của các cơ quan chức năng thành phố số người nghiện ma tuý ở Hà Nội hàng năm vẫn tiếp tục tăng, cụ thể là:

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

Số người nghiện ma tuý

11.966

13.614

15.262

16.910

18.561

Tuy nhiên số liệu này còn thấp so với thực tế. Số người nghiện ước tính có khoảng 20.000 người.

Số người nghiện ma tuý là nam chiếm 96,96%, nữ 3,04% tập trung ở độ tuổi còn trẻ. Dưới 30 tuổi chiếm 46,50%; từ 30 đến dưới 40 tuổi chiếm 39,73%. Trình độ văn hoá mù chữ 1,5%; tiểu học 13,05%; trung học cơ sở 48,63%; trung học phổ thông 30,39%; cao đẳng 0,55%, trung học chuyên nghiệp 1,34%; đại học 1,66%. Số người không có nghề và không có việc làm chiếm 84%, số có tiền án 48%; tiền sự chiếm 49%; số người nhiễm HIV 27%.

Nghiện ma tuý là hiểm họa lớn đối với xã hội, gây tác hại cho sức khoẻ, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, hạnh phúc gia đình, hậu quả của nó rất nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của thành phố; do đó việc cai nghiện có hiệu quả là vấn đề cần phải quan tâm.

2. Thực trạng về tình hình cai nghiện của thành phố Hà Nội trong thời gian qua

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp mạnh cho công tác cai nghiện phục hồi.

Thành uỷ Hà Nội có chương trình 09-CTr/TU ngày 24 tháng 8 năm 2001 về giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc giai ®o¹n 2001 - 2005, trong đó có nội dung giải quyết tệ nạn ma tuý, mại dâm. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có Nghị quyết số 12/NQ-HĐ ngày 21 tháng 01 năm 1998 về tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, khẳng định: “tăng cường phòng, chống ma tuý và chữa trị cho người nghiện là nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân”. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch xây dựng các cơ sở cai nghiện ma tuý của Hà Nội từ năm 2001 đến năm 2010, do đó số người được cai nghiện đã không ngừng tăng qua các năm.

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

Số người được cai

1.036

2.220

3.935

5.733

7.313

Dự kiến đến 2010 Hà Nội cơ bản đưa hết số người nghiện vào cai nghiện tập trung.

Thời gian cai nghiện ở các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm) là 2 năm. Hiện nay thành phố có 6 Trung tâm đang cai nghiện cho trên 7.000 người. Các Trung tâm hiện có mới chỉ đáp ứng được 55% số người cần cai nghiện. Số lượng nhà xưởng và các trang thiết bị đầu tư cho các Trung tâm còn chưa đầy đủ. Hiện mới có một số doanh nghiệp đặt hàng gia công với các Trung tâm, bảo đảm được việc làm có thu nhập cho khoảng 1.800 người cai nghiện.

Công tác quản lý sau cai nghiện tuy có tiến bộ, người nghiện sau cai trở về cộng đồng được giao cho gia đình, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương quản lý, tư vấn, giúp đỡ học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Ngoài ra Thành phố còn thành lập trên 100 Câu lạc bộ sau cai thu hút trên 1.000 hội viên sinh hoạt thường xuyên đã góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện sau 1 năm từ 90% (năm 2000) xuống còn 70% (năm 2005). Tuy nhiên số người sau cai được giải quyết việc làm chỉ có 7%. Tỷ lệ tái nghiện sau 5 năm còn rất cao, chiếm tới trên 90%.

II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ

Kết quả cai nghiện ma tuý trong thời gian qua ở Hà Nội đạt được còn rất thấp do các nguyên nhân chủ yếu sau:

1. Thời gian người cai nghiện sống trong môi trường học tập, rèn luyện và không có ma tuý chưa đủ để họ hoàn toàn phục hồi. Vì vậy, thời gian cai nghiện ở Trung tâm như hiện nay là chưa bảo đảm điều kiện đầy đủ cho người cai nghiện tham gia các hoạt động cai nghiện, phục hồi, học tập, lao động và rèn luyện, có sự chuyển biến tích cực và bền vững để đoạn tuyệt với ma tuý.

2. Trong thời gian cai nghiện ở Trung tâm, số đông người cai nghiện được dạy nghề nhưng chủ yếu là nghề thủ công đơn giản, như: khâu bóng, xe hương, làm vàng mã... Các Trung tâm dạy một số nghề kỹ thuật như hàn, mộc, sửa chữa xe máy, vi tính nhưng chất lượng dạy nghề chưa bảo đảm, do đó khi trở về cộng đồng người sau cai nghiện khó tìm được việc làm.

3. Số người nghiện ma tuý chưa đi cai nghiện ở cộng đồng còn nhiều, người sau cai thường bị người nghiện ở cộng đồng lôi kéo. Cơ chế quản lý người sau cai nghiện còn lỏng lẻo, nặng về hình thức, hiệu quả thấp.

4. Tình trạng buôn bán ma tuý còn khá phổ biến ở nhiều địa bàn phường, xã với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Thực tế ở Hà Nội và ở nhiều địa phương khác cho thấy: nếu sau thời gian cai nghiện, người sau cai được tiếp tục quản lý chặt chẽ, được tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định, được sống trong môi trường trong sạch không có ma tuý thì tỷ lệ tái nghiện giảm rõ rệt.

Trước tình hình trên, ngoài việc thực hiện các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với bọn tội phạm ma tuý thì công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện phải có bước đột phá. Do đó, việc xây dựng và thực hiện Đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý ở Hà Nội là cần thiết.

III. CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 09 tháng 12 năm 2000.

2. Căn cứ Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

3. Căn cứ Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về việc quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục đích

Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý có nguy cơ tái nghiện cao bảo đảm để họ tiếp tục rèn luyện, học nghề, lao động sản xuất trong môi trường thích hợp chuẩn bị các điều kiện để tái hoà nhập cộng đồng vì lợi ích của chính họ, gia đình họ và lợi ích chung của cộng đồng.

2. Mục tiêu và chỉ tiêu

a) Mục tiêu

Hạ thấp tỷ lệ tái nghiện, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm trật tự an ninh, an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.

b) Chỉ tiêu

- Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho 1.500 người đã hết thời gian cai nghiện tại các Trung tâm.

- Tổ chức dạy văn hoá, xoá mù chữ hoặc tái mù chữ cho những người được đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm (sau đây gọi tắt là cơ sở).

- Dạy nghề cho 100% số người sau cai chưa có nghề được đưa vào các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.

- Giải quyết việc làm cho những người sau cai nghiện tham gia đề án quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm để đưa họ tái hoà nhập cộng đồng một cách vững chắc.

- Giảm tỷ lệ tái nghiện 20% so với tỷ lệ tái nghiện trước khi thực hiện Đề án.

II. NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN VÀO CƠ SỞ

1. Nguyên tắc

Việc đưa người hết hạn cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và người cai nghiện tự nguyện vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Vận động thuyết phục người sau cai nghiện tự nguyện tham gia là chính.

b) Đối với những người không tự nguyện tham gia, nhưng có khả năng tái nghiện cao nếu được đưa trở lại cộng đồng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm để tiếp tục quản lý, rèn luyện giúp họ thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma tuý trước khi trở về hoà nhập với cộng đồng.

c) Người sau cai nghiện được sinh hoạt, làm việc, học tập ở môi trường phù hợp nhưng không hoàn toàn cách biệt với cộng đồng xã hội.

d) Thực hiện quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện theo phương châm xã hội hoá (nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và gia đình người sau cai nghiện cùng tham gia).

2. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở

Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở là những đối tượng có đủ các điều kiện sau:

a) Điều kiện cần

Là người sau cai nghiện ma tuý thường trú ở Hà Nội, sức khoẻ từ loại 3 đến loại 1. Nam từ đủ 18 tuổi đến 60 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến 55 tuổi.

b) Điều kiện đủ

- Người đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng, chống ma tuý mà tự nguyện vào cơ sở.

- Người đã kết thúc thời gian cai nghiện ma tuý tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng, chống ma tuý tuy không tự nguyện tham gia nhưng có khả năng tái nghiện cao nếu đưa trở lại cộng đồng thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm từ lần thứ 2 trở lên.

+ Trong thời gian cai nghiện có hành vi vi phạm nội quy của Trung tâm bị thi hành kỷ luật từ 2 lần trở lên và từ mức cảnh cáo trở lên.

+ Không có cam kết của gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường về bảo đảm việc làm hoặc tiếp tục học tập khi trở về cộng đồng.

3. Thủ tục đưa người sau cai nghiện vào cơ sở

Việc lập hồ sơ xét duyệt, quyết định đưa người sau cai nghiện vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa người vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý.

4. Thời gian áp dụng

a) Thời gian áp dụng biện pháp quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện được thực hiện từ khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đến tháng 8 năm 2008. Trường hợp Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai mô hình này thì thời hạn là 2 năm (áp dụng 3 năm đối với những người không chịu rèn luyện, vi phạm nội quy bị kỷ luật 2 lần trên mức cảnh cáo).

b) Nếu người sau cai nghiện có nguyện vọng làm việc ổn định lâu dài tại cơ sở sẽ được xem xét cho từng trường hợp cụ thể do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định.

III. CÁC MÔ HÌNH QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ

1. Cơ sở chuyên quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý

a) Nội dung

Những người sau cai nghiện ma tuý tham gia Đề án được bố trí ăn, ở, sinh hoạt, học nghề và làm việc trong phạm vi quản lý của cơ sở hoặc tham gia một số đội lao động cơ động đi làm việc tại các nhà máy, công trường. Các đội này được biên chế từ 10 đến 50 người dưới sự quản lý của đội trưởng, đội phó là cán bộ của cơ sở. Những người tham gia các đội làm việc cơ động là những người có tiến bộ, có ý thức tổ chức kỷ luật và có sức khoẻ tốt. Các cơ sở thực hiện theo mô hình này đều có bộ máy quản lý riêng hoàn toàn độc lập với các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

b) Đánh giá tính khả thi

Sau khi thực hiện mô hình thí điểm ở các cơ sở này về các điều kiện cần thiết để tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, tổ chức đánh giá, xây dựng hoàn chỉnh mô hình các trung tâm đáp ứng yêu cầu của thành phố về quản lý, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

2. Mô hình làm việc tại các cơ sở sản xuất của gia đình người sau cai nghiện và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế

a) Nội dung

Một số gia đình, họ hàng người sau cai nghiện có cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thể tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc hoặc tiếp nhận sau khi mở rộng quy mô sản xuất. Người sau cai nghiện có điều kiện hoà mình với những người lao động chân chính, xoá đi những mặc cảm, tạo niềm tin, phấn đấu vươn lên làm chủ bản thân, ổn định cuộc sống hoà nhập với cộng đồng.

b) Đánh giá tính khả thi

Mô hình này chưa có khả năng giải quyết được nhiều việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, song nếu tích cực khai thác thì cũng có thể giải quyết được việc làm cho một số người sau cai nghiện, vì vậy đây là mô hình cần được khuyến khích.

IV. TỔ CHỨC DẠY VĂN  HOÁ, DẠY NGHỀ CHO NGƯỜI SAU CAI

1. Dạy văn hoá

Số người cai nghiện ở các Trung tâm không biết chữ, tái mù chữ hoặc có trình độ văn hóa cấp tiểu học, trong thời gian cai nghiện cũng như sau cai nghiện sẽ được các Trung tâm phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên của địa phương tổ chức các khoá bổ túc văn hoá để xoá mù chữ và phổ cập trung học cơ sở theo chủ trương của thành phố.

2. Dạy nghề

Ngoài số học viên đã được học nghề, được cấp chứng chỉ nghề trong giai đoạn cai nghiện bắt buộc; các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện phối hợp với các trường dạy nghề của thành phố tổ chức đào tạo nghề, theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bảo đảm học viên có tay nghề để có thể làm việc tại các Trung tâm và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Dự kiến chỉ tiêu dạy nghề từ năm 2006 đến năm 2008 của Hà Nội như sau:

                                                             

STT

Tên nghề đào tạo

Đào tạo

Số lượng đào tạo từng năm

Cộng

2006 có

6 T.Tâm

2007 có

9 T.Tâm

2008 có 10 T.Tâm

1

May công nghiệp

6 tháng

100

150

120

370

2

Mộc dân dụng

6 tháng

100

100

100

300

3

Sửa chữa xe máy

6 tháng

100

100

80

280

4

Hàn điện + Cơ khí

12 tháng

100

100

100

300

5

 Kỹ thuật viên tin học

6 tháng

50

50

50

150

 

Tổng cộng

 

450

500

450

1.400

V. CÔNG TÁC VĂN NGHỆ, THỂ DỤC, THỂ THAO:

Các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý phải bố trí địa điểm, sân, bãi và các phương tiện, dụng cụ để người sau cai luyện tập, sinh hoạt, tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ, thi đấu thể dục, thể thao. Tạo điều kiện thuận lợi để họ được hưởng thụ đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh trong thời gian tham gia Đề án.

VI. CÔNG TÁC Y TẾ VÀ PHÒNG, CHỐNG LÂY NHIỄM HIV/AIDS

Những người sau cai nghiện tham gia Đề án thuộc nhóm người có nguy cơ cao về các bệnh truyền nhiễm như: viêm gan B, viêm gan C, lao và HIV. Trong điều kiện sống tập thể cùng sinh hoạt và làm việc nên rất dễ bị lây nhiễm. Vì vậy, cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý phải thực hiện tuyên truyền, giáo dục và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thường xuyên theo quy định của ngành y tế. Những trường hợp nghi ngờ đều phải làm xét nghiệm, nếu phát hiện bệnh thì thực hiện theo phác đồ điều trị của ngành y tế, không để lây nhiễm sang người khác. Đối với những người bị AIDS giai đoạn cuối, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được chuyển đến Trung tâm chuyên điều trị AIDS của thành phố để điều trị lâu dài.

VII. QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ

1. Quyền lợi của người sau cai nghiện

a) Đối với những người được tuyển dụng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các Trung tâm.

Được bảo đảm quyền lợi như các trường hợp tuyển dụng bình thường khác theo quy chế tuyển dụng lao động của Ủy ban nhân dân thành phố Hµ Néi.

b) Đối với các trường hợp đưa vào cơ sở quản lý sau cai nghiện được hưởng các quyền lợi sau:

- Diện tích bình quân chỗ ở của 1 người là 3,5 m2.

- Trong phòng ở   ®ược trang bị đủ quạt chống nóng, ti vi, tủ đựng tư trang có khoá.

- Được cấp 2 bộ quần áo bảo hộ lao động.

- Được ký kết hợp đồng lao động trả lương, trả thưởng, chăm sóc sức khoẻ, được cấp thuốc chữa bệnh thông thường, được bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Được lập sổ tiết kiệm (nếu có tiền gửi và được nhận lại đầy đủ khi không còn làm việc ở cơ sở).

- Được xem xét đề bạt, bổ nhiệm vào các chức danh quản lý của cơ sở (nếu đủ tư cách và năng lực).

- Được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao do cơ sở doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tiếp nhận người sau cai nghiện ma tuý làm việc tổ chức.

- Được tiếp thân nhân ngoài giờ học tập, lao động; vợ hoặc chồng đến thăm được phép nghỉ lại qua đêm theo quy định của cơ sở.

- Được thưởng phép nếu có thành tích trong học tập và lao động theo quy định của cơ sở.

Trong thời gian thực hiện thí điểm Đề án nếu thu nhập của người tham gia Đề án không bảo đảm đủ mức sinh hoạt bình thường thì Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và gia đình người sau cai nghiện ma tuý cùng hỗ trợ (thành phố hỗ trợ 50%, cá nhân hoặc gia đình người sau cai nghiện đóng góp 50% kinh phí sinh hoạt).

Đối với con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh thật sự khó khăn có xác nhận của Ủy ban nhõn dõn cấp xó nơi người đó cư trú, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ tiền học nghề và tiền sinh hoạt phí.

Đối với người ốm đau, người nhiễm HIV/AIDS có xác nhận của cơ sở Y tế cấp huyện không còn đủ sức khoẻ để lao động thì Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ tiền sinh hoạt phí.

2. Nghĩa vụ của người sau cai nghiện và gia đình người sau cai nghiện

a) Đóng góp tiền học nghề và sinh hoạt phí theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

b) Chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, nội quy học tập, lao động và sinh hoạt của cơ sở.

c) Tích cực học tập, rèn luyện tham gia phong trào văn thể và các hoạt động xã hội khác của cơ sở.

d) Tích cực tham gia lao động sản xuất, hoàn thành định mức lao động, khối lượng, chất lượng công việc được giao.

đ) Tích cực tham gia công tác tuyên truyền, đấu tranh với các tệ nạn xã hội; phát hiện và tố giác các hành vi tiêu cực của cán bộ và người sau cai nghiện ma tuý.

VIII. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

1. Người sau cai nghiện ma tuý, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy chế và các nội quy của đơn vị, lập thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, lao động, chống tiêu cực tuỳ theo thành tích sẽ được Giám đốc cơ sở xét khen thưởng theo các mức sau:

a) Thưởng phép về thăm gia đình (tối đa 12 ngày/năm).

b) Thưởng tiền hoặc hiện vật.

c) Đề nghị cấp trên tặng giấy khen, bằng khen hoặc các hình thức khen thưởng phù hợp khác.

2. Người sau cai nghiện nếu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm các quy định của đơn vị thì tuỳ theo mức độ sẽ bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau:

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Chuyển làm việc khác có mức lương thấp hơn.

d) Cách chức (nếu đang đảm nhận chức danh quản lý).

3. Trường hợp người sau cai nghiện tự ý rời bỏ cơ sở hoặc qúa thời hạn đi phép thì Giám đốc cơ sở quản lý thông báo về gia đình, chính quyền địa phương, công an địa phương nơi người đó cư trú để vận động trở lại cơ sở, nếu không tự giác trở lại hoặc bỏ trốn thì công an cấp xã nơi người sau cai nghiện cư trú áp dụng biện pháp truy tìm buộc trở lại cơ sở.

4. Trong trường hợp người sau cai nghiện ma tuý bị phát hiện nghiện ma tuý trở lại nếu đã qúa 2 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh thì tiến hành các thủ tục theo quy định                của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ để đưa họ vào cơ sở chữa bệnh.

5. Trường hợp người sau cai nghiện ma tuý vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Phần thứ ba

CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. CÁC GIẢI PHÁP

1. Vốn đầu tư cho hoạt động dạy văn hoá, dạy nghề, giải quyết việc làm và các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao

a) Dạy văn hoá

Các cơ sở phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên của cấp huyện nơi cơ sở trú đóng tổ chức các lớp học văn hoá xoá mù chữ và phổ cập trung học cơ sở cho người sau cai nghiện. Kinh phí được trích từ kinh phí chương trình giáo dục phổ cập quốc gia của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

b) Dạy nghề

- Các cơ sở liên kết với các trường dạy nghề chuyên nghiệp bằng các hợp đồng đào tạo giữa 2 bên.

- Gia đình người sau cai nghiện ma tuý đóng góp kinh phí học nghề hoặc được hỗ trợ, miễn, giảm theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

c) Giải quyết việc làm

- Vận động gia đình người sau cai nghiện cho vay vốn không lãi suất để cơ sở tổ chức sản xuất.

- Các cơ sở tham gia Đề án lập phương án tổ chức sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm bằng nguồn vốn tự có và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Vận động các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư nhà xưởng, thiết bị, đặt hàng gia công để tạo việc làm cho cơ sở.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư bổ sung thêm cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để cơ sở tổ chức sản xuất, tạo việc làm.

d) Kinh phí chi cho hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao:

Được trích từ phần thu nhập của người sau cai nghiện ma tuý tham gia Đề án theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

2. Chính sách ưu đãi đầu tư

Đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đầu tư sản xuất vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý hoặc tiếp nhận người sau cai nghiện ma tuý vào học nghề, làm việc tại doanh nghiệp được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Về tổ chức và cán bộ

a) Tổ chức bộ máy

- Kiện toàn bộ máy tổ chức của các cơ sở để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý.

- Biên chế của các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm                 cho người sau cai nghiện ma túy được vận dụng theo hướng dẫn tại Thông tư liên bộ số 05/2002/TTLB/LĐTBXH-BTCCBCP ngày 06 tháng 02 năm 2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ).

b) Công tác cán bộ

Cán bộ trực tiếp quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý được tuyển chọn từ:

- Đội ngũ cán bộ hiện có của các Trung tâm.

- Cán bộ Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị xã hội khác.

- Sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học có nghề nghiệp phù hợp.

- Bộ đội, Công an xuất ngũ, chuyển ngành có phẩm chất tốt.

c) Chính sách, chế độ đối với cán bộ trực tiếp quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý.

Cán bộ làm việc tại các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện được hưởng các chế độ trợ cấp, phụ cấp như cán bộ viên chức làm việc tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

4. Quản lý an ninh trật tự tại các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện

a) Việc quản lý an ninh trật tự tại các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện được thực hiện theo quy chế của cơ sở.

b) Đối với các đơn vị kinh tế có tiếp nhận người sau cai nghiện ma tuý vào làm việc được Công an thành phố Hà Nội giúp đỡ xây dựng phương án bảo vệ để phòng, chống thẩm lậu ma tuý, sử dụng trái phép chất ma tuý; được tăng cường trang bị phương tiện phù hợp với điều kiện quản lý người sau cai nghiện ma tuý. Công an địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trú đóng trên địa bàn để giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự.

5. Thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý

Các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng làm thất thoát kinh phí của Nhà nước và của nhân dân.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án

Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người sau cai nghiện ma tuý nhằm tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng, tham gia của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.

b) Chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp huy động lực lượng và tiềm năng của thành phố để thực hiện có hiệu quả Đề án quản lý,dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

c) Theo dõi, tổng hợp, nắm tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả của Đề án.

d) Chỉ đạo và phân công trách nhiệm phối hợp của các ngành, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Đề án.

2. Thời gian và tiến độ thực hiện Đề án

a) Năm 2006, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất cho công tác dạy nghề và tổ chức sản xuất; ổn định bộ máy tổ chức, cán bộ cho cơ sở quản lý,dạy nghề và giải quyết việc làm.

b) Đề án này được thực hiện trong thời gian Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội cho phép. Hàng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổng kết việc thực hiện Đề án, báo cáo Chính phủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án ''Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý'' tại thành phố Hà Nội nhằm chủ động tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái nghiện ma tuý, giảm người nghiện ma tuý mới, giảm tội phạm ma tuý, giảm các tệ nạn xã hội và tội phạm khác góp phần làm trong sạch môi trường xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội./.

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 214/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại thành phố Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 214/2006/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/09/2006
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trương Vĩnh Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 15 đến số 16
  • Ngày hiệu lực: 25/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản