Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2131/QĐ-UB-QLĐT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 4 năm 1999 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG QUẬN 7 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Quyết định phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998) ;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28 tháng 12 năm 1993 của Bộ Xây dựng ban hành quy định về việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị ;
Căn cứ ý kiến của Ủy ban nhân dân quận 7 (công văn số 255/TB-UB ngày 06 tháng 11 năm 1998) ;
Theo đề nghị của Kiến trúc sư Trưởng thành phố (tờ trình số 3642/KTST-QH ngày 01 tháng 4 năm 1999) ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt định hướng chủ yếu của đồ án quy chung quận 7, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 với nội dung chính sau đây :
1. Vị trí, tính chất, chức năng :
Quận 7 ở vị trí cửa ngõ phía Nam thành phố, giáp với quận 4, quận 8, Bình Chánh và Nhà Bè ; có khu trung tâm đô thị quy mô lớn tại khu A-Nam Sàigòn và lợi thế giao thông đường bộ, đường thủy với đường Bình Thuận, Liên tỉnh lộ 15, sông Sàigòn, sông Nhà Bè bao bọc phía Đông-cầu nối cho phát triển của thành phố ra biển Đông, thuận lợi bố trí dân cư và phát triển kinh tế-xã hội của quận ;
Cơ cấu kinh tế chủ yếu trong tương lai của quận là thương mại, dịch vụ- công nghiệp-cảng.
2. Quy mô dân số :
- Hiện trạng (năm 1997) : 98.380 người ;
- Quy hoạch đợt đầu (năm 2005) : 150.000 - 170.000 người ; dài hạn (năm 2020) : 300.000 - 350.000 người ;
- Dự kiến khách vãng lai (vào năm 2020) khoảng 250.000 người.
3- Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và phân bố sử dụng đất toàn quận (năm 2020) :
3.1- Chỉ tiêu đất dân dụng : 55 - 60m2/người, trong đó bao gồm đất khu ở, đất công trình phúc lợi công cộng, công viên-cây xanh công cộng-thể dục thể thao phục vụ trực tiếp, đất đường sá-chỗ đậu xe ;
3.2- Tầng cao xây dựng trung bình : 3 tầng
3.3- Mật độ xây dựng bình quân trong khu ở : 30%
3.4- Chỉ tiêu kỹ thuật đô thị : cấp nước sinh hoạt 200 lít/người/ngđ, cấp điện sinh hoạt 3.000kwh/người/năm, thoát nước bẩn 200 lít/người/ngđ, rác thải 1-1,5kg/người/ngày ;
3.5- Phân bố sử dụng đất chung của quận (năm 2020) gồm :
- Đất xây dựng khu ở (hiện hữu cải tạo và xây dựng mới) : 1.190 ha
- Đất công trình công cộng (cấp thành phố và quận) : 150 ha
- Đất cây xanh, công viên công cộng : 190 ha
- Đất giao thông (đường sá, bãi đậu xe, ga đường sắt,
nút giao thông...) : 480 ha
- Đất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, kho bãi : 580 ha
- Đất công trình đầu mối và hành lang kỹ thuật hạ tầng : 28 ha
- Đất quân sự : 13 ha
- Đất sông rạch (quy hoạch giữ lại) : 850 ha
- Đất cây xanh cách ly và các loại khác : 95 ha
---------------
Tổng cộng : 3.576 ha
4- Định hướng phát triển không gian và phân khu chức năng :
4.1- Hướng bố cục không gian :
Quận 7 là địa bàn thuộc phía Bắc huyện Nhà Bè trước đây, có đặc thù đô thị hóa phát triển nhanh ; với trung tâm đô thị mới khu A-Nam Sàigòn, các trục giao thông quan trọng như đường Bình Thuận, tỉnh lộ 15, sông Sàigòn, sông Nhà Bè đi qua là khung chính để tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan của quận ;
- Khu vực phường Tân Phú với khu A-Nam Sàigòn chiếm phần lớn là nơi tập trung xây dựng nhiều công trình cao tầng, hiện đại, mật độ xây dựng tương đối cao ;
- Các khu vực kế cận khu A, như Phú Mỹ, Tân Phong... chiều cao công trình và mật độ xây dựng giảm dần, nhất là về phía Đông Nam và Nam của quận ;
4.2- Các khu chức năng chính :
a) Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp, cảng và kho tàng :
- Khu chế xuất Tân Thuận, nằm phía Đông Bắc của quận, diện tích 300 ha, là công nghiệp sạch, chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu ;
- Khu công nghiệp Phú Mỹ (nay thuộc Phú Thuận), nằm phía Đông của quận giáp sông Nhà Bè, diện tích 150 ha.
- Khu công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, kho bãi Tân Thuận Đông, nằm kế cận phía Nam khu chế xuất Tân Thuận, trên cơ sở cải tạo một số nhà máy cũ và xây dựng mới, diện tích 60 ha.
- Cảng và kho tàng tập trung tại khu vực cảng Tân Thuận, Bến Nghé và cảng container phía Bắc của quận (kế bên khu chế xuất Tân Thuận), diện tích khoảng 60 ha ;
Ngoài ra, còn có một số bến bãi khác, diện tích 10 ha.
b) Các khu dân cư :
Toàn quận chia thành 4 khu dân cư, được bố trí như sau :
Khu 1 : Vị trí nằm ở phía Tây Bắc của quận, gồm các phường Tân Hưng, Tân Quy, Tân Kiểng, một phần phường Tân Thuận Tây và Bình Thuận ; Là khu vực có nhiều dân cư hiện hữu, giải pháp chính là cải tạo, chỉnh trang, xây chen các dự án có quy mô vừa và nhỏ ; diện tích tự nhiên 584 ha, số dân dự trù khoảng 85.000 người, mật độ xây dựng bình quân trong khu ở 37%, công trình phúc lợi công cộng lớn có trường phổ thông trung học và các công trình công cộng khác.
Khu 2 : Vị trí nằm phía Bắc của quận, gồm một phần các phường Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông, Bình Thuận, Tân Phú và Phú Thuận ; Là khu vực có nhiều dân cư hiện hữu, giải pháp chính là cải tạo các khu vực dọc tỉnh lộ 15 và thực hiện các dự án mới trên đường Bình Thuận theo dạng tổ hợp từng nhóm công trình cao và thấp tầng. Diện tích tự nhiên 255 ha, số dân dự trù khoảng 40.000 người, mật độ xây dựng bình quân trong khu ở 35%, công trình phúc lợi công cộng lớn có trường phổ thông trung học, bệnh viện, trung tâm hành chánh quận, các công trình công cộng khác...
Khu 3 : Vị trí nằm phía Tây Nam của quận gồm phường Tân Phú và Tân Phong gồm khu A-Nam Sàigòn và khu đại học phía Đông (dự kiến), đây là khu xây dựng mới, kiến trúc cao tầng, hiện đại ; diện tích tự nhiên 692 ha, số dân dự trù khoảng 140.000 người, mật độ xây dựng bình quân trong khu ở 32%, công trình phúc lợi công cộng lớn có trường phổ thông trung học, bệnh viện, các công trình công cộng khác...
Khu 4 : Vị trí nằm phía Nam của quận, gồm các phường Phú Thuận và Phú Mỹ ; diện tích tự nhiên 1.342 ha, số dân dự trù khoảng 55.000 người, mật độ xây dựng bình quân trong khu ở 23%, công trình phúc lợi công cộng lớn có trường phổ thông trung học, các công trình công cộng khác...
c) Trung tâm quận và công trình công cộng :
- Trung tâm quận bố trí mới tại phường Bình Thuận, diện tích 22,34 ha. Ở đây, tập trung các công trình công cộng cấp quận về hành chánh, y tế, giáo dục, văn hóa-thể dục thể thao...
- Các công trình khác như trường phổ thông trung học, trung tâm đào tạo việc làm, khu du lịch Hương Tràm... được bố trí ở các khu khác trên địa bàn quận ;
- Trung tâm dịch vụ - thương mại cấp thành phố bố trí trong khu A-Nam Sàigòn thuộc phường Tân Phú ;
- Mỗi cụm dân cư liên phường và từng phường bố trí các công trình phục vụ công cộng theo cấp gồm : giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dịch vụ thương mại-chợ, đáp ứng nhu cầu theo qui mô số dân .
d) Công viên-cây xanh công cộng :
Quận 7 với điều kiện tự nhiện thuận lợi nhiều sông rạch, bố trí một số công viên tại mũi đèn đỏ phường Phú Thuận (50 ha), khu du lịch Hương Tràm phường Bình Thuận (20 ha), công viên trước Ủy ban nhân dân quận hiện tại (25 ha), công viên “Ánh trăng” (trong khu A-Nam Sàigòn) ;
Ngoài ra, dọc sông Sàigòn, Nhà Bè, rạch Đỉa, rạch Rơi, sông Phú Xuân... bố trí nhiều mảng xanh ; các hành lang xanh nối vào các khu dân cư, các trung tâm công cộng.
4.3- Hình thái kiến trúc khu ở :
Các công trình cao tầng, hiện đại ở quận 7 chủ yếu tập trung tại khu A (phường Tân Phú) và dọc theo đường Bình Thuận ;
Nhà ở liên kế có vườn, thấp tầng chiếm hầu hết trong các phường phía Bắc, phía Nam của quận gắn kết với sông rạch giữ lại các mảng cây xanh tạo nên kiến trúc cảnh quan đặc thù của quận.
5- Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật :
5.1 Giao thông :
Tổ chức giao thông của quận 7 dựa trên các trục chính là trục đường Bình Thuận (vào khu chế xuất Tân Thuận và qua Cát Lái-quận 2) lộ số 1, tỉnh lộ 15, đường Vĩnh Phước và đường dự kiến mở nối cảng Bình Thung với cảng Cây Khô (Nhà Bè)...
Trên cơ sở các trục đường hiện có, phát triển thêm các đường mới theo hướng Đông-Tây, Nam-Bắc, gồm đường khu vực (lộ giới từ 30-40 m), đường khu nhà ở (lộ giới từ 20m - 25m) ;
Xây dựng các nút giao nhau khác cốt tại các ngã tư giữa đường Vĩnh Phước, tỉnh lộ 15 với đường Bình Thuận, nút khu A và đầu cầu Tân Thuận ;
Bãi đậu xe lớn của thành phố và quận bố trí tại khu A, khu chế xuất Tân Thuận và khu công nghiệp Phú Mỹ.
Trên sông Sàigòn, Nhà Bè và các sông rạch lớn khác, củng cố, đầu tư chiều sâu các cảng biển, cảng sông hiện tại ; xây dựng mới cảng nhỏ ở khu công nghiệp Phú Mỹ trên sông Nhà Bè và các cảng vận tải nội địa khác ;
Trong tương lai, xây dựng tuyến đường sắt nội đô nối quận 7 với các quận khác trong thành phố, chủ yếu trên hành lang khống chế các tuyến đường chính ;
5.2- Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác :
a) Cấp thoát nước :
- Nguồn cấp nước sạch từ hệ thống chung thành phố bằng ống Æ800 hiện hữu và Æ 1.500 sẽ đặt qua sông Sàigòn, với công suất yêu cầu toàn quận là 126.000m3/ngày đêm năm 2020 ;
- Xây dựng hệ thống thoát nước bẩn riêng. Nước thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện đều phải xử lý cục bộ trước khi thoát vào cống chung ; nước và rác thải được tập trung đưa về nhà máy xử lý của thành phố ở phía Nam ;
- Thoát nước mưa tổ chức cho thoát tự nhiên ra sông, kênh rạch kết hợp tạo lập hồ điều tiết nước ; xây dựng kênh hở hoặc cống có nắp đan ; một số xây dựng cống hộp hoặc cống bêtông cốt thép trong khu dân cư đô thị mới ; Cao độ xây dựng được chọn trung bình trên 2 m (hệ Mũi Nai) ;
b) Cấp điện :
Nguồn cấp điện từ mạng lưới chung quốc gia tại trạm biến thế Nhà Bè 220/110 KV (công suất 3 x 250 MVA) ; dự kiến có 5 trạm biến thế 110/22 KV (2 trạm cho khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Phú Mỹ và dân cư ; hai trạm cho khu A và một trạm cấp cho khu dân dụng khác) với nhu cầu phụ tải 426 MW ;
Tuyến cấp điện dự kiến trong khu A - Nam Sàigòn và khu trung tâm công cộng đi ngầm ; một số khu khác giải quyết xen một phần đi nổi.
6- Quy hoạch xây dựng đợt đầu (năm 2005) :
6.1- Phương hướng chung :
Từ nay đến năm 2005, quận 7 còn tồn tại đất sản xuất nông nghiệp khoảng 300 ha, cần có kế hoạch duy trì sản xuất để ổn định đời sống dân cư, đồng thời có bước chuyển hướng thích hợp sang dịch vụ đô thị-công nghiệp ;
Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị thiết yếu (giao thông, thoát nước, cấp điện) và các công trình phúc lợi công cộng để tạo đà thuận lợi cho phát triển và đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân.
6.2- Các chương trình và dự án đầu tư :
a) Công nghiệp :
- Xây dựng cụm công nghiệp đợt 1 (30 ha) tại khu công nghiệp Phú Mỹ (nay thuộc phường Phú Thuận) ;
- Xây dựng tạm cảng rạch Ông Lớn để di dời các bến bãi dọc đường Trần Xuân Soạn (kênh Tẻ) qui mô 20 ha ;
- Cải tạo khu công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp hiện hữu Tân Thuận Đông (30 ha), trong đó có kế hoạch sớm di dời các nhà máy gây ô nhiễm như nhà máy thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu, cơ khí Việt Thành, cơ khí Đồng Tâm... về khu công nghiệp Hiệp Phước.
- Triển khai xây dựng 10 ha trong khu tiểu thủ công nghiệp Tân Thuận Đông của quận (30 ha).
b) Các khu dân cư :
Xây dựng mới và cải tạo một số khu dân cư : Tân Mỹ (8,3 ha cho khoảng 1.200 người) khu định cư số 1 (20 ha cho 3.500 người) của Công ty Nam Sàigòn, Tân Phong (20 ha cho 3.500 người) và Tân Thuận Tây (10 ha cho 2.500 người) của Công ty đầu tư xây dựng Nhà Bè và cảng Sàigòn, Tân Hưng (50 ha), Tân Thuận Tây (17 ha cho 4.000 - 5.000 người) của Công ty Xuất nhập khẩu Nhà Bè, nhà ở kết hợp thương mại tại ngã tư lộ số 1 và tỉnh lộ 15 (2,8 ha) của Công ty đầu tư xây dựng Nhà Bè, dân cư phía Bắc khu hành chánh quận 7 (12 - 15 ha, cho 2.500 - 3.000 người) ; nhà ở phục vụ giãn dân quận 4- Phú Mỹ (13,5 ha) cho 2.500 - 3.000 người...
Trên cơ sở dự án khu A-Nam Sàigòn đã được phê duyệt, xây dựng một số khu nhà ở (50 - 60 ha) để giải quyết nhu cầu ở cho 16.000 - 18.000 người ;
Chỉnh trang các khu ở hiện hữu, với tổng diện tích khoảng 20 - 25 ha cho 6.000- 8.000 dân (trong đó có khoảng 2.000 - 3000 dân tự điều chỉnh trong khu vực cải tạo của quận) ;
c) Cơ sở hành chánh :
Xây dựng các công trình hành chánh trong trung tâm mới của quận (6,9 ha), khu văn hóa thể dục thể thao, sân vận động (10 ha).
d) Giáo dục và dạy nghề :
- Mở rộng và nâng cấp 2 trường phổ thông trung học hiện hữu là Lê Thánh Tôn và Phú Mỹ (thêm 10 - 20 phòng học/trường). Xây dựng mới trường cấp III Tân Thuận Đông, 15 - 20 phòng học ;
- Mở rộng các trường trung học cơ sở hiện hữu (thêm 40-50 phòng) ; Xây mới 3 trường trung học cơ sở (45 phòng) tại Tân Hưng, Bình Thuận và Phú Mỹ ;
- Mở rộng các trường Tiểu học hiện hữu (50-60 phòng học) ; xây mới 4 trường tiểu học (20 phòng/trường) tại Tân Hưng, Bình Thuận, khu A- Nam Sàigòn và Phú Thuận ; xây dựng mới 4 cụm nhà trẻ mẫu giáo ;
- Mở thêm một trung tâm dạy nghề tại phường Tân Hưng ;
e) Công trình y tế :
Nâng cấp bệnh viện đa khoa hiện hữu từ 100 giường lên 200 giường ; Xây dựng mới trung tâm y tế điều dưỡng tại khu A-Nam Sàigòn ; cải tạo và xây dựng mới các trạm y tế phường.
f) Công viên cây xanh và thể dục thể thao :
Xây dựng một số công viên : mũi đèn đỏ (phường Phú Thuận) 20 ha, Hương Tràm (20 ha) và khu vui chơi, giải trí tại khu A (2,7 ha) và Tân Qui ; quản lý chặt chẽ các tuyến kênh rạch giữ lại theo quy hoạch, xây kè và trồng cây xanh ven đường ;
Các khu khác gồm : Trung tâm sinh hoạt thanh niên, công viên quận, Trung tâm văn hóa, Nhà thiếu nhi và Trung tâm Thể dục thể thao của quận tại phường Phú Mỹ 7 ha.
g) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường :
- Giao thông : Xây dựng mới đường Vĩnh Phước, qua quận 7 dài 3,2km (lộ giới 60m) ; cầu Tân Thuận 2 từ đường Bình Thuận nối dài với quận 4 vào Trung tâm thành phố ; đường Bình Thuận qua Cát Lái (quận 2) dài 2,9 m (lộ giới 80 - 120m) giai đoạn đầu rộng 24m ; giai đoạn 2 đường Bình Thuận (liên doanh) ; đường 15B dài 3km, lộ giới 40m, giai đoạn đầu 20m ; đường dọc Rạch Ông Lớn dài 3 km ; đường Tân Mỹ dài 2 km (từ Trần Xuân Soạn đến lộ số 1) ; xây dựng đường từ lộ số 1 tới Rạch Ông Lớn (lộ giới 35m) dài 1,1 km ; đường số 10 dài 2km (từ Trần Xuân Soạn đến lộ số 1) phường Tân Kiểng-Tân Quy ; đường vào khu dân cư phường Tân Hưng (từ Trần Xuân Soạn đến lộ số 1-hẻm Kiều Đàm Ni Tự) dài 2 km ;
Mở rộng tỉnh lộ 15 (từ lộ số 1 tới cầu Phú Xuân), dài 3,4 km; Nâng cấp và mở mới đường D4 (từ khu công nghiệp Phú Mỹ tới khu Hải Đoàn, dài 1,8 km và từ Navioil đến khu công nghiệp Tân Thuận Đông dài 3 km) ;
Xây dựng một số nút giao thông tại tỉnh lộ 15, đường Vĩnh Phước và lộ số 1 với đường Bình Thuận và đầu cầu Tân Thuận ;
- Cấp nước : Giải quyết cơ bản nguồn nước của quận bằng các đường ống cấp nước từ nhà máy Thủ Đức hiện có qua Kênh Tẻ và sông Sàigòn. Ngoài ra, xây dựng các tuyến cấp nước chính các loại được phân bố trong quận với chiều dài tổng cộng là 25 km ;
- Cấp điện : Xây mới các trạm biến thế 110/22 KV, gồm : Việt Thành (2 x 63 MVA), Nam Sàigòn 1 (2 x 63 MVA), A1 (2 x 40 MVA) và A2 (2 x 30 MVA) cho khu A và chế xuất Tân Thuận ; Xây mới tuyến các tuyến 220 KV, 110 KV và 22 KV dài 20 km ; Xây dựng mạng lưới đường dây trung thế với tổng chiều dài 44 km cấp cho các khu vực dân cư và công nghiệp trên địa bàn ; Các trạm hạ thế 15/0,4 KV hiện có được thay thế bằng các trạm hạ thế 22/0,4 KV ;
- Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường : Xây dựng hai trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho hai khu với công suất 3.000 - 5.000m3/ngày/trạm (tại phường Tân Quy và khu A-Nam Sàigòn) ; Từng bước di dời mồ mả trong quận tới khu nghĩa địa tập trung Nhà Bè
Có biện pháp hữu hiệu buộc các nhà máy, xí nghiệp hiện đang gây ô nhiễm phải đầu tư xử lý cục bộ theo quy định.
Điều 2. Việc quản lý theo quy hoạch trên địa bàn quận 7 cần lưu ý một số điểm sau đây :
- Quận 7 mới được thành lập từ một huyện nông nghiệp, từ nay đến năm 2005 - 2010, đất nông nghiệp của quận còn khoảng 300 ha, vì vậy cần có kế hoạch sử dụng vào sản xuất phục vụ ổn định đời sống một bộ phận dân cư ;
- Ven sông Sài gòn, Nhà Bè và các kênh rạch khác trên địa bàn quận được quy hoạch giữ lại, cần quản lý xây dựng, không để tình trạng xây dựng nhà cửa, công trình lấn chiếm ; đảm bảo khoảng cách tới bờ từ 20 đến 50m trở lên ;
- Quy hoạch chi tiết sử dụng đất, các dự án đầu tư xây dựng (trong và ngoài nước), giai đoạn đầu (đến năm 2005 - 2010) cần chú ý ranh giới, qui mô thích hợp, hạn chế di dời giải tỏa gây xáo trộn các khu dân cư đang ổn định ;
- Cần sớm cắm mốc xác định ranh giới đất đai phải dành lại cho mở đường, xây dựng giao lộ, bến xe, hành lang kỹ thuật, công trình phúc lợi công cộng (hạ tầng xã hội), công viên cây xanh v.v... để quản lý cho lâu dài và có chính sách, giải pháp phù hợp thực hiện giai đoạn trước mắt (đến 2005) ;
- Cần quản lý chặt chẽ loại công nghiệp đầu tư vào khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Phú Mỹ, Tân Thuận Đông và các điểm công nghiệp xen cài khác, quản lý việc xử lý nước thải, thu gom rác... trên địa bàn quận; đảm bảo môi trường sống tốt, tạo điều kiện cho phát triển bền vững trong lâu dài.
Điều 3. Kiến trúc sư trưởng thành phố chịu trách nhiệm phê chuẩn hồ sơ thiết kế quy hoạch chung quận 7 ; Ủy ban nhân dân quận 7 chịu trách nhiệm phối hợp với Kiến trúc sư trưởng thành phố và các sở-ngành liên quan lập và trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chung của quận, lập các chương trình đầu tư, các dự án xây dựng cụ thể nhằm thực thi có hiệu quả quy hoạch chung quận 7 được phê duyệt.
Các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án đã được nghiên cứu, pháp lý hóa trước đây, nay không còn phù hợp (toàn bộ hay cục bộ từng phần) cần phải được điều chỉnh, bổ sung đầy đủ theo quy hoạch chung được duyệt này.
Giao Ủy ban nhân dân quận 7 chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường và ban-ngành trong quận quản lý chặt chẽ việc xây dựng trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai, nếu có phát sinh những vấn đề không phù hợp, cần tập hợp để kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, có quyết định điều chỉnh kịp thời quy hoạch chung quận 7 được phê duyệt này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Kiến Trúc Sư Trưởng thành phố, Giám đốc các Sở : Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Địa chính-Nhà đất thành phố, Xây dựng thành phố, Công nghiệp thành phố, Giao thông công chánh thành phố, Khoa học-Công nghệ và Môi trường thành phố; Công ty Điện lực thành phố, Bưu điện thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 7 và các ban- ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Quyết định 2131/QĐ-UB-QLĐT năm 1999 phê duyệt quy hoạch chung Quận 7 thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 2131/QĐ-UB-QLĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/04/1999
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Vũ Hùng Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra