Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2114/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 30 tháng 8 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu kỳ họp thứ 19, khóa VII về việc thông qua Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 160/TTr-SYT ngày 24 tháng 8 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
MẠNG LƯỚI KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2010 – 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2114/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
THỰC TRẠNG SỨC KHỎE NHÂN DÂN VÀ MẠNG LƯỚI KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TỈNH BẠC LIÊU
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc cực Nam tổ quốc, vốn là một tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, Bạc Liêu đã vươn lên theo xu thế chung của cả nước trong quá trình đổi mới và đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế - xã hội, sức khỏe của nhân dân trong tỉnh đã được cải thiện khá rõ rệt trên các chỉ tiêu sức khỏe cơ bản.
1. Hàng năm có trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 6 loại vắc xin; tỷ lệ mắc và chết do 6 bệnh có vắc xin phòng ngừa ở trẻ em đã giảm rõ rệt; có bệnh đã được thanh toán như bệnh bại liệt trẻ em và loại trừ uốn ván sơ sinh, nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị đã được áp dụng thành công.
2. Lĩnh vực cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều tiến bộ hơn trước; đảm bảo được cơ bản nhu cầu thuốc cho nhân dân, không còn tình trạng thiếu thuốc điều trị và phòng bệnh; tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước ở các bệnh viện đạt > 50%.
3. Hệ thống y tế Bạc Liêu đã được củng cố, kiện toàn và phát triển rộng khắp, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở với 48/64 trạm y tế có bác sĩ; 48/64 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi; 100% khóm, ấp có nhân viên y tế ấp và cộng tác viên; 50% dân số của tỉnh đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bằng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), > 90% trạm y tế thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho người dân tại trạm.
4. Các cơ sở y tế đã và đang được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhân lực y tế đã và đang phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Đầu tư tài chính hàng năm được tăng thêm, các nguồn thu viện phí ngày càng lớn; đặc biệt viện phí từ nguồn BHYT chiếm tỷ trọng ngày càng cao.
5. Hiện nay, các chỉ tiêu về dịch vụ y tế đã ngày càng được nâng cao; thành tựu của ngành y tế đã góp phần tăng cường đáng kể chỉ số phát triển con người (HDI), tuổi thọ bình quân của nhân dân đã tăng từ 69 tuổi năm 2003 lên 73 tuổi năm 2008.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh và một số các điều kiện khác phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cần được xem xét, quy hoạch, tăng cường nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.
II. MÔ HÌNH BỆNH TẬT VÀ TỬ VONG:
Sức khỏe nhân dân Bạc Liêu trong những năm gần đây được cải thiện rõ nét, tần suất mắc đa số các bệnh nhìn chung giảm đáng kể. Các bệnh có vắc xin phòng như: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, sốt bại liệt… đã được khống chế tốt. Một số bệnh trước đây có số người mắc cao, thường gây thành dịch như: Dịch tả, dịch hạch, lỵ, thương hàn,... đã giảm nhiều, không còn xảy ra thành các vụ dịch. Một số bệnh mới xuất hiện như: Viêm đường hô hấp cấp do virus (SARS), cúm do virus AH5N1, AH1N1... đã được phát hiện kịp thời, khống chế có hiệu quả.
Một số bệnh tỷ lệ mắc và tử vong vẫn còn cao như: Các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, lao, bệnh phổi, các bệnh lý sơ sinh có liên quan đến chuyển dạ, viêm não, viêm gan vi rus… tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng năm sau vẫn còn cao hơn năm trước, nhiễm HIV ở tỉnh ta không chỉ giới hạn trong các nhóm có nguy cơ cao mà ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều trong quần thể có nguy cơ thấp hoặc không có hành vi nguy cơ.
Một số bệnh truyền nhiễm có nhiều người mắc như: Lao, sốt rét, phong, tâm thần… tuy có nhiều nỗ lực nhưng tình hình mắc và tử vong của các bệnh này còn phức tạp, đặc biệt là bệnh lao và lao kết hợp với nhiễm HIV đang có xu hướng phát triển.
Ngoài ra, một số bệnh mới hoặc trước đây chỉ chủ yếu xuất hiện ở các nước đã phát triển, nay đang có xu hướng phát triển mạnh ở tỉnh ta như: Ung thư, cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, rối loạn chuyển hóa…
Như vậy, mô hình bệnh tật và tử vong tỉnh Bạc Liêu là đan xen giữa mô hình của các nước phát triển và mô hình của một nước đang phát triển.
III. THỰC TRẠNG MẠNG LƯỚI KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH:
1. Năm 1997 vừa tái lập tỉnh, Bạc Liêu có 1 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh quy mô 500 giường bệnh (GB), 3 BVĐK huyện với 270 GB, 4 phòng khám đa khoa (PKĐK) khu vực với 55 GB, 1 nhà hộ sinh khu vực phường 3 có 8 GB (Chưa tính GB lưu của 47 xã). Như vậy năm 1997, tỉnh Bạc Liêu có 10 cơ sở điều trị với tổng số 833 GB trong chỉ tiêu kế hoạch.
2. Đến năm 2002, tỉnh thành lập thêm 2 huyện mới là Đông Hải và Hồng Dân nên lúc này toàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị (Do giảm đi 2 PKĐK) với 903 GB; có tổng số 55 trạm y tế. Như vậy năm 2002 so với 1997, cơ sở điều trị không tăng, chỉ tăng thêm 70 giường bệnh và tăng thêm 08 trạm y tế xã từ việc tách lập thêm 2 huyện mới.
3. Năm 2009, toàn tỉnh có 11 cơ sở điều trị và 1.208 giường bệnh (Trong đó có 50 GB tư nhân). So với năm 1997 thì số cơ sở điều trị tăng thêm 1, giường bệnh tăng thêm 375 giường, trạm y tế tăng thêm 17 trạm.
Nhìn chung, hơn 10 năm, qua số cơ sở điều trị và giường bệnh của tỉnh tăng không nhiều, kéo theo tỷ lệ GB/vạn dân bình quân của tỉnh còn thấp (So với khu vực và cả nước); tỉnh chưa hình thành được hệ thống các bệnh viện chuyên khoa, xã hội hóa công tác y tế qua hình thức hình thành các bệnh viện tư nhân trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu, quá trình nâng cấp, mở rộng các cơ sở điều trị tuyến huyện thực hiện với tiến độ chậm. Thực trạng đó đã làm cho tỷ trọng GB tư nhân/vạn dân của tỉnh chưa đạt yêu cầu, các bệnh viện công lập nằm trong tình trạng quá tải triền miên, các cơ sở điều trị tuyến huyện còn tạm thời, chật hẹp do không đủ diện tích bình quân/GB theo quy định.
IV. NHỮNG TỒN TẠI, THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE:
- Hệ thống y tế Bạc Liêu còn chậm đổi mới, chưa thích ứng kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật;
- Mạng lưới bệnh viện chuyên khoa của tỉnh chỉ mới bước đầu hình thành, chưa đủ cơ sở điều trị để phục vụ nhân dân, các bệnh viện còn thường xuyên quá tải, người bệnh thường xuyên phải nằm giường ghép, cơ sở điều trị tuyến huyện còn chật hẹp;
- Các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập quy mô còn nhỏ nên hạn chế trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại; trang thiết bị tại các tuyến y tế cơ sở còn thiếu, chắp vá, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải cho tuyến trên;
- Trình độ đội ngũ cán bộ y tế vẫn còn là một thách thức lớn để y tế Bạc Liêu phát triển nhanh, kịp với các tỉnh trong khu vực. Chính sách chế độ đối với cán bộ y tế chưa được cải thiện, nhiều chính sách, chế độ đối với cán bộ, nhất là cán bộ y tế ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa chưa được thực hiện một cách đầy đủ, chế độ lương còn chưa hợp lý;
- Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người tham gia chính sách BHYT còn hạn chế;
- Năng lực sản xuất thuốc tại địa phương chưa có, khả năng cung ứng thuốc còn yếu, kiểm soát giá thuốc chưa tốt, năng lực cạnh tranh chưa cao;
- Tổ chức và hoạt động của y tế dự phòng còn bất cập, cơ sở tạm bợ; hệ thống bệnh viện và hệ thống y tế tuyến huyện chưa ổn định theo các quy định mới của nhà nước do tách ghép nhiều lần. Một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho mình và cộng đồng. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ;
- Đầu tư cho y tế còn ở mức hạn hẹp, chưa đồng bộ; đầu tư cho các cơ sở y tế trong nhiều năm nay chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước nên mức độ đầu tư còn hạn chế dẫn đến tình trạng đầu tư chắp vá, dàn trải, định mức kinh phí/giường bệnh/năm chưa đảm bảo tốt cho hoạt động của các bệnh viện, nguồn thu cho y tế thông qua thu một phần viện phí và BHYT còn nhiều bất cập. Công tác xã hội hóa y tế chưa phát huy hiệu quả cao, y tế ngoài công lập chưa phát triển.
Xuất phát từ mô hình bệnh tật như trên, đòi hỏi ngành y tế cần phải quy hoạch lại, tăng cường và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh để có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe và mô hình bệnh tật của tỉnh trong tình hình mới.
I. DỰ BÁO DÂN SỐ VÀ NHU CẦU KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CỦA TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2015 - 2020:
1. Dự báo gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội:
Mặc dù tốc độ gia tăng dân số nói chung và tỷ suất sinh của nước ta đang trên đà giảm nhanh, song dân số Việt Nam vẫn tăng khoảng 1,2% hàng năm. Dân số Bạc Liêu tiếp tục tăng trong vòng 10 năm tới, theo dự báo dân số Bạc Liêu sẽ đạt đến 975.200 người vào cuối năm 2020. Áp lực dân số sẽ kéo theo áp lực khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao.
Đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh ta đạt khoảng 900 - 1.000 USD/người/năm. Năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 24% năm 2005 xuống còn # 11-13% (Theo chuẩn nghèo mới áp dụng trong giai đoạn 2006 - 2010), đến năm 2020 cơ bản sẽ không còn hộ nghèo. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tăng cao.
2. Dự báo nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân đến 2015 - 2020:
Từ nay đến 2015 - 2020 tình hình bệnh tật và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân sẽ chuyển dịch theo chiều hướng mới.
Các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm như: Sốt rét, sốt xuất huyết, lao, nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm phổi, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan siêu vi, viêm não Nhật Bản B, dịch cúm A (H5N1), A (H1N1) và các dịch bệnh nguy hiểm khác sẽ còn tiếp tục lưu hành.
Các bệnh về dinh dưỡng, chuyển hóa tiếp tục phát triển. Bệnh máu, bệnh tiểu đường, bệnh thận sẽ có xu hướng gia tăng.
Phát sinh một số vấn đề sức khỏe mới chưa được nghiên cứu đầy đủ và phòng ngừa hiệu quả chưa cao như: Các loại ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thuốc, trong đó có thuốc gây nghiện, thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm.
Các loại tai nạn thương tích trong giao thông, trong lao động, trong cộng đồng, tại nơi vui chơi giải trí và tại gia đình sẽ tăng hơn. Chấn thương sẽ còn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt nam; nghiện hút thuốc và các bệnh do hút thuốc lá gây ra; lạm dụng rượu và các bệnh lý do rượu, bia gây ra vẫn còn chiếm tần suất cao.
Các bệnh không nhiễm trùng đang có xu hướng ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh nhà trong thời gian tới: Bệnh tim mạch, bệnh tâm thần và sức khỏe tâm thần, các bệnh ung thư, bệnh nghề nghiệp, các bệnh di truyền và bẩm sinh, kể cả hậu quả do chất độc mầu da cam, lão khoa và chăm sóc sức khỏe người già. Các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường cần được quan tâm.
Giai đoạn đến năm 2020, khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng sẽ chuyển sang dự phòng, phục hồi chức năng và điều trị. Lúc này, nhiệm vụ BVCS & NCSKND sẽ chuyển từ việc giải quyết chủ yếu các bệnh lây nhiễm sang giải quyết các bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thương tích, ngộ độc và một phần các bệnh nhiễm trùng.
Dự báo đến năm 2020, các chỉ số sức khỏe của người Việt Nam sẽ đạt được tương đương mức các nước công nghiệp đã đạt được trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, việc quy hoạch lại mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp, định hướng nâng cấp các trang thiết bị, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kiến thức, kỹ năng chuyên môn… nhằm đáp ứng cho tỉnh Bạc Liêu trở thành một tỉnh công nghiệp đến năm 2020 là cần thiết.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG QUY HOẠCH:
Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn đến 2020;
Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo vùng giai đoạn đến năm 2010 và 2020.
Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001 - 2010.
Quyết định số 10/2004/QĐ-UB ngày 04 tháng 02 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2002 - 2010.
Trên cơ sở thực trạng mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh, mô hình bệnh tật, tử vong và nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân Bạc Liêu từ nay đến năm 2015, định hướng đến 2020.
1. Quy hoạch mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tính hệ thống và tính liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến và giữa các tuyến điều trị. Phát triển cân đối, hợp lý giữa các BV đa khoa và BV chuyên khoa, giữa y tế chuyên sâu với y tế cơ sở, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền; đảm bảo tính hiệu quả, phát triển và bền vững;
2. Phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, theo cụm dân cư và theo cụm kinh tế, phù hợp với điều kiện kinh tế và dân số của từng địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, tạo cơ hội cho mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao;
3. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh, huy động tiềm năng, nguồn lực của các tổ chức kinh tế - xã hội trong cộng đồng tham gia công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các BV, đổi mới cơ chế và phương thức quản lý BV để không ngừng nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu CSSK ngày càng cao của người dân trong điều kiện Bạc Liêu đang phát huy tiềm lực và sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
1. Mục tiêu chung:
Xây dựng mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, điều trị ngang tầm với các tỉnh trong khu vực, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Hình thành, hoàn chỉnh mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tính hiện đại, phát triển và bền vững, có đủ các loại hình khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân;
2.2. Phát triển bệnh viện đa khoa, hình thành các bệnh viện chuyên khoa, các khoa chuyên ngành, các trung tâm chuyên sâu tuyến tỉnh, chậm nhất đến cuối 2015 cơ bản đưa vào hoạt động phục vụ các chuyên ngành có tần suất người mắc bệnh và tử vong cao;
2.3. Khuyến khích hình thành, phát triển các bệnh viện tư nhân, các trung tâm chẩn đoán y khoa chất lượng cao, các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa ngoài công lập… phục vụ cho các cụm dân cư, cụm cảng biển, cụm công nghiệp… đến 2015 có ít nhất 01 trung tâm chẩn đoán y khoa chất lượng cao, 2 BVĐK tư nhân tuyến tỉnh, 2 BVĐK tư nhân tuyến huyện, mỗi huyện, thị xã có ít nhất từ 2 PKĐK tư nhân, phát triển mạnh mô hình thầy thuốc gia đình;
2.4. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng. Đến năm 2015 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế có cơ sở nhà trạm kiên cố, có đủ phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động của trạm, đội ngũ cán bộ được đảm bảo về số lượng, củng cố chất lượng.
2.5. Đến năm 2015 đạt tỷ lệ tối thiểu 32 GB/vạn dân (Trong đó có 6,5 GB tư nhân) và đến năm 2020 đạt tỷ lệ tối thiểu 40 GB/vạn dân (Trong đó có 14 GB tư nhân).
2.6. Đến năm 2014, Bệnh viện Y học cổ truyền hoàn thành đưa vào hoạt động; đến năm 2016 Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng hoàn thành đưa vào hoạt động.
2.7. Năm 2015 tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tự kiểm soát được chất lượng các dịch vụ y tế theo quy định của Bộ Y tế.
V. NỘI DUNG QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH:
1. Tổ chức mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh:
1.1. Tổ chức theo tuyến chuyên môn kỹ thuật:
- Tuyến 1: Gồm các bệnh viện huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Gọi chung là bệnh viện huyện) và trạm y tế xã, phường, thị trấn (Gọi chung là trạm y tế xã);
- Tuyến 2: Gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh, thành phố; bệnh viện đa khoa khu vực (Gọi chung là bệnh viện tỉnh).
1.2. Hình thành các cơ sở khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân theo cụm dân cư, cụm kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển trong phạm vi toàn tỉnh.
1.3. Phát triển chuyên môn kỹ thuật y tế chuyên sâu, hình thành các bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm, các khoa chuyên ngành trên cơ sở nhu cầu, cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Nội dung quy hoạch mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh tỉnh Bạc Liêu đến 2015 và định hướng đến 2020:
2.1. Số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giường bệnh từ nay đến 2020:
2.1.1. Giai đoạn 2010 - 2015: (Phụ lục 1)
Giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sẽ bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
2.1.1.1. Khu vực công lập:
1/ Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 780 giường, địa điểm phường 3, thị xã Bạc Liêu;
2/ Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi quy mô 100 giường, địa điểm xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu;
3/ Bệnh viện chuyên khoa tâm thần quy mô 80 giường, địa điểm xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu;
4/ Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 350 giường, địa điểm phường 1, thị xã Bạc Liêu;
5/ Bệnh viện Y học cổ truyền quy mô 100 giường, địa điểm phường 5, thị xã Bạc Liêu;
6/ Khoa Ung bướu - Y học hạt nhân quy mô 80 giường, trực thuộc nhưng xây dựng bên ngoài bệnh viện đa khoa tỉnh (Chưa quy hoạch vị trí);
7/ Khoa Nội tiết quy mô 50 giường, trực thuộc nhưng xây dựng bên ngoài bệnh viện đa khoa tỉnh (Chưa quy hoạch vị trí);
8/ 06 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, có tổng số 850 giường, bao gồm:
- BVĐK Đông Hải, 100 giường, địa điểm thị trấn Gành Hào, Đông Hải;
- BVĐK Giá Rai, 250 giường, tại ấp 2, thị trấn Giá Rai, Giá Rai;
- BVĐK Hòa Bình 100 giường, tại thị trấn Hòa Bình, Hòa Bình;
- BVĐK Vĩnh Lợi 100 giường, tại thị trấn Châu Hưng, Vĩnh Lợi;
- BVĐK khu vực Phước Long, quy mô 200 giường, tại thị trấn Phước Long, Phước Long;
- BVĐK Hồng Dân, 100 giường, tại thị trấn Ngan Dừa, Hồng Dân.
9/ 02 PKĐKKV Điền Hải và thị xã Bạc Liêu, tổng số 40 giường bệnh, vị trí xã Điền Hải, Đông Hải và khu dân cư phường 5, TXBL;
10/ Nhà hộ sinh khu vực phường 3, có 15 giường bệnh nội trú. Đơn vị này tiếp tục tồn tại từ nay cho đến khi Bệnh viện Sản - Nhi xây xong, đưa vào hoạt động sẽ xóa để ghép vào Bệnh viện Sản - Nhi;
11/ Các trạm y tế: Tiếp tục củng cố, hoàn thiện 64 trạm y tế xã, phường, thị trấn như hiện nay, nếu có phát sinh thêm xã, phường, thị trấn mới sẽ tiếp tục chấn chỉnh, đầu tư nâng cấp đảm bảo 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
12/ Khởi động một số dự án thành lập mới thêm một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, để hoàn thành và đưa vào hoạt động trong giai đoạn phân kỳ 2016 - 2020 gồm: Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng; Bệnh viện liên chuyên khoa Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng; Bệnh viện tim mạch.
2.1.1.2. Khu vực ngoài công lập:
1/ Bệnh viện Thanh Vũ, giai đoạn 1, quy mô 300 giường, vị trí phường 1, thị xã Bạc Liêu;
2/ Bệnh viện Thái Thành Nam, giai đoạn 1, quy mô 300 giường, địa điểm Khu địa ốc, phường 1, thị xã Bạc Liêu;
3/ Kêu gọi đầu tư 01 trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao với các thiết bị hiện đại, địa điểm tại thị xã Bạc Liêu;
4/ Kêu gọi đầu tư 03 bệnh viện quy mô vừa và nhỏ có phương tiện chẩn đoán, điều trị công nghệ cao tại 3 cụm dân cư mới hình thành: Khu cụm cảng biển Gành Hào, Đông Hải; thị xã Giá Rai, Giá Rai và Khu cụm công nghiệp mới thuộc ngã tư Ninh Quới, Hồng Dân;
5/ Tiếp tục xã hội hóa y tế; thành lập mới, củng cố và phát triển hệ thống hành nghề y tư nhân hiện có gồm: Các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng xét nghiệm, phòng chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ gia đình, dịch vụ y tế ngoài giờ...
Nếu phát triển chuẩn theo quy hoạch, tổng số giường trong chỉ tiêu của tỉnh Bạc Liêu đến cuối năm 2015 là 2.965 giường (Không tính giường bệnh của trạm y tế), gồm: BVĐK tỉnh 780GB; 04 BV chuyên khoa tuyến tỉnh 680 GB; 06 BVĐK tuyến huyện 850 GB; PKĐK khu vực và nhà hộ sinh 55 GB; BVĐK tư nhân (Giai đoạn I) 600 GB.
Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đến cuối năm 2015 là 32 (Trong đó có 6,5 giường bệnh tư nhân)/dân số của tỉnh Bạc Liêu năm 2015 là 920.000 người.
2.1.2. Giai đoạn 2016 - 2020: (Phụ lục 2)
Ngoài các bệnh viện đã có trong giai đoạn 2010 - 2015, giai đoạn này sẽ phát triển thêm một số BV chuyên khoa công lập và kêu gọi đầu tư thêm một số BVĐK ngoài công lập tại các khu dân cư, khu kinh tế mới hình thành trên địa bàn.
2.1.2.1. Cơ sở khám, chữa bệnh công lập:
1/ Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, quy mô 100 giường, địa điểm xây dựng thị xã Bạc Liêu;
2/ Trung tâm vận chuyển - cấp cứu, quy mô 20 giường, địa điểm xây dựng thị xã Bạc Liêu;
3/ Bệnh viện đa khoa khu vực: Trong giai đoạn này sẽ có 02 bệnh viện đa khoa khu vực thông qua hình thức:
- Nâng cấp BVĐK Giá Rai thành bệnh viện khu vực Giá Rai 250 giường;
- BVĐKKV Phước Long 200 giường.
4/ Phòng khám đa khoa khu vực và nhà hộ sinh khu vực: Sau khi BVĐK Vĩnh Lợi dời về vị trí mới, cơ sở hiện nay sẽ chuyển thành phòng khám đa khoa Vĩnh Hưng; ghép nhà hộ sinh khu vực phường 3 vào Bệnh viện Sản - Nhi sau khi Bệnh viện Sản - Nhi đưa vào hoạt động. Như vậy giai đoạn này chỉ còn tồn tại 03 phòng khám đa khoa khu vực:
- PKĐKKV thị xã Bạc Liêu, 30 giường bệnh;
- PKĐKKV Điền Hải, huyện Đông Hải, 10 giường bệnh;
- PKĐKKV Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, 10 giường bệnh;
5/ Trạm y tế: Tiếp tục củng cố hệ thống trạm y tế trên toàn địa bàn để tái đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2016 - 2020.
2.1.2.2. Khu vực ngoài công lập:
1/ BVĐK tư nhân tuyến tỉnh: Đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô giường bệnh giai đoạn II đối với 2 bệnh viện đa khoa tư nhân tuyến tỉnh:
- BVĐK Thanh Vũ: Nâng cấp từ 300 giường lên thành 500 giường;
- BVĐK Thái Thành Nam: Nâng cấp từ 300 giường lên 500 giường.
2/ Kêu gọi tư nhân đầu tư 03 BVĐK tuyến huyện tại 03 khu - cụm dân cư mới, với tổng số 200 giường bệnh tư nhân cho khu vực tuyến huyện:
- BVĐK tư nhân thị xã Giá Rai, huyện Giá Rai;
- BVĐK tư nhân chất lượng cao khu vực cụm kinh tế biển Gành Hào, huyện Đông Hải;
- BVĐK tư nhân khu cụm công nghiệp Ninh Quới A, huyện Hồng Dân.
3/ Bệnh viện liên chuyên khoa tư nhân Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng, quy mô 100 giường, dự kiến địa điểm thuộc thị xã Bạc Liêu.
4/ Bệnh viện chuyên khoa tim mạch, quy mô 100 giường, địa điểm thuộc thị xã Bạc Liêu.
5/ Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa công tác y tế phát triển các loại hình phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám chuyên khoa, mô hình bác sỹ gia đình, các loại hình dịch vụ y tế tư nhân khác theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh.
Trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch, đến cuối năm 2020 tổng số GB của tỉnh sẽ là 3.880 GB, bao gồm:
- BV đa khoa tỉnh: 780 GB;
- BV chuyên khoa tuyến tỉnh: 780 GB;
- BV đa khoa khu vực: 450 GB;
- Phòng khám đa khoa khu vực: 50 GB;
- Trung tâm vận chuyển - cấp cứu: 20 GB;
- BV công lập tuyến huyện: 400 GB;
- BV đa khoa tư nhân tuyến tỉnh: 1.000 GB
- BV chuyên khoa tư nhân tuyến tỉnh: 200 GB;
- BV đa khoa tư nhân tuyến huyện: 200 GB
Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của tỉnh Bạc Liêu sẽ đạt khoảng 40 giường vào năm 2020 (Trong đó có 14 giường bệnh tư nhân), tương đương với dân số Bạc Liêu năm 2020 là 975.200 người.
2.2. Quy hoạch kiểm định chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:
Cơ chế tự chủ bệnh viện cùng với sự phát triển của y tế tư nhân đã làm tăng yếu tố cạnh tranh trong khu vực khám, chữa bệnh. Do vậy, các bệnh viện phải tìm cách thu hút bệnh nhân tốt hơn. Tính cạnh tranh sẽ ngày càng mạnh, buộc các bệnh viện phải thiết lập thương hiệu, đồng thời phải tăng cường sự ảnh hưởng của thương hiệu tới sự lựa chọn của người sử dụng dịch vụ y tế, nhằm tăng chỉ số thu hút bệnh nhân mới có thể tồn tại và phát triển sự nghiệp bệnh viện.
Mặt khác, để tồn tại và phát triển bền vững, các bệnh viện phải quan tâm đưa chất lượng dịch vụ y tế của đơn vị mình lên hàng đầu, chất lượng dịch vụ y tế tạo nên uy tín, thương hiệu và sự hài lòng của người bệnh đối với cơ sở điều trị. Xu thế ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh đã làm tăng nguy cơ tiềm ẩn đối với bệnh nhân. Do vậy, yếu tố quan trọng của chất lượng dịch vụ y tế mà người bệnh và ngành y tế quan tâm, đó chính là tính hiệu quả và sự an toàn của người bệnh.
Trên cơ sở đó, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phải lấy chất lượng khám, chữa bệnh làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của bệnh viện. Cùng với quy hoạch, phát triển hệ thống bệnh viện, từ nay đến năm 2015 - 2020, ngành y tế Bạc Liêu sẽ thực hiện nghiêm lộ trình kiểm định chất lượng dịch vụ y tế và chất lượng bệnh viện theo lộ trình do Bộ Y tế quy định, nhằm không ngừng vừa nâng cao cơ sở vật chất vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong điều kiện phát triển mới của xã hội.
CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
I. GIẢI PHÁP VỀ VỐN: (Phụ lục 3)
Tranh thủ huy động các nguồn lực vốn gồm: Vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu, ngân sách địa phương và xã hội hóa.
Tổng nhu cầu vốn từ 2010 - 2020: 6.405 tỷ, trong đó:
- Vốn trái phiếu Chính phủ: 1.240 tỷ;
- Ngân sách Trung ương + địa phương: 515 tỷ;
- Vốn xã hội hóa: 4.650 tỷ.
Phân kỳ ra 2 giai đoạn đầu tư:
1. Giai đoạn 2010 - 2015: 4.075 tỷ, trong đó:
- Trái phiếu Chính phủ: 1.240 tỷ, chia ra:
+ Đầu tư theo QĐ 930/TTg: 781 tỷ;
+ Đầu tư theo QĐ 47/TTg: 459 tỷ.
- Ngân sách TW + địa phương: 335 tỷ.
- Vốn xã hội hóa: 2.500 tỷ.
2. Giai đoạn 2016 - 2020: 2.330 tỷ, trong đó:
- Ngân sách TW + địa phương: 180 tỷ
- Vốn xã hội hóa: 2.150 tỷ.
II. GIẢI PHÁP VỀ ĐẤT: (Phụ lục 4)
Đảm bảo đúng quy định chuẩn diện tích xây dựng các loại hình cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Xây dựng, Bộ Y tế ban hành.
1. Quy định chuẩn diện tích đất xây dựng BVĐK:
- Quy mô BV 50 - 200 GB: 100 - 150m²/GB (Tối thiểu 0,75ha);
- Quy mô từ 250 - 350 GB: 70 - 90m²/GB (Tối thiểu 2,7ha);
- Quy mô từ 400 - 500 GB: 65 - 85m²/GB (Tối thiểu 3,6ha);
- Quy mô > 550 GB: 60 - 80m²/GB (Tối thiểu 4ha).
2. Nhu cầu đất giai đoạn 2010 - 2020 là: 552.852m², trong đó:
- Giai đoạn 2010 - 2015: 479.852m²;
- Giai đoạn 2016 - 2020 : 73.000m².
- Phân chia theo địa bàn:
+ Thị xã Bạc Liêu: 301.890m²;
+ Giá Rai:35.000m²;
+ Đông Hải: 29.000m²;
+ Hòa Bình: 15.000m²;
+ Vĩnh Lợi:14.000m²;
+ Phước Long:30.000m²;
+ Hồng Dân: 30.000m².
III. GIẢI PHÁP VỀ NHÂN LỰC: (Phụ lục 5)
Xây dựng đề án cụ thể đào tạo nhân lực ngành y, đảm bảo đáp ứng tinh thần Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.
1. Quy định cụ thể như sau:
- BVĐK, BV chuyên khoa nhi hạng II: 1,25 - 1,40 người/GB;
- Cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa hạng II: 1,1 - 1,15 người/GB;
- Điều dưỡng - phục hồi chức năng hạng II: 1,0 - 1,2 người/GB;
- Y học cổ truyền hạng II: 1,1 - 1,2 người/GB;
- Cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa hạng III: 1,1 - 1,2 người/GB.
2. Trên cơ sở Thông tư 08, định mức nhu cầu nhân lực cho các bệnh viện mới thành lập từ nay đến năm 2020 là 2.679 người, trong đó:
- Nhu cầu cho khu vực công lập: 1.023 người;
- Nhu cầu cho khu vực tư nhân: 1.650 người;
- Phân ra nhu cầu cho giai đoạn 2010 - 2015: 1.661 người, trong đó:
+ Khu vực công lập: 891 người;
+ Khu vực tư nhân: 770 người.
- Nhu cầu trong giai đoạn 2016 - 2020 là: 1.012 người, trong đó:
+ Cho các bệnh viện công lập: 132 người;
+ Cho các bệnh viện tư: 880 người.
- Nếu tính riêng nhu cầu nhân lực cho các bệnh viện mới thành lập của nhà nước từ nay đến 2020 là: 1.023 người, phân ra:
+ Khu vực lâm sàng: 60% x 1.023 = 614 người;
+ Khu vực dược, cận lâm sàng: 20% x 1.023 = 204 người;
+ Làm công tác hành chính: 20% x 1.023 = 205 người.
- Theo chức danh chuyên môn, số nhân lực trong các BV công từ nay đến 2020 cần có:
+ Bác sỹ: 227 người (Tỷ lệ 1BS/3,5 ĐD);
+ Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên: 796 người (Tỷ lệ 1 BS/3,5 ĐD);
+ DSĐH: 28 người (Tỷ lệ 1 DSĐH/8BS);
+ DSTH: 56 người (Tỷ lệ 1DSĐH/2DSTH).
IV. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG:
Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật y học công nghệ cao vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh.
Thực hiện kiểm soát chất lượng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo lộ trình của Bộ Y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động khám, chữa bệnh.
Xử lý tốt chất thải rắn, chất thải lỏng phát sinh từ các hoạt động khám, chữa bệnh (Có đề án riêng); thực hiện đánh giá tác động môi trường cho tất cả các bệnh viện trước khi tiến hành xây dựng và đánh giá định kỳ trong quá trình hoạt động của các bệnh viện.
V. GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ:
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong các bệnh viện, cải cách thủ tục khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân nhanh chóng, kịp thời, giảm phiền hà;
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tổ chức biên chế và tài chính
VI. GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC Y TẾ:
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh và đa dạng hóa các loại hình khám bệnh, chữa bệnh. Tạo điều kiện để các nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực: Bệnh viện, trung tâm chẩn đoán, phòng khám chất lượng cao… thực hiện bình đẳng về mọi mặt trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập.
1. Giai đoạn 2010 - 2015:
- Đầu tư nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, bệnh viện đa khoa khu vực (Liên huyện), các bệnh viện chuyên khoa: Lao, tâm thần, sản - nhi, y học cổ truyền và các khoa chuyên ngành theo lộ trình quy hoạch;
- Đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 950 của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi đầu tư các bệnh viện tỉnh, huyện, cụm kinh tế, trung tâm chẩn đoán y khoa chất lượng cao;
- Đào tạo cán bộ đại học, sau đại học, các chuyên ngành đảm bảo đáp ứng đủ đội ngũ cán bộ khi đưa các bệnh viện vào hoạt động;
- Cung cấp, nâng cấp trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế, phù hợp với tuyến điều trị, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác chẩn đoán, điều trị của các bệnh viện.
2. Giai đoạn 2016 - 2020:
- Tiếp tục hoàn thiện các BV đa khoa tỉnh, huyện, các bệnh viện chuyên khoa, PKĐK khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn đã xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2015.
Tiếp tục đầu tư các bệnh viện chuyên khoa, xã hội hóa công tác y tế, phát triển các bệnh viện tư nhân, tăng cường cơ sở vật chất cho các tuyến y tế cơ sở... trong quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020.
Tập trung phát triển kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa trực thuộc tỉnh; tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ cao, đào tạo cán bộ chuyên sâu đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng về loại hình, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân tỉnh nhà ngang tầm với các tỉnh trong cả nước.
Trên cơ sở quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Sở Y tế chủ trì lập đề án xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện; phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động các đối tác đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập;
- Sở Tài nguyên và Môi trường lập đề án quy hoạch dành quỹ đất xây dựng các bệnh viện, cơ sở điều trị theo quy hoạch được duyệt;
- Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh thiết lập chương trình kêu gọi đầu tư, xã hội hóa công tác y tế trên địa bàn;
- Sở Nội vụ lập đề án đào tạo nguồn nhân lực y tế, đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân từ nay đến 2015 và 2020;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm huy động và cân đối các nguồn lực đầu tư cho y tế, để thực hiện quy hoạch theo đúng tiến độ; giám sát thực hiện quy hoạch trong phạm vi toàn tỉnh;
- Sở Tài chính chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ngành y tế theo kế hoạch 5 năm và hàng năm, ưu tiên cân đối ngân sách cho ngành y tế thực hiện quy hoạch;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020 trên từng địa bàn; bố trí quỹ đất dành cho xây dựng các bệnh viện trong phạm vi đơn vị.
- Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành cấp tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm. Định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện./.
- 1Quyết định 153/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước do Bộ Y Tế- Bộ Nội Vụ ban hành
- 3Quyết định 35/2001/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Quyết định 30/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 47/2008/QĐ-TTg phê duyệt đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện và Bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 930/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
- 9Nghị quyết 07/2010/NQ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VII, kỳ họp thứ 19 ban hành
- 10Quyết định 97/2010/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh Nghệ An giai đoạn năm 2011 đến 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
Quyết định 2114/QĐ-UBND về quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Bạc Liêu ban hành
- Số hiệu: 2114/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/08/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
- Người ký: Lê Thị Ái Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/08/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra