Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 211/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 28 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VỀ CHÍNH SÁCH KHAI THÁC VẬT LIỆU XÂY DỰNG TẠI CHỖ SỬ DỤNG CHO CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2012/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 09 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng quy định về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 2896/TTr-STNMT ngày 07 tháng 9 năm 2022, Công văn số 380/STNMT-TNN&KS ngày 20 tháng 02 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án về chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ sử dụng cho công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Thảo

 

ĐỀ ÁN

VỀ CHÍNH SÁCH KHAI THÁC VẬT LIỆU XÂY DỰNG TẠI CHỖ SỬ DỤNG CHO CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2022 của UBND tỉnh Cao Bằng)

I. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Về công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng

1.1. Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Cao Bằng đến năm 2020 (phê chuẩn tại Nghị quyết số 33/2012/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2012 của HĐND tỉnh Cao Bằng), trên địa bàn tỉnh có 200 mỏ, khu vực khoáng sản đã, cát sỏi làm vật liệu xây dựng được quy hoạch với 54 mỏ cát, sỏi (03 mỏ cát sỏi trên đồi, 51 đoạn sông) và 146 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch, UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung 38 mỏ khoáng sản bao gồm 06 mỏ cát, sỏi, 25 mỏ đá và 07 mỏ đất.

1.2. Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2022 - 2030, có xét đến năm 2050 thì khoáng sản làm vật liệu xây dựng được quy hoạch thăm dò, khai thác với 192 mỏ, khu vực khoáng sản với 11 mỏ sét, 25 mỏ đất san lấp, 64 mỏ cát, sỏi và 92 mỏ đá.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2022 - 2030, có xét đến năm 2050 còn cần thêm nhiều thời gian; trải qua nhiều thủ tục hành chính. Vì vậy, việc huy động các mỏ vật liệu xây dựng trong Quy hoạch tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngay trong giai đoạn hiện nay là chưa thực hiện được.

2. Về công tác thăm dò khoáng sản, chuẩn bị trữ lượng cho huy động khai thác

Thực hiện Quy hoạch và trong giai đoạn thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành 96 Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho 88 mỏ với trữ lượng cát, sỏi là 11.295.060 m3; đá là 33.663.101 m3; sét là 3.885.591 m3.

Tổng sản lượng khoáng sản đã khai thác trong giai đoạn đến 31 tháng 12 năm 2022 là 4.301.749 m3 đá; 981.658 m3 cát, sỏi; 19.100 m3 sét.

Đồng thời, quá trình rà soát Quy hoạch, để đảm bảo về cảnh quan, môi trường, có 26 mỏ đá đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản nhưng không huy động vào khai thác, làm giảm trữ lượng khoảng 4.650.000 m3.

Như vậy, còn 62 mỏ huy động vào khai thác với tổng trữ lượng khoáng sản đến thời điểm hiện tại là khoảng 10.295.060 m3; đá là 24.663.101 m3; sét là 3.865.591 m3.

3. Về hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nhu cầu sử dụng

Tính đến hết tháng 8 năm 2022, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 32 Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực với 07 mỏ cát sỏi, tổng công suất được phép khai thác là 210.007 m3/năm; 23 mỏ đá với tổng công suất được phép khai thác là 618.678 m3/năm; 02 mỏ sét với tổng công suất khai thác được phép khai thác là 85.000 m3/năm. Chi tiết như sau:

TT

Tên huyện, thành phố

Mỏ cát, sỏi

Mỏ đá VLXD

Mỏ sét

Số mỏ

Công suất (m3/năm)

Số mỏ

Công suất (m3/năm)

Số mỏ

Công suất (m3/năm)

1

Thành phố Cao Bằng

3

187.655

3

110.000

1

45.000

2

Huyện Bảo Lạc

0

0

2

20.000

0

0

3

Huyện Bảo Lâm

0

0

0

 

0

0

4

Huyện Hà Quảng

0

0

1

7.000

0

0

5

Huyện Hòa An

3

17.500

3

75.000

0

0

6

Huyện Nguyên Bình

0

0

3

50.000

1

40.000

7

Huyện Quảng Hòa

2

12.500

5

183.678

0

0

8

Huyện Trùng Khánh

0

0

1

50.000

0

0

9

Huyện Hạ Lang

-

0

3

35.000

0

0

10

Huyện Thạch An

-

0

3

208.000

0

0

 

Tổng cộng

8

217.655

24

608.678

2

85.000

Nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025 được dự báo như sau:

TT

Tên khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Nhu cầu VLXD giai đoạn 2022 - 2025 (m3/năm)

1

Đá vôi VLXD

1.200.000

2

Cát

800.000

3

Sét

420.000

4

Đất đắp

3.375.000

Như vậy, với tổng công suất được phép khai thác tại các mỏ có Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực sẽ chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo dự báo. Thực tế hiện nay đang có tình trạng phải vận chuyển (đá, cát) từ tỉnh khác về phục vụ nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh dẫn tới giá vật liệu cao; gây hư hỏng hạ tầng, mất an toàn giao thông; sụt giảm nguồn thu ngân sách, không phát huy được giá trị tiềm năng dồi dào về khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc cung ứng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ gặp khó khăn hơn khi phát sinh thêm các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Vì vậy cần nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát bằng bột đá nghiền và ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ.

II. SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG VÀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

- Nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp, đá, cát sỏi) trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng trong những năm qua trong bối cảnh quy trình, thủ tục để có thể bổ sung Quy hoạch, huy động khai thác từ những mỏ mới; điều chỉnh mở rộng, nâng công suất tại các mỏ hiện tại phải qua nhiều quy trình nấc bước, kéo dài thời gian dẫn tới nguồn cung từ các mỏ được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng.

- Với việc các doanh nghiệp được phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ngày càng phải chấp hành nhiều các quy định pháp luật; thực hiện thêm các chế độ tài chính; đầu tư khai thác quy mô lớn, vốn đầu tư cao mới có thể mang lại hiệu quả nên số mỏ mới được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản là không nhiều. Mặt khác, một số mỏ sẽ phải chấm dứt hoạt động do liên quan đến kế hoạch xây dựng, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Vì vậy, nguồn cung trong giai đoạn này có chiều hướng giảm, không đáp ứng nhu cầu sử dụng đang gia tăng.

- Vị trí thi công các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia thường có điều kiện hạ tầng giao thông kém, hạn chế về vận chuyển. Với điều kiện địa hình phân cắt mạnh, cung đường vận chuyển từ mỏ đến các công trình xa, dẫn đến giá thành vật liệu xây dựng tại chân công trình tăng cao, gây khó khăn cho việc cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình cũng như ảnh hưởng đến tiến độ, dự toán tổng mức đầu tư, hiệu quả của các công trình.

- Các công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thường có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng không lớn; thời gian thi công các công trình trong thời gian ngắn. Việc thực hiện quy trình đầu tư để hình thành các mỏ mới nhắm đáp ứng vật liệu xây dựng cho các công trình này là không hiệu quả, không có tính ổn định, lâu dài.

- Lượng đất, đá thải phát sinh từ việc san gạt, cải tạo mặt bằng đất của hộ gia đình, cá nhân và hoạt động thi công các công trình trên địa bàn tỉnh đã phát sinh và không ngừng gia tăng. Khối lượng đất, đá thải này có giá trị sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình khác. Việc huy động khối lượng đất, đá thải phát sinh trong thi công công trình, cải tạo mặt bằng đất của các hộ gia đình, cá nhân sẽ giúp giảm áp lực về đổ thải, không hủy hoại, chiếm dụng các mặt bằng, đất đai có giá trị để làm bãi thải; gia tăng giá trị khoáng sản, giúp giảm dự toán thi công các công trình.

- Hiện nay, các tỉnh lân cận (Hà Giang, Lạng Sơn) đều đang triển khai thực hiện các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giống tỉnh Cao Bằng nên khả năng cung cấp vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi) sang địa bàn tỉnh Cao Bằng cũng rất hạn chế. Mặt khác, có một số công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, khi triển khai mới phát sinh vấn đề không có nguồn cung vật liệu xây dựng, không có điều kiện, khả năng cung cấp từ những mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đến công trình, dự án trong quá trình thực hiện (do chưa có đường, chưa có cầu...) hoặc tiến độ, thời gian cung cấp vật liệu không đáp ứng được tiến độ, thời gian yêu cầu hoàn thành của dự án, công trình. Vì vậy, để không phải dừng thực hiện dự án, dừng thi công công trình thì cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn về vật liệu ngay cả trong thời gian thi công công trình.

Với những lý do nêu trên, việc xây dựng và thực hiện Đề án về chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ sử dụng cho các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

2. Các căn cứ lập Đề án

- Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

- Nghị định số 158/2012/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

- Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

- Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025;

- Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 09 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025;

- Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2022 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

- Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025;

- Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng quy định về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025;

- Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc phân bổ ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

- Kế hoạch số 2015/KH-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Cao Bằng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

- Kế hoạch số 2115/KH-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025;

- Kế hoạch số 2138/KH-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

3. Phạm vi điều chỉnh

Theo quy định của pháp luật về khoáng sản (khoản 2 Điều 64, Điều 65 Luật Khoáng sản) thì việc khai thác khoáng sản trong phạm vi thi công công trình để cung cấp vật liệu phục vụ thi công cho công trình đó hoặc công trình khác (đăng ký khu vực khai thác hoặc đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản) đã được quy định cụ thể, có thể triển khai thực hiện thuận lợi.

Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Đề án này là đề xuất nội dung liên quan đến kế hoạch, giải pháp, chính sách về khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ (đất, đá, cát sỏi) sử dụng cho: Các công trình, dự án được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt là công trình thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù; Các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia mà trước thời điểm phê duyệt dự án, trong thuyết minh dự án đã thể hiện việc khảo sát, đánh giá, lựa chọn các vị trí không thuộc phạm vi thiết kế thi công nhưng có điều kiện phù hợp để dự kiến đăng ký khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ thi công công trình; Các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia khi triển khai xây dựng không có điều kiện thuận lợi cung cấp vật liệu đảm bảo từ các mỏ đã xác định, bắt buộc phải thực hiện cơ chế chính sách của Đề án mới có thể triển khai thực hiện hiệu quả.

4. Đối tượng áp dụng

Đề án này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện các công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Áp dụng cơ chế, chính sách sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ theo Đề án chỉ được thực hiện đối với những công trình phù hợp về tiêu chí; sử dụng đúng địa chỉ; không có hoạt động lợi dụng Đề án để khai thác khoáng sản trái phép, thu hồi khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hoặc khai thác để cung cấp cho các công trình không phù hợp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

b) Chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ sử dụng cho công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 phù hợp với chiến lược khoáng sản, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Góp phần phát huy nội lực tại chỗ nhằm nâng cao hiệu quả, tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; Tạo sự thống nhất trong quản lý, thực hiện các dự án được hưởng cơ chế đặc thù.

c) Hoạt động khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ cho công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo có hiệu quả hơn cho ngân sách nhà nước, quyền lợi của người dân nơi thực hiện dự án so với phương án sử dụng vật liệu xây dựng được vận chuyển từ nơi khác đến thi công; đảm bảo tiến độ, chất lượng, giảm giá thành; không phá vỡ cảnh quan; không gây ô nhiễm môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép. Khuyến khích đăng ký khai thác, thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một vị trí để phục vụ thi công cho nhiều công trình, không làm phát sinh nhiều vị trí, nhiều khu vực được khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ.

d) Các vị trí dự kiến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được đánh giá, đề xuất, xác định sơ bộ khi khảo sát lập dự án (trước thời điểm thi công công trình) hoặc điều chỉnh, bổ sung, thể hiện trong thuyết minh dự án. Vì vậy, có thể coi vị trí các khu vực dự kiến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm sử dụng vật liệu tại chỗ là trong phạm vi thi công công trình.

Trên cơ sở đó, áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 110 Luật Xây dựng; khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản để chấp thuận cho phép đăng ký khai thác đất, đá, cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và các công trình, dự án được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt là công trình thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, giảm chi phí đầu tư, đáp ứng tiến độ thi công.

2. Mục tiêu

a) Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các Chương trình, Nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025.

b) Phát huy, tận dụng tối đa giá trị nhóm khoáng sản có giá trị kinh tế thấp, tiềm năng phân bố dồi dào trên địa bàn tỉnh vào công cuộc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; Tăng giá trị đóng góp của người dân, góp phần giảm một phần dự toán thi công các công trình để tạo thêm nguồn lực có thể huy động đầu tư xây dựng các công trình khác đem lại lợi ích cho người dân trên địa bàn; Giảm áp lực về bố trí bãi thải cho các công trình và quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

c) Sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ nhằm hạn chế tối đa hoạt động vận tải, vận chuyển vật liệu xây dựng gây hư hỏng hạ tầng, mất an toàn giao thông và có thể chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình; Là giải pháp thi công cần thiết đối với những công trình chưa thể đảm bảo vận chuyển vật liệu từ nơi khác đến khu vực thi công công trình.

d) Các công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được đề xuất sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ là những công trình có trong danh mục phân bổ vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Cao Bằng, Nghị quyết của HĐND cấp huyện theo phân cấp; có lộ trình đăng ký sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ phù hợp với kế hoạch thi công theo Quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng công trình của cơ quan có thẩm quyền; Chế độ tài chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với hoạt động khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ được thực hiện theo quy định hiện hành.

IV. ĐIỀU KIỆN VÀ CÁCH THỨC THỰC HIỆN

1. Điều kiện các công trình, dự án được thực hiện khai thác vật liệu tại chỗ

Các công trình, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án này, để được phép đăng ký khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm cung cấp vật liệu tại chỗ để thi công cần đáp ứng được các điều kiện cụ thể sau:

a) Điều kiện về cự ly giữa công trình thi công với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản:

Theo số liệu khảo sát của Sở Tài chính (phục vụ xây dựng bảng giá tính thuế tài nguyên) thì giá bán bình quân trên địa bàn tỉnh đối với cát là 300.000 đồng/m3; đá dăm là 190.000 đồng/m3 (giá bán này là giá bán tại mỏ đã bao gồm chi phí sản xuất, chi phí thực hiện nghĩa vụ ngân sách và chi phí xúc bốc lên phương tiện vận chuyển). Với thực tiễn chi phí sản xuất chiếm khoảng 70% giá trị giá bán thì chi phí sản xuất đối với cát là 210.000 đồng/m3, đá dăm các loại là 133.000 đồng/m3.

Trên cơ sở Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc ban hành quy định về giá cước vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 2585/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 của UBND tỉnh Cao Bằng ban hành bảng xếp loại đường tỉnh để xác định cước vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; trên cơ sở tỷ trọng bình quân của cát sỏi (1,4 tấn/m3), đá dăm các loại (1,6 tấn/m3) có thể xác định chi phí vận chuyển 01 m3 đá dăm cho cự ly vận chuyển 30 km (2.872 đồng/tấn.km) là 137.856 đồng, chi phí vận chuyển 01 m3 cát cho cự ly vận chuyển 50 km (2.899 đồng/tấn.km) là 202.930 đồng;

Để đảm bảo chắc chắn đầu tư khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi) tại chỗ có hiệu quả thì chi phí sản xuất phải nhỏ hơn chi phí vận chuyển từ nơi khác đến. Vì vậy, quy định điều kiện về cự ly giữa công trình với các mỏ như sau:

- Vị trí thi công dự án, công trình có đường bộ vận chuyển được vật liệu xây dựng bằng ô tô nhưng cách mỏ đá trên 30 km đối với đăng ký khai thác đá; cách mỏ cát, sỏi trên 50 km đối với đăng ký khai thác cát, sỏi.

- Trường hợp, khoảng cách giữa các công trình, dự án đến các mỏ đá, cát, sỏi đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhỏ hơn khoảng cách nêu trên nhưng các mỏ đá, cát sỏi không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu của công trình, dự án do vượt công suất khai thác hoặc không đảm bảo tiến độ hoặc trong điều kiện không thể vận chuyển thuận lợi (ví dụ chưa có cầu cứng qua sông, suối) thì bổ sung xác nhận của UBND cấp huyện và sở, ngành chuyên môn quản lý trước khi trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm cung cấp vật liệu tại chỗ để thi công.

b) Điều kiện về diện tích, khối lượng đăng ký khai thác:

Với đặc trưng là đăng ký khai thác phục vụ thi công các dự án, công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù nên có thời gian thi công ngắn, khối lượng sử dụng vật liệu xây dựng là không lớn. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, lâu dài của các mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác, điều kiện về diện tích, khối lượng đăng ký khai thác vật liệu tại chỗ được giới hạn như sau:

- Đối với khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, diện tích khu vực đăng ký khai thác không quá 0,3 ha (3.000 m2); khối lượng đăng ký khai thác không vượt quá 10.000 m3;

- Đối với khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường, diện tích khu vực đăng ký khai thác không quá 0,2 ha (2.000 m2); khối lượng đăng ký khai thác không vượt quá 10.000 m3;

- Đối với khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, diện tích khu vực đăng ký khai thác không quá 1,0 ha (10.000 m2); khối lượng đăng ký khai thác không vượt quá 5.000 m3.

Trường hợp cần thiết, cần thay đổi về diện tích, khối lượng đăng ký khai thác so với điều kiện quy định nêu trên, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công đề nghị UBND cấp huyện lấy ý kiến cụ thể bằng văn bản của các sở, ngành trước khi đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận đăng ký khu vực khai thác

c) Điều kiện về thời hạn khai thác:

Thời hạn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm cung cấp vật liệu thi công các dự án, công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng sẽ được xem xét cụ thể theo từng hồ sơ đề nghị đăng ký khai thác và phù hợp với tiến độ, thời gian thi công các dự án, công trình nhưng không quá 01 năm (12 tháng) cho hoạt động thi công 01 công trình. Trường hợp phát sinh thêm công trình, dự án phù hợp, có nhu cầu tiếp tục đăng ký khu vực khai thác khoáng sản thì thời gian khai thác sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với khối lượng đăng ký khai thác của các công trình, dự án được đề xuất bằng hình thức cấp mới Văn bản xác nhận đăng ký khu vực khai thác khoáng sản.

d) Điều kiện về khu vực đăng ký khai thác và hiệu quả từ hoạt động đăng ký khai thác vật liệu tại chỗ:

Không khai thác khoáng sản trong các khu vực thuộc đối tượng cấm hoạt động khoáng sản hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực có hiện trạng rừng là rừng tự nhiên; giá bán vật liệu được hình thành từ hoạt động đăng ký khai thác tại chỗ đến chân công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phải thấp hơn giá bán vật liệu được khai thác từ nơi khác vận chuyển đến chân công trình.

Đối với những công trình, dự án đã được phê duyệt dự toán thi công theo hình thức mua vật liệu từ các mỏ được cấp phép vận chuyển đến nhưng sau đó cần thiết hoặc có thể áp dụng hình thức đăng ký khai thác vật liệu tại chỗ thì: Tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký khai thác phải cam kết giá bán vật liệu từ hoạt động đăng ký khai thác tại chỗ cấp đến chân công trình sẽ thấp hơn giá mua theo dự toán; Chủ đầu tư thực hiện công trình, dự án cam kết sau khi hoàn thành việc sử dụng vật liệu được đăng ký khai thác tại chỗ sẽ thực hiện điều chỉnh dự toán dự án, công trình đã được phê duyệt theo hướng giảm mức tổng đầu tư do được khai thác vật liệu tại chỗ.

2. Cách thức thực hiện

2.1. Quy trình, cách thức thực hiện thủ tục nhằm khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát sỏi) tại chỗ phục vụ thi công các công trình, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được thực hiện như sau:

2.1.1. Bước 1: Khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công công trình.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (chủ đầu tư) căn cứ vào kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia do cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư chủ động thực hiện nội dung khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công công trình, cụ thể:

a) Đối với công trình, dự án được lập, thẩm định, phê duyệt sau thời điểm ban hành Đề án này:

- Nội dung khảo sát vật liệu xây dựng cần dự báo được tổng nhu cầu sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của công trình, dự án; Khối lượng thực tế đã phát sinh trong phạm vi thực hiện dự án khi thi công công trình (phá tuyến, tạo mặt bằng thi công...); Khối lượng, loại vật liệu xây dựng cần huy động tại chỗ ngoài phạm vi thi công công trình và dự kiến vị trí đăng ký khai thác, thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại chỗ để thi công công trình (làm rõ diện tích, khối lượng khoáng sản có thể khai thác, lộ trình và thời gian khai thác tại mỗi vị trí đối với công trình dự kiến đăng ký khai thác, thu hồi vật liệu từ nhiều vị trí). Phạm vi, diện tích các vị trí dự kiến đăng ký khai thác, thu hồi vật liệu tại chỗ cần được xác định, khẳng định là thuộc phạm vi thực hiện dự án, thi công công trình.

- Xác định hiệu quả của hoạt động sử dụng vật liệu tại chỗ so với sử dụng từ nơi khác vận chuyển đến và thể hiện trong dự toán thi công công trình dự án; Xác định các điều kiện để đảm bảo mặt bằng phục vụ đăng ký khai thác, sử dụng vật liệu tại chỗ; Bổ sung hồ sơ, thủ tục môi trường của công trình, dự án đối với nội dung đánh giá các tác động môi trường và biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với hoạt động thu hồi, khai thác, sử dụng vật liệu tại chỗ phục vụ thi công công trình.

Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ pháp lý của dự án, công trình để thực hiện thủ tục đề nghị đăng ký khu vực khai thác khoáng sản.

b) Đối với công trình, dự án mà trước thời điểm phê duyệt dự án, trong thuyết minh dự án đã thể hiện việc sử dụng vật liệu tại chỗ nhưng thực tế thi công có thể phát sinh thêm vị trí hoặc có thể điều chỉnh giải pháp thi công nhằm tăng khối lượng vật liệu tại chỗ có thể sử dụng cho công trình, dự án:

- Rà soát, bổ sung các vị trí có thể đăng ký, thu hồi vật liệu tại chỗ phục vụ thi công công trình với nguyên tắc là gần nhất so với phạm vi thi công công trình, dự án đã phê duyệt.

- Thực hiện điều chỉnh giải pháp, trình tự thi công để bổ sung khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có thể khai thác, thu hồi so với dự kiến; bổ sung các thủ tục, nghĩa vụ về bảo vệ môi trường (nếu có). Các nội dung điều chỉnh, bổ sung phải được thể hiện bằng Quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế của việc điều chỉnh, bổ sung khối lượng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường được sử dụng tại chỗ; Cam kết bằng văn bản về việc thực hiện điều chỉnh giảm giá trị dự toán thi công công trình, dự án với giá trị dự toán giảm chính xác bằng hiệu quả mang lại từ việc khai thác, sử dụng vật liệu tại chỗ.

Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ pháp lý của dự án, công trình để thực hiện thủ tục đề nghị đăng ký khu vực khai thác khoáng sản.

c) Đối với công trình, dự án khi triển khai xây dựng không có điều kiện thuận lợi cung cấp vật liệu đảm bảo từ các mỏ đã xác định, cần phải thực hiện giải pháp đăng ký khu vực khai thác khoáng sản:

- Rà soát, bổ sung các vị trí có thể đăng ký, thu hồi vật liệu tại chỗ phục vụ thi công công trình với nguyên tắc là gần nhất so với phạm vi thi công công trình, dự án đã phê duyệt.

- Điều chỉnh, bổ sung thuyết minh dự án, bản vẽ thiết kế thi công dự án với nội dung thể hiện các vị trí có thể đăng ký, thu hồi vật liệu tại chỗ phục vụ thi công công trình đề nghị bổ sung được thể hiện trong phạm vi thi công công trình; Bổ sung giải pháp, trình tự, khối lượng thi công công trình, dự án phù hợp với nội dung khai thác, thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại chỗ; bổ sung các thủ tục, nghĩa vụ về bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác, thu hồi khoáng sản. Các nội dung điều chỉnh, bổ sung phải được thể hiện bằng Quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế của việc điều chỉnh, bổ sung khối lượng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường được sử dụng tại chỗ; Cam kết bằng văn bản về việc thực hiện điều chỉnh giảm giá trị dự toán thi công công trình, dự án với giá trị dự toán giảm chính xác bằng hiệu quả mang lại từ việc khai thác, sử dụng vật liệu tại chỗ.

Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ pháp lý của dự án, công trình để thực hiện thủ tục đề nghị đăng ký khu vực khai thác khoáng sản.

2.1.2. Bước 2: Trên cơ sở thực hiện của bước 1, tổ chức, cá nhân trực tiếp thi công công trình hoặc được lựa chọn cung cấp vật liệu thi công công trình thực hiện nghĩa vụ đăng ký khu vực khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản.

2.2. Những công trình nhà nước và nhân dân cùng làm cần khai thác đất, đá, cát sỏi tại chỗ và nhân dân có thể tự khai thác thủ công thì huy động nhân dân khai thác vật liệu để xây dựng công trình; đại diện tập thể thôn, xóm phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân xã trình lên Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh để đăng ký khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của các thôn, xóm trong toàn huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức giám sát việc khai thác của tập thể các thôn, xóm đảm bảo vật liệu chỉ phục vụ xây dựng công trình của cộng đồng dân cư, không lợi dụng khai thác vật liệu xây dựng để bán ra ngoài, không khai thác khoáng sản khác ngoài đá, cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường.

2.3. Những công trình nhà nước và nhân dân cùng làm cần khai thác đất, đá, cát sỏi tại chỗ nhưng nhân dân không thể tự khai thác thủ công; Ủy ban nhân dân cấp xã ký hợp đồng thuê đơn vị có chức năng hành nghề về khai thác khoáng sản (đất, đá, cát sỏi), chức năng nổ mìn để tiến hành đăng ký khu vực khai thác với Ủy ban nhân dân tỉnh và trực tiếp thực hiện sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đăng ký khai thác.

3. Công tác giám sát

Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh, hướng dẫn, giám sát các địa phương, các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ xây dựng các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 triển khai thực hiện đề án đảm bảo hiệu quả.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo chức năng nhiệm vụ, tổ chức kiểm tra, giám sát cùng cộng đồng dân cư, đảm bảo không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ nhằm phục vụ cho lợi ích riêng, hoặc dẫn đến bùng phát khai thác khoáng sản trái phép. Tổ chức ngăn chặn, giải tỏa kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ để khai thác khoáng sản trái phép.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo thực hiện Đề án

Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022 - 2025 các cấp, chỉ đạo thực hiện đề án này.

2. Phân công nhiệm vụ

2.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Xây dựng nội dung hướng dẫn cụ thể về quy trình tổ chức thực hiện Đề án, xây dựng các biểu mẫu nhằm đơn giản trong quá trình thực hiện. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng các công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp nhận, xem xét hồ sơ, xác định vị trí (nếu cần), trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chấp thuận cho phép đăng ký khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

- Tăng cường phối hợp, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ để phục vụ cho lợi ích riêng, tránh tình trạng bùng phát khai thác khoáng sản trái phép trên diện rộng.

- Hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác vật liệu tại chỗ thực hiện các thủ tục đơn giản hóa về bảo vệ môi trường trong hoạt động đăng ký khai thác, thu hồi, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án khi có những vấn đề mới phát sinh nhằm đảm bảo phù hợp thực tiễn và tuân thủ các quy định pháp luật.

2.2. Sở Công thương:

- Hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác vật liệu tại chỗ thực hiện các thủ tục đơn giản hóa về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

- Hằng năm, rà soát tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác an toàn, môi trường công nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn, thủ kho vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực hoạt động trong công tác nổ mìn phá tuyến giao thông nông thôn và khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại chỗ.

- Xây dựng nội dung hướng dẫn cụ thể về việc cho phép công nhân nổ mìn của các đơn vị được cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn được thực hiện công tác khoan nổ mìn phục vụ công trình xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (ngoài phạm vị được phép nổ mìn tại mỏ, tại công trình đã cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp) dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước.

2.3. Sở Giao thông vận tải:

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm giao thông nông thôn các huyện, thành phố.

- Khi thẩm định dự toán các công trình xây dựng có sử dụng đất, đá, cát sỏi, yêu cầu chủ dự án phải ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ, đưa các khoản chi phí cho việc khai thác đá, cát sỏi tại chỗ vào dự toán kinh phí.

2.4. Sở Xây dựng:

- Hướng dẫn các cơ quan có liên quan khi thẩm định dự toán các công trình xây dựng có khai thác, sử dụng đất, đá, cát sỏi, yêu cầu chủ dự án phải ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ, đưa các khoản chi phí cho việc khai thác đất, đá, cát sỏi tại chỗ vào dự toán kinh phí.

- Hướng dẫn các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại chỗ thực hiện thủ tục chứng nhận; công bố hợp quy sản phẩm trước khi đưa vào sử dụng theo quy định.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác vật liệu tại chỗ thực hiện các nghĩa vụ về đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng; Thủ tục công bố, đảm bảo thực hiện đúng theo giá công bố của vật liệu đăng ký khai thác tại chỗ cấp vào các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; Tham gia ý kiến về chuyên môn, chuyên ngành công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng đối với nội dung Bản đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký khai thác.

2.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, có trách nhiệm hướng dẫn các chế độ, chính sách, quy định có liên quan; kiểm tra, giám sát công tác thanh, quyết toán các công trình do ngành quản lý theo quy định.

- Hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị thi công và hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính về chuyển đổi đất rừng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình.

2.6. Sở Tài chính:

Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn chế độ chính sách, thực hiện đôn đốc kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định về giá, kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

2.7. Cục Thuế tỉnh:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

2.8. Công an tỉnh

Đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các hành vi lợi dụng đề án để khai thác khoáng sản trái pháp luật.

2.9. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể:

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành tổ chức phổ biến, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu của đề án; tham gia tích cực việc giám sát cộng đồng trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

2.10. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị có chức năng, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng và các bộ phận chuyên môn kịp thời thực hiện nội dung khảo sát vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; Kịp thời thực hiện các biện pháp điều chỉnh phạm vi thực hiện dự án, công trình, biện pháp và trình tự thi công các công trình, dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đăng ký khai thác vật liệu tại chỗ; Thực hiện các biện pháp giám sát, điều chỉnh giá trị dự toán các công, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia có hoạt động đăng ký khai thác, sử dụng vật liệu tại chỗ đảm bảo hiệu quả từ hoạt động khai thác, sử dụng vật liệu tại chỗ của toàn bộ công trình, dự án.

- Trên cơ sở báo cáo nhu cầu vật liệu xây dựng tại chỗ của Ủy ban nhân dân cấp xã, các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh để đăng ký khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của các xã trong toàn huyện.

- Hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã trong việc giám sát khai thác đất, đá, cát sỏi tại chỗ cho các công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

- Tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) xem xét quyết định.

2.11. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Tổ chức họp dân, lập tờ trình đề nghị xây dựng các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia có khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ; Đề nghị với Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc chấp thuận đăng ký khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ đối với các dự án Nhà nước và nhân dân cùng làm.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương chính sách của tỉnh về khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ phục vụ các dự án công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025; không tham gia khai thác khoáng sản trái phép.

- Chủ trì triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện và quản lý, giám sát khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ, đặc biệt đối với các trường hợp do các thôn, xóm khai thác.

- Hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình triển khai và kết quả thực hiện công tác khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ.

2.1.2. Các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác, sử dụng vật liệu tại chỗ:

- Thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường; Tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và cung cấp đến các địa chỉ sử dụng khoáng sản đảm bảo đúng mục tiêu, mục đích của Đề án; Thực hiện các biện pháp để đảm bảo chất lượng và chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng được khai thác tại chỗ đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu sử dụng cho mỗi công trình.

- Tập trung bố trí phương tiện, thiết bị và nhân lực để tổ chức tập trung khai thác hết khối lượng được cấp phép, tập kết khối lượng đáp ứng đủ khối lượng vật liệu thi công phù hợp với tiến độ dự án. Trường hợp dự án được điều chỉnh tăng khối lượng hoặc tiếp tục đăng ký khai thác phục vụ công trình, dự án khác thì phải lập lại thủ tục đăng ký khu vực khai thác khoáng sản.

3. Tổ chức thực hiện

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện đề án đảm bảo có hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện có vấn đề phát sinh, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 211/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án về chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ sử dụng cho công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

  • Số hiệu: 211/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Nguyễn Trung Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản