Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
*******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hanh phúc
*******

Số: 2101/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 02 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2010, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ - CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Tây Ninh, tại tờ trình số: 363/TTr-SCN ngày 04 tháng 09 năm 2007 Về việc phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn đến năm 2010, có xét đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án "Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, có xét đến năm 2020" với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh:

-Lấy phát triển công nghiệp để tạo động lực phát triển các ngành nông nghiệp, dịch vụ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ưu tiên cho các lĩnh vực công nghiệp mà Tây Ninh đang có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng về nguyên liệu tại chỗ, đất đai, lao động... để sản xuất hàng hoá chất lượng cao.

-Phát triển công nghiệp trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn thông qua việc vận dụng chính sách kinh tế nhiều thành phần với phương châm phát huy nội lực là chính, đồng thời chú trọng ngoại lực.

-Trong quá trình phát triển công nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao trình độ công nghệ gắn liền với đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

-Phát triển công nghiệp trên địa bàn trong tổng thể phát triển công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Đón trước xu thế chuyển dịch và chủ động hội nhập vào phân công sản xuất khu vực.

-Phát triển công nghiệp bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, di tích lịch sử văn hóa, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc phòng.

2. Phương hướng phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh:

-Giai đoạn 2006-2010, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, khai thác tài nguyên khoáng sản, các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Sau năm 2010 tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp bổ trợ bao gồm cơ khí chế tạo, điện tử - viễn thông tin học, công nghiệp hoá chất dược phẩm, chế biến lương thực, thực phẩm có giá trị cao.

-Tăng cường công tác đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề. Bồi dưỡng và sử dụng hợp lý lực lượng lao động tại địa phương.

-Ưu tiên các dự án đầu tư mới có công nghệ hiện đại, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đối với các cơ sở hiện có, cần ưu tiên đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

-Khuyến khích phát triển ngành nghề, cơ sở tiểu thủ công, làng nghề truyền thống và dịch vụ đa dạng ở nông thôn để tạo thêm việc làm và tận dụng lao động nông nhàn.

-Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút vốn phát triển công nghiệp. Đa dạng hoá về qui mô và loại hình sản xuất. Phát triển các cơ sở công nghiệp chủ đạo đi đôi với phát triển các cơ sở qui mô vừa và nhỏ làm vệ tinh cho công nghiệp chủ đạo. Cải cách cơ chế quản lý Nhà nước theo hướng tập trung vào một đầu mối, đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính. Tăng cường chính sách khuyến công, khuyến khích phát triển hàng hoá chất lượng cao.

-Đẩy mạnh phát triển công nghiệp có lựa chọn ở các Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát.

-Nghiên cứu phát triển công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

-Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc.

3. Mục tiêu chung phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh:

-Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2010 (giá so sánh 1994) đạt 10.530 tỷ đồng; năm 2015 đạt 23.353 tỷ đồng; năm 2020 đạt 46.537 tỷ đồng.

-Giá trị tăng thêm (giá so sánh 1994) ngành công nghiệp năm 2010 đạt 4.475 tỷ đồng; năm 2015 đạt 10.018 tỷ đồng; năm 2020 đạt 20.150 tỷ đồng.

-Tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 24,8%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 17,5%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 15%/năm;

-Cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (theo giá hiện hành) trong GDP toàn tỉnh năm 2010 là 35,7%.

-Nhu cầu về lao động công nghiệp năm 2010 khoảng 85.000 người; năm 2015 khoảng 123.000 người, trong đó lao động đã qua đào tạo trên 50%.

-Nhu cầu vốn đầu tư (giá hiện hành) cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 15.100 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2015 là 36.500 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là 83.300 tỷ đồng.

4. Quy hoạch các chuyên ngành công nghiệp trên địa bàn Tây Ninh giai đoạn đến năm 2010, có xét đến năm 2020

a. Công nghiệp khai thác khoáng sản: Tập trung cho khai thác đá vôi, mở rộng khai thác than bùn phục vụ sản xuất than vi sinh, hình thành và phát triển công nghiệp khai thác nước khoáng.

 -Các thành phần kinh tế đều được đầu tư vào thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản theo pháp luật. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp.

 -Phấn đấu đến năm 2010 đưa ngành công nghiệp khai thác khoáng sản Tây Ninh trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển tương đối toàn diện có cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, có đủ khả năng khai thác, chế biến nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong tỉnh và khu vực.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~105 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~185 tỷ đồng.

b. Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm: Tập trung vào những lĩnh vực mà Tây Ninh có thế mạnh: Chế biến đường mía, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, chế biến điều, chế biến dầu thực vật, chế biến súc sản.

-Hướng công nghiệp chế biến vào các sản phẩm nông nghiệp đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ.

-Hình thành các tổ hợp công nghiệp bao gồm nhà máy chính và những cơ sở sản xuất vệ tinh sản xuất các sản phẩm hàng hoá từ phế liệu, phụ liệu của nhà máy chính nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hạ giá thành sản phẩm.

-Các nhà máy cần hỗ trợ nông dân về giống, vốn, kỹ thuật..., cam kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp với giá hợp lý, đảm bảo sản xuất ổn định của nhà máy.

Chế biến đường mía

-Nâng tổng công suất chế biến mía cây lên 20.500 tấn/ngày khi đủ điều kiện về thị trường.

-Đa dạng hóa sản phẩm để hạ giá thành.

Chế biến tinh bột sắn ( khoai mì ).

-Không xây dựng thêm các cơ sở chế biến tinh bột sắn. Giữ ổn định công suất đến năm 2010.

-Nghiên cứu khắc phục toàn diện ô nhiễm gây ra trong quá trình sản xuất.

-Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất có nguyên liệu là phụ phẩm, phế liệu của các nhà máy chế biến tinh bột sắn.

Chế biến điều

-Đến năm 2010 không xây dựng thêm nhà máy chế biến.

-Từng bước nâng cao công nghệ chế biến, đổi mới thiết bị.

-Xây dựng thêm các phân xưởng chế biến dầu vỏ hạt điều, than hoạt tính và các sản phẩm từ nước ép thịt quả điều.

Chế biến dầu thực vật

- Công nghiệp chế biến dầu ở Tây Ninh chỉ làm dầu thô.

Chế biến súc sản

-Đầu tư xây dựng ở thị xã và mỗi huyện một cơ sở chế biến súc sản.

-Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến súc sản chất lượng cao sử dụng trong nước và xuất khẩu. Kèm theo có phân xưởng chế biến da, xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi từ phế liệu mổ. Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa bò và các sản phẩm từ sữa.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~2.666 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~4.292 tỷ đồng.

c. Công nghiệp chế biến gỗ, giấy: Tập trung vào lĩnh vực chế biến gỗ, chủ yếu là gỗ cao su và ván dăm làm từ bã mía.

-Đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu công suất lớn, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, trên cơ sở nguyên liệu là gỗ cao su thanh lý. Nguồn bã mía có thể làm gỗ ván dăm.

-Không đầu tư làm giấy bao bì từ bã mía.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~855 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~2.126 tỷ đồng.

d. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Tập trung vào lĩnh vực sản xuất xi măng, gạch ngói nung và vật liệu lợp.

-Đối với các dự án xây dựng mới, phải bảo đảm sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh trên thị trường.

-Phát triển sản xuất VLXD phải kết hợp hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~1.950 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~3.434 tỷ đồng.

đ. Công nghiệp hoá chất: Tập trung vào lĩnh vực sản xuất cao su kỹ thuật, phân bón và nhựa dân dụng.

-Tận dụng nguồn tài nguyên than bùn và các chất thải của công nghiệp chế biến nông sản để sản xuất phân vi sinh.

-Đầu tư sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật có giá trị gia tăng cao.

-Phát triển các sản phẩm nhựa dân dụng, bao bì PP... theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hoá có chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~1.515 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~3.763 tỷ đồng.

Sơ chế mủ cao su

-Đa dạng hoá sản phẩm mủ cao su sơ chế phù hợp với thị trường tiêu thụ, gia tăng tỷ lệ mủ RSS, TSR, mủ Latex... Tỷ lệ chế biến các sản phẩm cao su chiếm 30% lượng cao su mủ khô của tỉnh.

e. Công nghiệp dệt may, da giày: Tập trung vào lĩnh vực may mặc, sơ chế da và gia công sản phẩm da.

-Phát huy thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành những khu sản xuất hàng dệt -may tập trung tại các khu, cụm công nghiệp.

-Đầu tư chiều sâu đổi mới trang thiết bị, tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt chú trọng tới các mặt hàng có giá trị gia tăng trong nước cao. Đầu tư mạnh hơn cho phần nguyên phụ liệu và da thuộc.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~2.490 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~7.482 tỷ đồng.

g. Công nghiệp cơ khí và gia công kim loại: Tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí chế tạo phục vụ chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông lâm sản; cơ khí ô tô; sửa chữa máy móc thiết bị.

-Xây dựng Công ty Cơ khí Tây Ninh thành doanh nghiệp cơ khí đầu đàn làm trung tâm cơ khí chế tạo của địa phương, tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị và mở rộng sản xuất.

-Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các cụm cơ khí nhỏ theo địa bàn để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn. Chú ý phát triển các sản phẩm cơ khí phụ trợ. Đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, đồng thời tận dụng các công nghệ thích hợp sử dụng nhiều lao động.

-Đón đầu xu thế chuyển dịch sản xuất từ thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở phát triển bền vững. Ưu tiên đầu tư một số ngành sản xuất cơ khí phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển chung, có lợi thế so sánh của địa phương đến giai đoạn năm 2010 và các năm sau là: cơ khí nông nghiệp, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí xây dựng.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~395 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~695 tỷ đồng.

h. Công nghiệp chế biến khác: Tập trung cho xử lý rác theo quy mô công nghiệp, có tái chế một phần chất dẻo thu được và chế biến phần rác hữu cơ thành phân vi sinh.

-Giải quyết toàn bộ rác thải ô nhiễm bằng nhà máy xử lý theo công nghệ hiện đại, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~45 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~112 tỷ đồng.

i. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, gas, nước: Tập trung vào lĩnh vực cung cấp điện năng, sản xuất và phân phối nước sạch tập trung.

-Phát triển lưới điện trung thế, hạ thế và trạm hạ thế có đủ khả năng cung cấp cho hệ thống phụ tải. Cung cấp đủ điện cho các khu, cụm công nghiệp. Đảm bảo >98% số hộ dân dùng điện vào năm 2010.

-Đến 2010 cấp 100 lít nước/người/ngàyđối với thị trấn nhỏ, 150 lít nước/người/ngàyđối với thị xã và các thị trấn, khu cụm công nghiệp lớn.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) năm 2010 đạt ~509 tỷ đồng, năm 2015 đạt ~1.265 tỷ đồng.

k. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề:

-Khôi phục làng nghề truyền thống gắn với các cụm tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch ở các thị trấn, thị tứ.

-Phát triển các ngành nghề có nhiều tiềm năng về nguyên liệu tại chỗ nhằm thu hút nhiều và nhanh lực lượng lao động dư thừa và nông nhàn, nâng cao thu nhập trong dân.

-Xây dựng các mối liên doanh, liên kết theo mặt hàng, theo địa bàn... trong tổ chức sản xuất, cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

-Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp có khả năng về vốn, kinh nghiệm kinh doanh tổ chức thu gom sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Thành lập các hội nghề nghiệp.

-Xây dựng thương hiệu bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Duy trì ở mức cần thiết nghề chằm nón, đan giỏ... để giải quyết việc làm cho người dân.

-Phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ (khảm tre, mộc mỹ nghệ ...). Đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì theo hướng xuất khẩu. Chú trọng sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch đến các địa danh tham quan du lịch của tỉnh như núi Bà Đen, toà thánh Tây Ninh, khu di tích Trung ương Cục Miền Nam...

-Du nhập nghề làm hoa, cây cảnh về khu vực quanh thị xã Tây Ninh và thị trấn Hoà Thành.

-Du nhập nghề trồng và sơ chế thảo dược ở các huyện Tân Châu, Tân Biên và Dương Minh Châu.

-Xây dựng thêm 1-2 làng nghề truyền thống theo tiêu chí về làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Quy hoạch phân bố công nghiệp trên địa bàn

-Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng điền đầy các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp đã hình thành.

-Bổ sung các cụm và điểm công nghiệp, phát triển CN-TTCN ở các huyện có điều kiện về nguồn nguyên liệu, đưa công nghiệp từng bước chuyển dịch gần với vùng nguyên liệu, tạo thêm việc làm cho các huyện và từng bước giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống dân cư giữa thành thị và nông thôn. Đầu tư nhà máy sản xuất nước sạch tại các huyện lỵ và khu công nghiệp.

-Sau năm 2010, đầu tư chiều sâu - mở rộng, hình thành các tổ hợp công - nông nghiệp - khoa học trên cơ sở liên kết kinh tế nhiều chiều, tạo bước phát triển đột biến về giá trị gia tăng trong sản xuất.

a. Thị xã Tây Ninh:

-Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu: hàng may, giầy dép và các sản phẩm da, giả da.

-Công nghiệp nước giải khát, chế biến thực phẩm.

-Mở rộng các ngành nghề cơ khí sửa chữa, cơ khí sản xuất hàng tiêu dùng, dụng cụ gia đình.

-Các nghề thủ công mỹ nghệ.

-Phát triển công nghiệp phần mềm, lắp ráp và sửa chữa thiết bị điện tử tin học.

-Sản xuất vật liệu cho xây dựng như khung cửa nhôm, ống nước...

-Sản xuất nước sạch.

-Phát triển cụm công nghiệp Tân Bình. Triển khai các cụm công nghiệp Thạnh Tân và Bình Minh, kết hợp di dời các cơ sở gây tác động xấu tới môi trường để thực hiện xử lý ô nhiễm.

b. Huyện Tân Châu:

-Công nghiệp khai thác đá vôi.

-Công nghiệp sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng.

-Chế biến sản phẩm từ mía, củ mì, cao su.

-Sản xuất nước sạch.

-Đầu tư bổ sung các cụm công nghiệp Cơ khí Xi măng, Tân Phú và Tân Hội, cụm (điểm) công nghiệp Suối Ngô, Tân Đông.

c. Huyện Tân Biên:

-Chế biến sản phẩm từ mía, củ mì, cao su.

-Cơ khí sửa chữa các phương tiện giao thông bộ, máy nông nghiệp.

-Gia công hàng xuất khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.

-Phát triển các nghề truyền thống (đan lát).

-Sản xuất nước sạch.

-Đầu tư bổ sung các cụm công nghiệp Suối Cạn và Thanh Xuân.

d. Huyện Dương Minh Châu:

-Chế biến cao su qui mô công nghiệp và tiểu điền.

-Cơ khí sửa chữa và đóng tàu thuyền đánh cá nhỏ.

-Cơ khí phục vụ nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

-Chế biến nông sản (đậu phộng, bắp).

-Khai thác và sản xuất VLXD (đá, cát, sạn...).

-Sản xuất nước sạch.

-Triển khai và mở rộng cụm công nghiệp Chà Là.

-Đầu tư bổ sung cụm công nghiệp Bến Củi.

đ. Huyện Hoà Thành:

-Nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống: mộc gia dụng, se nhang, mây tre đan, tương, chao, tàu hũ…

-Chế biến hoa quả.

-Điện tử lắp ráp.

-Sản xuất nước sạch.

-Phát triển và mở rộng cụm công nghiệp Bến Kéo, cụm công nghiệp Trường Hòa. 

e. Huyện Châu Thành:

-Sản xuất phân vi sinh từ than bùn.

-Sản xuất thức ăn cho chăn nuôi gia súc.

-Cơ khí sửa chữa và đóng mới tầu thuyền đánh cá.

-Sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, ngói).

-Chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống (nước khoáng).

-Sản xuất nước sạch.

-Phát triển và mở rộng cụm công nghiệp Thanh Điền, đầu tư bổ sung cụm (điểm) công nghiệp Thành Long, Đồng Khởi, Ninh Điền, Phước Vinh và Hòa Hội.

g. Huyện Bến Cầu:

-Gia công hàng xuất khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

-Chế biến thuỷ sản và thức ăn chăn nuôi gia súc.

-Chế biến lương thực, thực phẩm.

-Khai thác than bùn cho các cơ sở sản xuất phân vi sinh trên địa bàn.

-Sản xuất nước sạch.

-Đầu tư bổ sung các cụm công nghiệp: Long Chữ,  Tiên Thuận.

h. Huyện Gò Dầu:

-Cơ khí lắp ráp ô tô, xe máy.

-Công nghiệp nhẹ và gia công hàng xuất khẩu.

-Công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm.

-Khai thác vật liệu xây dựng ( phún, cát..).

-Sản xuất nước sạch.

-Đầu tư bổ sung các khu công nghiệp Phước Đông, Thạnh Đức, Hiệp Thạnh, cụm công nghiệp Bàu Đồn.

i. Huyện Trảng Bàng:

-Chế biến nông, lâm sản ( chế biến thực phẩm rau quả, đậu phộng…).

-Công nghiệp nhẹ và gia công hàng xuất khẩu.

-Dịch vụ công nghiệp.

-Khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng.

-Nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống: bánh tráng phơi sương, bánh canh, làm giường nghế mây, tre, trúc…

-Sản xuất nước sạch.

-Đầu tư bổ sung các khu công nghiệp Bời Lời, Gia Bình, cụm công nghiệp Bàu Hai Năm, Bàu Rông.

k. Nhu cầu đất để phát triển công nghiệp tập trung:

Nhu cầu đất để phát triển công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 là 6.923,49 ha, (đất công nghiệp khoảng 4.493 ha). Đất dự phòng cho phát triển khu, cụm công nghiệp tập trung là 1000 ha (danh mục chi tiết xem phần Phụ lục).

6. Giải pháp thực hiện 

a. Giải pháp về vốn

-Tập trung vốn ngân sách và vốn ODA để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và đổi mới khoa học công nghệ.

-Tập trung vốn ưu đãi đầu tư trong và ngoài nước cho các chương trình công nghiệp trọng điểm.

-Khuyến khích mọi thành phần kinh tế và cá nhân trong tỉnh đầu tư vào sản xuất công nghiệp.

-Phát hành tín phiếu trung hạn và dài hạn với mục đích huy động vốn đầu tư cho từng công trình công nghiệp cụ thể.

b. Giải pháp về khoa học - công nghệ

-Từ nay đến 2010 tập trung đổi mới công nghệ cho các ngành chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng...

-Đối với các công trình đầu tư mới, cần đi thẳng vào công nghệ và thiết bị hiện đại.

-Hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp triển khai xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng công nghiệp ISO và hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP.

c. Giải pháp củng cố và mở rộng thị trường

-Khuyến khích sử dụng hàng hóa trong nước đối với các dự án cung cấp vật tư thiết bị, nhu yếu phẩm bảo đảm đời sống nhân dân trong tỉnh.

-Dành một tỷ lệ Ngân sách tỉnh cho công tác tiếp thị, nghiên cứu phát triển thị trường, chuẩn bị những mặt hàng mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

-Liên kết mạng thông tin điện tử giữa các cơ quan trong tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn. Củng cố quan hệ chặt chẽ trong ngành dọc với các Bộ, ngành của trung ương để tận dụng các khả năng tiếp nhận các thông tin mới nhất về thị trường trong nước và quốc tế cùng các xu thế mới trong phát triển công nghiệp. Chủ động tìm kiếm và quảng bá các cơ hội xuất khẩu.

-Hỗ trợ các tầng lớp nhân dân lao động mua sắm vật tư, thiết bị máy móc làm công cụ sản xuất thông qua bù lãi suất vay Ngân hàng và quĩ tín dụng.

-Sản phẩm công nghiệp phải đặt mục tiêu thay thế nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu là chính.

-Tăng cường mối quan hệ giữa Tây Ninh và các tỉnh trong vùng, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ - kỹ thuật với các địa phương trong cả nước, tập trung là thành phố Hồ Chí Minh.

d. Giải pháp đảm bảo vật tư nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến

-Tạo lập mối liên kết gắn bó về quyền lợi giữa các nhà máy chế biến với những người làm ra nguyên liệu cho chế biến. Khuyến khích người sản xuất nguyên liệu đóng góp cổ phần bằng giá trị nguyên liệu với nhà máy.

-Nhà nước hỗ trợ, bảo lãnh việc gắn kết các chương trình phát triển vùng nguyên liệu và chương trình phát triển công nghiệp.

-Ngân sách tăng cường chi cho công tác thăm dò, điều tra tài nguyên để có cơ sở phát triển ngành khai thác và chế biến khoáng sản.

-Tạo thuận lợi tối đa trong việc giao đất, giao rừng và bảo lãnh cho vay vốn có lãi suất ưu đãi không cần thế chấp đối với các hộ trồng rừng, trồng sắn, nuôi trồng thuỷ sản...

-Thành lập Hiệp hội các nhà cung ứng nguyên vật liệu. Tạo điều kiện để Hiệp hội tiếp cận vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển.

-Cho phép thành lập Quỹ bình ổn giá đối với mía cây, củ mì (sắn) và đậu phộng (lạc).

đ. Giải pháp về khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất

-Đơn giản tối đa các thủ tục hành chính trong việc đăng ký sản xuất kinh doanh. Môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách nhất quán trong quản lý kinh tế - thị trường, hạn chế tối đa các biện pháp kiểm tra hành chính.

-Áp dụng biện pháp miễn hoặc giảm thuế 2 - 3 năm đầu cho các cơ sở chế biến sản phẩm chất lượng cao về nông sản và hoa quả.

-Hỗ trợ một phần kinh phí cho các làng nghề thuê chuyên gia, cố vấn là các nghệ nhân để truyền nghề hay đào tạo nghề mới.

e. Giải pháp về nguồn nhân lực

-Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị nguồn nhân lực, bao gồm cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ khoa học công nghệ, công nhân kỹ thuật.

-Đưa Bộ luật Lao động vào chương trình đào tạo, huấn luyện người lao động tại các trung tâm, trường dạy nghề theo tác phong công nghiệp.

-Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, đầu tư nâng cấp và chuyên môn hoá cao các cơ sở đào tạo hiện có trên địa bàn.

-Chú trọng mở rộng hình thức đào tạo tại chỗ, gắn kết việc đào tạo với việc sử dụng lao động. Quan tâm đến việc hướng dẫn các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Tổ chức các lớp huấn luyện miễn phí cho cư dân (có nhu cầu trên địa bàn) về các các kỹ năng, kỹ thuật trong sản xuất các nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm hỗ trợ cho việc phát triển các ngành nghề nông thôn.

-Khuyến khích các đối tác nước ngoài tổ chức các trường đào tạo dạy nghề trình độ cao bằng các biện pháp trợ cấp chi phí thuê mặt bằng xây dựng trường, xưởng thực hành, miễn thuế nhập khẩu các thiết bị, dụng cụ đào tạo... nhất là đối với các ngành nghề yêu cầu kỹ thuật cao, kỹ thuật mới.

-Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp và các quận huyện tổ chức đào tạo nhân lực của mình bằng các hình thức nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đào tạo theo địa chỉ.

-Ưu đãi đặc biệt đối với các trí thức, chuyên gia, thợ lành nghề giỏi từ các nước khác chuyển về công tác tại Việt Nam hoặc lên công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt ưu đãi đối với các chuyên gia, nghệ nhân làng nghề từ các địa phương khác về Tây Ninh lập nghiệp.

g. Giải pháp bảo vệ môi trường

-Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất tập trung vào các khu, cụm công nghiệp.

-Có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp xây dựng mới phải thực hiện tốt yêu cầu về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

-Giữ kỷ cương pháp luật trong khai thác khoáng sản.

-Tăng cường cơ sở vật chất, kiện toàn biên chế bộ máy quản lý, giám sát môi trường.

7. Tổ chức thực hiện

-Sở Công nghiệp là đầu mối quản lý Nhà nước về công nghiệp trên địa bàn, được bổ sung thêm chức năng và biên chế cán bộ làm công tác chuẩn bị đầu tư và phát triển thị trường. Tuyên truyền, quán triệt nội dung chương trình phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn Tây Ninh đến nhân dân. Có trách nhiệm cập nhật việc thực hiện quy hoạch, đề xuất điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.

-Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách cho công tác lập quy hoạch chung các khu, cụm công nghiệp và tài trợ cho các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Nhanh chóng xây dựng hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển các ngành kinh tế để làm cơ sở thống nhất chủ trương, định hướng phát triển. Phổ biến rộng rãi định hướng phát triển quy hoạch công nghiệp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực dự án được khuyến khích.

-Sở Tài chính xác định giá cho thuê đất một cách hợp lý nhất để có sức thu hút đầu tư, tiến hành quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Trong điều kiện khả năng ngân sách địa phương có hạn, có giải pháp thích hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng kịp thời và tốt nhất yêu cầu về đất cho phát triển công nghiệp. Đề xuất chính sách về thuế sử dụng đất và thu chuyển mục đích sử dụng đất một cách hợp lý.

-Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản.

-Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở Lao động & TBXH để xây dựng chi tiết chương trình chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình phát triển công nghiệp trên địa bàn, bao gồm cả giáo trình hướng nghiệp bậc phổ thông trung học và kế hoạch gửi người đi đào tạo.

-UBND các huyện có kế hoạch bổ sung ít nhất một biên chế chính thức chuyên trách quản lý công nghiệp và đào tạo nâng cao trình độ cho các cán bộ này. Phối hợp với các sở: Công nghiệp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các KCN bố trí quỹ đất cho phát triển các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề TTCN theo quy hoạch. Tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề TTCN. Tổ chức thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề TTCN.

Điều 2. Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã công bố Quy hoạch, tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, kiểm tra theo dõi việc thực hiện quy hoạch đảm bảo sự thống nhất với quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển các ngành khác, quy hoạch huyện, thị, quy hoạch vùng và cả nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị: Sở Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện - thị xã, và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Cục kiểm tra VB-BTP;
- TT /TU;
- TT/ HĐND tỉnh;
- CT + các PCT.UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Như Điều 4;
- LĐVP+CVNC;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu VT.VP/UBND tỉnh.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH.
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Châu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2101/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2010, có xét đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

  • Số hiệu: 2101/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/10/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/10/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản