Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 210/2003/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN NGHIÊN CỨU CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chsức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, được thành lập theo Quyết định số 473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Ban Nghiên cứu) là cơ quan nghiên cứu, tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế, xã hội và hành chính nhà nước.

Điều 2. Ban Nghiên cứu có các nhiệm vụ dưới đây:

1. Giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất phương hướng, nội dung tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách kinh tế, xã hội và hành chính, lựa chọn các khâu đột phá trong từng thời gian.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ đưa ra ý kiến chỉ đạo trong việc hoạch định chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị tư tưởng, chính sách và nội dung cần đổi mới trong việc soạn thảo những văn bản quan trọng, chủ yếu là về thể chế kinh tế khi Thủ tướng yêu cầu; tham gia soạn thảo, soát và tu chỉnh các văn bản được Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Tổ chức nghiên cứu, biên tập hoặc tu chỉnh các báo cáo, đề án và văn bản khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

4. Thực hiện các công việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 3. Để thực hiện các nhiệm vụ nêu ở Điều 2, Ban Nghiên cứu được:

1. Trực tiếp nhận nhiệm vụ và báo cáo, đề xuất ý kiến với Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Mời tham dự các cuộc họp của Chính phủ, các cuộc họp do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các cuộc họp của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương bàn về những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu.

3. Làm việc với các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và cơ sở, yêu cầu cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu.

4. Văn phòng Chính phủ cung cấp các văn bản, tài liệu đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của Ban Nghiên cứu.

5. Hợp tác với các chuyên gia và cơ quan nghiên cứu trong nước, với chuyên gia và cơ quan nước ngoài trong công tác nghiên cứu; tiếp nhận dự án tài trợ quốc tế theo quy định hiện hành của Chính phủ.

Điều 4. Tổ chức của Ban Nghiên cứu bao gồm:

1. Bộ phận chuyên trách của Ban:

- Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Uỷ viên,

- Các chuyên gia, chuyên viên, nghiên cứu viên,

- Công chức, nhân viên làm công tác thông tin- tư liệu và hành chính- quản trị của Ban.

Tổng biên chế bộ phận chuyên trách của Ban Nghiên cứu được Thủ tướng duyệt trên cơ sở đề nghị của Trưởng Ban. Trong những năm trước mắt không quá 30 người (không kể lái xe, người bảo vệ và làm dịch vụ tại trụ sở làm việc của Ban).

Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Uỷ viên của Ban Nghiên cứu do Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động và bổ nhiệm.

2. Chuyên gia tư vấn và cộng tác viên của Ban là các nhà khoa học, cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu ở trong nước và một số chuyên gia người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đang làm việc ở các cơ quan khác hoặc đã nghỉ hưu, không thuộc biên chế chính thức của Ban.

Chuyên gia tư vấn được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh sách và gửi thư mời tham gia công tác nghiên cứu, tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ, có chế độ làm việc và hưởng phụ cấp (định kỳ). Một số chuyên gia tư vấn có chế độ làm việc thường xuyên tại Ban (chuyên gia tư vấn ở đây được hiểu là những người có trình độ cao về quản lý, về khoa học, chuyên môn, được Thủ tướng mời làm tư vấn).

Cộng tác viên được Trưởng Ban Nghiên cứu mời tham gia các Tổ nghiên cứu của Ban theo từng lĩnh vực hoặc tham gia các nhóm lâm thời nghiên cứu chuyên đề và được hưởng thù lao theo quy định hiện hành. Một số cộng tác viên có chế độ làm việc thường xuyên tại Ban và được hưởng phụ cấp (định kỳ).

Các chuyên gia tư vấn và cộng tác viên được cung cấp thông tin cần thiết, được mời dự các cuộc hội nghị, hội thảo, các cuộc khảo sát ở trong và ngoài nước do Ban tổ chức.

Việc mời chuyên gia tư vấn và cộng tác viên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước và trình Thủ tướng quyết định. Trưởng Ban Nghiên cứu quy định phương thức tham gia nghiên cứu phù hợp với điều kiện của các chuyên gia tư vấn và cộng tác viên ở nước ngoài.

3. Trưởng Ban Nghiên cứu quyết định cơ cấu tổ chức bộ phận chuyên trách của Ban, thành lập các Tổ nghiên cứu thường xuyên (khi cần thiết có thể lập Tiểu ban) được tổ chức ổn định theo từng lĩnh vực nghiên cứu và lập các nhóm nghiên cứu chuyên đề trong từng thời gian, sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thì giải thể.

Điều 5. Những quy định chung về quy chế làm việc của Ban:

1. Ban Nghiên cứu làm việc theo chế độ chuyên gia. Các Phó Trưởng Ban, Uỷ viên Ban Nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn và các cộng tác viên có trách nhiệm nhận sự phân công của Trưởng Ban và thảo luận tập thể để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có thể trực tiếp nhận chỉ thị công tác từ Thủ tướng Chính phủ, được báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ý kiến riêng của mình, kể cả ý kiến khác với Trưởng Ban Nghiên cứu.

2. Hàng tuần, Trưởng Ban Nghiên cứu báo cáo công việc và ý kiến đề xuất của Ban với Thủ tướng Chính phủ. Mỗi năm một lần, Thủ tướng Chính phủ họp mặt với Ban Nghiên cứu và các chuyên gia tư vấn để trực tiếp nghe các ý kiến và kiến nghị về công việc chung của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ.

3. Căn cứ vào nhiệm vụ nêu trong Quyết định này và yêu cầu cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nghiên cứu quyết định chương trình công tác của Ban, yêu cầu nghiên cứu của các tổ, nhóm nghiên cứu, tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo trong nước.

Trong khuôn khổ các dự án tài trợ quốc tế hoặc các kiến nghị về yêu cầu hợp tác nghiên cứu với nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Trưởng Ban Nghiên cứu quyết định việc tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo ở nước ngoài và đề xuất với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định việc cử cán bộ trong biên chế chuyên trách của Ban Nghiên cứu, chuyên gia tư vấn hoặc cộng tác viên đi công tác ở nước ngoài.

4. Căn cứ vào biên chế bộ phận chuyên trách của Ban Nghiên cứu (đã được quy định tại Điều 4), hàng năm, Trưởng Ban Nghiên cứu xác định số lượng biên chế để tổng hợp vào biên chế chung của Văn phòng Chính phủ.

5. Căn cứ ý kiến đề nghị của Trưởng Ban Nghiên cứu và các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quyết định việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, cho thôi việc và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, nhân viên; quy định chế độ phụ cấp đối với cộng tác viên của Ban Nghiên cứu.

6. Kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Nghiên cứu được dự trù riêng và tổng hợp vào kinh phí của Văn phòng Chính phủ. Trong phạm vi kinh phí được duyệt, Trưởng Ban quyết định và chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí theo đúng chế độ tài chính của Nhà nước.

7. Các văn bản của Ban Nghiên cứu do Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban ký, trong những trường hợp cần thiết, được dùng con dấu có hình quốc huy của Văn phòng Chính phủ.

8. Văn phòng Chính phủ bố trí nơi làm việc, bảo đảm phương tiện và điều kiện cần thiết theo chế độ hiện hành cho hoạt động của Ban.

Điều 6. Căn cứ vào những quy định chung nêu trong Quyết định này, Trưởng Ban Nghiên cứu thoả thuận với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ những quy định cụ thể về quan hệ giữa Ban Nghiên cứu với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và với các đơn vị thuộc Văn phòng trong việc phối hợp công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin, công tác nhân sự, kinh phí và bảo đảm điều kiện làm việc của Ban.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7 của Quyết định số 473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế hoạt động của Ban Nghiên cứu được ban hành kèm theo Quyết định số 473/QĐ-TTg.

Điều 8. Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP,
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP,
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Toà án nhân dân tối cao,
- Cơ quan TW của các đoàn thể chính trị- xã hội,
- Công báo,
- Ban Nghiên cứu của Thủ tướng,
- VPCP: BTCN, các PCN,
các Vụ, Cục và đơn vị trực thuộc,
- Lưu: TCCB (5), VT.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 210/2003/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và quy chế hoạt động của Ban Nghiên cứu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 210/2003/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/10/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 166
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản