Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 21/2010/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 08 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO AN TOÀN CƠ SỞ HẠ TẦNG, AN NINH THÔNG TIN TRONG CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bưu chính đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua khóa XII, kỳ họp thứ 7 ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 02/8/2007 của Chính phủ về dịch vụ chuyển phát;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BTTTT-BCA ngày 28/11/2008 của liên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định “Đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin trong cung ứng và sử dụng dịch vụ Bưu chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh; Giám đốc các Doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Văn

 

QUY ĐỊNH

ĐẢM BẢO AN TOÀN CƠ SỞ HẠ TẦNG, AN NINH THÔNG TIN TRONG CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin trong việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thiết lập mạng lưới để cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp bưu chính.

Điều 3. Nguyên tắc chung đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

1. Đầu tư xây dựng, bố trí hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, kho bãi, hệ thống bảo đảm an ninh… nhằm phục vụ có hiệu quả trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

2. Đảm bảo bí mật thông tin về khách hàng sử dụng dịch vụ, thông tin về nội dung sản phẩm dịch vụ bưu chính theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin đúng quy trình, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu về thời gian, chính xác trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

4. Việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin không làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Những cơ sở hạ tầng cần được đảm bảo an toàn trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

1. Hệ thống hòm thư (bao gồm cả hệ thống hòm thư công cộng và hòm thư tập trung).

2. Các phương tiện vận chuyển bao gồm ô tô, xe máy, xe chuyên dùng và các phương triện phục vụ khác cho ngành bưu chính.

3. Hệ thống tuyến đường vận chuyển phục vụ cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

4.Thiết bị phục vụ việc đóng gói, vận chuyển, thiết bị kiểm tra các vật phẩm, hàng hóa.

5. Điểm phục vụ, hệ thống kho bãi.

6. Nguồn nhân lực phục vụ việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Điều 5. Biện pháp đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

1. Xây dựng hệ thống bảo vệ cơ sở hạ tầng trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính như thiết bị cảnh báo an ninh, hệ thống phòng chống cháy nổ, thành lập đội tuần tra bảo vệ và các phương tiện hỗ trợ nghiệp vụ khác nhằm ngăn chặn các hoạt động tấn công, phá hoại mạng lưới bưu chính.

2. Xây dựng các nội quy trong doanh nghiệp, quy chế thực hiện để đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Quy định trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng; áp dụng những quy định bắt buộc nhằm thực hiện tốt các nội quy, quy chế đó.

3. Xây dựng phương án dự phòng thay thế; phương án bảo vệ tài sản, hàng hóa của doanh nghiệp trước mắt và lâu dài; kịp thời khắc phục các sự cố xảy ra nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp được hoạt động liên tục và an toàn, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

4. Sử dụng các trang thiết bị làm việc đảm bảo an toàn cho người cung ứng và sử dụng dịch vụ trong quá trình hoạt động. Thường xuyên thực hiện chế độ bảo trì, bảo dưỡng; nâng cấp, cải tiến công nghệ đáp ứng với yêu cầu công việc.

5. Duy trì chế độ bảo vệ trực ban, thường xuyên kiểm tra và xử lý các vi phạm về đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Điều 6. Những thông tin cần được đảm bảo an ninh trong việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

1. Thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cần được bảo vệ trong lĩnh vực bưu chính.

2. Thông tin chưa được phép công bố thuộc lĩnh vực bưu chính.

3. Thông tin riêng về doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính theo quy định của pháp luật.

4. Thông tin riêng về khách hàng sử dụng dịch vụ bưu chính theo quy định của pháp luật.

5. Thông tin riêng về nội dung các vật phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Biện pháp đảm bảo an ninh thông tin trong việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

1. Xây dựng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát thông tin trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính nhằm đảm bảo an ninh thông tin của doanh nghiệp. Khi chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền cho phép thì không được phép công bố thông tin dưới bất kỳ hình thức nào.

2. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát thông tin chuyển qua mạng bưu chính nhằm phát hiện những trường hợp lợi dụng mạng lưới cung ứng dịch vụ bưu chính để thực hiện những hành vi trái với quy định của pháp luật. Đồng thời có hình thức xử lý tương ứng khi phát hiện thông tin trong vật phẩm, hàng hóa có nội dung trái với quy định của pháp luật.

3. Xây dựng các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ thông tin của khách hàng, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ bưu chính, không được tiết lộ thông tin riêng của khách hàng khi chưa có sự cho phép của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào hoặc chỉ cung cấp thông tin riêng của khách hàng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Tạm đình chỉ việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính đối với những trường hợp cung cấp, sử dụng, lợi dụng mạng lưới cung ứng dịch vụ bưu chính để vi phạm pháp luật. Việc cho phép hoặc không được phép tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ được thực hiện sau khi có kết luận và biện pháp xử lý chính thức hành vi vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trong việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nhằm bảo đảm an ninh thông tin cho doanh nghiệp; kiểm tra thủ tục xuất nhập khẩu các vật phẩm, hàng hóa để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRÁCH NHIỆM ĐẢM BẢO AN TOÀN, AN NINH THÔNG TIN TRONG CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, xác nhận thông báo hoạt động dịch vụ chuyển phát theo quy định phân cấp của Bộ Thông tin và Truyền thông.      

2. Chủ trì thẩm định các dự án đầu tư, lắp đặt và khai thác việc cung ứng các dịch vụ bưu chính theo sự phân cấp để đảm bảo yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin theo quy định của Nhà nước.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, an ninh thông tin; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về quy định đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

4. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các doanh nghiệp bưu chính trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính.

5. Trình UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, an ninh thông tin áp dụng đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

Điều 9. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm và xử lý theo thẩm quyền các hành vi lợi dụng mạng lưới bưu chính để vận chuyển và tuyên truyền các vật phẩm, hàng hóa thuộc danh mục cấm của Luật Bưu chính và theo các quy định khác của pháp luật.

2. Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ về đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin trong doanh nghiệp; đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp trên cơ sở thỏa thuận và nhu cầu của doanh nghiệp.

Điều 10. Trách nhiệm của chi cục Hải Quan

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quản lý nhà nước về thực hiện kiểm soát các thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát đối với các vật phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu.

2. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền các hành vi lợi dụng mạng lưới bưu chính để vận chuyển và tuyên truyền các vật phẩm, hàng hóa thuộc danh mục cấm của Luật Bưu chính và theo các quy định khác của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của Quản lý thị trường

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quản lý nhà nước về tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường trong hoạt động bưu chính của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng thanh tra trong lĩnh vực bưu chính.

Điều 12. Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố và thị xã

1. Xây dựng và hướng dẫn triển khai công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các doanh nghiệp bưu chính hoạt động trên địa bàn quản lý.

2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Điều 13. Trách nhiệm của các doanh nghiệp bưu chính

1. Xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp, có tính đến phương án dự phòng trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho doanh nghiệp.

2. Phối hợp trong việc cung cấp thông tin về công nghệ; hệ thống mạng lưới, hệ thống an ninh cho các đơn vị nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của doanh nghiệp.

3. Bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của khách hàng sử dụng dịch vụ bưu chính; thông tin vật phẩm, hàng hóa chuyển qua doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính theo quy định của pháp luật.

4. Thường xuyên đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phù hợp với quy mô phát triển mạng lưới, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp.

5. Phổ biến về mục đích, vai trò quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các cá nhân và tổ chức sử dụng các dịch vụ bưu chính.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc triển khai thực hiện Quy định này.

2. Các đơn vị chức năng liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tham gia chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Quy định này một cách chi tiết và hiệu quả.

Điều 15. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn

1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, các cấp ngành liên quan để nghiêm túc thực hiện các nội dung trong quy định này.

2. Các đơn vị chức năng liên quan có trách nhiệm nghiên cứu và quán triệt nội dung đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tới cán bộ của đơn vị mình để triển khai có hiệu quả.

3. Các doanh nghiệp bưu chính có trách nhiệm nghiên cứu, phổ biến tới cán bộ tại doanh nghiệp; cụ thể hóa nội dung này bằng việc triển khai áp dụng tại doanh nghiệp mình quản lý cho phù hợp.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 21/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định Đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin trong cung ứng và sử dụng dịch vụ Bưu chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 21/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/11/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Lê Hồng Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản