Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 21/2006/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CẤM VŨ KHÍ HOÁ HỌC
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 ngày 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị dịnh số 100/2005NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về việc thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học;
Căn cứ Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và Phá huỷ các loại vũ khí này (Công ước Cấm vũ khí hoá học);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ công tác thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 232/2003/QĐ-BCN ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ Công tác liên ngành thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, và Tổ trưởng Tổ Công tác thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CẤM VŨ KHÍ HOÁ HỌC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2006 /QĐ-BCN ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Tổ công tác thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học để bảo đảm tổ chức thực hiện các nghĩa vụ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tham gia Công ước này.
Điều 2. Những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau
Công ước được hiểu là Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và Phá huỷ các loại vũ khí này (Công ước Cấm vũ khí hoá học) ký ngày 13 tháng 01 năm 1993, được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định phê duyệt ngày 24 tháng 8 năm 1998 và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 30 tháng 10 năm 1998 .
Tổ chức Công ước được hiểu là Tổ chức Cấm vũ khí hoá học do các Quốc gia thành viên của Công ước thành lập.
Tổ công tác được hiểu là Tổ công tác liên ngành thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học gồm các đại diện của các Bộ: Công nghiệp, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Thương mại, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan và Văn phòng Chính phủ được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Thành viên Tổ công tác gồm Tổ trưởng, Tổ phó và các tổ viên.
Chương 2
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC CỦA TỔ CÔNG TÁC
Điều 3. Chức năng của Tổ công tác
Tổ Công tác có các chức năng quy định tại Điều 20 của Nghị định só 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học (sau đây gọi là Công ước), bao gồm:
1. Tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Công ước.
2. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả giữa các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Công ước.
3. Theo dõi, kiểm tra bảo đảm việc tuân thủ Công ước.
4. Đầu mối quan hệ công tác giữa Việt Nam và Tổ chức Công ước thông qua đại diện là Bộ Công nghiệp.
Tổ công tác có tên giao dịch quốc tế là: Cơ quan quốc gia Việt Nam về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.
Trụ sở làm việc: Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Công nghiệp ; số 54, phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Điều 4. Nhiệm vụ của Tổ Công tác
1. Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình, kế hoạch thực hiện Công ước; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Theo dõi, tổng hợp, xử lý và xây dựng các thông báo, khai báo quốc gia theo quy định của Công ước để trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt hoặc để Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi chính thức gửi cho Tổ chức Công ước.
3. Nghiên cứu soạn thảo, trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định hoặc hướng dẫn việc thực hiện Công ước.
4. Nghiên cứu, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công các biện pháp xử lý những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện Công ước.
5. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước và việc thực hiện Công ước tại Việt Nam.
Điều 5. Tổ chức của Tổ Công tác
1. Tổ trưởng là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp
2. Bốn Tổ phó là cán bộ cấp Vụ, Cục (hoặc tương đương) đại diện các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và Thương mại.
3. Các tổ viên là cán bộ đại diện các Bộ: Công nghiệp, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Thương mại, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan và Văn phòng Chính phủ.
4. Tổ Công tác có bộ phận thường trực đặt tại Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Công nghiệp; nhân sự của bộ phận thường trực gồm: 01 cán bộ cấp vụ của Bộ Công nghiệp làm thường trực và một số cán bộ chuyên môn giúp việc do Tổ trưởng quyết định.
Chương 3:
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CÔNG TÁC
Điều 6. Tổ trưởng, Tổ phó và tổ viên của Tổ Công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và có các nhiệm vụ sau:
1. Tổ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về toàn bộ các hoạt động thực hiện Công ước của Việt Nam và trực tiếp chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Tổ Công tác.
2. Tổ phó, tổ viên chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ chung của Tổ công tác và các nhiệm vụ cụ thể được Tổ trưởng phân công; là đầu mối xử lý, báo cáo với Thủ trưởng cơ quan nơi mình công tác để giải quyết các công việc liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ, quy định của Công ước thuộc ngành, lĩnh vực mà Bộ, cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quy định tại Điều 19 Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học
Điều 7. Bộ phận thường trực chịu sự chỉ đạo, phân công trực tiếp của Tổ trưởng, có chức năng là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tổ trưởng thực hiện Công ước theo phân công của Chính phủ tại Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học, trong đó chịu trách nhiệm chính về:
1. Tham mưu trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định hoặc hướng dẫn thực hiện Công ước.
2. Chủ trì công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện Công ước.
3. Giúp Tổ trưởng xây dựng nội dung, chương trình và kế hoạch công tác hàng năm liên quan đến việc thực hiện Công ước; đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình và kế hoạch công tác sau khi được phê duyệt.
4. Đầu mối xử lý việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng; xem xét đầu tư các cơ sở hoá chất theo quy định tại Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.
5. Đầu mối xử lý và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ quốc gia theo các Điều 6, 7 và các nghĩa vụ liên quan khác theo quy định của Công ước; phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc gia theo Điều 10 của Công ước.
6. Là Trưởng nhóm hộ tống của Cơ quan quốc gia Việt Nam đi theo các đoàn của Ban thư ký Tổ chức Công ước đến thanh sát các cơ sở hoá chất liên quan tại Việt Nam.
7. Đầu mối giao dịch và xử lý công việc hàng ngày của Cơ quan quốc gia Việt Nam trong quan hệ với Tổ chức Công ước.
8. Đầu mối của Cơ quan quốc gia Việt Nam xúc tiến hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Công ước.
9. Quản lý, lưu giữ, ban hành các tài liệu, hồ sơ, thông tin liên quan đến Công ước và thực hiện Công ước đã được phân loại theo quy định của Công ước và các quy định quản lý tài liệu mật trong ngành công nghiệp theo quy định của Chính phủ, Bộ Công nghiệp; bảo đảm cung cấp các thông tin liên quan đến Công ước và thực hiện Công ước theo yêu cầu của các thành viên Tổ Công tác, các cơ quan liên quan để có thông tin tham khảo cần thiết phục vụ công tác chuyên môn được giao.
Điều 8. Căn cứ nội dung, tính chất của từng công việc cụ thể liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ Công ước và chức năng, nhiệm vụ của Bộ hoặc Cơ quan tham gia thực hiện Công ước, Tổ trưởng phân công tổ viên tương ứng tham gia thực hiện.
Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm, Tổ trưởng triệu tập cuộc họp toàn thể của Tổ Công tác để kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Công ước và đề ra biện pháp, kế hoạch hoạt động trong thời gian tiếp theo. Trường hợp phát sinh các vấn đề đột xuất, Tổ trưởng có quyền triệu tập cuộc họp bất thường để thảo luận và quyết định các biện pháp giải quyết; trong trường hợp có các vấn đề vượt thẩm quyền, Tổ trưởng trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Chương 4:
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC
Điều 9. Kinh phí phục vụ cho hoạt động của Tổ Công tác và kinh phí đóng góp niêm liễm hàng năm cho tổ chức Công ước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ Công nghiệp.
Điều 10. Căn cứ khối lượng công việc của Bộ hoặc Cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện Công ước, Cơ quan lập dự toán kinh phí hoạt động gửi Bộ Công nghiệp chậm nhất vào ngày 01 tháng 7 hàng năm để tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Điều 11. Kinh phí phục vụ phải được chi theo đúng dự toán và quyết toán theo quy định của Nhà nước. Trường hợp xuất hiện nhu cầu chi đột xuất theo yêu cầu của Tổ chức Công ước, các Bộ hoặc Cơ quan tham gia thực hiện Công ước phải kịp thời gửi yêu cầu để Bộ Công nghiệp xin bổ sung kinh phí
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Các thành viên của Tổ Công tác có trách nhiệm thi hành Quy chế này; Trong quá trình hoạt động nếu gặp khó khăn vướng mắc cần báo cáo Tổ trưởng để xem xét, giải quyết.
Điều 13. Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Tổ trưởng đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định./.
- 1Quyết định 232/2003/QĐ-BCN ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ công tác liên ngành thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học do Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành
- 2Công văn số 2550/VPCP-NC ngày 23/05/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc tập huấn về Công ước Cấm vũ khí hoá học
- 3Công văn số 4748/VPCP-NC ngày 29/09/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc bổ sung cán bộ tham dự phiên họp lần thứ VIII Hội nghị các nước thành viên của Tổ chức Công ước Cấm về khí hoá học
- 4Công văn số 2091/TCHQ-GSQL ngày 11/05/2004 của Tổng cục Hải quan về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Công ước cấm về khí hoá học
- 5Thông tư 48/2018/TT-BCT sửa đổi Thông tư 55/2014/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 38/2014/NĐ-CP về quản lý hoá chất của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 1Nghị định 100/2005/NĐ-CP về việc thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học
- 2Quyết định 76/2002/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và phá hủy các loại vũ khí này (Công ước Cấm vũ khí hoá học) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn số 2550/VPCP-NC ngày 23/05/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc tập huấn về Công ước Cấm vũ khí hoá học
- 4Công văn số 4748/VPCP-NC ngày 29/09/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc bổ sung cán bộ tham dự phiên họp lần thứ VIII Hội nghị các nước thành viên của Tổ chức Công ước Cấm về khí hoá học
- 5Công văn số 2091/TCHQ-GSQL ngày 11/05/2004 của Tổng cục Hải quan về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Công ước cấm về khí hoá học
- 6Thông tư 48/2018/TT-BCT sửa đổi Thông tư 55/2014/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 38/2014/NĐ-CP về quản lý hoá chất của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
Quyết định 21/2006/QĐ-BCN Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ Công tác thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học do Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành
- Số hiệu: 21/2006/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/07/2006
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Đỗ Hữu Hào
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra