Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2091/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DỰ TRỮ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh dự trữ quốc gia ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh dự trữ quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU DỰ TRỮ QUỐC GIA

1. Quan điểm:

a) Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước để phòng ngừa và khắc phục có hiệu quả các tổn thất, bất trắc xảy ra đối với đời sống xã hội, an ninh, quốc phòng và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

b) Hoạt động dự trữ quốc gia có vị trí và vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước khi có xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa và tham gia bình ổn thị trường khi có tình huống đột biến xảy ra; hoạt động dự trữ quốc gia luôn được phát triển và đổi mới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập quốc tế.

c) Xã hội hóa hoạt động dự trữ quốc gia: Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia hoạt động dự trữ quốc gia, đảm bảo sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi tình huống cấp bách, dưới sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước với phương châm “4 tại chỗ”; đáp ứng kịp thời khi tình huống xảy ra.

d) Chi tăng dự trữ quốc gia hàng năm thuộc ngân sách trung ương theo quy định của Pháp luật.

đ) Quỹ dự trữ quốc gia bằng hiện vật; được quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; sau khi xuất ra phải được bù lại đầy đủ, kịp thời.

e) Hàng dự trữ quốc gia được bố trí ở các khu vực, địa bàn chiến lược trong cả nước, với những mặt hàng phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống đột xuất, cấp bách.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát

Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ động viên công nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Danh mục, số lượng hàng dự trữ quốc gia đảm bảo yêu cầu thiết yếu, chiến lược, quan trọng và có quy mô đủ mạnh để can thiệp khi có tình huống cấp bách.

- Hiện đại hóa công nghệ bảo quản, nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến của các nước trong khu vực, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội của Việt Nam nhằm bảo đảm chất lượng hàng dự trữ quốc gia và nâng cao hiệu quả công tác bảo quản.

- Hoàn chỉnh hệ thống kho dự trữ quốc gia với trang thiết bị hiện đại, quy mô tập trung, đảm bảo hình thành các vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện về kinh tế, quốc phòng của vùng, lãnh thổ.

- Hệ thống thông tin thông suốt trong hoạt động dự trữ quốc gia, bảo đảm tin học hóa 100% quy trình quản lý nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản.

- Phát triển nguồn nhân lực dự trữ quốc gia bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý theo hướng tập trung thống nhất một cơ quan quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.

II. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020

1. Mức dự trữ quốc gia:

Tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

2. Quỹ dự trữ quốc gia bằng hiện vật:

a) Về danh mục mặt hàng:

Đến năm 2020, tiếp tục rà soát, sắp xếp, hoàn thiện về cơ cấu danh mục hàng dự trữ quốc gia theo hướng tập trung vào những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, quan trọng, không dàn trải; tập trung nguồn lực ngân sách mua tăng các danh mục để đáp ứng mục tiêu của dự trữ quốc gia.

Trên cơ sở các danh mục mặt hàng đã được quy định tại Quyết định số 139/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 xác định 5 nhóm mặt hàng, cụ thể như sau:

- Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội.

- Nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

- Nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp.

- Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người.

- Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng.

(Có Phụ lục danh mục hàng dự trữ quốc gia đến năm 2020 kèm theo)

Hàng năm, căn cứ tình hình cụ thể để quyết định mua tăng những mặt hàng trong danh mục đưa vào dự trữ quốc gia và đề xuất bổ sung những mặt hàng thiết yếu, chiến lược mới vào danh mục hàng dự trữ quốc gia.

b) Về mức dự trữ một số mặt hàng thiết yếu đến năm 2020:

- Lương thực: Đến năm 2015 giữ mức ổn định khoảng 500.000 tấn (quy thóc); sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế để quyết định mức tăng cụ thể.

- Xăng dầu: Đáp ứng nhu cầu cho 10 ngày sử dụng (khoảng 500.000 m3, tấn xăng dầu thành phẩm) và 700.000 tấn dầu thô.

- Vật tư, trang thiết bị ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn: Đạt mức theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.

- Muối trắng: Dự trữ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng khoảng 130.000 tấn.

- Các mặt hàng nông nghiệp:

+ Hạt giống cây trồng các loại: Hạt giống lúa đạt 10.000 tấn/năm, hạt giống ngô 1.500 tấn/năm, hạt giống rau 130 tấn/năm.

+ Thuốc bảo vệ thực vật: Dự trữ quốc gia giữ mức ổn định khoảng 600 tấn.

+ Về vắc xin thuốc thú y, thuốc sát trùng các loại: vắc xin đạt 10.000.000 liều, thuốc sát trùng phòng chống dịch bệnh gia súc 1.000.000 lít và thuốc sát trùng phòng bệnh thủy sản 2.000 tấn.

- Dự trữ các trang thiết bị y tế và hóa chất khử khuẩn, khử trùng đáp ứng nhu cầu phòng, chống, cấp cứu cho người tại các vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

- Đối với các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh, trang thiết bị đảm bảo giao thông, vận tải: Căn cứ vào tình hình quốc phòng, an ninh và khả năng ngân sách nhà nước trong từng năm, từng giai đoạn để bố trí kế hoạch tăng dự trữ quốc gia theo hướng ưu tiên dự trữ các mặt hàng đảm bảo quốc phòng, an ninh với mức bố trí tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành; đảm bảo đáp ứng yêu cầu giữ gìn quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội và toàn vẹn lãnh thổ.

c) Công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia:

Nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản hàng dự trữ quốc gia, chuyển giao công nghệ bảo quản tiên tiến của các nước trong khu vực nhằm bảo đảm chất lượng hàng dự trữ quốc gia; cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất, bảo quản nhằm kéo dài hơn thời hạn bảo quản, hạ thấp tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Đối với bảo quản lương thực, đến năm 2020, kéo dài thời hạn bảo quản gấp 1,5 lần so với năm 2010.

Hoàn chỉnh hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia, phù hợp hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

d) Về kho chứa hàng dự trữ quốc gia:

Xây dựng các điểm kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch tổng thể kho dự trữ nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2011. Kho bảo quản hàng dự trữ phải phù hợp với công nghệ bảo quản từng loại hàng, nhóm hàng. Hàng dự trữ quốc gia phải có kho bảo quản riêng hoặc phải bảo quản riêng lô, ngăn, bồn, bể...

đ) Phát triển công nghệ thông tin đáp ứng hiện đại hóa ngành dự trữ quốc gia: Xây dựng một hệ thống thông tin thống nhất trong hệ thống dự trữ quốc gia từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tin học hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ; hỗ trợ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và hoạch định chính sách về dự trữ quốc gia trong từng thời kỳ. Đảm bảo cung cấp các thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi hoạt động dự trữ quốc gia.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia.

2. Tăng cường lực lượng dự trữ quốc gia theo hướng:

- Tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, chiến lược, có giá trị kinh tế cao, loại bỏ hoặc chuyển sang dự trữ lưu thông những mặt hàng có thời hạn bảo quản ngắn, không phù hợp, trong nước sản xuất được và thông dụng trên thị trường; bố trí từng bước đưa vào dự trữ các loại tài nguyên thiên nhiên quốc gia quan trọng (nguồn tài nguyên không tái tạo).

- Phối hợp với các địa phương để chủ động bố trí nguồn lực dự trữ các mặt hàng chiến lược, quan trọng tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

- Định kỳ hàng năm phải rà soát để điều chỉnh danh mục hàng dự trữ quốc gia, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo đáp ứng mục tiêu của dự trữ quốc gia.

3. Nghiên cứu, tiếp thu công nghệ bảo quản tiên tiến của nước ngoài để chuyển giao vào bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Đối với lương thực, giống cây trồng, vắc xin... áp dụng công nghệ bảo quản kín, có khả năng điều tiết được vi khí hậu; đối với các mặt hàng vật tư, thiết bị áp dụng công nghệ bảo quản thoáng, nhiệt độ thấp, cách âm, cách nhiệt, tránh lão hóa. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật. Từng bước đổi mới kỹ thuật và áp dụng các giải pháp công nghệ bảo quản của các nước trong khu vực, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

4. Tăng cường vốn đầu tư xây dựng kho dự trữ quốc gia, hiện đại hóa công sở; xây dựng tiêu chuẩn kho và “điển hình hóa” mô hình kho dự trữ quốc gia.

5. Huy động các nguồn lực hợp pháp từ ngân sách nhà nước để tăng cường Quỹ dự trữ quốc gia.

- Hàng năm, xác định mức tăng dự trữ quốc gia (theo % GDP) trong tổng chi ngân sách nhà nước trước khi trình Quốc hội phân bổ ngân sách nhà nước.

- Bố trí tăng ngân sách hàng năm cho dự trữ quốc gia khi ngân sách nhà nước có vượt thu và dư dự toán chi ngân sách.

6. Xây dựng cơ chế tài chính dự trữ quốc gia đặc thù nhằm tăng cường nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng; từng bước cải thiện cơ sở làm việc, đời sống sinh hoạt của đội ngũ cán bộ công chức dự trữ quốc gia, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

7. Kiện toàn và phát triển tổ chức bộ máy quản lý dự trữ quốc gia, đảm bảo sự điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước; nghiên cứu chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài đối với ngành dự trữ quốc gia theo hướng: Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức ngạch dự trữ quốc gia, đặc biệt là đội ngũ cán bộ có chuyên môn về kỹ thuật bảo quản.

8. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra ở các cấp các đơn vị trong việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia; từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia và góp phần hoàn chỉnh chế độ, chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong lĩnh vực dự trữ quốc gia.

9. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, mở rộng hợp tác, quan hệ với các nước tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ bảo quản, công nghệ xây dựng hệ thống kho...

10. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội, thấy được vị trí, vai trò của hoạt động dự trữ quốc gia, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, từ đó có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia hoạt động dự trữ quốc gia. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động dự trữ quốc gia ở các ngành, các cấp theo quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các giai đoạn thực hiện

a) Mức dự trữ quốc gia: Thực hiện theo hai giai đoạn:

- Giai đoạn 2013 - 2015: Chiến lược được cụ thể hóa bằng việc thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm 2011 - 2015, đảm bảo tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8 - 1% GDP.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Chiến lược bằng việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm 2016 - 2020, đảm bảo tổng mức dự trữ quốc gia khoảng 1 - 1,5% GDP.

b) Thực hiện các Đề án:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Luật dự trữ quốc gia, trong giai đoạn 2012-2015.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế tài chính dự trữ quốc gia trong giai đoạn 2013-2015.

c) Đầu tư, xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia thực hiện theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2011.

2. Tổ chức triển khai thực hiện

a) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Căn cứ Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong chiến lược phát triển dự trữ quốc gia.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan phân bổ vốn đầu tư xây dựng kho, cơ sở hạ tầng cho các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Việc xây dựng kế hoạch, dự kiến phân bổ vốn tăng dự trữ quốc gia hàng năm cho các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia, mức dự trữ quốc gia từng loại hàng; tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia; cân đối, tổng hợp về kế hoạch dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

b) Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia:

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức bảo quản, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hàng dự trữ quốc gia.

- Xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống kho, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Hàng năm lập kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý dự trữ quốc gia của Bộ, ngành mình để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền về dự trữ quốc gia đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội để ý thức được công tác dự trữ cho gia đình và tiết kiệm cho xã hội đề phòng mọi rủi ro, bất trắc xảy ra.

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ động tham gia hoạt động dự trữ quốc gia; chỉ đạo quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia đúng mục đích, có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, bảo vệ an toàn hàng hóa dự trữ quốc gia và tạo điều kiện cho các đơn vị dự trữ quốc gia trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức kinh tế - xã hội và mọi người dân tại địa phương nâng cao nghĩa vụ và trách nhiệm đối với hoạt động dự trữ quốc gia.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội

a) Lương thực (thóc, gạo).

b) Sản phẩm xăng, dầu (Xăng, dầu Diesel, mazút, nhiên liệu máy bay dân dụng và chiến đấu) và dầu thô.

c) Muối trắng.

d) Giống cây trồng.

đ) Vật liệu nổ công nghiệp.

2. Nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn...

a) Tàu, xuồng cao tốc tìm kiếm cứu nạn các loại.

b) Xuồng cao su cứu sinh các loại.

c) Nhà bạt cứu sinh các loại.

d) Phao áo cứu sinh các loại.

đ) Phao tròn cứu sinh các loại.

e) Phao bè cứu sinh nhẹ.

g) Phao hơi cứu nạn.

h) Ống thoát hiểm.

i) Đồng bộ thiết bị chữa cháy rừng (có máy bơm công suất cao).

k) Xe thang cứu nạn nhà cao tầng (cao 30 - 50 mét).

l) Hóa chất khống chế cháy rừng.

m) Xe tải ben, stéc (15 - 20 tấn).

n) Xe cẩu (20 tấn trở lên).

o) Máy xúc đào đa năng.

p) Bộ dầm cầu đồng bộ.

q) Ray, tà vẹt đường sắt.

3. Nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp

a) Vũ khí các loại.

b) Trang thiết bị phục vụ hoạt động trên biển.

c) Phương tiện tác chiến đa năng.

d) Xe nghiệp vụ chuyên dụng.

đ) Công cụ hỗ trợ, trang thiết bị bảo vệ cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.

e) Trang thiết bị kỹ thuật mật mã.

g) Hệ thống thông tin liên lạc và giám sát thông tin.

h) Phương tiện, trang thiết bị, phụ tùng nghiệp vụ chuyên dụng quốc phòng, an ninh.

i) Nhiên liệu chuyên dùng cho quân sự.

k) Vật tư, phụ tùng đồng bộ để sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quốc phòng, an ninh.

l) Thuốc nổ và vật liệu nổ quân dụng.

4. Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người

a) Các trang thiết bị y tế thiết yếu.

b) Hóa chất khử khuẩn, khử trùng.

c) Máy lọc nước mặn, nước sông ngòi thành nước sạch.

5. Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng

a) Vắc xin các loại.

b) Thuốc bảo vệ thực vật.

c) Thuốc sát trùng phòng chống dịch bệnh cho gia súc; thủy sản.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2091/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2091/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 13 đến số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản