Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình số 15641/TTr-BGTVT ngày 23 tháng 11 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải phải tuân thủ và phù hợp yêu cầu về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước và Chính phủ.

2. Thống nhất, đồng bộ và phân bố hợp lý giữa các lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu phát triển của Bộ, ngành và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

3. Mang tính kế thừa quy hoạch đã được phê duyệt trước đây nhằm phát huy hiệu quả, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị.

4. Sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tăng cường thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; tiếp tục củng cố, đầu tư cơ sở vật chất các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời thực hiện các chính sách thúc đẩy xã hội hóa nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội tham gia phát triển các dịch vụ sự nghiệp công.

5. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động; bảo đảm tính đặc thù của từng lĩnh vực, có tính kế thừa, phát huy tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ viên chức hiện có.

6. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự bảo đảm chi phí hoạt động trên cơ sở đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự.

7. Quy hoạch mang tính động và mở, có sự cập nhật, điều chỉnh phù hợp trong từng thời kỳ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ, tạo đột phá trong quản lý, từng bước xóa bỏ sự can thiệp và bao cấp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

b) Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, bền vững.

c) Nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Về mạng lưới các đơn vị sự nghiệp: Thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công ngành Giao thông vận tải, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất; thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công; thí điểm chuyển một số đơn vị sang mô hình doanh nghiệp hoặc thực hiện cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện theo quy định. Phấn đấu đến năm 2020 chuyển 39 đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp và thí điểm thực hiện cổ phần hóa 05 đơn vị, sau đó tổ chức đánh giá, nếu có kết quả tốt sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho cổ phần hóa một số đơn vị đủ điều kiện khác.

- Về thực hiện cơ chế tự chủ: Các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu đến hết năm 2020 có 52% đơn vị có thể tự đảm bảo được chi thường xuyên.

b) Giai đoạn 2021 - 2030:

- Về mạng lưới các đơn vị sự nghiệp: Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp tình hình phát triển ngành Giao thông vận tải. Tiếp tục mở rộng thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa đối với những đơn vị đủ điều kiện theo quy định.

- Về thực hiện cơ chế tự chủ: Tiếp tục chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn, phấn đấu đến năm 2030 tất cả các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Các ban quản lý dự án

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Duy trì 17 ban quản lý dự án như hiện có, gồm:

+ 11 đơn vị trực thuộc Bộ: Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án An toàn giao thông, Ban Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 6, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Ban Quản lý dự án Hàng hải, Ban Quản lý dự án Đường thủy;

+ 04 đơn vị trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Ban Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án 5, Ban Quản lý dự án 8;

+ 01 đơn vị trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Ban Quản lý dự án Đường thủy nội địa;

+ 01 đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam: Ban Quản lý dự án các công trình Hàng hải.

- Các ban quản lý dự án hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên.

b) Giai đoạn 2021 - 2030: Tiếp tục duy trì các ban quản lý dự án như giai đoạn 2016- 2020.

2. Các Chi cục Đăng kiểm và Trung tâm Đăng kiểm

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Giai đoạn 2016 - 2017: Chuyển 11 Trung tâm đăng kiểm cho doanh nghiệp quản lý, gồm: 2903V, 2904V, 2905V, 2906V, 5003V, 5004V, 5005V, 5006V, 5007V, 3703D, 8103D. Nghiên cứu chuyển đổi 01 Trung tâm trong số 03 Trung tâm (1501V, 2901V, 2902V) vào Trung tâm đào tạo để thực hiện việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ mới phục vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định, giúp Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm. Thí điểm thực hiện cổ phần hóa 01 Trung tâm (1901V), sau đó tổ chức đánh giá, nếu có kết quả tốt sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho cổ phần hóa tiếp 02 Trung tâm còn lại trong số 03 Trung tâm (1501V, 2901V, 2902V).

- Giai đoạn 2018 - 2020: Thành lập 01 doanh nghiệp đăng kiểm phương tiện đường sắt trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị đăng kiểm đường sắt và một bộ phận của Phòng Đường sắt của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thành lập 01 doanh nghiệp đăng kiểm phương tiện thủy và công trình dầu khí biển trên cơ sở sắp xếp lại 24 Chi cục Đăng kiểm hiện có và các Phòng: Quy phạm, Tàu biển, Tàu sông, Công nghiệp, Công trình biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thành lập 01 doanh nghiệp đăng kiểm phương tiện đường bộ trên cơ sở 02 trong số 03 Trung tâm đăng kiểm (1501V, 2901V, 2902V) còn lại trong trường hợp kết quả đánh giá việc cổ phần hóa không tốt.

b) Giai đoạn 2021 - 2030: Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các hoạt động dịch vụ đăng kiểm chuyển cho doanh nghiệp đảm nhận sau khi đã thực hiện ở giai đoạn 2016 - 2020.

3. Các đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Tiếp tục duy trì hoạt hoạt động của các 04 trường trực thuộc Bộ: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp nằm trong trường); phát triển Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải thành trường đại học trọng điểm Quốc gia.

- Nghiên cứu chuyển Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II thành phân hiệu của Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển Trường Cao đẳng Giao thông vận tải miền Trung thành phân hiệu của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

- Thí điểm thực hiện cổ phần hóa Học viện Hàng không Việt Nam.

- Các đơn vị duy trì mức tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và hàng năm tăng mức độ tự chủ chi thường xuyên; thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học.

b) Giai đoạn 2021 - 2030:

- Giữ ổn định số lượng các đơn vị như giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung ngành giáo dục đại học; tiếp tục phát triển Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải thành trường đại học đẳng cấp khu vực và thế giới.

- Giai đoạn 2021 - 2025, toàn bộ các đơn vị chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên; giai đoạn 2026 - 2030, các đơn vị chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Các đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học.

c) Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm cổ phần hóa, nếu có kết quả tốt thì tiếp tục nghiên cứu thực hiện cổ phần hóa một số đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung ngành giáo dục đại học.

4. Các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Tiếp tục duy trì hoạt động 12 trường cao đẳng, trung cấp, Trung tâm dạy nghề, gồm:

+ 04 trường trực thuộc Bộ: Trường Cao đẳng Giao thông vận tải III, Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương I, Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương II và Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương III; phát triển Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương I, Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương II và Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương III thành trường nghề chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ;

+ 02 trường trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam: Trường Cao đẳng Hàng hải I và Trường Cao đẳng nghề Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh;

+ 02 trường trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Đường thủy I và Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Đường thủy II;

+ 03 trường trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Bắc, Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam; nâng cấp Trường Trung cấp nghề Cơ giới Đường bộ lên trường cao đẳng;

+ 01 Trung tâm dạy nghề trực thuộc Cục Y tế giao thông vận tải: Trung tâm dạy nghề Y tế Giao thông vận tải.

- Thí điểm thực hiện cổ phần hóa Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Thăng Long.

- Trung tâm dạy nghề Y tế giao thông vận tải là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, các đơn vị còn lại duy trì mức tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, hàng năm tăng mức độ tự chủ chi thường xuyên, hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

b) Giai đoạn 2021 - 2030:

- Tiếp tục duy trì hoạt động của các đơn vị như giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung ngành giáo dục nghề nghiệp.

- Nâng cấp Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Bắc, Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam lên trường cao đẳng.

- Trong giai đoạn 2021 - 2025, tất cả đơn vị chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên; giai đoạn 2026 - 2030, các đơn vị chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

c) Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm cổ phần hóa, nếu có kết quả tốt thì tiếp tục nghiên cứu thực hiện cổ phần hóa một số đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung ngành giáo dục nghề nghiệp.

5. Các đơn vị sự nghiệp y tế

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Có 16 đơn vị, hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế, gồm:

+ 15 đơn vị trực thuộc Cục Y tế: Bệnh viện giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; Bệnh viện giao thông vận tải Hải Phòng, Bệnh viện giao thông vận tải Vĩnh Phúc, Bệnh viện giao thông vận tải Yên Bái, Bệnh viện giao thông vận tải Huế, Bệnh viện giao thông vận tải Nha Trang, Bệnh viện giao thông vận tải Tháp Chàm, Phòng khám đa khoa giao thông vận tải Gia Lâm, Phòng khám đa khoa giao thông vận tải Bắc Giang, Phòng khám đa khoa giao thông vận tải Thanh Hóa là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; Trung tâm phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp giao thông 4, Trung tâm y tế đường bộ 2, Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp Đà Lạt, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường giao thông vận tải, Trung tâm Giám định y khoa giao thông vận tải là đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên;

+ 01 đơn vị trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam: Trung tâm Y tế hàng không là đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên;

+ Chuyển Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp Sầm Sơn thuộc Cục Y tế giao thông vận tải về Bộ Công an quản lý.

- Thực hiện cổ phần hóa 03 đơn vị: Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện giao thông vận tải Vinh, Bệnh viện giao thông vận tải Đà Nẵng.

b) Giai đoạn 2021 -2030:

- Duy trì số lượng các đơn vị như giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung ngành y tế.

- Các đơn vị chuyển sang đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế.

c) Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện cổ phần hóa, nếu có kết quả tốt thì tiếp tục nghiên cứu thực hiện cổ phần hóa một số đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung ngành y tế.

6. Các đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ

a) Giai đoạn đến năm 2020: Có 02 đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ trực thuộc Bộ: Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải là đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải là đơn vị nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Các Viện hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ.

b) Giai đoạn 2021 - 2030: Chuyển Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tiếp tục là đơn vị nhà nước đảm bảo chi hoạt động, hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ.

7. Các đơn vị sự nghiệp thông tin, truyền thông và báo chí

Giai đoạn đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì hoạt động Báo Giao thông và Tạp chí Giao thông vận tải để đảm bảo chức năng thông tin của ngành Giao thông vận tải. Các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và hoạt động theo chế độ tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và báo chí.

8. Các đơn vị đơn vị sự nghiệp khác

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Tiếp tục duy trì 04 đơn vị hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp nhà nước đảm bảo chi hoạt động thường xuyên: Trung tâm Công nghệ thông tin trực thuộc Bộ; Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải và Trung tâm Thông tin An ninh hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; Trạm Kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

- Thành lập mới 03 Trung tâm quản lý điều hành giao thông đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên.

- Chuyển Cụm phà Vàm Cống sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

- Thực hiện cổ phần hóa 05 đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Trung tâm Kỹ thuật đường bộ, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 4 sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho cổ phần hóa.

b) Giai đoạn 2021 - 2030: Tiếp tục duy trì hoạt động của các đơn vị sự nghiệp như giai đoạn 2016 - 2020.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Nhóm giải pháp quản lý nhà nước

a) Ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển đơn vị sự nghiệp công lập, tạo động lực cho các đơn vị, đội ngũ viên chức.

b) Gắn quyền hạn với trách nhiệm của từng cấp, của tập thể và cá nhân người đứng đầu đơn vị; gắn phân cấp nhiệm vụ với phân cấp quản lý về tổ chức, nhân sự, tài chính và bảo đảm các điều kiện vật chất khác. Một mặt trao cho các đơn vị đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm; mặt khác bảo đảm quyền sở hữu và vai trò của đại diện chủ sở hữu trong các đơn vị.

c) Tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính; tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị cùng phát triển ổn định, bền vững; bảo đảm lợi ích của từng cá nhân, tập thể và của nhà nước.

d) Quy định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp; quy định và thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện thẩm quyền.

đ) Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; đồng thời, phát huy dân chủ ở cơ sở để giám sát công việc quản lý của các cấp; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc giám sát hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Nhóm giải pháp về tài chính

a) Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào một số lĩnh vực về giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ. Hỗ trợ các đơn vị trong việc tìm nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp.

b) Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là khối giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; khoa học - công nghệ liên kết với doanh nghiệp, với các đơn vị sự nghiệp khác trong các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ.

c) Đẩy nhanh tiến trình thực hiện tự chủ và thực hiện xã hội hóa, thí điểm thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện.

d) Đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang triển khai từ nguồn ngân sách nhà nước; tập trung đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên, cấp thiết.

đ) Đối với nguồn vốn sự nghiệp: Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, gắn việc giao dự toán ngân sách hàng năm cho các đơn vị sự nghiệp với việc thực hiện nhiệm vụ, tiến tới thực hiện phương thức về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật để thúc đẩy các đơn vị phát triển.

3. Nhóm giải pháp về nhân lực

a) Tổ chức thực hiện Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi Đề án được phê duyệt.

b) Phát triển đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có đủ năng lực trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước, khu vực và quốc tế thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể:

- Liên kết với các đối tác có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài để triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong một số chuyên ngành Giao thông vận tải ưu tiên để hình thành các nhóm, tập thể khoa học và công nghệ mạnh, có thể tổ chức và tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải.

- Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương, đa phương, khu vực và quốc tế.

- Thu hút các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các chương trình đào tạo đại học và sau đại học tại các trường đại học, học viện và các viện nghiên cứu thuộc Bộ Giao thông vận tải.

4. Nhóm giải pháp về tổ chức

a) Nghiên cứu, rà soát, tái cơ cấu lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

b) Quyết liệt thực hiện đổi mới mô hình hoạt động từ mô hình hiện nay sang mô hình thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, đặc biệt khuyến khích thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực, nhiệm vụ có khả năng, điều kiện thực hiện xã hội hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng cổ phần hóa đối với các đơn vị tự đảm bảo tự chủ toàn bộ về tài chính hoặc có thể tự chủ toàn bộ về tài chính sau cổ phần hóa theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Đẩy nhanh việc thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực đăng kiểm và đường bộ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch.

b) Chủ động xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế.

2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện các nội dung liên quan trong Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (3b). XH

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 208/QĐ-TTg năm 2016 Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 208/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/02/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 183 đến số 184
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản