ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 206/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 10 năm 1985 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ PHÂN PHỐI SỬ DỤNG ĐIỆN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
- Căn cứ Nghị định số 80-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ cung ứng và sử dụng điện;
- Sau khi đã bàn bạc nhất trí giữa Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và Thường trực Bộ Điện lực tại thành phố Hồ Chí Minh (trong cuộc họp ngày 16 tháng 7 năm 1985) về sự cần thiết phải ban hành quy chế về điện nhằm sử dụng hợp lý chỉ tiêu điện của thành phố và kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành điện và chánh quyền địa phương (quận huyện, phường xã) trong việc quản lý phân phối và sử dụng điện;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Ban hành quy định về quản lý phân phối và sử dụng điện tại thành phố Hồ Chí Minh kèm theo quyết định này.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được quy định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.-
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ PHÂN PHỐI SỬ DỤNG ĐIỆN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 206/QĐ-UB ngày 26/10/1985 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Điều 1.- Điện năng là vật tư chiến lược có tính chất quyết định đối với sự phát triển kinh tế của thành phố.
Đặc điểm của điện năng là : sản xuất và sử dụng xảy ra đồng thời, việc cung ứng và sử dụng điện có quan hệ mật thiết với nhau, có ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau nên phải thực hiện nghiêm ngặt các văn bản pháp quy của Nhà nước và các quy định, thể lệ của ngành điện. Ngành điện cần phối hợp chặt chẽ với các ngành các cấp và các đoàn thể, thường xuyên giáo dục cho cán bộ công nhân viên chức và nhân dân ý thức bảo vệ nguồn điện, tiết kiệm điện, phổ biến các quy định về việc thực hiện các biện pháp chống lãng phí thất thoát điện và thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định đó, nhằm tập trung điện phục vụ sản xuất, sử dụng điện với hiệu quả kinh tế cao, phân bổ sử dụng hợp lý nhất chỉ tiêu điện đã được Hội đồng Bộ trưởng phân bổ cho thành phố.
Điện năng là loại vật tư đặc biệt, không thể tích trữ lúc thừa dành cho lúc thiếu, vì vậy điện năng phải quyết toán đúng đắn hợp lý theo điện kế.
Điều 2.- Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố có trách nhiệm cùng với Giám đốc Sở Điện lực nghiên cứu giúp Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ chỉ tiêu điện một cách hợp lý cho các ngành và quận huyện trong thành phố (không kể chỉ tiêu điện mà Trung ương phân bổ cho các đơn vị của Trung ương).
Điều 3.- Nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu sử dụng điện :
a) Bảo đảm chỉ tiêu điện cho các đơn vị sản xuất theo tỷ lệ tương ứng với chỉ tiêu giá trị sản lượng của kế hoạch sản xuất và định mức tiêu hao điện năng trên một đơn vị sản phẩm.
b) Bảo đảm điện cho các khu vực trọng điểm cần được cung cấp ưu tiên và liên tục như : bệnh viện, các cơ sở sản xuất trọng điểm có hiệu quả kinh tế cao (đặc biệt là các cơ sở sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu), các trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm những cơ sở có những thiết bị kỹ thuật đòi hỏi phải vận hành liên tục, các cơ quan lãnh đạo đầu não, các địa điểm cần bảo đảm an toàn tuyệt đối.
c) Chỉ tiêu điện dành cho khu vực sản xuất chỉ được phân bổ cho những cơ sở sản xuất có giấy phép kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (bao gồm : quốc doanh, công tư hợp doanh, các cơ sở hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp và tư nhân và ưu tiên cho các cơ sở có hợp đồng sản xuất, giao nộp sản phẩm theo quy định hiện hành).
d) Trong tình hình điện năng chưa đáp ứng đầy đủ toàn bộ cho nhu cầu của tất cả các khu vực phi sản xuất, ánh sáng sinh hoạt. Các cơ sở được cung cấp điện ưu tiên phải phối hợp chặt chẽ với ngành điện để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và chỉ dùng điện trong định mức, đồng thời thực hành tiết kiệm, sử dụng hợp lý, đúng mục đích của các đối tượng được ưu tiên thì phải thực hành tiết kiệm, hạn chế sử dụng điện ở khu vực.
e) Chỉ tiêu điện phân bổ cho sản xuất bao gồm : công suất (KW) và sản lượng điện (KWh).
Điều 4.- Việc cung ứng điện phải ổn định, bảo đảm chỉ tiêu và chất lượng điện năng theo đúng hợp đồng đã ký kết. Trường hợp mất điện ngoài quy định, ngành điện phải kịp thời thông báo cho Ban quản lý phân phối điện quận huyện và ngành có liên quan để có biện pháp chủ động khắc phục khó khăn, bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất.
Khi cần phải cắt điện theo lịch hàng tuần hoặc thay đổi giờ cắt điện, ngành điện phải thông báo trên báo, đài, sau khi đã báo cáo xin ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố.
Việc sử dụng điện, nhất là sử dụng trong giờ cao điểm, phải hợp pháp, hợp lý, tiết kiệm, đúng kế hoạch, đúng chế độ và đúng quy định sử dụng điện.
Điều 5.- Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phân bổ chỉ tiêu điện cho các đơn vị trực thuộc và phường, xã theo các nguyên tắc quy định ở điều 3 và không trái với các quy định của Trung ương và thành phố. Tổng lượng điện do từng quận huyện và từng ngành giao cho các phường xã và các đơn vị trực thuộc không được vượt quá tổng định mức mà thành phố đã phân bổ cho quận huyện và ngành.
Điều 6.- Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường xã chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu điện cho các cơ sở trong phạm vi phường, xã và cũng theo những nguyên tắc đã ghi ở điều 3.
Điều 7.- Những hộ xin cấp điện mới phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định trong nghị định 80-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Sau khi cấp có thẩm quyền duyệt cấp điện; đường dây và điện kế đã được nghiệm thu về mặt kỹ thuật thì mới được cấp định mức điện.
Điều 8.- Để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện phường xã quyết định đúng đắn việc phân bổ chỉ tiêu điện, mỗi quận, huyện, phường xã thành lập một Ban quản lý phân phối điện (cho quận, huyện) và Tổ quản lý điện (cho phường xã) có đại diện chi nhánh điện tham gia.
Điều 9.- Thành phần và chức năng của Ban quản lý phân phối điện ở quận huyện gồm có :
a) Thành phần : Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện làm Trưởng Ban (có thể Phó Chủ tịch). Trưởng Chi nhánh điện khu vực làm Phó Trưởng Ban. Các ủy viên khác do Trưởng Ban quyết định.
b) Chức năng :
1- Thông qua kế hoạch phân bổ chỉ tiêu điện cho phường.
2- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu điện năng đã được phân bổ.
3- Tổ chức vận động tiết kiệm điện trong các đơn vị và nhân dân nhằm bảo đảm dùng dưới hoặc không vượt quá chỉ tiêu điện được giao.
4- Tham gia với ngành điện trong việc giải quyết thưởng, phạt, bồi thường theo Nghị định 80-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
5- Khen thưởng đối với các đơn vị và cá nhân thực hiện tốt việc tiết kiệm điện và tham gia xử lý những đơn vị và cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng điện.
6- Kiến nghị với ngành điện khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với những đơn vị, cán bộ công nhân viên của ngành điện trong việc thực hiện quy chế quản lý điện.
Điều 10.- Thành phần và chức năng của tổ quản lý điện ở phường xã.
a) Thành phần : Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường xã làm tổ trưởng. Các thành viên còn lại do Tổ trưởng chọn và Trưởng Ban quản lý phân phối điện quận huyện chuẩn y.
b) Chức năng :
1- Thông qua kế hoạch phân bổ chỉ tiêu điện cho các cơ sở sản xuất thuộc phạm vi quản lý của phường xã và đề nghị lên Ban quản lý phân phối điện quận, huyện.
2- Báo cáo hàng tháng lên Ban quản lý phân phối điện về tình hình cung ứng và sử dụng điện ở các cơ sở sản xuất.
3- Giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để Ban quản lý phân phối điện tiến hành kiểm tra định kỳ và bất thường việc thực hiện chỉ tiêu điện năng đã được phân bổ và việc thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng điện.
4- Tham gia, giúp đỡ ngành điện trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát điện năng và thi hành các thông tư, chỉ thị, nghị định của Nhà nước và thành phố.
5- Tham gia bảo vệ nguồn điện, lưới điện, trạm biến điện nhằm bảo đảm an toàn trong cung ứng và sử dụng điện.
6- Vận động thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện và các biện pháp chống tiêu cực trong cung ứng và sử dụng điện đến khu phố, tổ dân phố và cơ sở sản xuất. Trên cơ sở đó đề nghị lên Ban quản lý phân phối điện khen thưởng và xử lý theo điều 9 (mục b, điểm 4, 5, 6).
Điều 11.- Sau khi kế hoạch phân bổ điện cho các đơn vị cơ sở được Ban quản lý phân phối điện quận huyện duyệt y (có sự tham khảo ý kiến với ngành điện) thì mới được tiến hành ký kết hợp đồng, giữa cơ sở sử dụng điện với ngành điện. Các cơ sở sản xuất có trách nhiệm quyết toán sản phẩm giao nộp tương ứng với lượng điện sử dụng theo quy định. Trường hợp chưa có chỉ tiêu phân bổ điện được duyệt thì tạm ký hợp đồng cung ứng và sử dụng điện theo chỉ tiêu phân bổ năm trước hoặc theo số kiểm tra kế hoạch, đến khi có chỉ tiêu chính thức phải điều chỉnh lại hợp đồng ngay.
Điều 12.- Trong quá trình thực hiện, những yêu cầu về điều chỉnh tăng giảm định mức điện khác với điều 11 phải được Trưởng Ban quản lý phân phối điện duyệt y. Nguyên tắc điều chỉnh là không làm thay đổi tổng định mức điện được giao. (Tổng lượng điện tăng cho số cơ sở này phải bằng tổng lượng điện giảm của số cơ sở khác). Sở Điện lực có trách nhiệm hướng dẫn làm thủ tục điều chỉnh và thực hiện việc điều chỉnh chậm nhất là một tháng sau khi nhận hồ sơ xin điều chỉnh.
Điều 13.- Giao trách nhiệm cho ngành điện thành phố nghiên cứu áp dụng các biện pháp quản lý điện nói chung và quản lý chỉ tiêu điện của thành phố nói riêng.
a) Thường xuyên tìm biện pháp chống thất thoát điện, chống sử dụng điện không hợp pháp, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu điện của thành phố có hiệu quả kinh tế cao. Phải tiến hành đồng thời cả biện pháp chống thất thu tiền điện và biện pháp chống tiêu cực trong ngành điện nhằm bảo đảm điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống, bảo đảm doanh thu của ngành điện thành phố và bảo đảm cho hoạt động của ngành điện đúng chế độ của Nhà nước, thực hiện tốt sự kết hợp giữa quản lý ngành với quản lý của địa phương trong công tác quản lý điện năng.
b) Thường xuyên cải tiến cách tổ chức thu thập, xử lý thông tin trong ngành điện từ việc lấy số liệu ở điện kế, đưa vào chương trình máy tính, việc phân tích, tính giá, in ra hóa đơn, đến việc tổ chức thu tiền điện sao cho khoa học nhưng thuận tiện, không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống, đồng thời bảo đảm tính chính xác trong công tác thanh quyết toán về điện.
Điều 14.- Khi có trường hợp vi phạm hợp đồng cung ứng và sử dụng điện thì ngành điện cùng quận huyện hoặc ngành chủ quản phối hợp chặt chẽ để xử lý theo nghị định 80-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 15.- Điều khoản thi hành.
a) Bản quy định này áp dụng cho các đơn vị sử dụng chỉ tiêu điện của thành phố Hồ Chí Minh và có hiệu lực từ ngày ký.
b) Giao trách nhiệm cho Ủy ban Kế hoạch thành phố, Ủy ban nhân dân quận huyện và Sở Điện lực cùng phối hợp chặt chẽ bàn biện pháp thực hiện bản quy định này.
c) Những điều khoản của các văn bản ban hành trước đây trái với tinh thần và nội dung của bản quy định này đều được bãi bỏ.-
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Quyết định 206/QĐ-UB năm 1985 quy định về quản lý phân phối và sử dụng điện tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 206/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/10/1985
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Văn Triết
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/10/1985
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực