Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2055/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 28 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 31/01/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 15/6/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn Cà Mau giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 4472/UBND-KT ngày 26/8/2014 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh thời kỳ lập Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 78/TTr-SCT ngày 17/11/2015; Báo cáo thẩm định số 387/BC-SKHĐT ngày 23/12/2015 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm

- Phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn phải gắn với việc tiêu thụ hàng hóa nông sản do nông dân sản xuất ra, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nông thôn phát triển.

- Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư theo hướng huy động tối đa các nguồn lực với phương châm ngoại lực là trọng tâm, nội lực là quyết định.

- Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn Cà Mau trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 31/01/2013 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan.

- Phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại nói chung và thương mại nông thôn nói riêng.

- Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn mang tính hiện đại, đáp ứng được nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của thương nhân và dân cư trên địa bàn phù hợp với văn hóa tiêu dùng của từng địa phương.

- Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn dựa trên cơ sở phát triển một cách toàn diện và đa dạng các cấp độ và loại hình hạ tầng thương mại (chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,...).

2. Mục tiêu quy hoạch

2.1. Mục tiêu chung

- Đáp ứng đầy đủ và kịp thời vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng dân cư với giá cả hợp lý.

- Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa người sản xuất và các tổ chức, doanh nghiệp thông qua các hình thức đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực về vốn, thị trường, sức lao động, cơ sở vật chất để phát triển sản xuất, từng bước đưa sản xuất hàng hóa ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

- Góp phần tổ chức lưu thông hàng hóa nhằm tạo ra những tiền đề bên trong sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng mở rộng các ngành nghề chế biến, dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất lớn, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Hình thành các khu thương mại - dịch vụ gắn liền với các xã, cụm xã với sự tham gia của nhiều chủ thể kinh doanh. Đến năm 2020 tại các khu thương mại - dịch vụ sẽ phát triển các loại hình kinh doanh như: chợ, cửa hàng, điểm bán, điểm thu mua nông sản.

- Hình thành mạng lưới các loại hình kinh doanh thương mại đa dạng ở khu vực nông thôn. Cải tạo, nâng cấp và xây mới để bảo đảm có đủ chợ dân sinh ở các xã, cụm xã phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của nhân dân; nâng cấp, xây mới các chợ trung tâm xã; hình thành các chợ đầu mối bán buôn tại những nơi có sản xuất hàng hóa tập trung, có vị trí và điều kiện giao thông thuận lợi. Phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn nông thôn tỉnh Cà Mau sẽ có hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu,... cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của dân cư trong vùng.

- Phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, xây dựng một số điểm mua sắm, siêu thị tổng hợp quy mô nhỏ tại một số địa bàn dân cư tập trung, kinh tế phát triển, tạo điều kiện mua sắm cho người dân trong khu vực.

3. Định hướng phát triển

3.1. Phát triển chợ, siêu thị

- Quy hoạch mạng lưới các chợ, siêu thị trên địa bàn nông thôn theo đúng quy định; các công trình xây mới đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Thiết lập mạng lưới chợ, siêu thị trên địa bàn nông thôn một cách hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đa dạng hóa hình thức quản lý kinh doanh, khai thác chợ, siêu thị phù hợp với loại hình tổ chức và quy mô vốn đầu tư. Căn cứ hình thức đầu tư, mô hình tổ chức để lựa chọn phương thức quản lý kinh doanh, khai thác theo quy định của Nhà nước với phương châm đơn giản, thuận lợi và hiệu quả.

3.2. Phát triển cửa hàng xăng dầu

- Phát triển đối với kho xăng dầu: Xác định quy hoạch đầu tư xây dựng theo từng vùng khu vực địa lý, đảm bảo lượng dự trữ cần thiết, thuận tiện giao thông, giảm chi phí vận chuyển.

- Phát triển cửa hàng xăng dầu phù hợp với quy hoạch, các cửa hàng xây dựng mới phải đạt các tiêu chuẩn quy định hiện hành.

- Xây dựng lộ trình cải tạo, nâng cấp đối với các cửa hàng chưa đảm bảo các điều kiện quy định. Các cửa hàng thuộc diện cải tạo, nâng cấp nếu không thực hiện đúng lộ trình, không đạt tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước thì không được kinh doanh.

- Đến năm 2020, các cửa hàng xăng dầu trên các tuyến Quốc lộ đạt tiêu chuẩn cửa hàng cấp II trở lên, các cửa hàng thuộc các tuyến đường tỉnh, đường huyện phải đạt tiêu chuẩn cấp III trở lên, không còn cửa hàng xăng dầu không đạt tiêu chuẩn phân loại; mỗi xã trong tỉnh đều có ít nhất một cửa hàng xăng dầu.

3.3. Phát triển cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)

- Phát triển mới các cửa hàng LPG phải gắn với các khu dân cư tập trung, số lượng cửa hàng tăng thêm phải đảm bảo cân đối với nhu cầu tiêu dùng và hiệu quả kinh doanh. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, cấp phép cho các cửa hàng LPG cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố về thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

- Đối với các trạm chiết nạp LPG, phát triển thêm tại các vị trí phù hợp, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn.

- Trạm chiết nạp và kho chứa chai LPG chỉ được xây dựng ở nơi không quy hoạch dân cư.

3.4. Phát triển cửa hàng thương mại

- Các loại hình cửa hàng, cửa hiệu, quầy hàng, sạp hàng của các hộ kinh doanh được quy hoạch phát triển theo hướng hình thành các tụ điểm, các dãy phố buôn bán, các cửa hàng bách hóa, cơ sở đại lý, cửa hàng nhượng quyền thương mại, hợp đồng hợp tác kinh doanh,...

- Cùng với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, các mô hình bán lẻ hiện đại được khuyến khích phát triển, trong đó có các hộ kinh doanh bán lẻ với hình thức cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, phải đảm bảo sự thuận tiện, linh hoạt trong hoạt động mua và bán các sản phẩm, hàng hóa; tăng cường sự liên kết giữa các loại hình thương mại để nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Định hướng phát triển đối với các khu thương mại - dịch vụ: Thúc đẩy nhanh việc hình thành các khu thương mại - dịch vụ hay tụ điểm thương mại, có quy mô thích ứng với yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư.

3.5. Phát triển các Hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh

Tiếp tục đẩy mạnh và khai thác có hiệu quả hơn loại hình Hợp tác xã thương mại; khuyến khích thành lập Hợp tác xã thương mại - dịch vụ tại các vùng sản xuất nông sản tập trung để thực hiện chức năng làm dịch vụ cung ứng đầu vào cho hộ nông dân với các loại vật tư cho sản xuất và đồng thời tư vấn cho nông dân về nhu cầu thị trường, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đối với từng loại hàng hóa... Tổ chức thu mua sản phẩm do hộ nông dân theo hình thức hợp đồng kinh tế hai chiều với giá cả thị trường theo từng thời điểm. Hợp tác xã thương mại - dịch vụ tổ chức tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm thông qua hệ thống đại lý, cửa hàng độc lập, thương nhân ở các chợ, siêu thị,...

Cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các hộ kinh doanh, đồng thời chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho việc gia tăng số lượng các điểm bán, từ đó góp phần tạo nên các khu thương mại - dịch vụ tập trung ở các trung tâm xã, cụm xã,...

4. Nội dung quy hoạch

4.1. Quy hoạch chợ

Quy hoạch mạng lưới chợ đến năm 2020 tại địa bàn nông thôn các huyện, thành phố cụ thể như sau:

4.1.1. Ngoại ô thành phố Cà Mau

Hiện tại trên địa bàn ngoại ô thành phố Cà Mau có 8 chợ, dự kiến quy hoạch đến năm 2020, xây dựng mới 2 chợ gồm: Chợ đầu mối nông sản tại ấp Bà Điều xã Lý Văn Lâm, chợ xã Hòa Tân. Nâng cấp chợ Định Bình, chợ Tân Thành, đồng thời chỉnh trang chợ Tắc Vân để đạt chuẩn chợ xã nông thôn mới. Đến năm 2020 trên địa bàn nông thôn thành phố Cà Mau dự kiến có 10 chợ; trong đó có 1 chợ đầu mối nông sản và 9 chợ dân sinh.

4.1.2. Huyện Thới Bình

Hiện tại trên địa bàn huyện có 9 chợ nông thôn; dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 3 chợ nông thôn gồm: Chợ Kinh 12 Biển Bạch xã Biển Bạch, chợ Đồng Sậy xã Thới Bình, chợ Tân Bằng xã Tân Bằng. Nâng cấp chợ Trí Phải, Trí Lực để đạt tiêu chí chợ xã nông thôn mới. Đến 2020, trên địa bàn nông thôn huyện dự kiến có 12 chợ.

4.1.3. Huyện U Minh

Hiện tại huyện có 3 chợ nông thôn; dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 4 chợ gồm: Chợ Nguyễn Phích xã Nguyễn Phích, chợ Khánh Lâm xã Khánh Lâm, chợ Khánh Tiến xã Khánh Tiến, chợ Khánh Thuận xã Khánh Thuận. Nâng cấp chợ Khánh An, Khánh Hòa đạt tiêu chí chợ xã nông thôn mới. Đến năm 2020 trên địa bàn nông thôn huyện dự kiến có 7 chợ.

4.1.4. Huyện Trần Văn Thời

Hiện tại trên địa bàn nông thôn huyện có 7 chợ; dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 5 chợ hạng III gồm: Chợ Phong Điền xã Phong Điền, chợ Lợi An xã Lợi An, chợ Khánh Lộc xã Khánh Lộc, chợ Khánh Hải xã Khánh Hải, chợ Khánh Bình xã Khánh Bình, chợ Khánh Bình Tây Bắc xã Khánh Bình Tây Bắc. Nâng cấp chợ Trần Hợi xã Trần Hợi, chợ Phong Lạc xã Phong Lạc. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn huyện có 13 chợ.

4.1.5. Huyện Cái Nước

Hiện tại trên địa bàn nông thôn huyện có 5 chợ; dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 2 chợ gồm: Chợ Lương Thế Trân xã Lương Thế Trân, chợ Đông Hưng xã Đông Hưng. Nâng cấp chợ Rau Dừa xã Hưng Mỹ để đạt tiêu chí chợ xã nông thôn mới. Đến năm 2020 trên địa bàn nông thôn huyện sẽ có 7 chợ.

4.1.6. Huyện Phú Tân

Hiện tại trên địa bàn nông thôn huyện có 5 chợ; dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 2 chợ gồm: Chợ Phú Mỹ xã Phú Mỹ, chợ Nguyễn Việt Khái xã Nguyễn Việt Khái; Nâng cấp chợ Tân Hưng Tây xã Tân Hưng Tây đạt tiêu chí chợ nông thôn mới. Đến năm 2020 trên địa bàn nông thôn huyện có 7 chợ.

4.1.7. Huyện Đầm Dơi

Hiện tại trên địa bàn nông thôn huyện có 7 chợ; dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 7 chợ gồm: Chợ Tân Trung xã Tân Trung, chợ Tân Đức xã Tân Đức, chợ Tân Thuận xã Tân Thuận, chợ Tạ An Khương xã Tạ An Khương, chợ Tạ An Khương Đông xã Tạ An Khương Đông, chợ Ngọc Chánh xã Ngọc Chánh, chợ Quách Phẩm Bắc xã Quách Phẩm Bắc. Nâng cấp chợ Vàm Đầm xã Nguyễn Huân. Di dời, chuyển đổi công năng 2 chợ: Chợ Bà Hính xã Quách Phẩm Bắc và chợ ấp 9 xã Tân Duyệt. Đến năm 2020 trên địa bàn nông thôn huyện Đầm Dơi có 14 chợ.

4.1.8. Huyện Năm Căn

Hiện tại trên địa bàn nông thôn huyện có 3 chợ; dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 3 chợ gồm: Chợ Đất Mới xã Đất Mới, chợ Hiệp Tùng xã Hiệp Tùng, chợ Lâm Hải xã Lâm Hải. Xây dựng lại chợ Cả Nẩy xã Hàng Vịnh. Đến năm 2020 trên địa bàn nông thôn huyện có 6 chợ.

4.1.9. Huyện Ngọc Hiển

Hiện tại trên địa bàn nông thôn huyện có 5 chợ; dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 01 chợ: Chợ Tân Ân xã Tân Ân. Nâng cấp chợ Đất Mũi xã Đất Mũi. Đến năm 2020 trên địa bàn các xã của huyện có 6 chợ.

4.2. Quy hoạch Trung tâm thương mại, siêu thị

Trong kỳ quy hoạch, chưa có nhu cầu phát triển Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn nông thôn.

4.3. Quy hoạch cửa hàng xăng dầu

Phân bổ quy hoạch cụ thể như sau:

4.3.1. Ngoại thành thành phố Cà Mau

Quy hoạch đến năm 2020 xây dựng mới 8 cửa hàng. Nâng tổng số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn nông thôn thành phố Cà Mau là 24 CHXD.

4.3.2. Huyện Thới Bình

Trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 11 cửa hàng. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn Thới Bình có 57 CHXD.

4.3.3. Huyện U Minh

Trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 8 cửa hàng. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn huyện U Minh có 32 CHXD.

4.3.4. Huyện Trần Văn Thời

Trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 9 cửa hàng. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn huyện Trần Văn Thời có 49 CHXD.

4.3.5. Huyện Cái Nước

Trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 6 cửa hàng. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn huyện Cái Nước có 30 CHXD.

4.3.6. Huyện Đầm Dơi

Trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 14 cửa hàng. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn huyện Đầm Dơi có 48 CHXD.

4.3.7. Huyện Phú Tân

Trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 8 cửa hàng. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn huyện Phú Tân có 24 CHXD.

4.3.8. Huyện Năm Căn

Trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 9 cửa hàng. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn huyện Năm Căn có 21 CHXD.

4.3.9. Huyện Ngọc Hiển

Trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 5 cửa hàng. Đến năm 2020, trên địa bàn nông thôn huyện Ngọc Hiển có 26 CHXD.

4.4. Quy hoạch cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

Hiện tại trên địa bàn nông thôn của tỉnh có 225 cửa hàng kinh doanh LPG; dự kiến trong kỳ quy hoạch phát triển thêm 104 cửa hàng kinh doanh LPG mới.

4.5. Quy hoạch kho hàng hóa

Do đặc thù của dịch vụ kho bãi, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh nên căn cứ vào nhu cầu thực tế và phương thức kinh doanh hiện tại, việc bố trí kho dự trữ hàng hóa đảm bảo cho nhu cầu kinh doanh được bố trí ở các thị trấn nơi tập trung đầu mối giao thông và là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện; không bố trí kho hàng hóa ở các xã nông thôn.

4.6. Quy hoạch phát triển các HTX thương mại, mạng lưới cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn nông thôn

4.6.1. Quy hoạch phát triển các Hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh và các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn nông thôn

Đối với hợp tác xã thương mại, các hộ kinh doanh và các cửa hàng, cửa hiệu thì hiện nay trên địa bàn khu vực thị trường nông thôn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện và đang hoạt động kinh doanh, phục vụ đời sống dân cư trong vùng, tuy nhiên do chậm thích nghi với cơ chế thị trường nên HTX thương mại chậm phát triển. Tại địa bàn các vùng sản xuất nông sản tập trung, nhà nước khuyến khích thành lập Hợp tác xã thương mại - dịch vụ thực hiện chức năng làm dịch vụ cung ứng đầu vào cho hộ nông dân với các loại vật tư cho sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời tư vấn cho người sản xuất về nhu cầu thị trường, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đối với từng loại hàng hóa... Tổ chức thu mua sản phẩm do hộ nông dân sản xuất theo hình thức hợp đồng kinh tế hai chiều với giá cả thị trường theo từng thời điểm.

4.6.2. Quy hoạch phát triển hộ kinh doanh và các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn nông thôn

Đối với các cửa hàng cửa hiệu gắn với hoạt động của thương nhân kinh doanh với quy mô nhỏ, nhu cầu về vốn thường không lớn; trong kỳ quy hoạch nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích thương nhân mở rộng quy mô kinh doanh, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất thành những cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích có cơ sở vật chất khang trang vững chắc, trang thiết bị hiện đại, phương thức kinh doanh tiên tiến nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của dân cư theo hướng nâng cao văn hóa tiêu dùng văn minh hiện đại.

4.6.3. Quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến nông sản, đại lý thu mua, đại lý bán buôn, bán lẻ

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian vận chuyển nông sản từ nơi sản xuất đến nơi chế biến, tiêu thụ tại các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích thương nhân thành lập các cửa hàng thu mua nông sản, thủy sản; một mặt cửa hàng trực tiếp thu mua sản phẩm tại ruộng theo hợp đồng kỳ hạn, một mặt thu mua sản phẩm của các hộ bán lẻ để thu gom sản phẩm cung cấp cho các cơ sở chế biến tập trung. Số lượng, quy mô cửa hàng phụ thuộc vào quy mô sản xuất, khối lượng sản phẩm và năng lực của thương nhân.

5. Định hướng phát triển hạ tầng thương mại nông thôn đến năm 2030

Từng bước thực hiện việc hiện đại hóa hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng trong tỉnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực, cụ thể:

- Đối với hệ thống chợ: Cải tạo, nâng cấp một số chợ trung tâm xã có kinh tế phát triển và tập trung đông dân cư; chuyển đổi công tác quản lý kinh doanh khai thác chợ theo mô hình doanh nghiệp đầu tư, quản lý và kinh doanh khai thác chợ.

- Phát triển siêu thị, cửa hàng tự chọn ở một số trung tâm cụm xã.

- Tại những nơi kinh tế phát triển, dân cư tập trung có thể chuyển đổi chợ thành Trung tâm thương mại, siêu thị.

- Hiện đại hóa các cửa hàng, cửa hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong phương thức kinh doanh, quản lý.

- Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích thương nhân mở rộng hoạt động thương mại điện tử ở khu vực nông thôn.

6. Nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư phát triển một số công trình cơ bản về kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 478 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến vốn ngân sách đầu tư cho phát triển hệ thống chợ khoảng 116 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Trong việc phát triển hạ tầng thương mại nói chung, hạ tầng thương mại nông thôn nói riêng, nguồn vốn đầu tư xây dựng chủ yếu vẫn là huy động từ các thành phần kinh tế trong xã hội. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (gồm cả Trung ương và địa phương) chỉ đầu tư phát triển hệ thống chợ dân sinh theo quy định tại Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thương mại nông thôn. Tuy nhiên, trong thực tế nguồn vốn ngân sách còn rất hạn chế nên việc đầu tư cho hệ thống chợ hàng năm không nhiều, do đó việc huy động vốn từ thương nhân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong xã hội để đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn là chủ yếu, quan trọng và rất cần thiết.

7. Các giải pháp, chính sách thực hiện quy hoạch

- Giải pháp tạo nguồn vốn xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Chính sách ưu tiên sử dụng đất để xây dựng hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn tỉnh.

- Chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích thương nhân đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn.

- Các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển hạ tầng thương mại nông thôn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch theo quy định (lưu ý thực hiện nội dung nhận xét và đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định nêu trên); thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Quy hoạch về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện.

(Kèm theo Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Cà Mau giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030)

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- PVP UBND tỉnh (Th);
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Trung tâm CB-TH;
- Phòng KT-TH (Tu 12/21);
- Lưu: VT. Tr 101/12.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2055/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2055/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Trần Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản