Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 205/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 205/1999/QĐ-TTG NGÀY 18 THÁNG 10 NĂM 1999 PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ TRẠM PHAO BÁO BÃO TRÊN BIỂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm1992;
Căn cứ Nghị định số 24/CP ngày 19 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn tại tờ trình số 813/KTTV-VP ngày 24 tháng 9 năm 1999 và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án bảo vệ trạm phao báo bão trên biển với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quy định chung.

Hệ thống trạm phao báo bão đặt tại vùng biển Việt Nam là hệ thống thiết bị quan trọng được Nhà nước đầu tư để tăng cường cho công tác dự báo, cảnh báo bão và điều tra cơ bản khí tượng thuỷ văn biển, phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng, phòng và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, khai thác tài nguyên biển.

Tổng cục Khí tượng thuỷ văn chịu trách nhiệm trực tiếp khai thác, quản lý và chủ trì bảo vệ hệ thống trạm phao.

Bảo vệ an toàn cho hệ thống trạm phao là trách nhiệm của tất các các cấp, các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan.

2. Các biện pháp bảo vệ trạm phao.

a) Biện pháp kỹ thuật:

Các trạm phao phải được đặt ở nơi đón gió, đón bão và phải nằm ở vị trí thuận lợi trong việc bảo đảm an toàn và sự hoạt động thường xuyên của các trạm phao.

Việc lắp đặt trạm phao phải tuân theo đầy đủ các thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình sử dụng, phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng để trạm phao hoạt động được liên tục, chính xác.

ưb) Biện pháp tuyên truyền, giáo dục:

Dùng các biện pháp thông tin tuyên truyền để làm rõ lợi ích của các trạm phao báo bão trên biển từ đó giáo dục, động viên các lực lượng hoạt động trên biển và nhân dân vùng biển tham gia bảo vệ trạm phao báo bão trên biển.

c) Biện pháp hành chính, kinh tế:

Ký hợp đồng trách nhiệm hoặc hợp đồng kinh tế với các cơ quan, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang có chức năng và điều kiện bảo vệ trạm phao báo bão trên biển.

3. Tổ chức thực hiện.

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được Thủ tướng giao, phối hợp bảo vệ trạm phao báo bão trên biển.

Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương về công tác bảo vệ các trạm phao.

1. Tổng cục Khí tượng thuỷ văn.

a) Chủ trì, tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật và biện pháp kinh tế bảo vệ trạm phao, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành, các địa phương có liên quan thực hiện biện pháp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ các trạm phao.

b) Cung cấp cho các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Thuỷ sản và ủy ban nhân dân các địa phương những thông báo liên quan đến tình trạng hoạt động của các trạm phao về vị trí, chế độ hoạt động (kể cả trong trường hợp hư hỏng, trôi dạt...), đặc điểm kỹ thuật, đặc điểm nhận biết, giới hạn vùng biển an toàn của các trạm phao và các đặc điểm khác cần lưu ý.

c) Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan điều tra, giải quyết những vụ việc có liên quan đến việc làm hư hỏng hoặc mất trạm phao.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

a) Các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khi tuần tra trên biển có trách nhiệm giám sát vị trí và hiện trạng bên ngoài của trạm phao, thông báo kịp thời cho Tổng cục Khí tượng thuỷ văn những thông tin liên quan để cùng phối hợp bảo vệ trạm phao.

b) Trên cơ sở các quy định hiện hành, các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và phương tiện của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn hoạt động trên biển làm công tác khảo sát, lắp đặt, quản lý và kiểm tra trạm phao báo bão trên biển.

c) Kịp thời hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong việc tìm kiếm, cứu hộ trạm phao khi có sự cố theo đề nghị của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn.

3. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thuỷ sản.

a) Tổ chức công bố Thông báo hàng hải và tuyên truyền, phổ biến cho tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài biết hoạt động của các trạm phao theo những thông tin do Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cung cấp.

b) Yêu cầu tàu thuyền khi hoạt động trên biển nếu phát hiện thấy những hành vi xâm hại đến trạm phao thì có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nếu phát hiện thấy phao trôi, hư hỏng hoặc không bảo đảm các đặc tính đã được phổ biến thì nhanh chóng thông báo cho Tổng cục Khí tượng thuỷ văn biết để giải quyết và cung cấp thông tin để tiến hành công bố lại Thông báo hàng hải.

c) Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Khí tượng thuỷ văn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc tìm kiếm, cứu hộ trạm phao.

4. Đài truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, các đài, báo ở trung ương và địa phương.

Phối hợp với Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, các Bộ, ngành, các địa phương có liên quan thực hiện các biện pháp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ các trạm phao.

5. Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới của Chính phủ.

Phối hợp với Tổng cục Khí tượng thuỷ văn giải quyết những nội dung về quan hệ quốc tế liên quan đến trạm phao.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Xem xét, cân đối kinh phí cho việc thực hiện các biện pháp bảo vệ trạm phao theo quy định hiện hành.

7. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển.

a) Phối hợp với Tổng cục Khí tượng thuỷ văn tuyên truyền phổ biến cho các tổ chức, cơ quan trực thuộc và ngư dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của trạm phao trong việc phòng tránh bão và khai thác tài nguyên biển.

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn và các Bộ, ngành khác thi hành nhiệm vụ liên quan đến trạm phao trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp với Tổng cục Khí tượng thuỷ văn và các Bộ, ngành trong việc tìm kiếm, cứu hộ trạm phao.

Điều 3. Khen thưởng, kỷ luật

Tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ các trạm phao báo bão trên biển thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Tổ chức, cá nhân nào không thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc có hành động xâm hại các trạm phao báo bão trên biển thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 205/1999/QĐ-TTg phê duyệt Phương án bảo vệ trạm phao báo bão trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 205/1999/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/10/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Tạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 43
  • Ngày hiệu lực: 18/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản