Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2046/QĐ-UBND

An Giang, ngày 11 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 2008/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh An Giang thời kỳ 2011-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 893/TTr-SKHĐT-THQH ngày 31 tháng 10 năm 2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020 với những nội dung chính như sau:

I. Quan điểm và mục tiêu phát triển:

1. Quan điểm:

Phát triển nhân lực dựa trên nhu cầu lao động của các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh; coi phát triển nhân lực là giải pháp đột phá để thực hiện thành công các mục tiêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của tỉnh.

Phát triển nhân lực phải có tầm nhìn dài hạn và có bước đi thích hợp theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn; đảm bảo tính hài hòa về cơ cấu và cân đối theo ngành, lĩnh vực, theo khu vực thành thị - nông thôn. Phát triển nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế, ổn định xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh của người lao động.

Phát triển nhân lực một cách toàn diện cả về trí lực, thể lực, tâm lực; thực hiện đồng bộ giữa đào tạo, bồi dưỡng với đổi mới tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và xây dựng chính sách thu hút, động viên người lao động. Tập trung nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật đồng đều cho người lao động; đồng thời, đầu tư có trọng điểm nhằm thu hút, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia chất lượng cao phục vụ cho những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong bối cảnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Kết hợp giữa phát triển nhân lực tại chỗ và thu hút nhân lực có chất lượng cao đến làm việc lâu dài cho tỉnh; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đồng bào các dân tộc Khmer, Chăm.

Phát huy thời kỳ dân số vàng để huy động cao nhất đóng góp của dân số, lao động vào phát triển kinh tế, xã hội tỉnh An Giang trong giai đoạn 2011 - 2020 và những năm tiếp theo.

Phát triển nhân lực phải đảm bảo chất lượng, đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội; theo hướng tăng nhanh tỷ trọng lao động phi nông nghiệp; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề. Thay đổi cơ bản chất lượng lao động, kỹ năng làm việc, nhất là lao động khu vực nông thôn, lao động dân tộc thiểu số; tăng nhanh năng suất lao động trong các ngành kinh tế chủ lực như nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp chế biến từ nông - thủy sản, dịch vụ.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhân lực quản lý nhà nước chuyên nghiệp đáp ứng những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thế giới hội nhập và biến đổi nhanh. Nhân lực khoa học công nghệ, đặc biệt là nhóm các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý đầu ngành có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học công nghệ. Đội ngũ doanh nhân, chuyên gia quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, thông thạo kinh doanh trong nước và quốc tế.

Nhân lực của tỉnh đáp ứng được các yếu tố cần thiết về thái độ nghề nghiệp, có năng lực ứng xử, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong làm việc, kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân.

Xây dựng được xã hội học tập, đảm bảo tất cả các công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo. Xây dựng được hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực tiến đến tiên tiến, hiện đại, đa dạng cơ cấu ngành nghề, năng động, liên thông giữa các cấp và các ngành đào tạo.

b) Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2015 dân số của tỉnh là 2.206,8 ngàn người, năm 2020 là 2.240,3 ngàn người. Tốc độ tăng dân số bình quân cho cả thời kỳ 10 năm 2011-2020 là 0,41 %/năm.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% vào năm 2015 và đạt 65% vào năm 2020, bằng mức trung bình của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, tỉnh An Giang phải đào tạo, dạy nghề cho khoảng 50 ngàn lao động mỗi năm trong thời kỳ 2011-2015 và 52 ngàn lao động/năm thời kỳ 2016-2020. Đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 672,8 ngàn lao động qua đào tạo, gấp 1,6 lần năm 2010; năm 2020 sẽ có 933,4 ngàn lao động qua đào tạo, gấp 2,2 lần năm 2010.

Đến năm 2015, cơ cấu lao động của tỉnh là lao động nông - thủy sản chiếm 50%, công nghiệp - xây dựng 17% và dịch vụ 33%; năm 2020 tương ứng là 35% - 25% - 40%. Năng suất lao động tăng nhanh từ 38,2 triệu đồng/lao động năm 2010 lên 77,7 triệu đồng năm 2015 và đạt 152,3 triệu đồng năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 40% vào năm 2015; năm 2020 tương ứng là 65% và 50%.

Đối với cán bộ công chức, viên chức: Tất cả các sở, ban ngành cấp tỉnh phải có chuyên gia có khả năng hoạch định chính sách. Tăng cường lực lượng cán bộ, công chức được đào tạo chính quy, theo hướng trẻ hóa. Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính Nhà nước phải có kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm việc ở các xã, phường, thị trấn. Trước năm 2020, 100% cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã phải được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và thái độ làm việc phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm.

II. Phương hướng phát triển nhân lực đến năm 2020:

1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo:

a) Đào tạo chuyên môn kỹ thuật:

Đến năm 2015 tỉnh An Giang sẽ có 672,8 ngàn lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, bao gồm 538,2 ngàn người qua đào tạo sơ cấp và ngắn hạn dưới 3 tháng, trình độ trung cấp có 59,9 ngàn người và cao đẳng có 31,5 người và đại học trở lên có 43,2 ngàn người.

Đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 933,4 ngàn lao động đã qua đào tạo, bao gồm 724,8 người qua đào tạo sơ cấp và ngắn hạn dưới 3 tháng, trình độ trung cấp có 99,9 ngàn người và cao đẳng có 51,5 ngàn người và đại học trở lên có 57,2 ngàn người.

Đến năm 2015, đào tạo ngắn hạn chiếm 66,8% tổng số lao động qua đào tạo, trình độ sơ cấp là 13,2%, trình độ trung cấp là 8,9%, cao đẳng là 4,7% và đại học trở lên là 6,4%. Đến năm 2020, đào tạo ngắn hạn là 60,1% tổng số, trình độ sơ cấp 17,6%, trình độ trung cấp là 10,7%, cao đẳng 5,5% và đại học trở lên 6,1%.

b) Đào tạo nghề:

Thời kỳ 2011-2015 mỗi năm đào tạo mới 29,5 ngàn lao động có trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng, 4,5 - 5 ngàn lao động trình độ trung cấp nghề, 2,5 lao động trình độ cao đẳng nghề. Thời kỳ 2016-2020 mỗi năm đào tạo mới 26,5 ngàn lao động có trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng, 7 - 8 ngàn lao động trình độ trung cấp nghề, 2,8 - 3 ngàn lao động trình độ cao đẳng nghề.

c) Đào tạo chuyên nghiệp:

Thời kỳ 2011-2015 mỗi năm đào tạo mới 1.000 lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, 1.000 - 1.200 lao động có trình độ cao đẳng và 2.300 - 2.400 lao động trình độ đại học. Thời kỳ 2016-2020 mỗi năm đào tạo mới 1.100 - 1.200 lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, 1.200 - 1.300 lao động có trình độ cao đẳng và 2.800 - 2.900 lao động trình độ đại học.

2. Phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực:

a) Ngành thương mại, dịch vụ:

Trong 10 năm tới, quy mô lao động tăng lên ở tất cả các ngành dịch vụ, làm tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu lao động của nền kinh tế từ 30,3% năm 2010 lên 33% năm 2015 và 40% năm 2020. Trong nội bộ khu vực dịch vụ, có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần các ngành dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao như ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; bất động sản; thương mại, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, du lịch…

- Ngành bán buôn, bán lẻ: Tổng lao động ngành bán buôn, bán lẻ năm 2015 khoảng 165,2 ngàn người, năm 2020 khoảng 216,3 ngàn người - chiến tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu lao động trong khu vực dịch vụ. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo của ngành đạt 40% năm 2015, 60% năm 2020. Trong tổng số lao động qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng chiếm khoảng 70% năm 2015, 50% năm 2020; trình độ trung cấp tương ứng là 27%, 45%; trình độ cao đẳng và đại học trở lên khoảng 3%, 5%.

- Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống: Tổng lao động trong ngành là 95,7 ngàn người năm 2015, 131 ngàn người năm 2020; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tương ứng vào hai thời điểm trên là 50% - 65%. Trong tổng số lao động qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng khoảng 60%, 45% vào các năm 2015, 2020; trình độ trung cấp tương ứng 35%, 50%; trình độ cao đẳng và đại học trở lên chiếm khoảng 5% từ sau năm 2015.

- Ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm: Tổng lao động làm việc trong ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm năm 2015 khoảng 8,7 ngàn người, năm 2020 khoảng 13,1 ngàn người; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đạt trên 90% từ sau năm 2015. Trong tổng số lao động qua đào tạo, trình độ trung cấp chiếm 15% năm 2015 và 10% năm 2020; trình độ cao đẳng và đại học đạt 83% từ sau năm 2015 và trình độ sau đại học khoảng 2-5%.

- Ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ: Tổng nhân lực của ngành vào năm 2015 là 6,52 ngàn người, vào năm 2020 là 14,23 ngàn người; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đạt 100%. Trong đó, trình độ cao đẳng và đại học trở lên đạt 65% từ sau năm 2015 và trên 70% vào năm 2020.

- Ngành thông tin và truyền thông: Tổng nhân lực của ngành tăng nhanh từ 4,3 ngàn người năm 2010 lên 5,4 ngàn năm 2015 và 7,1 ngàn người năm 2020; 100% nhân lực của ngành đều qua đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với ngành.

- Ngành giáo dục và đào tạo: Tổng nhân lực hoạt động trong ngành giáo dục, đào tạo, dạy nghề năm 2015 khoảng 30,4 ngàn người, năm 2020 khoảng 35,3 ngàn người; 100% nhân lực của ngành đều qua đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với ngành. Phát triển nhân lực của ngành giáo dục: đến năm 2020 có ít nhất 60% số giáo viên mầm non và 90% số giáo viên tiểu học đạt trình độ từ cao đẳng trở lên; 90% số giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt trình độ đại học trở lên; ít nhất 15% số giáo viên ở các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề và 30% số giáo viên ở các trường cao đẳng nghề đạt trình độ thạc sỹ trở lên; ít nhất 50% giảng viên cao đẳng đạt trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có ít nhất 3% là tiến sỹ; 80% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có ít nhất 33% là tiến sỹ.

- Ngành y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: Tổng nhân lực hoạt động trong ngành vào năm 2015 là 9,18 ngàn người, năm 2020 là 11,85 ngàn người; 100% nhân lực của ngành đều qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật phù hợp.

- Ngành văn hóa, thể thao, nghệ thuật: Tổng nhân lực hoạt động trong ngành đến năm 2015 là 8,7 ngàn người, năm 2020 là 11,96 ngàn người; 100% nhân lực của ngành đều qua đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với ngành.

Đối với lực lượng cán bộ công chức, viên chức nhóm ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, quản lý Nhà nước… có khoảng 30 ngàn người vào năm 2015 và 34 ngàn người năm 2020. Phấn đấu 100% cán bộ công chức, viên chức các cấp quản lý hành chính đều được đào tạo với trình độ chuyên môn phù hợp. Tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡn cho cán bộ cấp cơ sở để cập nhật, nâng cao trình độ nghiệp vụ và các kỹ năng về tin học, ngoại ngữ… Tỉnh có cơ chế chính sách riêng, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực theo đặc thù của tỉnh An Giang.

b) Ngành công nghiệp, xây dựng:

Tỉnh tập trung đào tạo lao động công nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho các ngành thế mạnh và tiềm năng của tỉnh như công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản nông sản, chế biến rau quả, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ khí sửa chữa, điện công nghiệp, hóa chất, công nghiệp may mặc, da giày…

Đến năm 2015, tổng lao động công nghiệp - xây dựng là 224,1 ngàn người, chiếm 17% cơ cấu lao động của nền kinh tế và đạt 355,9 ngàn người năm 2020, chiếm 25% tổng lao động. Trong đó, ngành công nghiệp là 156,8 ngàn lao động vào năm 2015 và 256,3 lao động vào năm 2020.

Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo vào năm 2015 là 55%, năm 2020 là 65%. Trong tổng số lao động qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng chiếm 85% năm 2015, 75% năm 2020; trình độ trung cấp tương ứng 10%, 20%; trình độ cao đẳng và đại học trở lên khoảng 5% từ sau năm 2015.

c) Ngành nông, lâm, thủy sản:

Lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản giảm bình quân 3,2%/năm và đến năm 2015 có 659,0 ngàn lao động, chiếm 50% cơ cấu lao động của nền kinh tế; năm 2020 còn khoảng 498,3 ngàn lao động, chiếm 35% tổng số.

Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo vào năm 2015 là 40%, năm 2020 là 50%. Trong tổng số lao động qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng chiếm khoảng 90% năm 2015, 80% năm 2020; trình độ trung cấp tương ứng là 8%, 18%; trình độ cao đẳng và đại học trở lên khoảng 2% từ sau năm 2015.

Tỉnh tập trung đào tạo lao động nông nghiệp ở các nghề như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn, quản lý và dịch vụ nông nghiệp, các ngành nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi.

III. Giải pháp thực hiện quy hoạch:

1. Phát triển giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên:

Giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đảm bảo người lao động có được nền tảng để tiếp thu trình độ học nghề, chuyên môn kỹ thuật. Tiến đến chuẩn hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các trường phổ thông. Tất cả các thành phố, thị xã, huyện có trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề, hầu hết các xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người, giúp cho người học hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Phát triển giáo dục chuyên nghiệp:

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng Đại học An Giang trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Khẳng định Đại học An Giang là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - phù hợp yêu cầu thực tiễn, ổn định, cung cấp nhân lực chủ yếu phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Trường chú trọng vào việc đào tạo cán bộ có trình độ cao cho các ngành, nghề mà tỉnh có thế mạnh và có tiềm năng phát triển như nông nghiệp, công nghiệp sinh học, công nghiệp chế biến, bảo quản lương, thực phẩm, cơ khí phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Hoàn thiện mạng lưới các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực về quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp lợi thế của tỉnh về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản, kinh tế biên mậu, dịch vụ khoa học kỹ thuật - công nghệ… Khuyến khích các doanh nghiệp lớn mở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học. Xây mới trường cao đẳng cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương và nhu cầu học tập của nhân dân. Nghiên cứu khôi phục lại trường Trung cấp chuyên nghiệp tỉnh An Giang nhằm tăng cường năng lực tuyển sinh, đào tạo bậc trung cấp cho người lao động ở các nghề nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo.

3. Phát triển nhanh và bền vững đào tạo nghề:

Tập trung vào một số giải pháp chủ yếu về đổi mới và phát triển dạy nghề như: phát triển nhanh mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy nghề; tăng cường đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đổi mới cơ chế tài chính về phát triển dạy nghề; từng bước đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, dạy nghề; từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy nghề; tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cả xã hội về dạy nghề; tăng cường mạnh mẽ hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển nhanh về dạy nghề. Loại hình ngành, nghề đào tạo, chất lượng đào tạo nghề cho người lao động gắn liền với nhu cầu xã hội và đón đầu những ngành nghề mới theo xu hướng phát triển của nền kinh tế.

a) Phát triển nhanh các cơ sở dạy nghề:

- Giai đoạn 2011-2015: Tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô dạy nghề, ngành nghề đào tạo cũng như đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề hiện có. Xây mới các trung tâm dạy nghề cho các huyện như Châu Phú, Tri Tôn. Hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục nâng cấp mở rộng quy mô dạy nghề, ngành nghề đào tạo cũng như đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho tất cả các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Phát triển các trung tâm dạy nghề để đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng nhằm dạy nghề, phổ cập nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động nhất là lao động nông thôn, lao động người Khmer, Chăm…

Đối với Trung tâm dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27 tháng 11 năm 2009, về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

b) Phát triển các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề:

- Giai đoạn 2011-2015: Mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật công đoàn, Trung cấp nghề Châu Đốc, Trung cấp nghề Dân tộc nội trú, Trung cấp nghề Tân Châu, Trung cấp nghề Chợ Mới. Hình thành Khoa Y trên cơ sở liên kết giữa Trường Trung học y tế và trường Đại học An Giang. Xây dựng trường Trung cấp Y tại Châu Đốc.

- Giai đoạn 2016-2020: Nâng cấp Trường Cao đẳng nghề, các trường trung cấp nghề đủ năng lực đào tạo một số nghề đạt chuẩn quốc gia, tiến tới có năng lực đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các khu công nghiệp và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề.

c) Tăng cường nhanh đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề:

Trong 10 năm tới, quy mô đào tạo nghề cho người lao động tăng nhanh, đòi hỏi lực lượng giáo viên, giảng viên dạy nghề tăng nhanh tương ứng và tiến dần đến đạt chuẩn về tỷ lệ giáo viên - học viên và chất lượng giảng dạy/đào tạo. Đến 2015 chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên dạy sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, nhất là giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn. Đối với giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27 tháng 11 năm 2009, về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

d) Từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề:

Tiến tới chuẩn hóa các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề đảm bảo về điều kiện giảng dạy, thực hành, an toàn lao động và phù hợp với chương trình đào tạo nghề theo cam kết. Đồng bộ hóa các thiết bị dạy nghề phù hợp với từng nghề, từng trình độ đào tạo bao gồm: trang thiết bị cơ bản, thiết bị mô phỏng và các thiết bị tiên tiến phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh.

đ) Từng bước đổi mới, phát triển chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy:

Phấn đấu các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề có chương trình khung theo từng trình độ; khuyến khích áp dụng chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình dạy nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất, điều hành của doanh nghiệp. Nâng cấp trình độ cho giáo viên, giảng viên chủ lực ở các cơ sở dạy nghề về phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề ở trong và ngoài nước. Liên thông giữa các cấp trình độ dạy nghề; chọn những ngành nghề phù hợp để phát triển liên thông với chương trình dạy nghề tương ứng của nước ngoài.

4. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực:

a) Nâng cao nhận thức toàn xã hội về phát triển nhân lực:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp - dạy nghề, các tổ chức khoa học - công nghệ với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển nhân lực của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo và cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp. Phối hợp các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, dạy nghề và tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên, người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay từ khi vào trường, đồng thời có nhiều thông tin cần thiết về việc làm khi tốt nghiệp có việc làm ngay.

b) Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý.

c) Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

5. Xây dựng và hoàn thiện chính sách và công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực:

a) Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực:

Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực thông qua các chương trình, dự án của Quy hoạch này và thông qua các kế hoạch, đề án phát triển nhân lực khác. Tăng định mức chi ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương cho ngành giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và công tác phát triển nhân lực của tỉnh. Duy trì và phát triển các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của Tỉnh; đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng và quy hoạch cán bộ. Tiếp tục triển khai đề án thu hút nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực công…

b) Hoàn thiện chính sách về dạy nghề:

- Chính sách đối với người học nghề: Thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Nghiên cứu áp dụng bổ sung miễn học phí cho học sinh, sinh viên học các nghề thuộc danh mục các nghề có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các nghề khó tuyển sinh theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

- Chính sách đối với giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề.

- Chính sách đối với trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề.

c) Chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội:

Chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm: Thực hiện chính sách "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015" theo Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh tiếp tục dành ngân sách phù hợp cho đầu tư phát triển dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; có chính sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề thu hút nhiều lao động nữ, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Phụ nữ.

Chính sách hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm: Thực hiện chính sách "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015" theo Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 07 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nguồn nhân lực:

Tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao thời kỳ 2011-2020 để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nhân lực. Áp dụng có hiệu quả chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ, về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

đ) Chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài:

Có cơ chế tạo đột phá trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản, tạo điều kiện cho công chức, viên chức trẻ được thăng tiến, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý…

6. Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác phát triển nhân lực:

a) Tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển nhanh về dạy nghề:

Khuyến khích các trường dạy nghề của tỉnh hợp tác với các trường đào tạo nghề của các địa phương khác, đặc biệt là với thành phố Hồ Chí Minh. Mở rộng trao đổi và học tập kinh nghiệm của các trường dạy nghề. Thu hút các dự án dạy nghề, nâng cao năng lực nguồn nhân lực bằng nguồn vốn ODA; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài thành lập cơ sở dạy nghề quốc tế trên địa bàn tỉnh.

b) Tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

7. Các dự án, chương trình phát triển nhân lực đến năm 2020: (phụ lục kèm theo)

8. Tổ chức thực hiện quy hoạch:

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương đầu tư và cân đối vốn xây dựng trường, lớp, bố trí vốn thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia thời kỳ 2011-2020. Đồng thời, thực hiện đầu tư hoàn chỉnh các trường đào tạo nghề của tỉnh và các trung tâm dạy nghề cấp huyện.

Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân các thành phố, thị xã, huyện thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ trong việc sử dụng và cân đối ngân sách sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ trong việc đề xuất và xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy, các giải pháp để phát triển công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề của tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo và dạy nghề, nhằm kêu gọi, khuyến khích xã hội hóa giáo dục trên địa bàn.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh: Bệnh viện, Trung tâm Y tế cấp huyện và Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với các cơ sở giáo dục và dạy nghề trên địa bàn trong việc thực hiện công tác y tế học đường nhằm chăm sóc sức khỏe giáo viên và học sinh, sinh viên… công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống sốt xuất huyết và công tác nha học đường.

Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang: Tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giáo dục và dạy nghề, kêu gọi các tập thể, cá nhân và toàn xã hội cùng quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề của địa phương.

Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện: Tăng cường chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên địa bàn huyện, trong đó chú ý thực hiện tốt công tác huy động học sinh đến trường; tích cực chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Tiến hành rà soát Quy hoạch tổng thể, lồng ghép các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển của Quy hoạch này vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương và đưa vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm của địa phương. Tổ chức tốt hệ thống thông tin nhu cầu nhân lực trên địa bàn, phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, huy động nguồn lực và đào tạo nhân lực.

Các Sở, Ngành, UBND cấp huyện định kỳ đánh giá và tổng kết hàng năm tình hình thực hiện Quy hoạch gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, các Sở, Ngành, địa phương cần thường xuyên tiến hành xem xét, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KH&ĐT (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh (để báo cáo);
- Các sở, ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: VTLT.

CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2046/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh  An Giang)

 

Danh mục dự án hạ tầng kỹ thuật

Địa điểm xây dựng

Năng lực thiết kế

Tổng mức đầu tư

Thời gian thực hiện

Nguồn vốn đầu tư

I

Giáo dục - đào tạo và dạy nghề:

 

 

4,016

 

 

1

Trường đại học An Giang

 

 

 

2006-2012

 

 

- Cơ sở 1

LX

39,5 ha

681

 

NSTW và NSĐP

 

- Cơ sở 2

CP

 

100

 

NSTW và NSĐP

2

Đề án chuẩn quốc gia

Toàn tỉnh

 

1,839

2010-2020

NSTW và NSĐP

3

Đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn II

Toàn tỉnh

 

719

2008-2012

TPCP và NSĐP

4

Trường cao đẳng nghề tỉnh

LX

5000 HV

233

2008-2012

NSTW và NSĐP

5

Trường trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh

TT

800 HV

83

2008-2012

NSTW và NSĐP

6

Trường trung cấp nghề Châu Đốc

800 HV

70

2011-2012

NSTW và NSĐP

7

Trường trung cấp nghề Tân Châu

TC

800 HV

70

2011-2012

NSTW và NSĐP

8

Trường trung cấp nghề Chợ Mới

CM

800 HV

70

2008-2011

NSTW và NSĐP

9

Trường trung cấp nghề Thoại Sơn

TS

800 HV

70

2011-2012

NSTW và NSĐP

10

Trung tâm dạy nghề Châu Phú

CP

300 học viên

18

2009-2013

NSTW và NSĐP

11

Trung tâm dạy nghề Châu Thành

CT

300 học viên

17

2008-2012

NSTW và NSĐP

12

Trung tâm dạy nghề huyện Phú Tân

PT

300 học viên

10

2008-2011

NSTW và NSĐP

13

Trung tâm dạy nghề huyện Tịnh Biên

TB

300 học viên

21

2009-2011

NSTW và NSĐP

14

Trung tâm dạy nghề huyện An Phú

AP

300 học viên

15

2008-2011

NSTW và NSĐP

II

Y tế:

 

 

2,876

 

 

1

Bệnh viện ĐKTT An Giang (kể cả trang thiết bị)

LX

600 giường

1,164

2010-2014

TPCP, ODA và NSĐP

2

Bệnh viện ĐKKV Châu Đốc (kể cả trang thiết bị)

500 giường

226

2011

TPCP, ODA và NSĐP

3

Bệnh viện Tim mạch AG (hạng một, cấp vùng)

LX

600 giường

1,000

2011-2015

TPCP, ODA và NSĐP

4

Bệnh viện lao và bệnh phổi

LX

100 giường

48

2012-2015

TPCP và NSĐP

5

Bệnh viện tâm thần

LX

100 giường

44

2012-2015

TPCP và NSĐP

8

Bệnh viện Sản Nhi

LX

500 giường

50

2014-2015

TPCP và NSĐP

9

Bệnh viện Y học dân tộc An Giang

LX

50 giường

25

 

NSTW, NSĐP và huy động

11

Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành

CT

100 giường

86

2009-2013

TPCP và NSĐP

12

Cải tạo, mở rộng BV đa khoa TPLX

Long Xuyên

80 giường

59

2009-2012

TPCP và NSĐP

13

Bệnh viện đa khoa huyện Tân Châu GĐ2

Tân Châu

50 giường

42

2010-2012

TPCP và NSĐP

14

Bệnh viện đa khoa huyện Tri Tôn GĐ2

Tri Tôn

30 giường

21

2010-2013

TPCP và NSĐP

15

DA Hỗ trợ Y tế vùng ĐBSCL

Toàn tỉnh

 

111

2010-2012

ODA, NSĐP và NSTW

III

Văn hóa - Thể thao - Xã hội:

 

 

1,304

 

 

1

Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh

LX

42,33 ha

1,000

2012-2015

NSĐP, doanh nghiệp, huy động

2

Khu nhà mồ Ba Chúc

TT

 

10

2012

NSĐP

3

Nhà thi đấu thể thao cấp huyện

LX, CĐ, TC, TT, CP, CT

 

63

2011-2015

NSĐP

5

Khu liên hợp thể dục thể thao thị xã Châu Đốc

30 ha

161

2012-2015

doanh nghiệp, huy động

6

Xây dựng mới sân vận động huyện

CT, CP, PT, AP

 

40

2012-2017

NSĐP và Huy động

7

Nâng cấp các sân vận động huyện

TT, TB, AP, TC, CM

 

30

 

NSĐP và Huy động

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2046/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch Phát triển nhân lực tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020

  • Số hiệu: 2046/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/11/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Vương Bình Thạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản