Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2031/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 21 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ THÂN NHÂN LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2023

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”;

Căn cứ Quyết định số 3895/QĐ-UBND ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh “V/v Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030”;

Căn cứ Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW5 khóa XI Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2022;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 09/12/2020;

Căn cứ Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ văn bản số 1393-CV/TU ngày 22/5/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ninh “V/v triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023”;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 72/TTr-SXD ngày 03/7/2023 “V/v phê duyệt Đề án hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023” và ý kiến tham gia của thành viên UBND tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chính như sau:

1. Tên Đề án: Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

2. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ về nhà ở:

a. Đối tượng:

Theo khoản 1 Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ cải thiện là ở là các đối tượng quy định tại điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ gồm:

(1) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

(2) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

(3) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

(4) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

(5) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

(6) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;

(7) Bệnh binh;

(8) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

(9) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

(10) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

(11) Người có công giúp đỡ cách mạng;

(12) Thân nhân liệt sĩ, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

b. Điều kiện:

Nhà ở mà hộ gia đình hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ tại điểm c khoản này) với các mức độ như sau:

(1) Nhà ở phải phá dỡ để xây mới nhà ở.

(2) Nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Lưu ý: Việc xây dựng, cải tạo nhà ở phải được thực hiện trên phần diện tích đất ở hợp pháp mà hộ gia đình đang ở.

c. Những trường hợp không hỗ trợ theo Quyết định này:

(1) Hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

(2) Hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (gồm cả các Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được triển khai trên địa bàn Quảng Ninh).

(3) Hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

(4) Hộ đã được hỗ trợ theo Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/5/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

3. Nguyên tắc hỗ trợ:

a) Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình có đủ điều kiện theo Đề án này để hộ gia đình xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao chất lượng nhà ở, ổn định cuộc sống.

b) Việc hỗ trợ nhà ở phải bảo đảm công khai, minh bạch, không thất thoát, bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

c) Việc hỗ trợ được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách.

d) Phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, đất đai, xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

4. Yêu cầu về chất lượng nhà ở:

a) Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì sau khi được hỗ trợ, nhà ở mới được xây dựng phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2; trường hợp hộ độc thân thì diện tích xây dựng nhà ở nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24 m2. Nhà ở xây dựng mới phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), độ bền tối thiểu 20 năm.

b) Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn “2 cứng” (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng quy định tại điểm a khoản này.

5. Số lượng người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở:

Tổng số hộ gia đình người có công được hỗ trợ (trên cơ sở báo cáo, rà soát của UBND các địa phương): 1.450 hộ (gồm 584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa).

6. Mức hỗ trợ:

a. Đối với hộ xây mới: Hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới.

b. Đối với hộ sửa chữa: Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung, tường và thay mới mái nhà.

7. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện Đề án:

a. Kinh phí thực hiện:

- Kinh phí hỗ trợ xây mới nhà ở: 584 hộ x 80 triệu đồng/hộ:

46.720 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở: 866 hộ x 40 triệu đồng/hộ:

34.640 triệu đồng

- Chi phí quản lý:

406,8 triệu đồng

- Tổng kinh phí thực hiện Đề án:

81.766,8 triệu đồng

Ghi chú: Chi phí quản lý để thực hiện Đề án với mức 0,5% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 7 Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ

b. Nguồn vốn hỗ trợ:

- Ngân sách nhà nước gồm: ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.

- Vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ.

8. Tiến độ thực hiện: Hoàn thành việc triển khai đề án trong năm 2023.

9. Cách thức thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Là cơ quan Thường trực của tỉnh để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo Đề án này.

- Tổng hợp danh sách, mức hỗ trợ, nhu cầu kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Lao động Thương binh và xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành việc hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở theo Đề án này.

- Đăng tải mẫu thiết kế nhà ở điển hình cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Sở Xây dựng ban hành tại Quyết định số 1864/QĐ-SXD ngày 30/8/2013 để UBND địa phương hướng dẫn các hộ gia đình tham khảo, lựa chọn.

2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, thẩm định danh sách các hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở do các địa phương phê duyệt và tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo phòng Lao động Thương binh và Xã hội và các phòng ban chức năng rà soát, kiểm tra, đảm bảo đúng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án.

3. Ban Dân tộc tỉnh

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát các trường hợp hộ người có công là người dân tộc thiểu số. Phối hợp với các Sở, ban, ngành hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành trình UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh ứng trước kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh (nếu chưa có kinh phí hỗ trợ của trung ương) để đảm bảo hoàn thành việc hỗ trợ trong năm 2023.

- Sở Tài chính: Căn cứ Quyết định phân bổ kinh phí của UBND tỉnh, thực hiện cấp phát kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn UBND các địa phương lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Kho bạc Nhà nước

Thực hiện việc kiểm soát thanh toán vốn đảm bảo số tiền hỗ trợ theo đúng danh sách phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện và mức hỗ trợ theo quy định.

6. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

Đề xuất phương án đưa lực lượng về các địa phương để phối hợp thực hiện việc hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ xây dựng, sửa chữa nhà ở trong trường hợp cần thiết.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

Phối hợp tổ chức các cuộc vận động cộng đồng để gây quỹ hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ xây dựng, sửa chữa nhà ở; kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân theo chức năng trong quá trình thực hiện Đề án.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra, thống kê các hộ gia đình có người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ theo quy định và đảm bảo đúng quy trình.

- Công bố công khai đối tượng, tiêu chuẩn được hỗ trợ; tổng hợp và phê duyệt danh sách được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn (theo mẫu số 03 Phụ lục IX Nghị định số 131/2021/NĐ-CP) và báo cáo kết quả đảm bảo đúng đối tượng gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ cho UBND cấp xã. Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện việc hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn (gồm số hộ gia đình đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, số tiền đã cấp phát cho các hộ gia đình, số tiền huy động từ các nguồn khác, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện).

- Đối với các trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng trong quá trình thực hiện phát sinh, thay đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa (hoặc ngược lại) hoặc tăng/giảm các hộ đủ điều kiện hỗ trợ so với Đề án thì được tiếp tục thực hiện (địa phương chủ động điều chỉnh), nếu phát sinh kinh phí so với Đề án thì UBND các địa phương tự cân đối kinh phí để thực hiện và đảm bảo mức hỗ trợ không thấp hơn mức hỗ trợ theo Đề án.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện Đề án.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rà soát, xác định, phê duyệt đối tượng và tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện được thụ hưởng, thủ tục, hồ sơ theo quy định và tiến độ yêu cầu; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh về đất ở; thủ tục đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở của hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn.

9. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

- Thành lập ban chỉ đạo cấp xã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.

- Chỉ đạo các thôn, bản, khu phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án đến đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn và hướng dẫn các hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở làm Đơn đề nghị được hỗ trợ (theo mẫu số 01 Phụ lục IX Nghị định 131/2021/NĐ-CP); đồng thời tập hợp đơn và lập danh sách gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Tổ chức kiểm tra hiện trạng nhà ở của từng đối tượng có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ theo Mẫu số 02 Phụ lục IX Nghị định 131/2021/NĐ-CP) gửi UBND cấp huyện.

- Xác nhận hiện trạng nhà ở (sửa chữa hoặc xây mới) và yêu cầu các hộ gia đình đề nghị hỗ trợ nhà ở cam kết tiến độ hoàn thành, kinh phí tự có (tiền, vật liệu, nhân công...).

- Niêm yết công khai danh sách và mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Đề án tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất là 15 ngày.

- Tổng hợp nhu cầu, kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

- Tổ chức thực hiện rút dự toán tại kho bạc nhà nước để tạm ứng lần đầu hoặc thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình theo quy định.

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, vận động các hộ gia đình thực hiện xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định. Khi hoàn thành xây dựng phần nền móng và khung - tường nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo mẫu số 05 Phụ lục IX Nghị định 131/2021/NĐ-CP; khi hoàn thiện toàn bộ nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng theo mẫu số 06 Phụ lục IX Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.

- Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở, bao gồm:

Đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở của hộ gia đình;

Biên bản và ảnh chụp (cỡ 15x20 cm) về hiện trạng nhà ở;

Bản sao công chứng (hoặc chứng thực) giấy tờ chứng minh là người có công hoặc thân nhân của liệt sĩ (bao gồm một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; quyết định công nhận hoặc quyết định trợ cấp của cấp có thẩm quyền, Huân, Huy chương kháng chiến, hoặc Huân, Huy chương chiến thắng...).

Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn;

Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng;

Các chứng từ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ.

Điều 4. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các Sở, ngành, địa phương kịp thời thông tin về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Điều 5. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành: Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh, Kho bạc Nhà nước, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh
và các tổ chức chính trị - xã hội (phối hợp);
- Q.CT, các PCT UBND tỉnh (b/c);
- Các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- V0-3, QH, XD, MB, VX, TM, TH;
- Lưu VT, XD5, XD1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
Q. CHỦ TỊCH




Cao Tường Huy

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ THÂN NHÂN LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2023

Căn cứ Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW5 khóa XI Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2022;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 09/12/2020;

Căn cứ Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ văn bản số 1393-CV/TU ngày 22/5/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ninh “V/v triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023”;

Căn cứ kết quả hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (từ năm 2013÷2021) và điều kiện thực tế về nhà ở của người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023 như sau:

I. MỞ ĐẦU

1. Giới thiệu chung

Tỉnh Quảng Ninh nằm tại địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội; là một trong 25 tỉnh, thành phố có biên giới nhưng là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, với dải bờ biển dài 250 km tiếp giáp với vùng duyên Hải phía Nam Trung Quốc nơi đang được đầu tư phát triển để trở thành các "cực tăng trưởng" chính trong khu vực quanh Vịnh Bắc Bộ với các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn Đông Hưng, Phòng Thành, Khâm Châu, Bắc Hải (Quảng Tây - Trung Quốc), Trạm Giang (Quảng Đông - Trung Quốc) và Tam Á (Hải Nam -Trung Quốc).

Quảng Ninh có diện tích đất đai tự nhiên 6.102 km2 chiếm 1,85% diện tích đất tự nhiên toàn quốc. Gắn liền với đường biên giới Việt Trung dài 132,8 km với 3 cửa khẩu thương mại trong đó có Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tiếp giáp với vùng duyên hải rộng lớn Nam Trung Quốc. Có bờ vịnh Bắc Bộ 250km và diện tích hải đảo trên 1.000 km2.

Hiện nay, số đơn vị hành chính cấp huyện là 13, bao gồm: 04 thành phố, 02 thị xã, 07 huyện thuộc tỉnh. Toàn tỉnh có 177 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó: Khu vực thành thị có 72 phường, 07 thị trấn; khu vực nông thôn có 98 xã và có 05 khu kinh tế (02 khu kinh tế ven biển và 03 khu kinh tế cửa khẩu; trong đó KKT ven biển Vân Đồn, Quảng Yên).

2. Tình hình thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là việc chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng, đảm bảo cho tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng khu vực cư trú. Chăm sóc người có công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, trong đó chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo triển khai, thực hiện. Cụ thể, một số chương trình tỉnh Quảng Ninh đã triển khai trong thời gian qua:

- Năm 2009-2010 thực hiện chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho gần 4.000 hộ nghèo về nhà ở, trong đó: 81 hộ nghèo người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở với kinh phí trên 2 tỷ đồng (25 triệu đồng/hộ).

- Năm 2011-2012, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới 382 ngôi nhà cho các gia đình người có công, với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng (20 triệu đồng/hộ đối với các hộ sửa chữa nhà ở và 40 triệu đồng/hộ đối với các hộ xây mới). Ngoài việc hỗ trợ của tỉnh, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động, linh hoạt thu hút các nguồn lực, vận động các tập thể, cá nhân hảo tâm gây dựng quỹ của địa phương để hỗ trợ cho các gia đình người có công trên địa bàn. Riêng trong năm 2012, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 234 hộ chính sách; chi cho các hoạt động thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ học tập cho thân nhân người có công, gia đình chính sách, tu bổ sửa chữa bia mộ, nghĩa trang... với tổng số tiền gần 12,8 tỷ đồng- Từ năm 2013-2021, hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho tổng số khoảng 12.322 hộ (gồm 6.467 hộ xây mới và 5.855 hộ sửa chữa) theo Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp hỗ trợ trên 482.000 triệu đồng, kinh phí đối ứng của các hộ gia đình ước trên 1.000.000 triệu đồng. Cụ thể như sau:

(1) Giai đoạn 1 (2013÷2015): Tổng số hộ được hỗ trợ: 4.927 hộ (2.556 hộ xây mới và 2.371 hộ sửa chữa). Mức hỗ trợ: 40 triệu đồng/hộ xây mới và 20 triệu đồng/hộ sửa chữa. Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách là 149.684 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 119.728 triệu đồng, ngân sách địa phương là 29.956 triệu đồng).

(2) Giai đoạn 2 (2017÷2018): Tổng số hộ được hỗ trợ là 3.915 hộ (2.025 hộ xây mới và 1.890 hộ sửa chữa). Mức hỗ trợ: 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa (ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg là 40 triệu đồng/hộ xây mới và 20 triệu đồng/hộ sửa chữa thì ngân sách Tỉnh hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ xây mới và 10 triệu đồng/hộ sửa chữa). Tổng kinh phí 178.260 triệu đồng (ngân sách Trung ương và tỉnh là 160.450 triệu đồng; ngân sách cấp huyện là 13.235 triệu đồng; huy động từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh là 4.265 triệu đồng; huy động khác là 310 triệu đồng).

(3) Ngoài ra, giữa 2 giai đoạn (2015÷2016): Tổng số hộ được hỗ trợ là 815 hộ (598 hộ xây mới, 217 hộ sửa chữa) là các hộ phát sinh giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại 11 địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách huyện và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa. Tổng kinh phí đã hỗ trợ cho là 42.470 triệu đồng (ngân sách cấp huyện là 42.390 triệu đồng, huy động khác là 80 triệu đồng).

(4) Giai đoạn 3 (2020÷2021): Tổng số hộ được hỗ trợ là 2.665 hộ (1.288 hộ xây mới và 1.377 hộ sửa chữa). Mức hỗ trợ: 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa. Tổng kinh phí hỗ trợ là 118.590 triệu đồng (ngân sách tỉnh là 118.380 triệu đồng; ngân sách cấp huyện là 210 triệu đồng).

3. Đánh giá chung về kết quả thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2013-2021):

a. Kết quả đạt được:

Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Các cấp chính quyền, địa phương cùng với sự ủng hộ đóng góp của xã hội đã và đang tích cực triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công. Qua đó, việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh đã đạt được các kết quả như sau:

- Tỉnh Quảng Ninh là một số trong các địa phương có số lượng lớn người có công được hỗ trợ nhà ở (12.322 hộ) đã hoàn thành và về đích sớm trong cả nước; riêng Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 3 (2020-2021) được hỗ trợ bằng nguồn ngân sách tỉnh; việc triển khai hỗ trợ đảm bảo nghiêm túc; đúng đối tượng, điều kiện...;

- Kết quả xây dựng, sửa chữa nhà ở tại các địa phương đảm bảo theo quy định: Nhà ở sau khi được hỗ trợ đảm bảo tiêu chí "3 cứng", diện tích nhà ở đa số trên 30m2 (mức quy định là 24m2), chất lượng đảm bảo; hồ sơ giải ngân và hoàn công đảm bảo theo hướng dẫn của Tỉnh;

- Nhiều hộ gia đình người có công được sự chung tay của gia đình, dòng họ và cộng đồng đã xây dựng lại nhà ở khang trang, to đẹp hơn với kinh phí lớn nhiều so với kinh phí được hỗ trợ (ở các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên...).

- Chính quyền địa phương trong quá trình triển khai đã tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở; đồng thời chủ động báo cáo, đề xuất BCĐ tỉnh hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để kịp thời triển khai. Tiêu biểu như kể đến như các địa phương: Đầm Hà, Uông Bí, Quảng Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên...

- Qua các đợt mưa bão, theo báo cáo của các địa phương thì không có hộ gia đình người có công nào đã được hỗ trợ nhà ở bị ảnh hưởng nặng; nhà ở cơ bản đảm bảo chắc chắn, chịu được mưa bão;

- Kết quả thực hiện đến hết năm 2021: Toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng với tổng số 12.322 hộ được hỗ trợ (gồm 6.467 hộ xây mới và 5.855 hộ sửa chữa); ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp trên 482 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của các hộ gia đình trên 1.000 tỷ đồng.

b. Hạn chế, tồn tại:

Qua quá trình kiểm tra, hướng dẫn, giám sát, các thành viên BCĐ Tỉnh và Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai của các địa phương:

- Do thời gian triển khai nhanh, địa bàn rộng nên công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa bàn (cấp phường, xã) chưa chủ động và sâu rộng đến đối tượng người có công dẫn đến bỏ sót đối tượng. Nhà ở của hộ gia đình người có công đa số được xây dựng từ lâu, không có thiết kế, tự xây dựng qua nhiều giai đoạn, nhiều loại vật liệu xây dựng ... nên khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng, chất lượng nhà ở ban đầu để xác định việc xây mới hay sửa chữa, do đó nhiều trường hợp phải điều chỉnh phương án hỗ trợ từ sửa chữa sang xây mới hoặc ngược lại.

- Một số BCĐ của các địa phương chưa thống nhất chỉ đạo việc lập và lưu trữ hồ sơ: Chưa giao cho phòng chuyên môn phụ trách chung lưu trữ các tài liệu, thông tin... dẫn đến việc cung cấp thông tin, số liệu còn lúng túng, chưa kịp thời; một số UBND cấp xã chưa lập và lưu hồ sơ theo quy định (thiếu biên bản họp tổ dân khu phố, biên bản hoàn thành theo giai đoạn...).

- Việc báo cáo định kỳ của các địa phương về BCĐ Tỉnh còn chậm, chồng chéo, số liệu của một số địa phương còn chưa chính xác.

- Có địa phương tạm ứng vượt mức quy định (quy định mức tạm ứng tối đa 60%, có địa phương đã tạm ứng 70%) và quá trình giải ngân kinh phí còn có địa phương máy móc, dập khuôn...

c. Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân:

- Do thời gian triển khai nhanh, địa bàn rộng, điều kiện của một số hộ gia đình người có công còn khó khăn nên phát sinh việc điều chỉnh danh sách (từ sửa chữa sang xây mới và ngược lại) và bổ sung danh sách mới; dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý theo dõi, đề xuất kinh phí hỗ trợ.

- Nhiều hộ gia đình người có công gia đình rất khó khăn về kinh tế, khả năng huy động kinh phí tự xây dựng còn hạn chế, hoàn toàn phải trông chờ kinh phí hỗ trợ mới triển khai; nhiều hộ gia đình chờ tuổi làm nhà, vướng mắc về đất đai, quy hoạch... nên tiến độ còn chậm.

- Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương chưa kịp thời.

- Việc thực hiện Đề án vào giai đoạn kinh tế của đất nước và của tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt giai đoạn 3 triển khai vào giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19; bên cạnh đó tỉnh cũng triển khai nhiều cuộc vận động, quyên góp ủng hộ của cộng đồng, xã hội... Do đó, việc tuyên truyền phát động và huy động các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp để hỗ trợ hộ gia đình người có công còn hạn chế.

d. Một số bài học kinh nghiệm:

- Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh, từ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đến các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đến cộng đồng dân cư đã nghiêm túc thực hiện, ủng hộ giúp đỡ hộ gia đình người có công với cách mạng về xây dựng nhà ở.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu và thực hiện các chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong các chương trình “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai tổ chức thực hiện, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc bình xét công khai, minh bạch để việc hỗ trợ đến tận tay hộ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở.

- Trong chỉ đạo, điều hành cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và hướng dẫn tiêu chí, tiêu chuẩn xác định đối tượng được hỗ trợ nhà ở cho hộ người có công với cách mạng cụ thể, rõ ràng, dễ làm, dễ xét, dễ kiểm tra; việc lựa chọn phải từ cộng đồng dân cư và cơ sở, tạo được sự đồng thuận của nhân dân; phải tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo tiến độ, chất lượng hiệu quả Đề án.

- Trong quá trình triển khai thực hiện cần năng động, sáng tạo chọn được những cách làm hay, phù hợp, hiệu quả để tập hợp được các lực lượng tham gia và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực hỗ trợ. Phải chuẩn bị đồng bộ các nguồn lực trợ giúp, trong đó coi trọng trợ giúp từ xã hội hóa.

- Áp dụng đa dạng các hình thức hỗ trợ và chọn những cách làm phù hợp, để tập hợp được các lực lượng tham gia và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn hỗ trợ.

- Tổ chức phối hợp các lực lượng tham gia hỗ trợ, trong đó phải huy động được sự tham gia của cộng đồng dân cư.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Lý do, sự cần thiết lập Đề án:

Các hộ gia đình người có công với cách mạng đã được Nhà nước hỗ trợ cải thiện về nhà ở theo các chính sách trước đây, cơ bản đảm bảo chất lượng, an toàn và vững chắc. Tuy nhiên một số chính sách thực hiện đã lâu, một số hộ gia đình trước đây chưa có đủ nguồn lực đối ứng để thực hiện; bên cạnh đó, còn một số hộ gia đình có nhà ở đến nay đã xuống cấp, chất lượng nhà ở không đảm bảo, do đó rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội để cải thiện nhà ở.

Theo báo cáo rà soát của các địa phương, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn khoảng 1.450 hộ người có công với cách mạng có nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng cần được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở (trong đó có khoảng 584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa).

Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về “Ưu đãi người có công với cách mạng”; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”;

Thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng cuộc sống nhân dân”, nhằm trực tiếp hỗ trợ cho các hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ khó khăn về nhà ở, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, việc xây dựng và tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ cải thiện nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023 là cần thiết.

Việc xây dựng Đề án nhằm mục đích:

- Xác định cụ thể danh sách đối tượng các hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở.

- Xây dựng kế hoạch và tiến độ thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

- Quy định trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị xã hội; vận động cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ hộ gia đình có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở.

2. Căn cứ để lập Đề án:

- Kết luận số 92-KL/TW ngày 05/11/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW5 khóa XI Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020;

- Nghị quyết số 75/2022/QH15 Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2022;

- Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 về “Ưu đãi người có công với cách mạng”;

- Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”;

- Văn bản số 116-CV/BCSĐ ngày 06/3/2023 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh “V/v báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”;

- Văn bản số 1393-CV/TU ngày 22/5/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ninh “V/v triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023”;

- Báo cáo của UBND các địa phương về số hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ cải thiện nhà ở.

3. Quan điểm, mục tiêu hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở:

a. Quan điểm:

- Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện về nhà ở là trách nhiệm của toàn xã hội, ngoài ngân sách của Nhà nước, kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện về nhà ở còn được huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí huy động khác.

- Đảm bảo tính khả thi, thống nhất, phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế của địa phương;

- Đảm bảo việc xã hội hóa trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở, thực hiện hỗ trợ bằng nhiều nguồn lực trong xã hội theo phương châm: Người dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ.

- Đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

b. Mục tiêu và tiến độ thực hiện:

- Đảm bảo cho các hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống.

- Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành hỗ trợ 1.450 hộ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; trong đó có 584 hộ xây mới và 866 hộ sửa chữa (đạt 100%);

- Ngay sau khi Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng tiến độ, kế hoạch của địa phương; đôn đốc, hỗ trợ cho các hộ gia đình người xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở đảm bảo hoàn thành trong năm 2024.

4. Nguyên tắc hỗ trợ:

a) Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình có đủ điều kiện theo Đề án này để hộ gia đình xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao chất lượng nhà ở, ổn định cuộc sống.

b) Việc hỗ trợ nhà ở phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

c) Việc hỗ trợ được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách.

d) Phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, đất đai và pháp luật khác có liên quan.

5. Yêu cầu và quy mô nhà ở:

a) Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì sau khi được hỗ trợ, nhà ở mới được xây dựng phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2; trường hợp hộ độc thân thì diện tích xây dựng nhà ở nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24 m2. Nhà ở xây dựng mới phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), độ bền tối thiểu 20 năm.

b) Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn “2 cứng” (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng quy định tại điểm a khoản này.

6. Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở:

Theo khoản 1 Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ thì đối tượng được hỗ trợ cải thiện là ở là các đối tượng quy định tại điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, gồm:

(1) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

(2) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

(3) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

(4) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

(5) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

(6) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;

(7) Bệnh binh;

(8) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

(9) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

(10) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

(11) Người có công giúp đỡ cách mạng;

(12) Thân nhân liệt sĩ, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

7. Điều kiện hỗ trợ

7.1. Điều kiện hỗ trợ

Nhà ở mà hộ gia đình hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ tại mục 7.2) với các mức độ như sau:

a) Nhà ở phải phá dỡ để xây mới nhà ở.

b) Nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Lưu ý: Việc xây dựng, cải tạo nhà ở phải được thực hiện trên phần diện tích đất ở hợp pháp mà hộ gia đình đang ở.

7.2. Những trường hợp không hỗ trợ theo Quyết định này:

(1) Hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

(2) Hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (gồm cả các Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được triển khai trên địa bàn Quảng Ninh).

(3) Hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

(4) Hộ đã được hỗ trợ theo Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/5/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

8. Xác định số lượng người có công với cách mạng đề nghị hỗ trợ về nhà ở:

- Theo thống kê, rà soát của các địa phương, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn khoảng 1.450 hộ người có công, thân nhân liệt sĩ có nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng cần được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở (trong đó có khoảng 584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa).

(Chi tiết tại phụ lục 1 gửi kèm)

- Trường hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có phát sinh tăng số hộ hỗ trợ thì Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tự bố trí kinh phí để thực hiện theo quy định.

9. Mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở.

b) Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở.

10. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện Đề án:

a) Kinh phí hỗ trợ:

- Kinh phí hỗ trợ xây mới nhà ở: 584 hộ x 80 triệu đồng/hộ:

46.720 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở: 866 hộ x 40 triệu đồng/hộ:

34.640 triệu đồng

- Chi phí quản lý:

406,8 triệu đồng

- Tổng kinh phí thực hiện Đề án:

81.766,8 triệu đồng

Ghi chú: Chi phí quản lý để thực hiện Đề án với mức 0,5% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 7 Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

(Chi tiết tại phụ lục 2 gửi kèm)

b) Nguồn vốn:

- Ngân sách nhà nước gồm: ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.

- Vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ.

11. Tiến độ thực hiện: Hoàn thành triển khai đề án trong năm 2023.

12. Cách thức thực hiện, rà soát phê duyệt danh sách: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

13. Tổ chức thực hiện:

Để đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023 cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng chỉ đạo: Các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp xây dựng mô hình huy động nguồn lực để hỗ trợ các hộ gia đình; thực hiện việc tuyên truyền, vận động giải thích cho nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của mọi người trong việc hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở, tránh tình trạng hỗ trợ không đúng đối tượng. Có biện pháp vận động cộng đồng dân cư, họ hàng dòng tộc và trách nhiệm của hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ thực hiện tốt các nội dung của Đề án. Cụ thể như sau:

a. Sở Xây dựng:

- Là cơ quan Thường trực của tỉnh để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo Đề án này.

- Tổng hợp danh sách, mức hỗ trợ, nhu cầu kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Lao động Thương binh và xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành việc hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở theo Đề án này.

- Đăng tải mẫu thiết kế nhà ở điển hình cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Sở Xây dựng ban hành tại Quyết định số 1864/QĐ-SXD ngày 30/8/2013 để UBND địa phương hướng dẫn các hộ gia đình tham khảo, lựa chọn.

b. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

- Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, thẩm định danh sách các hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở do các địa phương phê duyệt và tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo phòng Lao động Thương binh và Xã hội và các phòng ban chức năng rà soát, kiểm tra, đảm bảo đúng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án.

c. Ban Dân tộc tỉnh

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát các trường hợp hộ người có công là người dân tộc thiểu số.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án.

d. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành trình UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh ứng trước kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh (nếu chưa có kinh phí hỗ trợ của trung ương) để đảm bảo hoàn thành việc hỗ trợ trong năm 2023.

- Sở Tài chính: Căn cứ Quyết định phân bổ kinh phí của UBND tỉnh, thực hiện cấp phát kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn UBND các địa phương lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành.

e. Kho bạc Nhà nước:

Thực hiện việc kiểm soát thanh toán vốn đảm bảo số tiền hỗ trợ theo đúng danh sách phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện và mức hỗ trợ theo quy định.

g. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:

Đề xuất phương án đưa lực lượng về các địa phương để phối hợp thực hiện việc hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ xây dựng, sửa chữa nhà ở trong trường hợp cần thiết.

h. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội:

Phối hợp tổ chức các cuộc vận động cộng đồng để gây quỹ hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ xây dựng, sửa chữa nhà ở; kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân theo chức năng trong quá trình thực hiện Đề án.

i. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra, thống kê các hộ gia đình có người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ theo quy định và đảm bảo đúng quy trình.

- Công bố công khai đối tượng, tiêu chuẩn được hỗ trợ; tổng hợp và phê duyệt danh sách được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn (theo mẫu số 03 Phụ lục IX Nghị định số 131/2021/NĐ-CP) và báo cáo kết quả đảm bảo đúng đối tượng gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ cho UBND cấp xã. Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện việc hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn (gồm số hộ gia đình đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, số tiền đã cấp phát cho các hộ gia đình, số tiền huy động từ các nguồn khác, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện).

- Đối với các trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng trong quá trình thực hiện phát sinh, thay đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa (hoặc ngược lại) hoặc tăng/giảm các hộ đủ điều kiện hỗ trợ so với Đề án thì được tiếp tục thực hiện (địa phương chủ động điều chỉnh), nếu phát sinh kinh phí so với Đề án thì UBND các địa phương tự cân đối kinh phí để thực hiện và đảm bảo mức hỗ trợ không thấp hơn mức hỗ trợ theo Đề án.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện Đề án.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rà soát, xác định, phê duyệt đối tượng và tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện được thụ hưởng, thủ tục, hồ sơ theo quy định và tiến độ yêu cầu; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh về đất ở; thủ tục đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở của hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn.

k. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

- Thành lập ban chỉ đạo cấp xã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.

- Chỉ đạo các thôn, bản, khu phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án đến toàn bộ là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn và hướng dẫn các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở làm Đơn đề nghị được hỗ trợ (theo mẫu số 01 Phụ lục IX Nghị định 131/2021/NĐ-CP); đồng thời tập hợp đơn và lập danh sách gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Tổ chức kiểm tra hiện trạng nhà ở của từng đối tượng có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ theo Mẫu số 02 Phụ lục IX Nghị định 131/2021/NĐ-CP) gửi UBND cấp huyện.

- Xác nhận hiện trạng nhà ở (sửa chữa hoặc xây mới) và yêu cầu các hộ gia đình đề nghị hỗ trợ nhà ở cam kết tiến độ hoàn thành, kinh phí tự có (tiền, vật liệu, nhân công...).

- Niêm yết công khai danh sách và mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Đề án tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất là 15 ngày.

- Tổng hợp nhu cầu, kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

- Tổ chức thực hiện rút dự toán tại kho bạc nhà nước để tạm ứng lần đầu hoặc thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình.

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, vận động các hộ gia đình thực hiện xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định. Khi hoàn thành xây dựng phần nền móng và khung - tường nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo mẫu số 05 Phụ lục IX Nghị định 131/2021/NĐ-CP; khi hoàn thiện toàn bộ nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng theo mẫu số 06 Phụ lục IX Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.

- Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở, bao gồm:

Đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở của hộ gia đình;

Biên bản và ảnh chụp (cỡ 15x20 cm) về hiện trạng nhà ở;

Bản sao công chứng (hoặc chứng thực) giấy tờ chứng minh là người có công hoặc thân nhân của liệt sĩ (bao gồm một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; quyết định công nhận hoặc quyết định trợ cấp của cấp có thẩm quyền, Huân, Huy chương kháng chiến, hoặc Huân, Huy chương chiến thắng...).

Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn;

Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng;

Các chứng từ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ.