Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2025/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 03 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DỜI CƠ SỞ CHĂN NUÔI RA KHỎI KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Thông báo kết quả phiên họp của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngày 25 tháng 8 năm 2022;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2338/SNN&PTNT-CNTY ngày 04 tháng 10 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua chính sách đề nghị ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với các nội dung cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

- Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Không áp dụng đối với trường hợp nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

2. Đối tượng áp dụng:

- Chủ cơ sở chăn nuôi (bao gồm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi) nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, thực hiện tháo dỡ, di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến việc thực hiện di dời và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

3. Quy định khu vực không được phép chăn nuôi

a) Mục tiêu: Thực hiện quy định của Luật chăn nuôi năm 2018; khắc phục, cải thiện và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu vực dân cư của TDP tại các phường, thị trấn gắn với việc chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

b) Nội dung: Khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) gồm 148 Tổ dân phố (TDP) thuộc 29 phường, thị trấn tại 09 huyện, thành phố như sau:

- Thành phố Vĩnh Yên: Gồm 54 TDP, trong đó có 23 TDP thuộc 02 phường cấm toàn bộ là Ngô Quyền và Đống Đa, còn lại 31 TDP thuộc 05 phường: Tích Sơn, Khai Quang, Liên Bảo, Đồng Tâm và Hội Hợp.

- Thành phố Phúc Yên: Gồm 56 TDP, trong đó có 37 TDP thuộc 04 phường cấm toàn bộ là Hùng Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị và Xuân Hòa, còn lại 19 TDP thuộc 04 phường: Đồng Xuân, Phúc Thắng, Nam Viêm và Đồng Xuân.

- Huyện Yên Lạc: 01 TDP thuộc Thị trấn Yên Lạc.

- Huyện Tam Đảo: 03 TDP, trong đó 2 TDP thuộc Thị trấn Tam Đảo cấm toàn bộ và 1 TDP của thị trấn Hợp Châu.

- Huyện Bình Xuyên: 18 TDP thuộc Thị trấn Đạo Đức, Bá Hiến, Gia Khánh, Hương Canh và Thanh Lãng.

- Huyện Vĩnh Tường: 10 TDP thuộc Thị Trấn Thổ Tang, Tứ Trưng và Vĩnh Tường.

- Huyện Sông Lô: 02 TDP thuộc Thị trấn Tam Sơn.

- Huyện Tam Dương: 03 TDP thuộc Thị trấn Hợp Hòa.

- Huyện Lập Thạch: 01 TDP thuộc Thị trấn Lập Thạch.

c) Giải pháp thực hiện: Tuyên truyền phổ biến các quy định của nhà nước đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn để người dân biết, hiểu và thực hiện.

4. Chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

a) Mục tiêu: Hỗ trợ một phần kinh phí đã xây dựng chuồng trại phục vụ sản xuất chăn nuôi nhưng đến nay phải chấm dứt chăn nuôi để giảm thiệt hại cho cơ sở chăn nuôi.

b) Nội dung chính sách:

- Đối tượng hỗ trợ: Chủ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) tự thực hiện tháo dỡ, di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết.

- Cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện sau:

Có chuồng nuôi nhốt đã được xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành; đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và tự thực hiện tháo dỡ và di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi trước ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Có diện tích chuồng nuôi từ 40 m2 trở lên.

- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ cho cơ sở chăn nuôi chấm dứt hoạt động chăn nuôi 20% kinh phí xây dựng chuồng trại, tương ứng mức 300.000 đồng/m2 nhưng không quá 120.000.000 đồng/cơ sở (định mức được tính theo “Nhà 1 tầng mái tôn vi kèo thép, tường xây gạch 110 bổ trụ, tường bao quanh ≤ 3m, không tính chiều cao tường thu hồi, không có trần quy định tại mục 4,trong bảng số 1. Giá trị xây dựng mới của nhà, công trình ban hành kèm theo Quyết định số 61/2021/QĐ-UBND ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh là: 1.574.000 đồng/m2).

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần cơ sở chăn nuôi tự thực hiện tháo dỡ, di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi.

- Nguyên tắc hỗ trợ:

Trường hợp trong cùng thời điểm, cùng nội dung hỗ trợ có nhiều quy định khác nhau, đối tượng chỉ được hưởng theo mức hỗ trợ cao nhất.

Việc hỗ trợ được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc tháo dỡ và di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc dừng hoạt động chăn nuôi.

c) Giải pháp thực hiện:

- Tuyên truyền phổ biến các quy định của nhà nước đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn để người dân biết, hiểu và thực hiện.

- Hỗ trợ sau khi cơ sở chăn nuôi chấm dứt chăn nuôi.

5. Dự kiến nguồn lực

- Thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

- Nguồn kinh phí: Nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách tỉnh.

- Dự kiến kinh phí hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi thực hiện tháo dỡ, di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi: 7.138.500 đồng (Số tiền bằng chữ: Bảy tỷ một trăm ba mươi tám triệu năm trăm nghìn đồng chẵn). Trong đó:

Năm 2023 là 107 cơ sở, khoảng 3.705.900.000 đồng.

Năm 2024 là 37 cơ sở, khoảng 3.432.600.000 đồng.

- Thời gian dự kiến trình tại kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND tỉnh khóa XVII.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các thủ tục và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các Đại biểu HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NN2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2025/QĐ-UBND năm 2022 thông qua chính sách xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 2025/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/11/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Khước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản