Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2024/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG PHÒNG NGỪA, GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT CÁC CƠ SỞ CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Các Vụ: Kế hoạch - Tài chính; Pháp Chế; Thi đua-Khen thưởng và Tuyên truyền (để phối hợp);
- Cục Quản lý Tài nguyên nước (để phối hợp);
- Cục CNTT&DLTNMT (để phối hợp);
- UBND, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để phối hợp);
- Lưu: VT, TCMT.MTMB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Tuấn Nhân

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG PHÒNG NGỪA, GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT CÁC CƠ SỞ CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Quyết định số 2024/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

I. MỤC TIÊU

- Tăng cường quản lý nhà nước trong phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường, đặc biệt sự cố ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sức khỏe con người.

- Chủ động kiểm soát được các vấn đề môi trường, dự báo kịp thời, ngăn ngừa xảy ra sự cố môi trường.

- Thực hiện tốt các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Về đối tượng giám sát

- Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục hoặc chưa đầu tư công trình xử lý chất thải theo quy định;

- Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (bao gồm cả các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của địa phương) đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để; thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.

2. Về phạm vi thực hiện

- Các tỉnh, thành phố có đối tượng phải thực hiện giám sát về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

- Thời gian thực hiện: định kỳ hàng năm và đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tiếp tục tổ chức giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao

Tiếp tục thực hiện giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao năm 2022, đảm bảo các cơ sở, dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường, cụ thể:

1.1. Khu vực miền Bắc: Tập trung giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Các dự án, khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo; Các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tằng Loỏng - Lào Cai; Các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp giấy Phong Khê - Bắc Ninh. Giám sát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường/công tác bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

1.2. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Tập trung giám sát các cơ sở, Nhà máy sản xuất các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (cơ sở của ngành giấy, hóa chất và luyện gang, thép) như: Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (chủ dự án Nhà máy tuyển quặng bauxit và Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ); Công ty Cổ phần Lọc - Hoá dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 (Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19); Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất).

1.3. Khu vực miền Nam: tập trung giám sát các Tổ hợp sản xuất, các Trung tâm điện lực gồm Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Điện lực Sông Hậu - tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Điện lực Duyên Hải - tỉnh Trà Vinh, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

(Kế hoạch triển khai giám sát về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường năm 2022 tại Phụ lục I kèm theo).

2. Tăng cường kiểm soát nguồn thải lớn, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng có nhiều phản ánh về ô nhiễm môi trường

2.1. Tập trung kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề, cụ thể:

- Khu vực miền Bắc: tập trung triển khai Kế hoạch xử lý điểm nóng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, ô nhiễm môi trường tại làng nghề Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và khu vực Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

- Khu vực miền Trung và Tây Nguyên: tập trung triển khai khảo sát, kiểm tra, đánh giá về công tác bảo vệ môi trường tại các cảng cá 06 tỉnh ven biển miền Trung;

- Khu vực miền Nam: tập trung theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại 47/117 khu, cụm công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn trên địa bàn 04 tỉnh: Bình Dương (26 cơ sở), Đồng Nai (10 cơ sở), Bà Rịa - Vũng Tàu (02 cơ sở), TP. Hồ Chí Minh (09 cơ sở).

2.2. Xử lý các điểm nóng, sự cố môi trường phát sinh theo phản ảnh của người dân, các phương tiện thông tin truyền thông và theo chỉ đạo của Chính phủ:

- Rà soát, tiếp nhận các thông tin về các điểm nóng, sự cố môi trường.

- Thực hiện xác minh, xử lý các điểm nóng và sự cố môi trường (khảo sát hiện trường, thu thập thông tin, lấy mẫu môi trường, lập biên bản làm việc, làm việc với các đối tượng có liên quan,…).

(Kế hoạch triển khai kiểm soát nguồn thải lớn, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng có nhiều phản ánh về ô nhiễm môi trường tại Phụ lục II kèm theo).

3. Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020

3.1. Xác định đối tượng, lập danh mục các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trên phạm vi cả nước:

- Rà soát, hiệu chỉnh lại danh mục các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (sau đây gọi là cơ sở) thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được lập theo quy định danh mục Phụ lục IIa Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 theo các tiêu chí mới tại Phụ lục II Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022; định kỳ cập nhật, bổ sung danh mục các dự án phát sinh mới.

- Rà soát, phân loại, lập danh mục các cơ sở thuộc Phụ lục II Nghị định 08/2022/NĐ-CP nêu trên có công suất lớn, tại các khu vực/vị trí nhạy cảm về môi trường, để thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc thù về môi trường; tổng hợp đầy đủ hồ sơ môi trường, các vấn đề môi trường nổi bật của các cơ sở, theo dõi, giám sát chặt chẽ, liên tục được vấn đề môi trường chính của cơ sở.

- Chế độ thực hiện: thường xuyên cập nhật; tổng hợp, phân loại.

3.2. Lập hồ sơ, phân loại, xác định các vấn đề môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở (đã xác lập trong mục 3.1 ở trên)

- Thu thập và lập hồ sơ môi trường của các cơ sở gồm: tên cơ sở, địa chỉ, thông tin về cán bộ môi trường/Lãnh đạo đơn vị, công suất sản xuất thiết kế, công suất sản xuất thực tế, sản phẩm, loại hình hoạt động, các nguồn thải chính (nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại,...), các công trình bảo vệ môi trường chính, kết quả thanh tra, kiểm tra môi trường, các rủi ro môi trường có thể xảy ra, các vấn đề môi trường mà địa phương và báo chí thường xuyên phản ánh.

- Nghiên cứu, rà soát hồ sơ môi trường của từng cơ sở, cập nhật thông tin và các dữ liệu môi trường của cơ sở vào cơ sở dữ liệu;

- Chế độ thực hiện: thường xuyên cập nhật.

3.3. Thực hiện quản lý, kiểm soát, khảo sát thực tế các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao

a) Điều tra, khảo sát thực tế công tác bảo vệ môi trường của cơ sở

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ môi trường của cơ sở, kết quả thanh tra, kiểm tra môi trường, số liệu quan trắc môi trường tự động, kiến nghị phản ánh của người dân về môi trường của cơ sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan:

Tổ chức khảo sát hoặc kiểm tra thực tế môi trường tại các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền quản lý môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trừ các dự án tuân thủ tốt về môi trường, không có phản ánh người dân về môi trường và các dự án Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường).

Tổ chức làm việc với các địa phương có nhiều khu công nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhiều, lưu lượng xả thải lớn để trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN, cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn các tỉnh.

- Chế độ và thời hạn thực hiện: đột xuất theo tình hình thực tế và ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Phối hợp phòng ngừa, kiểm soát, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân/Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường;

- Đôn đốc, nhắc nhở, có văn bản (trường hợp cần thiết) gửi các cơ sở yêu cầu thực hiện bảo vệ môi trường và phòng ngừa ứng phó sự cố;

- Xem xét xây dựng mô hình tổ giám sát có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư tại các điểm giám sát (gồm 04 bên: Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các Tổ giám sát cộng đồng tại địa phương và các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao). Áp dụng đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xảy ra các sự cố môi trường, người dân và báo chí phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường.

c) Hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định pháp luật về môi trường

- Thông qua việc rà soát các thành phần hồ sơ môi trường, kết quả điều tra, khảo sát thực tế công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở và các thông tin khác, giao Tổng cục Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các quy định mới về bảo vệ môi trường liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT (báo cáo định kỳ công tác bảo vệ môi trường hằng năm; cấp phép môi trường; lập hồ sơ môi trường nếu có các thay đổi thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường; lắp đặt, vận hành các công trình bảo vệ môi trường, hệ thống quan trắc tự động môi trường, đặc biệt lưu ý các công trình, biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố về môi trường…).

- Chế độ thực hiện: khi phát hiện có vấn đề phát sinh hoặc theo đề nghị của cơ sở.

4. Cập nhật cơ sở dữ liệu về các dự án, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng cần phòng ngừa, kiểm soát

- Khảo sát, làm việc, thu thập, tổng hợp thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo nhiệm vụ “Xử lý các vụ việc nóng, sự cố môi trường phát sinh” đã được phê duyệt hàng năm. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và báo cáo kết quả làm việc về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cập nhật, theo dõi, bổ sung danh mục các dự án, cơ sở sản xuất lớn (bao gồm cả dự án đầu tư mới và dự án, cơ sở đang hoạt động, vận hành thương mại), thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có vị trí đặt dự án tại các khu vực nhạy cảm về môi trường trên cả nước, để thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc thù về môi trường.

5. Báo cáo kết quả thực hiện việc tăng cường kiểm soát cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp quản lý

- Lập báo cáo kết quả thực hiện về việc tăng cường kiểm soát cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường gồm các nội dung chính:

Các hoạt động đã thực hiện trong kỳ báo cáo.

Kết quả thực hiện (tình hình hoạt động, các nguồn thải lớn, công tác bảo vệ môi trường chính,… của cơ sở).

Đề xuất kiến nghị về các giải pháp tăng cường công tác quản lý: yêu cầu bổ sung công trình xử lý chất thải, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường hoặc các biện pháp khác; đưa vào danh sách giám sát đặc biệt; xử lý vi phạm hành chính...

- Chế độ và thời hạn thực hiện: định kỳ hàng năm và đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền cơ sở và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện giám sát, kiểm soát các cơ sở.

2. Chủ động kết nối, trao đổi thông tin, theo dõi dữ liệu quan trắc tự động liên tục để giám sát, kiểm soát các cơ sở.

3. Rà soát các tồn tại, vướng mắc, các quy định mới nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh của các cơ sở

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Các hoạt động 1, 2, 3, 4 thuộc mục III: kinh phí thực hiện từ các nhiệm vụ đã được bố trí kinh phí thường xuyên, đặc thù Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Tổng cục Môi trường như sau:

- Tăng cường giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

- Xử lý các vụ việc nóng, sự cố môi trường phát sinh.

- Thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Các hoạt động khác được thực hiện lồng ghép trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Tổng cục Môi trường.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nội dung trong kế hoạch.

- Thực hiện giám sát tại các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường hoặc Giấy phép môi trường thành phần của Bộ Tài nguyên và Môi trường; giám sát việc thực hiện kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có liên quan.

- Tổng hợp báo cáo kết quả giám sát về bảo vệ môi trường hàng năm, đề xuất kiến nghị về các giải pháp tăng cường công tác quản lý; báo cáo Bộ và Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở lồng ghép vào nội dung Báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng nội dung hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa ứng phó sự cố chất thải (nước thải, khí thải) và phục hồi môi trường sau sự cố nước thải.

- Cập nhật và duy trì vận hành các hệ thống thông tin, phần mềm và cơ sở dữ liệu các nguồn thải; chiết xuất báo cáo, tổng hợp các thông tin, số liệu nguồn thải theo yêu cầu của các đơn vị quản lý và chỉ đạo của Lãnh đạo.

- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ.

2. Vụ Kế hoạch - Tài chính tham mưu cho lãnh đạo Bộ bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này trong tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 và hàng năm theo quy định hiện hành.

3. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường, các đơn vị liên quan: rà soát, bổ sung danh mục các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn kỹ thuật được thực hiện theo nội dung yêu cầu của Kế hoạch (nếu có).

4. Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức phổ biến và tuyên truyền hiệu quả việc triển khai Kế hoạch này.

5. Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đề xuất kế hoạch phục hồi các nguồn nước liên tỉnh bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

6. Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Môi trường trong việc hoàn thiện, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về các nguồn thải lớn cần giám sát, kiểm soát.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tăng cường giám sát tại các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trên địa bàn quản lý;

- Phối hợp chặt chẽ và cử cán bộ tham gia các Tổ giám sát, Đoàn giám sát do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện về bảo vệ môi trường trên địa bàn địa phương.

- Báo cáo kết quả giám sát về bảo vệ môi trường hàng năm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Tuấn Nhân

 

PHỤ LỤC I

KẾ HOẠCH GIÁM SÁT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ CÓ NGUY CƠ CAO GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CAO NĂM 2022
(Kèm theo Quyết định số 2024/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

TT

Nhiệm vụ

Địa điểm

Mục tiêu

Nội dung thực hiện

Giải pháp

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Nhiệm vụ kiểm soát, giám sát đối với 05 cơ sở: Các dự án, khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo; các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tằng Loỏng và các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp giấy Phong Khê; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoàn thành các công trình BVMT/công tác BVMT của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh

Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh.

Tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường; rà soát, duy trì, điều chỉnh, bổ sung các Tổ giám sát đặc biệt đối với các cơ sở, dự án lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây ra các sự cố, vụ việc nóng về môi trường

- Giám sát việc tuân thủ các nội dung đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM và giấy phép môi trường: (i) Xem xét, rà soát toàn bộ thông tin, tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan; (ii) Kiểm tra việc vận hành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của nhà máy, cơ sở (nước thải, khí thải); (iii) Kiểm tra công tác lưu giữ, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và vệ sinh mặt bằng công nghiệp; (iv) Các kết quả kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy, cơ sở và việc thực hiện các yêu cầu của các đoàn kiểm tra, thanh tra trước đây; (v) Kết quả quan trắc môi trường của nhà máy, cơ sở (mạng lưới quan trắc định kỳ, hệ thống quan trắc tự động, liên tục tại các điểm xả theo quy định); (vi) Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; (vii) Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật nếu có.

- Giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường khác: (i) Rà soát, đánh giá hồ sơ về bảo vệ môi trường, năng lực của các nhà thầu tham gia công tác bảo vệ môi trường; (ii) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy, cơ sở; (iii) Hướng dẫn nhà máy, cơ sở kiến nghị, giải trình với các cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh, thay đổi nếu có trong công tác BVMT.

- Đo đạc, lấy và phân tích mẫu môi trường để đánh giá việc tuân thủ xả thải, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường.

- Tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong việc thực hiện kiểm soát, giám sát.

- Chủ động kết nối, trao đổi thông tin, theo dõi dữ liệu quan trắc tự động liên tục để kiểm soát giám sát cơ sở.

- Rà soát các tồn tại, vướng mắc, các quy định mới nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh của các cơ sở.

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc)

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan tại địa phương

Tháng 01/2022 - 12/2022

2

Đoàn kiểm soát, giám sát đối với 05 cơ sở: Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Cổ phần Bột giấy VNT19

Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Ngãi

Tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường; rà soát, duy trì, điều chỉnh, bổ sung các Tổ giám sát đặc biệt đối với các cơ sở, dự án lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây ra các sự cố, vụ việc nóng về môi trường

- Tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong việc thực hiện kiểm soát, giám sát 05 cơ sở.

- Chủ động kết nối, trao đổi thông tin, theo dõi dữ liệu quan trắc tự động liên tục để kiểm soát giám sát cơ sở.

- Rà soát các tồn tại, vướng mắc, các quy định mới nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh của các cơ sở.

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên)

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan

- Đợt giám sát 01: tháng 3 - 5/2022

- Đợt giám sát 02: tháng 9 - 10/2022

3

Đoàn giám sát đối với: các nhà máy nhiệt điện, dự án/cơ sở phụ trợ thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải; Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu; với các nhà máy, cơ sở thuộc Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên

Tỉnh Bình Thuận, Trà Vinh, Hậu Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu

Tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường; rà soát, duy trì, điều chỉnh, bổ sung các Tổ giám sát đặc biệt đối với các cơ sở, dự án lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây ra các sự cố, vụ việc nóng về môi trường

- Tổ chức Đoàn giám sát làm việc tại các cơ sở trong năm 2022 với tần suất dự kiến 02 đợt giám sát/năm.

- Hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường.

- Thực hiện đúng nội dung kế hoạch giám sát được phê duyệt và các quy định của pháp luật hiện hành.

- Tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền cơ sở và các cơ quan, đơn vị liên quan để phát huy hiệu quả công tác giám sát thường xuyên, liên tục.

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Nam)

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Bình Thuận, Trà Vinh, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và các đơn vị liên quan

3/2022- 12/2022

 

PHỤ LỤC II

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI KIỂM SOÁT NGUỒN THẢI LỚN, KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHU VỰC TẬP TRUNG NHIỀU NGUỒN THẢI, CÁC ĐIỂM NÓNG CÓ NHIỀU PHẢN ÁNH VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Quyết định số 2024/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

TT

Tên nhiệm vụ

Địa điểm

Mục tiêu

Nội dung thực hiện

Giải pháp

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

I.

KHU VỰC MIỀN BẮC

1

Xử lý các điểm nóng, sự cố môi trường phát sinh tại khu vực miền Bắc

28 tỉnh khu vực miền Bắc

Xử lý được các điểm nóng môi trường phát sinh theo phản ảnh của người dân, các phương tiện thông tin truyền thông và theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ

- Thu thập, tổng hợp thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc loại hình sản xuất nêu tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP theo đề xuất của các Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn miền Nam; những cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn thải lớn và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam.

- Cập nhật, bổ sung bộ cơ sở dữ liệu về nguồn thải; phòng ngừa, xử lý kịp thời các sự cố môi trường phát sinh để ngăn ngừa tác hại đến môi trường xung quanh và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.

Thu thập thông tin về tình hình thực hiện các thủ tục môi trường tại cơ sở (đánh giá tác động môi trường; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; các loại giấy phép có liên quan; chứng từ chuyển giao chất thải…).

Khảo sát, đánh giá việc thu gom, xử lý chất thải tại cơ sở (các công trình thu gom, xử lý nước thải; các công trình thu gom, xử lý khí thải; công trình thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại…).

Khảo sát, đánh giá việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; các nguy cơ có thể gây ô nhiễm môi trường.

Ghi nhận các phản ánh của cơ quan quản lý môi trường địa phương liên quan đến quá trình chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở.

- Cập nhật, bổ sung thông tin, dữ liệu về các cơ sở đã được khảo sát, làm việc vào Bộ cơ sở dữ liệu nguồn thải của Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, phục vụ việc theo dõi, giám sát và quản lý nguồn thải.

- Phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc khảo sát, làm việc, thu thập các thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Bắc thuộc loại hình sản xuất nêu tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP; các cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn thải lớn và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ môi trường

- Trên cơ sở kết quả khảo sát, làm việc đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Tổng cục Môi trường sẽ có báo cáo đánh giá kết quả khảo sát, đồng thời xem xét, kiến nghị Lãnh đạo Bộ các biện pháp xử lý (đề xuất kiến nghị thanh tra, kiểm tra, giám sát đặc biệt).

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc)

Sở Tài nguyên và Môi trường 28 tỉnh khu vực miền Bắc và các đơn vị liên quan

Tháng 01/2022 - 12/2022

2

Xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý điểm nóng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và rà soát, thống nhất trách nhiệm, phối hợp giữa các Bộ và tỉnh, thành phố trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước

- Tổ chức cuộc họp về giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải

- Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá nguồn thải nước thải; hiện trạng môi trường nước mặt

- Xây dựng Chương trình quan trắc chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải

- Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy định của Luật BVMT 2020 trình TTCP ban hành năm 2023

- Tăng cường phối hợp với các địa phương trên hệ thống sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xử lý các vấn đề liên quan.

- Xây dựng Kế hoạch chi tiết, tổng thể để triển khai trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc)

- Vụ: Quản lý chất thải; Quản lý chất lượng môi trường; Chính sách, Pháp chế và Thanh tra.

- TT Quan trắc miền Bắc.

- Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và thành phố Hà Nội

Tháng 01/2022 - 12/2024

3

Tập trung theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề Văn Môn

Xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh

Giám sát, xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Văn Môn

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở liên quan đến hoạt động gây ô nhiễm tại làng nghề Văn Môn thuộc thẩm quyền cấp thủ tục môi trường của Bộ;

- Hỗ trợ chuyên môn với UBND tỉnh Bắc Ninh để đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động gây ô nhiễm môi trường;

- Phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ chuyên môn với Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong trong theo dõi, giám sát các cơ sở hoạt động làng nghề Văn Môn;

- Phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ chuyên môn với Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh xây dựng, đề xuất các giải pháp tổng hợp chi tiết, tổng thể xử lý ô nhiễm tại làng nghề Văn Môn.

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc)

- Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh

- UBND huyện Yên Phong

Tháng 07/2022 - 12/2022

4

Xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường Cụm công nghiệp Phú Lâm

Xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Triển khai Kế hoạch xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Phú Lâm

- Báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng về Kế hoạch xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường.

- Tổ chức các hoạt động theo Kế hoạch được phê duyệt (thanh tra, kiểm tra diện rộng; tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường;…)

- Phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du

- Xây dựng Kế hoạch chi tiết, tổng thể để triển khai trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc)

- Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh

- UBND huyện Tiên Du

Tháng 07/2022 - 12/2022

5

Xử lý điểm nóng và đề xuất giám sát Nhà máy đường Sơn La thuộc Công ty Cổ phần mía đường Sơn La

Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Đề xuất giám sát tuân thủ bảo vệ môi trường của Nhà máy đường Sơn La thuộc Công ty Cổ phần mía đường Sơn La cho đến khi hoàn thành các thủ tục, công trình BVMT và đạt yêu cầu về các quy định BVMT.

- Báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng về đưa Nhà máy vào đối tượng giám sát.

- Tổ chức các hoạt động giám sát định kỳ, đột xuất về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT tỉnh Sơn La, UBND huyện Mai Sơn

- Xây dựng Quyết định thành lập Tổ giám sát và Kế hoạch trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc)

- Sở TN&MT tỉnh Sơn La

- UBND huyện Mai Sơn

Tháng 07/2022 - 12/2022

II.

KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

1

Khảo sát, đánh giá công tác bảo vệ môi trường tại cảng cá trên địa bàn 06 tỉnh ven biển miền Trung

Dự kiến tại 15 cảng cá tại 06 tỉnh ven biển miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, TT- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi

- Chủ động nắm bắt tình hình thực tế, nâng cao năng lực và công tác phối hợp, chia sẻ thông tin để sẵn sàng xử lý các điểm nóng môi trường tại các Cảng cá nhằm bảo vệ môi trường, ổn định đời sống nhân dân, phát triển bền vững khu vực biển miền Trung. - Rà soát những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường để tổng hợp kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

- Làm việc với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); thu thập thông tin về tình hình thực hiện công tác BVMT tại các cảng cá trong thời gian qua.

- Kiểm tra, khảo sát thực tế tại các cảng cá (hồ sơ môi trường, công tác kiểm soát nước thải, nước mưa, thu gom, chuyển giao chất thải rắn, chất thải nguy hại…).

- Lấy và phân tích mẫu môi trường, mẫu chất thải tại các cảng cá để đánh giá mức độ tuân thủ và hiện trạng ÔNMT tại cảng cá.

- Tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong việc thực hiện bảo vệ môi trường tại các cảng cá.

- Chủ động kết nối, trao đổi thông tin, theo dõi tình hình thực hiện công tác BVMT tại các cơ sở cảng cá.

- Rà soát các tồn tại, vướng mắc, các quy định mới nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh của các cơ sở cảng cá.

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên)

Sở Tài nguyên và Môi trường 6 tỉnh khu vực miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, TT- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi

Tháng 05/2022 - 12/2022

2

Xử lý các điểm nóng, sự cố môi trường phát sinh tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên

14 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Xử lý được các điểm nóng môi trường phát sinh theo phản ảnh của người dân, các phương tiện thông tin truyền thông và theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.

- Thu thập, tổng hợp thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc loại hình sản xuất nêu tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP theo đề xuất của các Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn miền Nam; những cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn thải lớn và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam.

- Cập nhật, bổ sung bộ cơ sở dữ liệu về nguồn thải; phòng ngừa, xử lý kịp thời các sự cố môi trường phát sinh để ngăn ngừa tác hại đến môi trường xung quanh và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.

- Thu thập thông tin về tình hình thực hiện các thủ tục môi trường tại cơ sở (đánh giá tác động môi trường; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; các loại giấy phép có liên quan; chứng từ chuyển giao chất thải…).

- Khảo sát, đánh giá việc thu gom, xử lý chất thải tại cơ sở (các công trình thu gom, xử lý nước thải; các công trình thu gom, xử lý khí thải; công trình thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại…).

- Khảo sát, đánh giá việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; các nguy cơ có thể gây ô nhiễm môi trường.

- Ghi nhận các phản ánh của cơ quan quản lý môi trường địa phương liên quan đến quá trình chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở.

- Cập nhật, bổ sung thông tin, dữ liệu về các cơ sở đã được khảo sát, làm việc vào Bộ cơ sở dữ liệu nguồn thải của Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, phục vụ việc theo dõi, giám sát và quản lý nguồn thải.

- Phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc khảo sát, làm việc, thu thập các thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam thuộc loại hình sản xuất nêu tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP; các cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn thải lớn và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ môi trường

- Trên cơ sở kết quả khảo sát, làm việc đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Tổng cục Môi trường sẽ có báo cáo đánh giá kết quả khảo sát, đồng thời xem xét, kiến nghị Lãnh đạo Bộ các biện pháp xử lý (đề xuất kiến nghị thanh tra, kiểm tra, giám sát đặc biệt).

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên)

Sở Tài nguyên và Môi trường 14 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Tháng 01/2022 - 12/2022

III.

KHU VỰC MIỀN NAM

1

Xử lý các điểm nóng, sự cố môi trường phát sinh tại khu vực miền Nam

21 tỉnh khu vực miền Nam

Xử lý được các điểm nóng môi trường phát sinh theo phản ảnh của người dân, các phương tiện thông tin truyền thông và theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ

- Thu thập, tổng hợp thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc loại hình sản xuất nêu tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP theo đề xuất của các Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn miền Nam; những cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn thải lớn và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam.

- Cập nhật, bổ sung bộ cơ sở dữ liệu về nguồn thải; phòng ngừa, xử lý kịp thời các sự cố môi trường phát sinh để ngăn ngừa tác hại đến môi trường xung quanh và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.

- Thu thập thông tin về tình hình thực hiện các thủ tục môi trường tại cơ sở (đánh giá tác động môi trường; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; các loại giấy phép có liên quan; chứng từ chuyển giao chất thải…).

- Khảo sát, đánh giá việc thu gom, xử lý chất thải tại cơ sở (các công trình thu gom, xử lý nước thải; các công trình thu gom, xử lý khí thải; công trình thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại…).

- Khảo sát, đánh giá việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; các nguy cơ có thể gây ô nhiễm môi trường.

- Ghi nhận các phản ánh của cơ quan quản lý môi trường địa phương liên quan đến quá trình chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở.

- Cập nhật, bổ sung thông tin, dữ liệu về các cơ sở đã được khảo sát, làm việc vào Bộ cơ sở dữ liệu nguồn thải của Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, phục vụ việc theo dõi, giám sát và quản lý nguồn thải.

- Phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc khảo sát, làm việc, thu thập các thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam thuộc loại hình sản xuất nêu tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP; các cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn thải lớn và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ môi trường

- Trên cơ sở kết quả khảo sát, làm việc đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Tổng cục Môi trường sẽ có báo cáo đánh giá kết quả khảo sát, đồng thời xem xét, kiến nghị Lãnh đạo Bộ các biện pháp xử lý (đề xuất kiến nghị thanh tra, kiểm tra, giám sát đặc biệt).

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Nam)

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố khu vực miền Nam

4/2022- 11/2022

2

Tập trung theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại 47/117 khu, cụm công nghiệp trên địa bàn 04 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh

Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh

Theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp có phát sinh nước thải lớn

- Có văn bản gửi 04 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh để rà soát, đánh giá nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp có nguồn thải nước thải lớn. Cụ thể:

Bình Dương (26): KCN VSIP 1; KCN VSIP 2; KCN VSIP 2A; KCN Đồng An 1; KCN Đồng An 2; KCN Sóng Thần 1; KCN Sóng Thần 2; KCN Sóng Thần 3; KCN Việt Hương 1; KCN Tân Đông Hiệp A; KCN Tân Đông Hiệp B; KCN KSB Khu B; KCN Mỹ Phước 1 - GĐ1,2; KCN Mỹ Phước 1-GĐ3; KCN Mỹ Phước 2; KCN Mỹ Phước 3-1; KCN Mỹ Phước 3-2; KCN Mỹ Phước 3-3; KCN Mỹ Phước 3-4; KCN Bàu Bàng; KCN Bàu Bàng MR; KCN Thới Hòa; Khu Tái định cư Mỹ Phước.

Đồng Nai (10): KCN Biên Hòa 1; KCN Biên Hòa 2; KCN Amata; KCN Loteco; KCN Long Thành; KCN Nhơn Trạch 1; KCN Nhơn Trạch 2; KCN Nhơn Trạch 3; KCN Dệt may Nhơn Trạch; KCN Bàu Xéo.

TP. Hồ Chí Minh (9): KCN Tân Thuận; KCN Linh Trung 1; KCN Linh Trung 2; KCN Lê Minh Xuân; KCN Tân Tạo; KCN Tây Bắc Củ Chi; KCN Vĩnh Lộc; KCN Đông Nam; Khu Công nghệ cao.

Bà Rịa - Vũng Tàu (02): KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3; KCN Cái Mép.

- Xây dựng phương án, đề xuất kế hoạch và kinh phí thực hiện

Phối hợp với các địa phương rà soát nguồn thải, đánh giá các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Nam)

- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh

6/2022- 12/2023

3

Thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc.

Phú Quốc

Ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc.

Hỗ trợ chuyên môn với UBND tỉnh Kiên Giang để đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc.

Khảo sát, đánh giá nguồn thải, đề xuất các giải pháp tổng hợp để thống nhất với UBND tỉnh Kiên Giang trong việc kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc.

UBND tỉnh Kiên Giang

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Nam)

2023- 2024

4

Giải quyết vấn đề môi trường phát sinh từ Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau

Ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm phát sinh từ Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Hỗ trợ chuyên môn với UBND tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau để đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường từ Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

- Đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ngành nghề nuôi tôm siêu thâm canh tại 03 tỉnh vào nhóm đối tượng có nguy cơ ô nhiễm môi cần được phòng ngừa, kiểm soát trong kế hoạch.

- Đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường bố trí chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về xử lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường 03 tỉnh trong việc góp ý để hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định hiện hành, yêu cầu kỹ thuật và thực tiễn.

UBND tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau

Tổng cục Môi trường (Cục Bảo vệ môi trường miền Nam)

2023- 2024

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2024/QĐ-BTNMT năm 2022 về Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 2024/QĐ-BTNMT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Võ Tuấn Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản