Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201/2005/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU LƯU TRÚ CÔNG NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 322/2003/QĐ-UB ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố
Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 90/2005/QĐ-UB ngày 30 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế quản lý cư trú và lao động của người tạm trú có thời hạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp
thành phố Hồ Chí Minh tại Tờ trình số 2242/TTr-BQL-KCN-HCM ngày 07 tháng 10 năm 2005, ý kiến của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 3193/STP-VB ngày 05 tháng 9 năm 2005;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý khu lưu trú công nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố, Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Công nghiệp,

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Y tế, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Công an thành phố, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước thành phố, Giám đốc Công ty Điện lực thành phố, Tổng Giám đốc

Quỹ Đầu tư phát triển đô thị, Giám đốc Quỹ phát triển nhà ở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận :

- Như điều 3;
- TT/TU, TT/HĐND TP, TT/UB;
- Ban DV/TU, UBMTTQ/TP;
- Các Công ty hạ tầng KCX-KCN
(KCX Tân Thuận, Linh Trung,
KCN Tân Tạo, Tân Bình, Bình Chiểu,
Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Tây Bắc Củ Chi,
Tân Thới Hiệp, Hiệp Phước, Cát Lái II,
Phong Phú, Tân Phú Trung, Phú Hữu);
- VPHĐ-UB : các PVP, Các Tổ NCTH;
- Lưu (ĐT/Ch) TV

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đua

 

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

 

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ KHU LƯU TRÚ CÔNG NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 201 /2005/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích:

1. Nhằm quản lý và bảo đảm việc lưu trú của người lao động và hoạt động của các khu lưu trú công nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (thành phố) đúng quy định của pháp luật, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển sản xuất của doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, đồng thời đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn;

2. Qui định quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng khu lưu trú công nhân.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh:

1. Quy chế này áp dụng phạm vi và đối tượng điều chỉnh trên địa bàn thành phố:

a. Chủ đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân (chủ đầu tư);

b. Người lao động tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có nhu cầu thuê chỗ ở lưu trú trong khu lưu trú công nhân (người lưu trú);

c. Chủ doanh nghiệp, Chủ tịch công đoàn của người lưu trú.

2. Các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà trọ (theo quy chế quản lý nhà trọ), nhà cho thuê làm văn phòng… sử dụng vào mục đích

kinh doanh hoặc các trường hợp khác; khu lưu trú cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang tạm trú và lao động trên địa bàn thành phố không thuộc phạm vi áp dụng của Quy chế này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Khu công nghiệp” bao gồm: khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao;

2. “Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động”: là doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, sử dụng từ khoảng 500 lao động trở lên;

3. “Khu lưu trú công nhân”: là nơi phục vụ tiện ích cho người lao động, bao gồm: nơi ở, nơi ăn, nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao và các tiện ích khác nhằm phục vụ đời sống và nhu cầu sinh hoạt của người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn thành phố;

a. Khu lưu trú công nhân là khu nhà ở chung cư tập thể; được xây dựng cao tầng; giai đoạn đầu có thể xây thấp tầng cho phù hợp với điều kiện tài chính, kinh tế;

b. Khu lưu trú công nhân được xây dựng tại hai khu vực (theo Quyết định số 322/2003/QĐ-UB ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban nhân dân

thành phố):

- Xây dựng trên phạm vi đất khu chế xuất nhưng bên ngoài tường rào khuôn viên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, thuộc quyền quản lý của Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố;

- Xây dựng bên ngoài phạm vi đất khu công nghiệp, thuộc quyền quản lý của các cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước giao.

4. “Người lưu trú”: là người lao động Việt Nam có hợp đồng lao động, đang lao động ổn định tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại thành phố mà doanh nghiệp có hợp đồng thuê phòng lưu trú trong khu lưu trú để ở;

5. “Chủ đầu tư”: là doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân. Chủ đầu tư bao gồm 02 loại hình:

a. Chủ đầu tư kinh doanh cho thuê phòng lưu trú: là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có chức năng khai thác kinh doanh bất động sản trực tiếp đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân hoặc thuê lại khu lưu trú công nhân để kinh doanh cho thuê;

Chủ đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc bảo toàn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển và bù đắp các chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa trong thời gian cho thuê;

b. Chủ đầu tư không kinh doanh chỉ dành riêng cho người lao động của doanh nghiệp mình ở: là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trực tiếp đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân hoặc thuê lại khu lưu trú công nhân để cho người lao động của mình ở.

6. “Ban quản trị”: là một tổ chức hoặc công ty dịch vụ quản trị được thành lập để quản lý khu lưu trú và người lưu trú trong khu lưu trú: Nếu trong cùng một khu lưu trú có nhiều chủ đầu tư thì cũng chỉ chọn một Ban quản trị hoặc công ty dịch vụ quản trị để thực hiện chung công tác quản trị cho toàn khu lưu trú theo nguyên tắc thỏa thuận giữa các chủ đầu tư;

7. “Bên cho thuê”: là chủ đầu tư hoặc Ban quản trị/công ty dịch vụ

quản trị (được sự ủy quyền của chủ đầu tư) làm đại diện ký hợp đồng thuê phòng lưu trú;

8. “Bên thuê”: là Tổng Giám đốc/Giám đốc hay Chủ tịch công đoàn của doanh nghiệp làm đại diện ký hợp đồng thuê phòng lưu trú cho công nhân ở;

9. “Giá trần”: là khung giá cho thuê phòng lưu trú do Ủy ban nhân dân thành phố quy định theo từng thời điểm.

Điều 4. Tiêu chuẩn xây dựng khu lưu trú công nhân và các điều kiện tối thiểu:

1. Chủ đầu tư khi tham gia xây dựng khu lưu trú công nhân phải thực hiện đúng tiêu chuẩn xây dựng theo Qui chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành và tuân theo quy định của pháp luật về xây dựng. Việc xây dựng phải phù hợp với qui hoạch, được cấp phép xây dựng và chịu sự kiểm tra, xử lý của cơ quan có thẩm quyền;

2. Do qui mô xây dựng nhà lưu trú công nhân là nhà ở tập thể từ một tầng đến cao tầng nên Chủ đầu tư cần áp dụng các tiêu chuẩn TCVN 3981 : 1985

(từ mục 3.56 đến 6.9 về ký túc xá, nhà ở cán bộ công nhân viên), tiêu chuẩn TCVN 4451 : 1987 (Nhà ở - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế);

3. Trong trường hợp Chủ đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân có tính chất tạm thời, sau một thời gian sẽ tháo dỡ cũng phải tuân theo đúng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành;

4. Khu lưu trú công nhân phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn an toàn về kiến trúc, kết cấu, phải có cửa thoát hiểm, cứu hộ, phương tiện và thiết bị phòng cháy chữa cháy;

5. Phòng ở phải có các điều kiện đảm bảo yêu cầu ở, nghỉ ngơi, học tập, sinh hoạt bình thường của người lưu trú;

6. Nhà bếp, nhà ăn và trang thiết bị phục vụ nấu ăn phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh do Bộ Y tế quy định;

7. Cảnh quan môi trường phải thông thoáng, sạch sẽ, có đường sá, cây xanh và tường rào bảo vệ;

8. Khu lưu trú cần phải có căn tin, phòng đọc sách hoặc thư viện phục vụ người lao động, có khu vui chơi thể thao, văn hóa, có nơi để thông tin, thông báo những vấn đề cần thiết hoặc có hệ thống loa phát thanh.

9. Diện tích ở cho mỗi người tối thiểu là 4m2.

10. Diện tích sinh hoạt phụ đảm bảo 2m2/người.

Điều 5. Nhà nước khuyến khích và ưu đãi doanh nghiệp tự xây dựng khu lưu trú công nhân dành cho người lao động của mình sử dụng.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ KINH DOANH KHU LƯU TRÚ CÔNG NHÂN VÀ THỦ TỤC CHO THUÊ PHÒNG LƯU TRÚ

Điều 6. Về điều kiện đăng ký kinh doanh và chủ thể kinh doanh:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân quận, huyện là các cơ quan đăng ký kinh doanh và có trách nhiệm giải quyết các thắc mắc, khiếu nại.

2. Điều kiện về chủ thể kinh doanh, thủ tục và trình tự đăng ký kinh doanh khu lưu trú công nhân được thực hiện theo quy định tại Nghị định 08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ quy định về

điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Nghị định 109/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định về trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh và Thông tư 03/2004/TT-BKH ngày 29 tháng 6 năm 2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định 109/2004/NĐ-CP .

3. Riêng đối với Chủ đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân dành riêng cho người lao động của mình ở và không kinh doanh thì không phải đăng ký kinh doanh nhà lưu trú.

Điều 7. Ký kết hợp đồng thuê phòng lưu trú:

1. Bên thuê phải ký kết hợp đồng thuê phòng lưu trú với Bên cho thuê, hợp đồng do hai bên thương lượng nhưng không trái với quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và không được vượt khung giá trần;

2. Cá nhân người lưu trú không được ký kết trực tiếp mà phải thông qua đăng ký với Bên thuê làm đại diện ký kết hợp đồng thuê phòng lưu trú với Bên cho thuê;

3. Bên thuê chuyển danh sách người lưu trú đã được doanh nghiệp xác nhận kèm theo hợp đồng thuê phòng lưu trú đến Ban quản trị để được bố trí chỗ ở lưu trú.

Điều 8. Thủ tục ký hợp đồng thuê phòng lưu trú:

1. Trường hợp đăng ký lần đầu, Bên thuê chuẩn bị các loại hồ sơ sau:

a. Danh sách người lưu trú;

b. Bản sao chứng minh nhân dân, bản sao Phiếu khai báo tạm trú, tạm vắng hoặc sổ tạm trú có thời hạn (NK3c) hoặc giấy tạm trú có thời hạn (NK3d) của người lưu trú; Và tùy trường hợp cụ thể bổ sung thêm các giấy tờ khác theo quy định của Quy chế quản lý cư trú và lao động của người tạm trú có thời hạn trên địa bàn thành phố được ban hành theo Quyết định số 90/2005/QĐ-UB ngày 30 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Trường hợp tái ký hợp đồng:

a. Cần thực hiện 30 ngày trước khi hợp đồng hết hạn, Bên thuê phải xác nhận lại danh sách người lưu trú và đăng ký tiếp tục thuê phòng lưu trú với Bên cho thuê;

b. Cung cấp mới giấy tờ (theo khoản 1 điều này) đối với người lưu trú mới.

3. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Bên thuê nộp hồ sơ đăng ký thuê phòng, Ban quản trị khu lưu trú phải thông báo cho Bên thuê biết về việc chấp thuận hay không chấp thuận cho thuê phòng. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày có thông báo chấp thuận, Bên thuê phải tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng thuê phòng. Quá thời hạn trên mà Bên thuê không đến ký hợp đồng thì thông báo chấp thuận đương nhiên mất hiệu lực, Bên cho thuê có quyền ký hợp đồng với đơn vị khác.

4. Trước khi hợp đồng thuê phòng hết hạn 10 ngày, Ban quản trị phải thông báo cho Bên thuê và người lưu trú biết. Khi hết hạn hợp đồng mà Bên thuê không tái ký hợp đồng thì người lưu trú buộc phải di dời ra khỏi khu

lưu trú.

Chương 3:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ NGƯỜI LƯU TRÚ

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ người lưu trú:

1. Người lưu trú có quyền:

a. Được ở, sinh hoạt, sử dụng các trang thiết bị được bố trí sẵn trong phòng, các tiện ích, dịch vụ trong khu lưu trú và tham gia các hoạt động văn hóa thể thao do Ban quản trị tổ chức.

b. Nếu có vấn đề khó khăn hoặc bất lợi trong quá trình sinh hoạt tại khu lưu trú thì đến Ban quản trị yêu cầu giải quyết.

2. Người lưu trú có nghĩa vụ:

a. Tuân thủ theo Quy chế quản lý cư trú và lao động của người tạm trú có thời hạn trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 90/2005/QĐ-UB ngày 30 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố);

b. Chấp hành nghiêm chỉnh nội qui của khu lưu trú;

c. Tham gia sinh hoạt tổ dân phố ở khu lưu trú;

d. Đóng tiền thuê phòng để ở đúng hạn.

Điều 10. Những hành vi nghiêm cấm :

1. Sản xuất, tàng trữ, đưa vào khu nhà lưu trú: vũ khí, chất nổ, chất độc hại, chất dễ cháy, chất kích thích, gây nghiện, ma túy;

2. Tàng trữ, lưu hành, tuyên truyền tài liệu phản động, văn hóa phẩm đồi trụy; tổ chức, chứa chấp cờ bạc, mại dâm, ma túy và che dấu tội phạm;

3. Chuyển nhượng, mua bán, cho thuê lại chỗ ở.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ DOANH NGHIỆP VÀ CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN CỦA NGƯỜI LƯU TRÚ

Điều 11. Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và chủ tịch công đoàn :

1. Quan tâm và có chính sách hỗ trợ người lao động thuê chỗ lưu trú, tham gia đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân;

2. Lập danh sách người lao động đăng ký lưu trú và các hồ sơ thủ tục cần thiết, đại diện người lao động ký kết hợp đồng theo Điều 7, Điều 8 của quy chế này;

3. Thu tiền thuê phòng lưu trú để trả cho bên cho thuê theo hợp đồng đã ký kết;

4. Phối hợp với Chủ đầu tư, Ban quản trị khu lưu trú công nhân để giải quyết các trường hợp người lao động của mình vi phạm nội qui khu lưu trú công nhân.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ ĐẦU TƯ; TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN BAN QUẢN TRỊ

Điều 12. Thành lập và tổ chức quản trị:

1. Trước khi khu lưu trú đi vào hoạt động, chủ đầu tư lập ra Ban quản trị. Ban quản trị có 01 Trưởng Ban, một số Phó Trưởng Ban và bộ máy giúp việc quản trị khu lưu trú;

2. Chủ đầu tư có thể thuê hoặc thành lập công ty dịch vụ quản trị thực hiện chức năng nhiệm vụ quản trị khu lưu trú.

Điều 13. Trách nhiệm và quyền hạn chủ đầu tư:

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của khu lưu trú công nhân;

2. Được thu và xác định giá thuê phòng lưu trú theo khung giá trần;

3. Xem xét chấp thuận và chịu trách nhiệm về việc cho lưu trú trong khu lưu trú đúng đối tượng được quy định tại khoản 6 Điều 3 của Quy chế này;

4. Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Quản trị hoặc Công ty dịch vụ quản trị (nếu do chủ đầu tư thành lập) hoặc giám sát, kiểm tra hoạt động của Ban Quản trị hoặc Công ty dịch vụ quản trị (nếu chủ đầu tư thuê dịch vụ quản trị) và tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ khu lưu trú.

5. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chủ đầu tư đến Công an quận, huyện hoặc phường, xã (doanh nghiệp đến quận, huyện; cá thể đến phường, xã) làm thủ tục cam kết thực hiện các quy định về an ninh trật tự theo Thông tư 02/2001/TT-BCA ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định 08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ.

6. Phải đảm bảo công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy chữa cháy trong khu lưu trú và có kế hoạch phối hợp với Đội Bảo vệ khu công nghiệp và chính quyền địa phương làm tốt công tác trên.

7. Phối hợp với Doanh nghiệp sử dụng lao động để xử lý vi phạm của người lưu trú.

8. Đối với những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền thì chủ đầu tư phải trình báo với cơ quan chính quyền địa phương để được hướng dẫn giải quyết.

Điều 14. Trách nhiệm và quyền hạn Ban quản trị/Công ty dịch vụ quản trị:

1. Quản lý điều hành toàn bộ hoạt động của khu lưu trú công nhân;

2. Xây dựng nội qui khu lưu trú trình chủ đầu tư ban hành;

3. Phổ biến và hướng dẫn thi hành Quy chế này, nội qui khu lưu trú;

4. Xem xét và giải quyết những ý kiến của người lưu trú và Bên thuê phản ánh;

5. Theo dõi và tham mưu cho Chủ đầu tư về việc ký kết hợp đồng thuê phòng, chấm dứt hợp đồng thuê phòng, gạch tên người lưu trú không còn ở tại khu lưu trú, chuyển chỗ ở của người lưu trú trong nội bộ khu lưu trú theo yêu cầu của người lưu trú, của Bên thuê hoặc theo yêu cầu của Ban quản trị;

6. Thành lập lực lượng bảo vệ và phòng cháy chữa cháy, thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, thao tác phòng cháy chữa cháy;

7. Phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong các trường hợp: cấp cứu, phòng dịch y tế, tai nạn, hỏa hoạn, tình thế cấp thiết… trong khu lưu trú và người lưu trú;

8. Phối hợp cơ quan hữu quan để bảo trì hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện và thiết bị phòng cháy chữa cháy cho toàn khu vực khu lưu trú; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và phối hợp cơ quan hữu quan tổ chức diễn tập phòng chống cháy nổ;

9. Tổ chức việc đăng ký tạm trú những người lưu trú và báo cáo định kỳ tình hình an ninh trật tự trong khu lưu trú cho Công an địa phương. Phát hiện, thông báo và phối hợp với Công an trong việc giải quyết những vụ việc nghi vấn có liên quan đến an ninh trật tự xảy ra trong khu lưu trú;

10. Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể quần chúng và phối hợp với Công an địa phương để bảo đảm an ninh trật tự trong khu lưu trú;

11. Hàng quí Ban quản trị cùng Công an địa phương tổ chức sinh hoạt với người lưu trú để phổ biến tình hình an ninh trật tự tại địa bàn khu lưu trú và tiếp thu ý kiến của người lưu trú để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý điều hành khu lưu trú được ngày càng hoàn thiện;

12. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao mang tính chất cộng đồng góp phần xây dựng “Khu lưu trú văn hóa - văn minh - an toàn - sạch đẹp”.

Chương 6:

KHEN THƯỞNG – XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Khen thưởng:

Chủ đầu tư, Ban quản trị, Công ty dịch vụ quản trị, người lưu trú thực hiện tốt và có nhiều đóng góp cho khu lưu trú công nhân sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 16. Xử lý vi phạm:

1. Chủ đầu tư, Ban quản trị chịu trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật và các quy định trong Quy chế này, nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

2. Người lưu trú vi phạm Quy chế sẽ bị xử lý theo hình thức và mức độ sau:

a. Nếu vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn, trật tự xã hội thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật;

b. Nếu vi phạm quy định trong quy chế và nội qui của khu lưu trú thì căn cứ vào mức độ vi phạm sẽ giải quyết theo các quy định về pháp luật dân sự;

c. Hành động che giấu, tiếp tay kẻ xấu vi phạm Quy chế sẽ bị cảnh cáo hoặc chấm dứt hợp đồng cho thuê.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Trách nhiệm quản lý - kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước:

1. Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố có trách nhiệm triển khai các biện pháp cần thiết về kế hoạch đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 322/2003/QĐ-UB ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố và điểm 5.9 của kế hoạch đính kèm Quyết định số 322/2003/QĐ-UB ;

2. Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo các cơ quan chức năng, phường xã kiểm tra khu lưu trú định kỳ (6 tháng/lần) hoặc đột xuất việc kinh doanh, đảm bảo về trật tự an ninh, tạm vắng tạm trú, phòng chống tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, quản lý thu thuế… nhưng một năm không quá 02 lần.

3. Công an thành phố có trách nhiệm hướng dẫn Công an quận, huyện; Công an phường, xã thực hiện:

a. Kiểm tra các điều kiện an ninh trật tự tại khu lưu trú, nhiệm vụ quản lý người đến thuê lưu trú, tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy;

b. Hướng dẫn nội quy theo mẫu quy định về khu lưu trú, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).

4. Sở Xây dựng: kiểm tra công tác xây dựng để đảm bảo chất lượng công trình đúng tiêu chuẩn xây dựng theo Qui chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành và tuân theo quy định của pháp luật về xây dựng;

5. Tổng Công ty Cấp nước thành phố có trách nhiệm cung cấp nước đầy đủ, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt và thu theo giá nước sinh hoạt;

6. Công ty Điện lực thành phố có trách nhiệm cung cấp điện ổn định, đảm bảo chất lượng và thu theo giá điện sinh hoạt;

7. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng kiểm tra chất lượng vệ sinh, môi trường khu lưu trú;

8. Các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng: phổ biến, tuyên truyền về hoạt động khu lưu trú công nhân đến các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị có liên quan nhằm khuyến khích xây dựng, tổ chức hoạt động khu lưu trú công nhân ngày càng hoàn thiện.

Điều 18. Quy chế này được áp dụng cho các khu lưu trú công nhân trên địa bàn thành phố, và được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế theo từng thời điểm cụ thể trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố./. 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đua

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 201/2005/QĐ-UBND về Quy chế quản lý khu lưu trú công nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 201/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/11/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đua
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/11/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản