Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2009/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 01 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA X VÀ CHƯƠNG TRÌNH SỐ 18-CTR/TU CỦA TỈNH ỦY HƯNG YÊN VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị quyết: số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 24/10/2008 của Tỉnh ủy Hưng Yên về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 10/5/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ khóa XVII về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020, định hướng 2030;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: số 2641/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 về việc phê duyệt đề cương dự toán Đề án; Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 23/02/2011 về việc phê duyệt bổ sung Đề cương và dự toán Đề án điều tra, đánh giá tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đổi tên Đề án thành Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 147/TTr-NN ngày 10/11/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Chương trình số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chính như sau:

1. Tên Đề án: “Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Chương trình số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030”.

2. Mục tiêu:

2.1. Mục tiêu chung: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ưu tiên đầu tư cho các loại cây, con có hiệu quả cao; coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển chăn nuôi tập trung là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn với ngành nghề đa dạng tập trung vào thế mạnh của tỉnh, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản cho sản xuất và đời sống của nông dân.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Nông nghiệp, thủy sản:

Đến năm 2015: Duy trì diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh khoảng 70.000ha, trong đó: Vụ Xuân 35.000 ha; vụ Mùa 35.000 ha, năng suất bình quân trên 66,5 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 465.500 tấn; trong đó, nâng tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao đạt 55% tổng diện tích, diện tích lúa còn lại đầu tư phát triển theo hướng cao sản; ổn định diện tích ngô khoảng 7.000ha, hình thành các vùng sản xuất ngô hàng hoá; đầu tư thâm canh, đưa năng suất ngô đến năm 2015 đạt trên 60tạ/ha, sản lượng khoảng 42.000 tấn; phấn đấu 100% diện tích trồng giống ngô lai có năng suất, chất lượng cao, trong đó 80% diện tích trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi; diện tích cây dược liệu khoảng 100 - 150 ha; diện tích hoa, cây cảnh 1.500ha; diện tích cây ăn quả phấn đấu khoảng 9.000 ha. Giữ ổn định 3.000 ha trồng nhãn, trong đó xây dựng vùng sản xuất nhãn hàng hóa tập trung có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao với diện tích 1.000 ha; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 48%, trong đó chăn nuôi tập trung an toàn sinh học đạt 25 - 30%; có từ 40 - 50% cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng Vietgap; tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt 80 - 85%; thụ tinh nhân tạo lợn đạt 55% và 20 - 35% ở bò; phấn đấu đạt khoảng 5.000 ha, sản lượng đạt trên 27.800 tấn, năng suất bình quân đạt trên 5,5 tấn/ha, có trên 63% diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh theo hướng chất lượng cao; nuôi thủy sản vùng bãi đạt trên 730ha.

Đến năm 2020: Ổn định diện tích gieo trồng lúa là 64.000 ha, trong đó: Vụ Xuân 32.000 ha; vụ Mùa 32.000 ha, năng suất bình quân 70,5 tạ/ha, sản lượng thóc dự kiến đạt 451.274 tấn, năng suất ngô phấn đấu đạt 61tạ/ha, sản lượng 51.820 tấn. Trong đó, diện tích ngô lai có năng suất cao chiếm 95% diện tích gieo trồng, diện tích còn lại (5%) là giống ngô nếp làm thức ăn cho người; phấn đấu diện tích cây dược liệu ổn định khoảng 170 ha; dự kiến diện tích trồng hoa, cây cảnh ổn định 1.650 ha (trong đó có 1.300 ha là hoa); tổng diện tích cây ăn quả dự kiến sẽ đạt khoảng 7.040 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản: 5.050 ha, trong đó nuôi cá rô phi thâm canh 500 ha, nuôi thâm canh công nghiệp 356 ha, nuôi bán thâm canh 3.490 ha, nuôi quảng canh VAC 2.220 ha, nuôi lồng cá: 310 lồng, sản lượng dự kiến là 28.850 tấn; nhu cầu lao động cho ngành thủy sản: 21.250 người.

Đến năm 2030: Ổn định diện tích gieo trồng là 64.000 ha, trong đó: Vụ Xuân 32.000 ha; vụ Mùa 32.000 ha, sản lượng thóc là 483.238 tấn, năng suất bình quân 75,5 tạ/ha; tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt 5%/năm. Tổng đàn lợn 1.200 nghìn con; đàn trâu 2,55 nghìn con; đàn bò 71 nghìn con; đàn gia cầm 15.000 nghìn con (trong đó gà 9.000 nghìn con; thủy cầm 6.000 nghìn con); diện tích nuôi trồng thủy sản: 5.100ha, trong đó nuôi cá rô phi thâm canh 300ha, nuôi thâm canh công nghiệp 300 ha, nuôi bán thâm canh 2.500ha, nuôi quảng canh VAC 2.000ha, nuôi lồng cá: 500 lồng, sản lượng dự kiến là 29.500 tấn; nhu cầu lao động cho ngành thủy sản: 18.000 người.

b) Đào tạo nghề:

Nâng cao đời sống của người dân, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 55% vào năm 2015, 65% vào năm 2020 và 85% vào năm 2030. Mục tiêu đến năm 2020 chuyển 80% lao động nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ - số lao động đó phải được dạy nghề; 20% là lao động nông nghiệp, trong đó đào tạo nghề 60%. Đến năm 2030 chuyển 90% lao động nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ - số lao động đó phải được dạy nghề; 150% là lao động nông nghiệp, trong đó đào tạo nghề 80%.

c) Phát triển nông thôn:

Dự kiến đến năm 2015 đạt 25% số xã, bằng 36 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020 phấn đấu đạt 60% số xã, bằng 87 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2030 phấn đấu đạt 100% số xã, bằng 145 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).

3. Kinh phí đầu tư và nguồn vốn:

3.1. Dự tính tổng vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư:

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân trong cả thời kỳ 2011 - 2020 - 2030: 63.402 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2011- 2015: 11.978 tỷ đồng - chiếm 18,89%; giai đoạn 2016 - 2020: 23.833 tỷ đồng - chiếm 37,59%); giai đoạn 2021 - 2030: 27.591 tỷ đồng - chiếm 43,52%). Trong đó:

- Vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp trong cả thời kỳ 2011 - 2020 - 2030: 36.180 tỷ đồng, chiếm 57,06% tổng vốn đầu tư (trong đó giai đoạn 2011-2015: 5.160 tỷ đồng - chiếm 14,26%, giai đoạn 2016 - 2020: 9.220 tỷ đồng - chiếm 25,48%, giai đoạn 2021 - 2030: 21.800 tỷ đồng - chiếm 60,25%).

- Vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới (CSHT - kinh tế - văn hóa - xã hội nông thôn) trong cả thời kỳ 2011 - 2020 - 2030: 22.272 tỷ đồng, chiếm 35,13% tổng vốn đầu tư (trong đó giai đoạn 2011 - 2015: 5.568 tỷ đồng - chiếm 25%, giai đoạn 2016 - 2020: 13.363 tỷ đồng - chiếm 60%, giai đoạn 2021 - 2030: 3.341 tỷ đồng - chiếm 15%).

- Vốn hỗ trợ sản xuất và đời sống cho nông dân trong cả thời kỳ 2011 -2020 - 2030: 3.600 tỷ đồng, chiếm 5,68% tổng vốn đầu tư (trong đó giai đoạn 2011 - 2015: 800 tỷ đồng - chiếm 22,22%, giai đoạn 2016 - 2020: 800 tỷ đồng - chiếm 22,22%, giai đoạn 2021 - 2030: 2.000 tỷ đồng - chiếm 55,56%).

- Vốn đào tạo lao động khu vực nông thôn trong cả thời kỳ 2011 - 2020 -2030: 1.350 tỷ đồng, chiếm 2,13% tổng vốn đầu tư (trong đó giai đoạn 2011 -2015: 450 tỷ đồng - chiếm 33,33%, giai đoạn 2016 - 2020: 450 tỷ đồng - chiếm 33,33%, giai đoạn 2021 - 2030: 450 tỷ đồng - chiếm 33,33%).

3.2. Nguồn vốn và cơ cấu vốn:

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân trong cả thời kỳ 2011 - 2020 - 2030: 63.402 tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 15.850,50 tỷ đồng chiếm 25%;

- Vốn ngân sách tỉnh: 9.510,30 tỷ đồng chiếm 15%;

- Vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác: 12.680,40 tỷ đồng chiếm 20%;

- Vốn tín dụng đầu tư phát triển và thương mại: 19.020,60 tỷ đồng chiếm 30%;

- Vốn đầu tư khác: 3.170,10 tỷ đồng chiếm 5%;

- Vốn đóng góp của cộng đồng dân cư: 3.170,10 tỷ đồng chiếm 5%.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc triển khai kế hoạch thực hiện Đề án.

- Tiến hành rà soát, điều chỉnh các Chương trình, Đề án phát triển cây, con đã có cho phù hợp; chú trọng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm, gắn quy hoạch vùng sản xuất với chế biến và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, hình thành các vùng kinh tế.

- Phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan tiến hành xây dựng các Dự án ưu tiên; các Chương trình, Dự án cụ thể giao Chủ nhiệm Dự án chịu trách nhiệm về tổ chức xây dựng Dự án, tổ chức lực lượng triển khai, huy động vốn và quản lý trong quá trình thực hiện.

2. Sở Tài chính: Trên cơ sở ngân sách hàng năm và tiến độ thực hiện của “Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Chương trình số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030” ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Đề án.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Chương trình số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt nội dung Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Chương trình số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030”, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện “Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Chương trình số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện, thành phố; phê duyệt các Dự án theo thẩm quyền.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2009/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt “Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Chương trình số 18-CTr/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Hưng Yên ban hành

  • Số hiệu: 2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản