Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 1 năm 1985 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ NGÀNH SÀNH SỨ VÀ NGÀNH THỦY TINH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc Hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
- Căn cứ Quyết định số 111/HĐBT ngày 25-8-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định những mặt hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh;
- Theo đề nghị của các đồng chí Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Trưởng Ban Quản lý thị trường thành phố, Trưởng ban Tổ chức chánh quyền ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 – Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về tổ chức sản xuất và quản lý ngành sành sứ và thủy tinh tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2 – Các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được quy định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.
Điều 3 – Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quyết định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4 – Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NGÀNH SÀNH SỨ THỦY TINH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(được ban hành theo QĐ số 20/QĐ-UB ngày 26-01-1985 của UBND. TP. Hồ Chí Minh)
Để thực hiện tốt chủ trương sắp xếp lại sản xuất, tiến hành cải tạo XHCN và cải tiến cơ chế tổ chức quản lý theo ngành kinh tế - kỹ thuật (gọi tắt là ngành) trên nguyên tắc kết hợp quản lý theo địa bàn, lãnh thổ, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quy định tạm thời về quản lý ngành sành sứ thủy tinh.
I- QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Liên hiệp Xí nghiệp sành sứ thủy tinh thuộc Sở Công nghiệp là cơ quan quản lý ngành sản xuất sành sứ thủy tinh thành phố theo nguyên tắc quản lý ngành kết hợp quản lý theo địa bàn Quận, Huyện. Ngành có trách nhiệm thực hiện kế hoạch sắp xếp tổ chức lại các cơ sở sản xuất xuyên suốt từ các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (bao gồm sản xuất và gia công các mặt hàng sành sứ thủy tinh)
Điều 2.- Sau khi sắp xếp lại sản xuất, thuộc ngành này ở thành phố gồm các thành phần kinh tế sau đây:
- Xí nghiệp quốc doanh và CTHD thuộc LHXN Sành sứ thủy tinh.
- Xí nghiệp quốc doanh và CTHD thuộc Quận.
- Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp thuộc Quận.
Ngoài ra còn một số cơ sở có tay nghề truyền thống và kỹ thuật cao hoặc sản xuất có tính chất gia đình được sắp xếp thành vệ tinh cho xí nghiệp Quốc doanh, CTHD, Hợp tác xã. Tất cả các xí nghiệp Quốc doanh, Công tư hợp doanh, Hợp tác xã và các cơ sở làm vệ tinh thuộc Quận, đều chịu sự quản lý của Ngành thành phố.
Điều 3.- Quản lý theo ngành bao gồm những nội dung như sau:
- Xây dựng quy hoạch dài hạn, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kế hoạch cân đối và cung ứng vật tư toàn ngành.
- Giao kế hoạch sản xuất và quản lý gia công trong toàn ngành.
- Quản lý về định mức vật tư kỹ thuật, về chất lượng sản phẩm, về giá cả, về trang thiết bị kỹ thuật và đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật.
Điều 4.- Ngành sành sứ thủy tinh thành phố được thành lập một nhóm sản phẩm cho toàn ngành xuyên suốt các thành phần kinh tế và hoạt động theo quy định hiện hành.
Điều 5.- Ngành sành sứ thủy tinh thành phố được thiết lập và mở rộng các hình thức quan hệ hợp tác sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện quá trình tích tụ sản xuất và phát triển ngành theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng phong phú, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.
II- TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NGÀNH SÀNH SỨ THỦY TINH TP
Điều 6.- Liên hiệp Xí nghiệp sành sứ thủy tinh thành phố trực thuộc Sở Công nghiệp được tổ chức lại từ xí nghiệp Liên hiệp sành sứ thủy tinh, gồm các đơn vị sau đây :
1- Xí nghiệp quốc doanh thủy tinh I.
2- Xí nghiệp quốc doanh thủy tinh II (từ xí nghiệp CTHD Thành Công II chuyển lên quốc doanh).
3- Xí nghiệp CTHD Cơ Khí khuôn mẫu.
4- Xí nghiệp quốc doanh sứ gốm Hòa Bình (đơn vị chủ đạo của ngành sứ gốm thành phố).
Các đơn vị nói trên hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân và hoạt động theo quy định hiện hành của Nhà nước trong Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh.
Ngoài ra, Liên hiệp xí nghiệp có thể tổ chức các đơn vị hậu cần phục vụ sản xuất như: xí nghiệp vật tư ngành, Phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học – kỹ thuật phục vụ sản xuất, lớp đào tạo công nhân kỹ thuật cho toàn ngành.
Điều 7.- Các cơ sở sản xuất thủy tinh của Quận, được tổ chức sắp xếp lại như sau :
a)- Xí nghiệp quốc doanh Tiền Phong Quận 11 trực thuộc Ủy ban Nhân dân Quận 11, chịu sự chỉ đạo và quản lý của Liên hiệp xí nghiệp sành sứ thủy tinh thành phố về các mặt : quy hoạch kế hoạch, chất lượng sản phẩm, giá cả, đảm bảo thống nhất hoạt động với các xí nghiệp quốc doanh của thành phố.
b)- Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp được sắp xếp lại thành các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và hoạt động theo quy hoạch hiện hành của Nhà nước.
Một số cơ sở có tay nghề và kỹ thuật cao, có mặt hàng truyền thống và một số cơ sở sản xuất có tính chất gia đình được sắp xếp thành vệ tinh cho xí nghiệp quốc doanh hoặc Hợp tác xã.
Điều 8.- Hướng phát triển và chuyên môn hóa của ngành sành sứ thủy tinh thành phố:
- Các Xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh được đầu tư cơ sở vật chất và nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đi vào sản xuất lớn các mặt hàng có chất lượng và giá trị cao theo hướng chuyên môn hóa.
- Các Hợp tác xã và cơ sở tiểu thủ công nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời khuyến khích các cơ sở có điều kiện phát triển sản xuất lớn và chuyên môn hóa sản phẩm. Các phương án nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất của cơ sở thủy tinh đều thông qua ngành để thống nhất quy hoạch cân đối chung.
Điều 9.- Việc xây dựng, giao kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở trong ngành theo nguyên tắc:
a) Liên hiệp Xí nghiệp sành sứ thủy tinh thành phố có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và tổng hợp kế hoạch hàng năm cho toàn ngành sau khi đã thống nhất với Quận, Huyện; đồng thời xây dựng cân đối kế hoạch vật tư cho toàn ngành, đưa lên Sở Công nghiệp.
Sau khi có kế hoạch chung, Sở Công nghiệp phân bố và giao lại kế hoạch cho Liên hiệp Xí nghiệp sành sứ thủy tinh, trong đó có phần kế hoạch cho các Quận, Huyện.
b) Về tiêu thụ sản phẩm :
1- Đối với sản phẩm sản xuất theo kế hoạch được giao cũng như sản xuất theo hợp đồng gia công đơn vị sản xuất giao nộp đầy đủ cho khách hàng được chỉ định và theo hợp đồng kinh tế.
2- Đối với sản phẩm sản xuất theo kế hoạch tự cân đối, đơn vị sản xuất được chủ động tiêu thụ dưới các hình thức:
- Ưu tiên ký hợp đồng tiêu thụ với các Công ty thương nghiệp quốc doanh.
- Được tiêu thụ hoạc ủy thác tiêu thụ qua thương nghiệp Hợp tác xã Quận, Huyện, Phường, Xã.
- Được giữ một phần sản phẩm để đối lưu vật tư (được ghi trong kế hoạch sản xuất).
Điều 10.- Tất cả các yêu cầu gia công sản xuất mặt hàng sành sứ thủy tinh các các Tỉnh và Thành phố đều đăng ký với Liên hiệp Xí nghiệp sành sứ thủy tinh để được cấp giấy giới thiệu đến các xí nghiệp và cơ sở tiểu thủ công ký kết hợp đồng gia công.
- Các xí nghiệp quốc doanh và các Quận, Huyện có thể tìm nguồn gia công qua liên kết kinh tế với các Tỉnh bạn đồng thời thông báo cho Liên hiệp Xí nghiệp thủy tinh thành phố
- Các hợp đồng kinh tế phải tuân theo các quy định quản lý của ngành về định mức vật tư kỹ thuật chất lượng sản phẩm và giá cả gia công.
Điều 11.- Liên hiệp Xí nghiệp sành sứ thủy tinh thành phố có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng các định mức vật tư kỹ thuật (nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng…), các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chủ yếu, các quy trình công nghệ và an toàn sản xuất để áp dụng chung cho toàn ngành; phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố và Quận, Huyện tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất các quy định quản lý của ngành để kịp thời uốn nắn các sai sót và tiêu cực, nhằm đảm bảo cho ngành phát triển ổn định và tiến bộ.
Điều 12.– Việc quản lý hành chánh kinh tế đối với các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ở địa bàn Quận, Huyện và Phường, Xã, thực hiện theo các nội dung sau đây:
- Quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh qua đăng ký kinh doanh.
- Quản lý kế hoạch sản xuất và hợp đồng gia công.
- Nhà nước thống nhất quản lý nhiên liệu và hóa chất của ngành thủy tinh, tư nhân không được kinh doanh buôn bán hóa chất, phụ gia dùng cho sản xuất thủy tinh.
- Quản lý việc áp dụng các chế độ chánh sách của Nhà nước và công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa. Phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý (hoặc xử lý nếu thuộc phạm vi quyền hạn) các hành vi phạm pháp theo pháp luật hiện hành.
Điều 13.- Sở Công nghiệp, Liên hiệp Xã tiểu thủ công nghiệp thành phố, Liên hiệp Xí nghiệp sành sứ thủy tinh có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Nhân dân Quận, Huyện tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố và các ngành liên quan các chế độ khuyến khích sản xuất thủy tinh và tổ chức thực hiện các chính sách đó.
III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14.– Sở Công nghiệp, Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố, Ủy ban Nhân dân các Quận, Huyện và Liên hiệp Xí nghiệp sành sứ thủy tinh có trách nhiệm tổ chức và triển khai việc thực hiện bản quy định tạm thời này.
Điều 15.– Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với những điều trong bản quy định này đều bãi bỏ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Quyết định 20/QĐ-UB năm 1985 quy định tạm thời về tổ chức sản xuất và quản lý ngành sành sứ và thủy tinh tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 20/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/01/1985
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Võ Danh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra