Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 20/QĐ-BCĐCCHC

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 2 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và Quyết định số 54/QĐ-BCĐCCHC ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTgCP Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Phó TTgTTCP Trương Hòa Bình (để b/c);
- Sở Nội vụ các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: Văn thư, VPBCĐCCHC.

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC





BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Lê Vĩnh Tân

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2021 – 2030
(Kèm theo Quyết định số 20/QĐ-BCĐCCHC ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Đánh giá toàn diện tình hình triển khai và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chương trình tổng thể), Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 Kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 (gọi tắt là Quyết định số 225/QĐ-TTg); xác định rõ những kết quả nổi bật đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề xuất các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới.

2. Yêu cầu:

- Việc tổng kết, đánh giá phải bảo đảm tính toàn diện, khoa học, thiết thực, hiệu quả; đánh giá đa chiều, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Việc tổng kết Chương trình tổng thể cần đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ với việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013…

- Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể bảo đảm đánh giá chính xác, toàn diện kết quả đạt được trên các nội dung cải cách hành chính; tập trung làm rõ kết quả so với mục tiêu, làm rõ mục tiêu đạt được, nguyên nhân những mục tiêu không đạt được; việc tổng hợp, phân tích các số liệu thống kê làm rõ kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình tổng thể theo từng giai đoạn (giai đoạn 2011

- 2015 và giai đoạn 2016 - 2020). Đồng thời, đề xuất được những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

- Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và trọng tâm cải cách hành chính; hệ thống giải pháp đồng bộ, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Gắn việc tổng kết với công tác thi đua - khen thưởng, đề xuất được những hình thức khen thưởng phù hợp cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

II. NỘI DUNG TỔNG KẾT

STT

Nhiệm vụ

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

1

Ban hành Đề cương hướng dẫn xây dựng Báo cáo tổng kết.

Tháng 12 năm 2019

Bộ Nội vụ

Các bộ, ngành, địa phương

2

Tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai tổng kết.

Tháng 12 năm 2019

Bộ Nội vụ

Các bộ, ngành, địa phương

3

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết; xây dựng báo cáo tổng kết theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

- Tổ chức tổng kết trước quí II năm 2020;

- Gửi Báo cáo tổng kết về Bộ Nội vụ trước ngày 30 tháng 6 năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương

Các cơ quan có liên quan

4

Xây dựng các báo cáo tổng kết chuyên đề theo lĩnh vực

4.1

Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện cải cách thể chế.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Tư pháp

Các cơ quan có liên quan

4.2

Kết quả triển khai, xây dựng Trục liên thông văn bản Quốc gia phục vụ gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Cổng dịch vụ công Quốc gia”.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Văn phòng Chính phủ

Các cơ quan có liên quan

4.3

Công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Văn phòng Chính phủ

Các cơ quan có liên quan

4.4

Đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Nội vụ

Các cơ quan có liên quan

4.5

Đổi mới công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính thông qua công cụ Chỉ số cải cách hành chính.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Nội vụ

Các cơ quan có liên quan

4.6

Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Nội vụ

Các cơ quan có liên quan

4.7

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Nội vụ

Các cơ quan có liên quan

4.8

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Nội vụ

Các cơ quan có liên quan

4.9

Cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Nội vụ

Các cơ quan có liên quan

4.10

Việc thực hiện cải cách tài chính công; trong đó, trọng tâm là đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước dựa trên kết quả hoạt động; thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Tài chính

Các bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan có liên quan

4.11

Thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan có liên quan

4.12

Việc triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 và ISO 9001:2015.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các cơ quan có liên quan

4.13

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và xây dựng Chính phủ điện tử.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Thông tin và Truyền thông

Các cơ quan có liên quan

4.14

Việc triển khai Đề án cải cách thể chế và tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011 - 2020.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các cơ quan có liên quan

4.15

Cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế công và kết quả triển khai thực hiện Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Y tế

Các cơ quan có liên quan

4.16

Cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục công và việc triển khai thực hiện Đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các cơ quan có liên quan

4.17

Cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Các cơ quan có liên quan

4.18

Kết quả đổi mới cơ chế, chính sách, xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch.

Trước ngày 31 tháng 7 năm 2020

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các cơ quan có liên quan

5

Tổ chức khảo sát, đánh giá công tác tổng kết tại một số bộ, ngành, địa phương theo chuyên đề.

Quí II năm 2020

Các bộ chủ trì xây dựng các báo cáo chuyên đề

Các bộ, ngành, địa phương

6

Tổ chức khảo sát kinh nghiệm quốc tế về cải cách hành chính tại một số nước trên thế giới.

Quí II năm 2020

Bộ Nội vụ

Các bộ, ngành, địa phương

7

Tổ chức hội thảo khoa học góp ý các chuyên đề.

Quí II năm 2020

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Bộ Nội vụ)

Các bộ, ngành, địa phương

8

Xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết và dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Quí III năm 2020

Bộ Nội vụ

Các bộ, ngành, địa phương

9

Tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương vào Dự thảo Báo cáo tổng kết và Dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Quí III năm 2020

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Bộ Nội vụ)

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan

10

Tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học vào Dự thảo Báo cáo tổng kết và Dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Quí III năm 2020

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Bộ Nội vụ)

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan

11

Đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Quí III năm 2020

Bộ Nội vụ

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ), các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan

12

Hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Báo cáo tổng kết; dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch tổ chức hội nghị toàn quốc.

Quí IV năm 2020

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Bộ Nội vụ)

Các cơ quan có liên quan

13

Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Quí IV năm 2020

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan

14

Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Quí IV năm 2020

Bộ Nội vụ

Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện của Bộ Nội vụ:

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn công tác tổng kết.

- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch tổng kết.

- Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể, dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

- Tổ chức khảo sát tại một số bộ, ngành, địa phương để phục vụ cho công tác tổng kết chung của cả nước.

- Tổ chức khảo sát kinh nghiệm quốc tế về cải cách hành chính tại một số nước trên thế giới.

- Tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan vào các báo cáo chuyên đề và dự thảo Báo cáo tổng kết; dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện công tác thi đua khen thưởng.

- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Báo cáo tổng kết và dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

- Chuẩn bị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

- Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về những kết quả nổi bật đã đạt được, những sáng kiến điển hình, giải pháp hiệu quả trong cải cách hành chính.

- Bố trí kinh phí triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch. Kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho cải cách hành chính năm 2020 và các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có).

2. Trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành và địa phương:

- Xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tổng kết nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian; hình thức tổ chức tổng kết phù hợp, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; gắn với biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân

có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình tổng thể tại bộ, ngành và địa phương:

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Chương trình tổng thể tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan.

+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Chương trình tổng thể từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố, trên các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của địa phương.

- Xây dựng Báo cáo tổng kết; Báo cáo chuyên đề theo phân công tại Kế hoạch này. Từ thực tiễn và yêu cầu cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương, đề xuất mục tiêu và những nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm, cần thiết mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

- Chuẩn bị nội dung và tổ chức các buổi làm việc với đoàn khảo sát của Bộ Nội vụ và các bộ chủ trì xây dựng các chuyên đề tổng kết theo kế hoạch.

- Đề xuất khen thưởng cấp nhà nước đối với tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc (nếu có) theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

- Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về những kết quả nổi bật đã đạt được của cải cách hành chính, những sáng kiến điển hình, các giải pháp hiệu quả trong cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương.

- Bố trí kinh phí bảo đảm cho việc tổng kết tại bộ, ngành, địa phương theo quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/QĐ-BCĐCCHC năm 2019 về Kế hoạch tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 do Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 20/QĐ-BCĐCCHC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/12/2019
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
  • Người ký: Lê Vĩnh Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản