Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2018/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 13 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 27/10/2017 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 416/TTr-SNV ngày 21/8/2018 về việc ban hành Quyết định quy định một số nội dung về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định một số nội dung về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 9 năm 2018 và thay thế Quyết định số 58/2014/QĐ-UBND ngày 05/12/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; Bộ Nội vụ;
- Ban TĐKT Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh, TT.Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT; CPVP;
- Như Điều 3; Ban TĐKT tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo VP;
- Website Chính phủ, Công báo, Cổng TT-GTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH2. (V- b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trì

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /2018/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định cụ thể một số nội dung về công tác thi đua khen thưởng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gồm: đăng ký thi đua, tổ chức phong trào thi đua, tỷ lệ xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Cờ thi đua của UBND tỉnh, Bằng khen của UBND tỉnh, thời gian trình khen thưởng, chế độ thông tin, báo cáo.

2. Những nội dung về công tác thi đua, khen thưởng không quy định trong văn bản này được thực hiện theo Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với công dân Việt Nam; các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức kinh tế; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua hoặc có đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đăng ký thi đua

1. Hàng năm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cho các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý đăng ký thi đua.

2. Văn bản đăng ký các danh hiệu thi đua hàng năm gửi về Sở Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) gồm: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của UBND tỉnh, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Đơn vị quyết thắng.

3. Thời gian gửi văn bản đăng ký thi đua: Trước ngày 25 tháng 02 hàng năm; các đơn vị thuộc hệ thống giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đăng ký trước ngày 15 tháng 10 hàng năm.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức,đơn vị, cá nhân trong việc triển khai tổ chức phong trào thi đua

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo và phát động phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh; đánh giá, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định.

2. Sở Nội vụ tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, kiểm tra thực hiện các phong trào thi đua, đề xuất tuyên truyền, tôn vinh các điển hình tiên tiến và thực hiện chính sách khen thưởng theo quy định.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, các tổ chức kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh chủ trì tổ chức phát động phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị mình; tổ chức tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, giữ vững và phát huy tác dụng của các điển hình trong hoạt động thực tiễn; chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phạm vi quản lý của mình để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tổ chức, triển khai phong trào thi đua theo quy định và phối hợp với cơ quan nhà nước để phát động, triển khai các phong trào thi đua, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh. Giám sát thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng; kịp thời phản ánh, đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung về thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh.

5. Các cơ quan báo chí của tỉnh; bản tin, website của các đơn vị, Đài phát thanh cơ sở có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; phổ biến, nêu gương các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”; cổ động phong trào thi đua. Phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 5. Tỷ lệ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”

Tỷ lệ tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 15% tổng số cá nhân được tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp. Khi tính theo tỷ lệ, nếu kết quả có số dư > 0,5 thì được làm tròn lên, số dư ≤ 0,5 thì làm tròn xuống.

Điều 6. “Cờ thi đua của UBND tỉnh”

1. Đối tượng xét tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh: Các cơ quan, đơn vị, địa phương hoạt động trong các cụm, khối thi đua do UBND tỉnh tổ chức.

2. Giao Sở Nội vụ căn cứ hướng dẫn của Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương tham mưu giúp UBND tỉnh hướng dẫn tổ chức hoạt động cụm, khối thi đua và phân bổ số lượng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho các cụm, khối thi đua.

Điều 7. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng cho các tập thể, cá nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 39, Điều 1, Luật thi đua, khen thưởng năm 2013, Điều 39 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ và quy định một số trường hợp cụ thể tại khoản 1,2,3,4 Điều này:

1. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh để tặng cho nông dân, người lao động lập được nhiều thành tích trong lao động sản xuất có phạm vi ảnh hưởng trong cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp: có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định từ 02 năm trở lên, giúp đỡ được ít nhất 01 hộ nông dân thoát nghèo hoặc tạo việc làm thường xuyên và có thu nhập ổn định cho 05 lao động trở lên;

2. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Cá nhân có hành động dũng cảm phòng chống tội phạm, cứu người, bảo vệ tài sản của nhân dân, của Nhà nước, trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc trong những hoàn cảnh hiểm nghèo khác.

b) Cá nhân công tác, học tập, lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có phát minh sáng kiến, sáng chế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ đem lại hiệu quả được Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Trung ương chứng nhận.

c) Cá nhân, gia đình có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

3. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Tập thể có thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm, cứu người, bảo vệ tài sản của nhân dân, của Nhà nước, trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc trong những hoàn cảnh hiểm nghèo khác.

b) Tập thể có đóng góp, ủng hộ cho các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo có giá trị 100 triệu đồng trở lên.

4. Các trường hợp khen đối ngoại được thực hiện theo các quy định của tỉnh; các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Trường hợp khen thưởng cho người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài cần lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan trước khi trình khen thưởng.

Điều 8. Khen thưởng chuyên đề

1. Thi đua theo chuyên đề được tổ chức trong phạm vi sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện; khi tiến hành sơ kết, tổng kết, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền.

Trường hợp tổ chức phong trào thi đua chuyên đề do sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phát động đến các đối tượng từ tỉnh tới cơ sở hoặc do UBND cấp huyện phát động trong phạm vi toàn huyện, thành phố (có kế hoạch tổ chức phát động); khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua có thời gian từ 02 năm trở lên, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền và lựa chọn một số tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xét tặng Bằng khen.

2. Trường hợp thi đua theo chuyên đề được tổ chức trong phạm vi toàn tỉnh (có kế hoạch tổ chức phát động hoặc văn bản phát động của UBND tỉnh); khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền và lựa chọn một số tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen theo hướng dẫn của UBND tỉnh.

Điều 9. Thời gian trình khen thưởng

1. Đối với khen thưởng thành tích toàn diện (khen tổng kết năm):

a) Các cơ quan đơn vị gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng về Sở Nội vụ trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.

b) Đối với doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng về Sở Nội vụ trước ngày 15 tháng 3 hàng năm.

c) Đối với các đơn vị thuộc ngành giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng về Sở Nội vụ trước ngày 01 tháng 8 hàng năm.

2. Đối với khen thưởng thành tích xuất sắc đột xuất: Hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi ngay sau khi lập được thành tích và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Điều 10. Chế độ thông tin, báo cáo

Hàng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và gửi báo cáo về Sở Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh), báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm gửi trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, báo cáo tổng kết năm gửi trước 31 tháng 12 hàng năm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Căn cứ vào bản Quy định này và các văn bản của Trung ương, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng quy chế công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Điều 12. Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm Quy định này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh Vĩnh Phúc./.