Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2009/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 10 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI CÁC BÃI BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH 11;

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 111/TTr - SVHTTDL ngày 21/5/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Cả

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI CÁC BÃI BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh

Quảng Nam và trách nhiệm quản lý của các ngành, địa phương có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; nhân dân địa phương và khách du lịch tham quan, tắm biển, vui chơi, giải trí tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh): Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, Hội An.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Bãi biển: Các bãi biển (Bao gồm bãi đất tiếp giáp với biển và khu vực nước biển có độ sâu nhất định) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, sử dụng để tham quan, tắm biển, vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân địa phương và khách du lịch.

- Khách du lịch: Người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến.

Điều 4. Các hình thức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển

Bao gồm ăn uống, giải khát, dù ghế, tắm biển, tắm nước ngọt, chụp ảnh; các quầy bán hàng lưu niệm, quần áo tắm, văn hóa phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ; hồ bơi, trạm cấp cứu bờ biển, ca nô kéo dù lượn, mô tô trượt nước, tàu chở khách du lịch, các hình thức hoạt động thể dục thể thao và các dịch vụ giải trí khác dọc theo bãi biển.

Điều 5. Chính sách phát triển du lịch tại các bãi biển

UBND tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi biển phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch - dịch vụ hợp pháp nhằm thu hút khách đến tham quan, tắm biển, vui chơi, giải trí.

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI CÁC BÃI BIỂN

Điều 6. Quyền của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển

1. Lựa chọn loại hình dịch vụ và sản phẩm hàng hóa không trái với quy định của pháp luật để kinh doanh.

2. Có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển

1. Kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký với các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các hình thức hoạt động tại các bãi biển đã quy định tại Điều 4 của Quy chế này.

2. Tuân thủ các quy định hiện hành về an ninh, trật tự an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu vực kinh doanh, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan thực hiện các biện pháp tích cực nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về tài sản và tính mạng cho nhân dân địa phương và khách du lịch, cụ thể như sau:

a) Việc tổ chức, kinh doanh ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của các cơ quan chức năng, không được sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, đồ hộp đã quá hạn sử dụng, nhiễm chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân địa phương và khách du lịch.

b) Lắp đặt các thùng thu gom rác thải hợp vệ sinh để thuận tiện cho nhân dân địa phương và khách du lịch sử dụng. Thường xuyên quét dọn, thu gom rác trong khu vực kinh doanh để đảm bảo vệ sinh môi trường, cuối ngày phải vận chuyển rác đến nơi tập trung theo quy định. Lắp đặt, bố trí đủ, hợp lý các thiết bị đảm bảo vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường.

c) Niêm yết quy định về hướng dẫn thực hiện bảo vệ môi trường tại bãi biển.

d) Phát hiện kịp thời và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự tại các bãi biển.

3. Niêm yết công khai giá bán hàng và dịch vụ tại vị trí dễ nhìn thấy và bán đúng giá đã niêm yết.

4. Phải có đội ngũ nhân viên làm công tác bảo vệ và sơ cấp cứu. Nhân viên cứu hộ phải thông thạo khu vực bãi tắm, có kinh nghiệm cứu hộ. Hoạt động cứu hộ phải duy trì thường xuyên, tại các vị trí trực cứu hộ phải có trạm quan sát, biển báo nguy hiểm và trang bị các phương tiện cứu hộ như ca nô, phao cứu sinh và các công cụ cứu hộ khác.

5. Chịu sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

6. Chấp hành các quy định của Nhà nước về chế độ báo cáo, thống kê và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

7. Hướng dẫn, nhắc nhở khách hàng tuân thủ nội quy, các quy định của Quy chế này.

8. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi biển không được thực hiện các hành vi sau:

a) Thải ra biển chất rắn và rác thải chưa được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.

b) Vứt rác thải không đúng nơi quy định.

c) Khai thác giếng ngầm, khoan giếng tại khu vực bãi biển không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền.

d) Tiến hành hoạt động kinh doanh mà không được cơ quan thẩm quyền cho phép hoặc không đúng với nội dung cho phép.

đ) Bu bám, chèo kéo khách, sử dụng lời nói, hành vi thô tục, thiếu văn hóa đối với khách hàng.

e) Lấn chiếm bãi tắm để bố trí dù, ghế cho khách vào khu vực dành riêng cho người tắm biển.

g) Cản trở nhân dân địa phương vào khu vực bãi biển.

Điều 8. Trách nhiệm của nhân dân địa phương và khách du lịch tham quan, tắm biển, vui chơi, giải trí tại các bãi biển

1. Chấp hành nghiêm túc quy định, nội quy tại các bãi biển, sự hướng dẫn của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ quan có thẩm quyền quản lý bãi tắm.

2. Thanh toán đầy đủ chi phí dịch vụ theo bảng giá đã niêm yết và bồi thường trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các bãi biển.

3. Những người mắc các bệnh tim mạch, tâm thần, kinh phong; những người say rượu, ăn quá no được khuyến cáo không nên tắm biển. Trẻ em dưới 16 tuổi tắm biển phải có người lớn trông coi. Khi tắm biển, mọi người phải tuân thủ theo các biển báo hiệu tại bãi biển.

4. Phối hợp với những người có trách nhiệm, nhân viên cứu hộ tại các bãi biển, tham gia ứng cứu kịp thời người bị nạn khi được yêu cầu.

5. Giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các bãi biển.

6. Nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh trật tự, các hoạt động ăn xin trong khu vực bãi biển.

7. Có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý bãi biển đối với các trường hợp thu giá dịch vụ vượt khung giá niêm yết hoặc chất lượng dịch vụ không phù hợp.

Chương III

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI CÁC BÃI BIỂN

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Nghiên cứu, khảo sát trình UBND tỉnh quy định về trách nhiệm quản lý bãi biển theo quy mô của từng loại bãi biển, cấp phép cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi tắm theo phân cấp quản lý.

b) Phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện việc tổ chức, quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển theo quy định này; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường tại các bãi biển.

c) Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của Quy chế này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, bảo vệ môi trường tại các bãi biển, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh về công tác môi trường.

3. Sở Giao thông Vận tải: Hướng dẫn, cấp phép hoạt động về vận tải đường thủy nội địa phục vụ du lịch liên quan đến cảng biển và bãi biển.

4. Công an tỉnh: Chủ động phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh.

5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển, đảo chủ động phối hợp với địa phương vận động nhân dân thực hiện Quy chế này góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn.

Điều 10. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện việc tổ chức quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã có bãi biển, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng nội quy về bảo vệ môi trường bãi biển phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, niêm yết tại những lối ra vào hoặc những nơi dễ nhìn thấy cho cán bộ, nhân viên, nhân dân địa phương, khách du lịch biết và thực hiện.

2. Theo dõi, kiểm tra và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các bãi biển; hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân kinh doanh và khách du lịch thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại bãi biển, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực bãi biển.

3. Tổ chức khoanh vùng, cắm mốc phạm vi giới hạn an toàn và các biển báo nguy hiểm trên bãi biển để khách du lịch biết và thực hiện. Đồng thời xây dựng phương án cứu hộ và tổ chức diễn tập cứu hộ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại bãi biển.

4. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhân dân địa phương và khách du lịch biết, thực hiện đúng các quy định của Quy chế này.

5. Chỉ đạo UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức sắp xếp hợp lý các hộ cá nhân kinh doanh tại các bãi biển.

6. Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, an ninh trật tự tại bãi biển thuộc địa bàn quản lý.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ môi trường bãi biển, thực hiện tốt các quy định của Quy chế này được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 12. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Quy chế này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp gây ô nhiễm hoặc gây tác động xấu đến môi trường bãi biển phải có biện pháp khắc phục và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, các đơn vị trực tiếp quản lý điều hành hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi tắm có trách nhiệm phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để thực hiện tốt quy chế này.

Điều 14. Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc, các ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/2009/QĐ-UBND quy chế quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 20/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/07/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Trần Minh Cả
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản