Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1997/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ KHOÁN KINH PHÍ SỬ DỤNG XE Ô TÔ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Căn cứ Thông tư số 159/2015/TT-BTC ngày 15/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng: Quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày áp dụng đối với:

- Chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính;

- Chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.

2. Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được xác định như sau:

Mức khoán đưa đón (đồng/tháng)

=

Đơn giá khoán (đồng/km)

x

Số km khoán (km)

x

02 lượt (lượt)

x

Số ngày làm việc của tháng (ngày)

Trong đó:

- Đơn giá khoán: được xác định theo mức giá của các hãng xe taxi (loại 4 chỗ ngồi) phổ biến trên thị trường;

- Số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc;

- Số lượt đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày: 02 lượt (đi và về);

- Số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ luật Lao động (22 ngày).

3. Trách nhiệm và tổ chức thực hiện

3.1. Cục Kế hoạch - Tài chính:

a) Xây dựng đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính; trình Bộ xem xét, phê duyệt.

Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được thực hiện ổn định 12 tháng/1 lần tính từ thời điểm Bộ phê duyệt đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính.

b) Chi trả số tiền khoán kinh phí sử dụng xe cùng với kỳ trả lương cho từng chức danh Thứ trưởng thực hiện khoán.

c) Phối hợp với Văn phòng Bộ Tài chính (đoàn xe) xác định khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc của từng chức danh Thứ trưởng thực hiện khoán.

3.2. Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định này, các Tổng cục và tương đương thực hiện xác định và chi trả số tiền khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cùng với kỳ trả lương cho các chức danh, lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc các Tổng cục.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 01/10/2016. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (Cục Kế hoạch - Tài chính) để nghiên cứu, hướng dẫn và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 3. Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1997/QĐ-BTC năm 2016 quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1997/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/09/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản