Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 15 tháng 11 năm 2018;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, NC (2).XH

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ)

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 15 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 (sau đây gọi là Luật). Để triển khai, thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

b) Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước.

2. Yêu cầu

a) Các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải nâng cao trách nhiệm, tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

b) Kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật.

c) Có lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhất là những người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước.

b) Biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

c) Phân công thực hiện

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ban, ngành liên quan mở các hội nghị tập huấn, biên soạn, in, cấp phát sách, tài liệu phổ biến nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân.

- Bộ Quốc phòng tổ chức tuyên truyền, biên soạn, in, cấp phát tài liệu phổ biến Luật và văn bản hướng dẫn thi hành cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

- Các bộ, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành trong bộ, ngành, địa phương mình.

d) Thời gian thực hiện: Năm 2019 và các năm tiếp theo.

2. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Luật

- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an làm đầu mối tổng hợp kết quả rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Luật.

- Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2020.

3. Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật

a) Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật

- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

- Thời gian trình Chính phủ: Quý IV năm 2019.

b) Xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước

- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.

- Cơ quan phối hợp: Các bộ, ngành có liên quan.

- Thời gian hoàn thành: Quý IV năm 2019.

c) Xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó có quy định về thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thẩm quyền cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; thẩm quyền tiêu hủy bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý

- Cơ quan thực hiện: Bộ Công an.

- Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2020.

d) Xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý, trong đó có quy định về thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thẩm quyền cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; thẩm quyền tiêu hủy bí mật nhà nước

- Cơ quan thực hiện: Bộ Quốc phòng.

- Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2020.

4. Thực hiện quy định về xây dựng danh mục bí mật nhà nước

a) Theo quy định tại Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước thì danh mục bí mật nhà nước là văn bản hành chính cá biệt, được xây dựng theo ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương

Cơ quan, tổ chức khi xây dựng danh mục bí mật nhà nước cần căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước trong 15 lĩnh vực quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý bảo đảm các danh mục bí mật nhà nước được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của Luật.

Ví dụ: Khi lập danh mục bí mật nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường, ngoài căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cần phải căn cứ vào lĩnh vực khác có liên quan, cụ thể: Nếu thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh thì căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; thông tin liên quan đến hợp tác quốc tế thì căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại; thông tin liên quan đến tổ chức, cán bộ thì căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ; thông tin liên quan đến kinh tế thì căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực kinh tế...

b) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức xây dựng danh mục bí mật nhà nước

- Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

- Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

- Cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành để xây dựng danh mục bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình.

- Đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các ban của Đảng, cơ quan, tổ chức trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng danh mục bí mật nhà nước của Đảng từ trung ương đến địa phương.

- Đề nghị Văn phòng Quốc hội chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước và Văn phòng Chủ tịch nước.

- Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương.

- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

c) Thời gian trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước: Năm 2019 và quý I năm 2020.

5. Thực hiện các quy định chuyển tiếp của Luật

a) Rà soát, phân loại bí mật nhà nước theo thời gian và độ mật đã được xác định trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 để xác định thời hạn bảo vệ tương ứng với từng cấp độ mật theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật.

Trường hợp thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước kết thúc trước thời điểm Luật có hiệu lực (trước ngày 01 tháng 7 năm 2020) thì tiến hành gia hạn thời hạn bảo vệ theo quy định tại Điều 20 của Luật. Nếu không gia hạn thì giải mật, việc giải mật bí mật nhà nước trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000.

- Cơ quan thực hiện: Các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Thời gian thực hiện: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đến ngày 30 tháng 6 năm 2021.

b) Trường hợp bí mật nhà nước đã được xác định trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Luật này thì phải tiến hành giải mật theo quy định của Luật

- Cơ quan thực hiện: Các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Thời gian thực hiện: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2021.

III. KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm, sử dụng trong dự toán chi ngân sách nhà nước thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Các cơ quan được phân công chủ trì thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch này có trách nhiệm lập dự toán kinh phí bảo đảm triển khai thi hành Luật, gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của pháp luật. Đối với các nhiệm vụ triển khai trong năm 2019, các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước được giao đầu năm để triển khai thực hiện.

3. Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm kinh phí, nhân lực để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành, địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch này bảo đảm tiến độ và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nội dung Kế hoạch này xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tại bộ, ngành, địa phương mình và gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công an để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Đề nghị Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng, cơ quan Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trong phạm vi quản lý tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các bộ, ban ngành, địa phương phản ánh về Bộ Công an để được hướng dẫn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 199/QĐ-TTg năm 2019 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 199/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/02/2019
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản