Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1977/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2021 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 21/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trong lĩnh vực Giao thông vận tải.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, Tổng biên tập Báo Giao thông, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1977/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
- Nâng cao năng lực, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải (GTVT), người tham gia giao thông, các tổ chức, cá nhân liên quan về thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn và đuối nước ở trẻ em; tạo môi trường an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.
- Từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị thương hoặc tử vong do tai nạn giao thông và đuối nước gây ra.
- Giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông của người dân nói chung và trẻ em nói riêng.
a) Mục tiêu 1: Kiểm soát, giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em:
- 95% các phương tiện xe cơ giới đường bộ chuyên chở trẻ em, xe đưa đón học sinh, mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, phương tiện thủy chuyên chở hành khách đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường năm 2025 và 100% vào năm 2030.
- 100% người lái phương tiện chở khách ngang sông có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ theo quy định.
- 100% phương tiện giao thông thủy nội địa được trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.
- Hằng năm giảm 5 - 10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ.
- Giảm 20% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2030 khi tham gia giao thông đường thủy.
b) Mục tiêu 2: Đào tạo, truyền thông, nâng cao kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em:
- 90% lái xe, người lái phương tiện thủy được trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông, đuối nước năm 2025 và 100% năm 2030.
- 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030.
- 90% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện giao thông đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 95% vào năm 2030.
- Xây dựng các sản phẩm, tài liệu truyền thông, đa dạng hóa các phương thức truyền thông về phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước cho trẻ em phù hợp với từng loại hình vận tải, địa phương, vùng miền; tuyên truyền tại các bến xe, trường học, điểm du lịch, các bến khách ngang sông, lòng hồ.
- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ, đường thủy đối với các phương tiện chuyên chở trẻ em với số lượng đông, xe đưa đón học sinh.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, kỹ năng sơ cấp cứu các trường hợp bị tai nạn giao thông, đuối nước cho cán bộ, cộng tác viên tại cộng đồng.
- Triển khai các hoạt động dạy kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông, đuối nước, giáo dục ý thức khi tham gia giao thông, gồm: thói quen thắt dây an toàn, ngồi ghế an toàn trên ô tô; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy; hướng dẫn trẻ em kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, đuối nước; xử lý tình huống khi có bạn bị tai nạn giao thông, đuối nước,…
2. Xây dựng môi trường giao thông an toàn cho trẻ em
- Tổ chức tốt các hoạt động và đảm bảo an toàn đón, trả khách tại các bến xe, điểm đưa đón học sinh đi học, bến phà, bến khách ngang sông.
- Rà soát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn, công tác kiểm định chất lượng xe cơ giới chuyên chở trẻ em; xe đưa đón học sinh; phương tiện thủy nội địa chuyên chở hành khách; việc trang bị và mặc áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi đi thuyền, đò.
- Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là đối với trẻ em trong quá trình tổ chức thi công các công trình giao thông, bao gồm: rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn tại các khu vực thi công công trình giao thông, những vị trí có nguy cơ đuối nước đối với trẻ em,…
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em với các nội dung: “Trường học an toàn giao thông”, “Cộng đồng an toàn giao thông”, “Phương tiện an toàn”, “Bến đò an toàn”, “Người đi đò mặc áo phao”, “Hành động vì an toàn trẻ em trên sông nước”, “Môi trường giao thông an toàn cho trẻ em”,...
- Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý chuyên ngành, nhà trường và gia đình trong việc giám sát, yêu cầu các học sinh chấp hành nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
- Triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến trẻ em khi tham gia giao thông hoặc sinh sống trên, ven các tuyến đường thủy nội địa.
- Huy động các nguồn lực, kết hợp với việc vận động rộng rãi tới các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng và các cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác phòng, chống tai nạn, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông bằng các hình thức như trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em, tặng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cho trẻ em thường xuyên phải đi lại bằng phương tiện thủy nội địa; tổ chức các hoạt động ngoại khóa và các cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông, thực hành luật giao thông,…
- Tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng nguồn tài trợ, kinh nghiệm, kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phòng, chống tai nạn, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng, chống tai nạn, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông như: quy định, tiêu chuẩn chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ chuyên chở trẻ em, xe đưa đón học sinh, mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, phương tiện thủy chuyên chở hành khách.
- Xây dựng, hướng dẫn thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn và nhân rộng mô hình phương tiện, bến xe, cảng, bến an toàn.
- Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong việc phát hiện, giám sát, gia cố, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện có nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em khi tham gia giao thông.
- Tăng cường quản lý, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông và tại các cơ sở dịch vụ, vui chơi giải trí có sử dụng phương tiện giao thông.
1. Ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương; các chương trình, dự án, đề án có liên quan khác theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị chủ động lập dự toán chi hằng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Khuyến khích việc tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động xã hội, cộng đồng, các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
1. Vụ An toàn giao thông: là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch.
- Đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em.
- Xây dựng, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai kế hoạch, chương trình về an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông; huy động, vận động các nguồn lực thực hiện các mục tiêu, giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông.
- Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông.
- Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện phòng, chống tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em theo quy định.
2. Thanh tra Bộ
Chỉ đạo, đôn đốc lực lượng thanh tra giao thông địa phương trong công tác phối hợp với lực lượng cảnh sát tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.
3. Vụ Tài chính
Tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực Giao thông vận tải của Bộ GTVT theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Tổng cục Đường bộ Việt Nam
- Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ.
- Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường bộ nêu tại Mục II của kế hoạch này, tham gia cơ chế phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
- Chỉ đạo, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đối với trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng, triển khai, kết hợp chương trình tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, tại các bến xe, trường học, khu dân cư, các điểm du lịch, tham quan giải trí.
5. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam
- Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy, đường biển.
- Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông thủy, đường biển, phòng chống đuối nước trẻ em nêu tại Mục II của kế hoạch này; tham gia cơ chế phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em.
- Chỉ đạo, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đường biển, phòng chống đuối nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng, triển khai, kết hợp chương trình tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ, đường biển, phòng chống đuối nước trẻ em tại các bến tàu, bến khách ngang sông, trường học, các điểm du lịch, tham quan giải trí.
6. Cục Đăng kiểm Việt Nam
- Chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ chuyên chở trẻ em, xe đưa đón học sinh, mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, phương tiện thủy chuyên chở hành khách.
- Tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ chuyên chở trẻ em, xe đưa đón học sinh, mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, phương tiện thủy chuyên chở hành khách.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn, công tác kiểm định chất lượng phương tiện cơ giới chuyên chở trẻ em, xe đưa đón học sinh, mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, phương tiện thủy chuyên chở hành khách.
7. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố
- Tham mưu với Ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố chỉ đạo Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố trực thuộc, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, phòng, chống tai nạn, đuối nước trẻ em.
- Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống đuối nước nêu tại Mục II của kế hoạch này tại địa bàn phụ trách.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy thuộc địa bàn.
8. Báo Giao thông, Trung tâm Công nghệ thông tin
Phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài ngành, chủ động tuyên truyền, đưa tin, bài về các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em cho người lớn và trẻ em; phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin và mạng internet để truyền thông, phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật, chính sách về phòng, chống tai nạn giao thông và đuối nước trẻ em.
9. Triển khai chế độ báo cáo
Định kỳ hằng năm, các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện Chương trình về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ An toàn giao thông) trước ngày 15/11 để Bộ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, bất cập, đơn vị báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để xử lý./.
- 1Công văn 1204/LĐTBXH-BVCSTE năm 2016 triển khai thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Công điện 04/CĐ-LĐTBXH năm 2021 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điện
- 3Quyết định 1462/QĐ-BTTTT năm 2021 về Kế hoạch triển khai Quyết định 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030" do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 4Công điện 01/CĐ-UBQGVTE năm 2022 về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em do Ủy ban quốc gia về trẻ em điện
- 1Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 2Công văn 1204/LĐTBXH-BVCSTE năm 2016 triển khai thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Nghị định 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 4Công điện 04/CĐ-LĐTBXH năm 2021 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điện
- 5Quyết định 1248/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1462/QĐ-BTTTT năm 2021 về Kế hoạch triển khai Quyết định 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030" do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 7Công điện 01/CĐ-UBQGVTE năm 2022 về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em do Ủy ban quốc gia về trẻ em điện
Quyết định 1977/QĐ-BGTVT năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 1977/QĐ-BGTVT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/11/2021
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Lê Đình Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra